04/08/2018 11:55 3123
Điểm: 3.83/5 (6 đánh giá)
Ở Mỹ hay Việt Nam: Câu chuyện một cựu sinh viên KSTN Toán Tin - Tiến sĩ, chuyên gia phát triển phần mềm tính toán trên web và BigData

Lê Thị Duyên (Thực hiện).

  • Giải nhất Vật Lý thành phố Hà Nội năm 1998
  • Giải nhì Olympic Vật Lý Sinh viên năm 2001
  • Giải Nhất nghiên cứu khoa học của Trường ĐHBKHN, phân ban Toán Tin ứng dụng.
  • Bí thư Chi đoàn KSTN Toán Tin K44.
  • Phụ trách mảng sinh viên nghiên cứu khoa học của Liên chi đoàn Khoa Toán Tin ứng dụng (Ngày nay là Viện Toán ứng dụng và Tin học).
  • Thủ khoa tốt nghiệp Khoa Toán Tin ứng dụng.
  • Thủ khoa tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội năm 2004.
  • Năm 2006: là một trong 40 người trong số hơn 3000 hồ sơ được duyệt hồ sơ xin học bổng của Quỹ giáo dục Việt Nam(VEF) với giá trị 54.000 USD.
  • Làm việc cho Phòng Phát triển phần mềm của Văn phòng CIO của Chính phủ bang Nebraska (Mỹ).
  • Kỹ sư phát triển phần mềm (Software Development Engineer) của Amazon Web Services (AWS- Công ty chuyên về mảng công nghệ Cloud của tập đoàn Amazon-Mỹ)
  • Kiến trúc sư giải pháp ( chuyên về công nghệ Cloud của AWS và Bigdata).
Hẳn các bạn cũng có cùng cảm giác tò mò và ngưỡng mộ như mình sau khi nhìn qua một bảng thành tích quá ấn tượng như thế này. Nhưng không đâu xa, nhân vật đó lại đến từ lớp KSTN của Khoa Toán Tin ứng dụng, ĐHBKHN (Ngày nay là Viện Toán ứng dụng và Tin học). Thật may mắn cho mình khi đã có một cuộc nói chuyện nho nhỏ để tìm hiểu thêm về anh. Nào, cùng mình đến với những chia sẻ của anh ý nhé!

-       Em chào anh, thật vui khi được là người phỏng vấn anh ngày hôm nay, mời anh giới thiệu về bản thân và quá trình công tác cho các bạn độc giả được không ạ?

Anh tên là Bùi Kiên Cường, học Kĩ sư Tài năng Toán Tin K44, hiện tại anh là kiến trúc sư phần mềm về mảng Amazon Cloud tại Ban Công nghệ của Fsoft.

Năm 2006 thì anh là một trong 40 người được duyệt hồ sơ xin học bổng của VEF trị giá 54.000 USD cho 2 năm học đầu tiên của Chương trình Đào tạo tiến sỹ tại trường Đại học tổng hợp Iowa( University of Iowa).

Sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại trường ĐH Tổng hợp Iowa với nội dung “Phương pháp giải quyết các bài toán dựa trên việc kết hợp tự động các dịch vụ tính toán trên web” (An evolutional domain oriented approach to problem solving based on web service composition), anh làm việc cho Phòng Phát triển phần mềm của Văn phòng CIO của Chính phủ bang Nebraska (Mỹ) khoảng hơn 1 năm. 

Sau đó anh được nhận vào đội phụ trách sựổn định của hạm đội máy chủ của AWS với vai trò kỹ sư phát triển phần mềm (Software Development Engineer).Sau gần 2 năm làm việc tại AWS ở Mỹ, thì anh trở về Việt Nam và đầu quân vào FPT Software với vị trí Kiến trúc sư giải pháp (chuyên về công nghệ Cloud của AWS và Bigdata).

  Anh Cường trong buổi lễ tốt nghiệp Tiến sỹ năm 2013.

-      Em thực sự ngưỡng mộ những thành tích mà anh đạt được, anh có thể chia sẻ thêm cho em biết là tại sao ngày ấy anh lại chọn Toán Tin và quá trình học tại hệ KSTN Toán Tin giúp anh trong công việc sau này như thế nào không ạ?

Anh chọn Toán Tin hồi xưa vì lúc đó anh muốn học sâu về các thuật toán và các chị phụ trách lớp KSTN có khuyên là nên học Toán Tin. Chắc hồi đó bị“xúi dại”. *cười*

Học Toán Tin giúp trang bị nền tảng kiến thức Toán học vững chắc giúp anh hiểu sâu và không ngại các thuật toán phức tạp về Học máy sau này.

