16/05/2018 10:32 2088
Điểm: 3.6/5 (5 đánh giá)
Lập trình game, một hướng đi thú vị và năng động cho sinh viên Toán Tin

Trần Sỹ Hoàng Nam, Toán Tin K61 (Thực hiện).

Trò chơi điện tử (Video game hay gọi tắt là game) là một lĩnh vực không quá mới, nhưng chưa bao giờ là cũ và hết hot đối với thế hệ trẻ Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Đã có khá nhiều bạn trẻ hỏi trên các diễn đàn, hội nhóm rằng em muốn lập trình game thì nên học gì, hay rằng có thể học khoa khác ngoài Công nghệ thông tin hay không, hay cụ thể hơn là học ToánTin có thể làm lập trình game được không? Vậy thì, để trả lời cho câu hỏi này, hôm nay chúng ta có một buổi phỏng vấn với anh Nguyễn Thanh Tùng, cựu sinh viên K54 ngành Toán Tin, Viện Toán ứng dụng và Tin học -ĐHBKHN, một lập trình viên game của DTA Mobile.

-       Được biết anh hiện đang là Game Developer của DTA Mobile, anh có thể trích ngang một số thông tin nho nhỏ khác được không ạ?

Chào em, anh là cựu sinh viên K54, Viện Toán ứng dụng & Tin học. Công việc của anh hiện tại là phát triển mobile game trên nền Unity Engine. Game của nhóm anh từng làm gồm một số thể loại như: Tower Defense 3D, Arcade VR 3D, Puzzle 2D.

-       Trong những điều anh học được từ Viện, anh cảm thấy có những gì là đáng giá nhất đối với anh trong việc lập trình game nói riêng và sự nghiệp hiện tại nói chung?

Hồi còn là sinh viên, anh được Viện đào tạo đầy đủ những môn học căn bản cần thiết cho việc lập trình. Đặc biệt là các môn Tin học đại cương, Toán rời rạc, Cấu trúc dữ liệu & giải thuật đã mang lại nhiều kiến thức và kinh nghiệm quý báu. Mặc dù khi mới đầu làm game, mọi thứ đều khá mới mẻ và rắc rối, khó có thể thấy sự liên kết với các kiến thức đã học, nhưng dần dần các bài học về sử dụng toán học mô tả không gian (đại số vector, lập trình 3D), mô tả các sự kiện ngẫu ngẫu nhiên (xác suất thống kê, mô phỏng ngẫu nhiên), nghiên cứu chiến lược hành vi con người (trí tuệ nhân tạo, hệ neuron),… đều là những kiến thức định hướng giúp anh giải quyết nhiều vấn đề gặp phải. Hiện tại, anh vẫn muốn dành thời gian để tìm hiểu thêm một số kiến thức toán về lý thuyết trò chơi (John Nash), Machine Learning cùng AI để có thể giải quyết nhiều nhiều công việc phức tạp nhưng thú vị trong tương lai.

 
 Phần thi Mr. Fami năm 2010 của lớp Toán Tin 2 K54 mà anh Tùng tham gia.

-    Anh có kỷ niệm gì đặc biệt với Viện hay thầy cô trong Viện mà anh nghĩ mình sẽ không bao giờ quên không ạ?

Kỷ niệm khi là sinh viên thì phải nói là rất nhiều. Giờ anh vẫn nhớ nhiều tiết học của cô Huyền, cô Thư, cô Bạch Kim, thầy Sắn, thầy Huy, thầy Cảnh Nam, thầy Trường,... Đặc biệt là các thầy cô và Viện cũng tạo điều kiện xây dựng nhiều hoạt động động ngoài giờ cho sinh viên. Một trong các kỷ niệm không quên của anh là khi mới vào, đang là sinh viên năm 2 và thầy Danh Tú (bí thư Liên Chi Đoàn lúc đó) tổ chức một cuộc thi ứng dụng toán học và lập trình. Đề tài là nhận dữ dữ liệu từ một bảng excel dữ liệu chứng khoán trong một năm, cần tìm ra cách mua - bán cổ phiếu sao cho từ đầu năm tới cuối thu nhiều lãi nhất. Chẳng hiểu sao nhưng sau khi học về giải thuật quay lui ở môn Toán rời rạc thì anh tự dưng có ý tưởng cho đề tài kia. Và rồi sau 3 tháng thì anh có một chương trình viết bằng C chạy qua một đống exe command, output được kết quả ra file text. Những buổi thi mang chương trình ra chạy so kết quả với các anh chị, bạn bè trong Viện đều rất thú vị, vui vẻ và khó quên.

 
 Tham quan trung tâm Panasonic Risupia VN cùng thầy Danh Tú.

-       Là một người lập trình game, khi còn đi học anh có yêu thích hay đam mê với game không ạ? Anh có thể chia sẻ về một kỉ niệm nào đó liên quan đến game không ?