Có kiến thức sâu rộng về Toán học rất có lợi trong thời đại 4.0 hiện nay khi mà trí tuệ nhân tạo đang là chuyên ngành hot.

Học Toán Tin còn trang bị nền tảng xác suất thống kê tuyệt vời giúp anh nắm bắt các thuật toán về học máy theo hướng xác suất thống kê nữa.

Hồi anh thi học bổng VEF mình cũng có lợi thế rất lớn so với các bạn bên CNTT vì các kì thi của Mỹ lại hỏi rất sâu về Toán, phần Đại số lý thuyết và Xác suất thống kê. Mà CNTT bên mình thì lại ko dạy sâu mấy môn đó nên hồi đó anh vượt qua mấy kỳ thi đó khá dễ dàng trong khi các bạn lớp CNTT lại gặp nhiều khó khăn hơn.

Anh Cường tham gia chiến dịch bầu cử của Obama năm 2012.

-      Theo như chia sẻ của anh thì rõ ràng toán học có vai trò rất lớn trong việc làm về CNTT. Ngày xưa anh đã học toán như thế nào, có bao giờ anh ghét toán không ạ?

Ngày xưa thì anh thích Vật Lý hơn. Anh thường học toán theo hướng nó là công cụ để giúp giải quyết các vấn đề thực tế. Ví dụ như giải các bài toán Vật Lý về chuyển động của các hành tinh hay dự đoán mực nước mùa lũ ... Mình thấy cách học Toán theo hướng áp dụng vào các bài toán thực tế như vậy giúp mình có nhiều động lực hơn và háo hức hơn để có thể vượt qua được những môn Toán “khoai”.

Hồi xưa thì thích nhất môn giải tích của thầy Nguyễn Đình Trí và môn xác suất thống kê của thầy Quỳ.

Ngoài ra thì anh cũng rất thích làm nghiên cứu khoa học với thầy Phan Trung Huy. Chính thầy Huy là người đưa anh đi sâu vào mảng cơ sở Toán của Tin học với các môn về ngôn ngữ hình thức và tính toán lượng tử.

Anh Cường tại Đại học Stanford (2017).

-        Anh thấy hệ KSTN có ưu điểm gì so với hệ thường ạ? Kỉ niệm khiến anh nhớ về thời sinh viên là gì?

Hệ KSTN thì rất tuyệt vời rồi. Theo mình, học hệ KSTN thì có những ưu điểm sau:

1.     Là được học cùng những bạn rất giỏi. Toàn những người ở các trường chuyên của cả nước. Sau này network của mình sẽ rất mạnh. Đây là vốn rất quý của các bạn sau khi ra trường.

2.     Thêm nữa là các bạn sẽ được các giáo sư giỏi nhất của khoa Toán Tin ứng dụng trực tiếp giảng dạy khiến cho mình hiểu rất sâu về các môn học.

3.     Hệ thống phòng học và phòng thí nghiệm hiện đại nhất của trường.

4.     Các bạn cũng được học bổng cũng rất cao. Các thầy lại ưu tiên nữa.

Kỷ niệm về thời sinh viên là ngồi ở nhà C11 ngắm hồ Tiền rất thơ, rất hay mộng mơ về nước Mỹ qua các bài nghe TOEFL. Với cả suốt ngày ăn ngủ trên thư viện C2 và các giảng đường. Ngoài ra có rất nhiều kỷ niệm đẹp về những buổi đi văn nghệ Đoàn thể rất vui!

Anh Cường tại Google Office.

-        Ngày trước, bên cạnh việc học thì anh có tham gia các hoạt động của Đoàn Hội không ạ? Theo anh thì việc tham gia hoạt động Đoàn Hội có tốt không, và những hoạt động đó cho anh những gì? 

Có chứ, anh là Bí thư của Chi đoàn KSTN K44 mà, suốt ngày tổ chức ăn chơi cho cả lớp. Ngoài ra anh còn phụ trách mảng Sinh viên nghiên cứu khoa học của Liên chi đoàn. Suốt ngày giục các bạn tham gia nghiên cứu khoa học. *cười*

Hồi đấy nghĩ lại thấy mình cũng nhiều năng lượng thật. Nói chung là hồi đó vui lắm, suốt ngày ở trường, chả mấy khi về nhà. Anh nhớ là hay đi cùng cô lớp trưởng Thu Hoài (*chị Hoài hiện là Tiến sĩ định cư tại Đức*), cũng là thủ khoa xuất sắc của trường, hai đứa bằng điểm luôn. =))))

Theo anh thì việc hoạt động Đoàn đội tốt cho việc cân bằng giữa học tập và giải trí. Hồi xưa hoạt động Đoàn vui là chính. Thanh niên mà! Nhưng sau này nghĩ lại thì thấy các hoạt động Đoàn cho anh sự năng động, hiểu biết về các định hướng của Khoa về nhiều mặt. Mình có nhiều cơ hội tiếp xúc thông tin hơn, biết các đầu mối thông tin trong trường để giải quyết vấn đề.