Hồi mới đầu thì đam mê với game của anh cũng như mọi người, chủ yếu là mải miết chơi thôi. Nhưng nhờ có một người bạn chỉ cho anh phần mềm RPG Maker mà anh được trải qua cảm giác lần đầu tiên tự làm được một game để chơi. Nếu em nào cũng thấy đó là một trong những điều tuyệt vời nhất trên đời thì nên thử theo nghiệp làm game xem sao.

-       Theo anh, một sinh viên cần chuẩn bị những gì để có thể trở thành một người lập trình trò chơi điện tử cho điện thoại? Nó khác như thế nào với lập trình trò chơi cho máy tính ?

Điều đầu tiên anh thấy chắc chắn là cần nắm chắc kiến thức cơ bản về lập trình và quen thuộc với việc tìm giải thuật cho các bài toán. Giải thuật ban đầu có thể không tốt nhưng vẫn tốt hơn là không nghĩ ra được gì cả. Thiết bị di động có nguồn tài nguyên khác so với máy tính nên kiến thức cơ bản sẽ giúp ích khi lập trình phần mềm cho môi trường này. Ngoài ra việc tự tìm tòi làm được một vài sản phẩm game chơi ổn (dù đồ họa thô sơ, xấu xấu) là điểm cộng thường thấy khi tuyển dụng.

Lớp Toán Tin 2 K54 nhận giải Mr. Fami 2010 cùng cô Kim Thư

-      VR đang dần trở thành một xu thế trong làng game hiện nay với số lượng ngày càng nhiều cũng như khả năng tương tác ngày một cải thiện. Theo em được biết, DTA Mobile là một công ty đã cho ra đời một số sản phẩm game VR, vậy anh thấy lập trình một game VR khác với lập trình một game mobile truyền thống như thế nào?

Game VR là game thực tế ảo và cần tạo được trải nghiệm 3D chân thực thú vị cho người chơi. Các hình ảnh đưa tới cho người chơi được xử lý 2 lần riêng cho phù hợp với 2 mắt. Vậy nên các rào cản so với game truyền thống anh thấy không chỉ là việc hiểu các kiến thức về 3D (vật lý, toán học), mà còn cần cẩn thận khi lập trình cho game có hiệu năng tốt trên thiết bị.

-       Anh đã từng gặp phải khó khăn gì mang tính bước ngoặt chưa ạ? Anh có thể chia sẻ một chút về nó không?

Tính bước ngoặt thì anh không nghĩ ra nhưng khó khăn mang tính chất thất bại thì anh đã gặp phải khá nhiều. Từ lúc ra trường mới tham gia start-up thì anh đã khó khăn khi thiếu kinh nghiệm, kiến thức về nhiều mặt, và không chỉ là thiếu về mặt lập trình mà còn nhiều mặt khác để cho ra một sản phẩm. Sau đó anh đã rời start-up để học hỏi nhiều hơn về thế giới lập trình ở một số công ty lớn và quay lại với một nhóm nhỏ làm game như hiện tại. Mặc dù chưa có thành công nào lớn nhưng anh vẫn đang tích lũy được nhiều điều hơn và hy vọng sẽ có nhiều sản phẩm đáng tự hào.

-       Anh hiện có đang ấp ủ một điều gì cho tương lai không ạ ?

Nghĩ vui thì anh mong là tương lai sẽ có vài môn học làm game ở toán - tin.

-      Em xin cảm ơn anh đã dành thời gian cho bài phỏng vấn này ạ. Chúc anh thành công hơn trong sự nghiệp của mình.

Anh cảm ơn. Nhờ em chuyển lời chúc các thầy cô và sinh viên Toán - Tin luôn mạnh khỏe, luôn giải quyết được các bài toán của cuộc sống.

 


Chia sẻ:

Bài viết khác

Một ngày khám phá công ty IT và câu chuyện về một cựu sinh viên Toán Tin

Một ngày khám phá công ty IT và câu chuyện về một cựu sinh viên Toán Tin

  • 11/05/2018 10:02
  • 2518

Học Toán Tin sẽ làm nghề gì? Học Toán Tin có thể phát triển sự nghiệp thành công trong lĩnh vực CNTT? Chúng tôi đã có buổi tham quan một công ty về lĩnh vực phát triển phần mềm; tích hợp hệ thống; nghiên cứu phát triển: A.I, Bigdata, IoT – Công ty Cổ phần Grooo International, có vốn đầu tư từ tập đoàn Grooo Nhật Bản. Và thật bất ngờ, Giám đốc công ty là một cựu sinh viên Toán Tin hơn chúng tôi 16 khóa. Grooo International là nhà tài trợ cho Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu khoa học hàng năm của Viện Toán ứng dụng và Tin học, và cũng là doanh nghiệp hợp tác với Viện để tổ chức thực tập kĩ thuật cho sinh viên.