Anh Cường là diễn giả về Big Data tại Hội nghị quốc tế của Amazon Web Services cho toàn vùng Châu Á Thái Bình Dương năm 2016 tại trường Đại học Iowa, thành phố Iowa City (Mỹ).

-       Vâng, Em thấy anh có sự thay đổi công việc khá nhiều, là do anh muốn thử thách bản thân hay sao ạ?

À, vì anh thích thử thách mình với những cơ hội mới thôi. Với cả hồi đó ở Mỹ anh muốn được trải nghiệm nhiều môi trường.

Môi trường chính phủ Mỹ, môi trường tập đoàn lớn như Amazon hay như startup về Big Data như Adatao.

-       Vậy thì sau khi trải nghiệm qua các môi trường như thế rồi lại trở về Việt Nam để làm việc, thì anh thấy sự khác nhau giữa những môi trường làm việc đó là gì? FPT có phải là một môi trường tốt để các bạn sinh viên vừa ra trường muốn phát triển bản thân không?

Mỗi môi trường một khác nhau. Các cơ quan Chính phủ thì vẫn luôn chậm hơn tư nhân về mặt công nghệ.

Startup thì vất vả hơn làm việc ở tập đoàn lớn nhưng học được nhiều hơn. Đặc biệt học hỏi được rất nhiều từ các anh sáng lập viên về cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề.

Hồi đó founder của Adatao là anh Christopher Nguyễn là Director of engineering của Google.

Anh nghĩ FPT Software là một địa chỉ tốt để các bạn sinh viên vừa mới ra trường phát triển bản thân. FPT cung cấp cho các bạn những quy trình làm     phần mềm chuẩn của thế giới. Gần đây FPT cũng tập trung nghiên cứu rất    nhiều công nghệ mới như AI, Blockchain, Big Data, Cloud Computing, ...

-       Vâng, cảm ơn anh về những chia sẻ của anh, chúc anh công tác tốt và gặt hái thêm nhiều thành công nữa. Em cảm ơn anh!

 

(Xem thêm bài báo Dân trí viết về anh để biết rõ hơn quá trình công tác của anh: http://dantri.com.vn/nhip-song-tre/tien-sy-cong-nghe-8x-khong-hoi-tiec-khi-lua-chon-quay-ve-viet-nam-20160926110852006.htm )

 
Cập nhật:
-  Từ năm 2019, anh Bùi Kiên Cường chuyển sang làm ở VinGroup, với vị trí Giám đốc điều hành VinID, chuyên về quản lý dữ liệu khách hàng của VinGroup, nơi anh vận dụng rất nhiều những công nghệ về Cơ sở dữ liệu, Dữ liệu lớn (BigData), Kinh doanh thông minh, Máy học.
 
Anh Cường tại Kenedy Space Center - Florida, Mỹ.

Chia sẻ:

Bài viết khác

Du học, giảng viên đại học, chuyên gia phân tích dữ liệu: Những ước mơ và trải nghiệm của một cựu sinh viên kĩ sư tài năng Toán Tin Bách Khoa Hà Nội

Du học, giảng viên đại học, chuyên gia phân tích dữ liệu: Những ước mơ và trải nghiệm của một cựu sinh viên kĩ sư tài năng Toán Tin Bách Khoa Hà Nội

  • 03/08/2018 00:03
  • 4130

Học chương trình Tài năng Toán Tin, sinh viên sẽ có ưu thế gì? Sau đây là câu chuyện về một cựu sinh viên Tài năng Toán Tin ĐHBKHN. Tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu, trở thành giảng viên ĐHBKHN, du học làm Tiến sĩ tại Đức, tiếp tục Posdoc tại Mỹ, tham gia nhiều dự án của những trường ĐH nổi tiếng thế giới, và hiện giờ là chuyên gia phân tích dữ liệu (về BigData) tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển của tập đoàn Viettel: Đó là con đường rất đáng tự hào mà anh đã ước mơ, đã dấn thân và đã thành công. Anh cũng là đồng chí Bí thư Liên chi Đoàn, là người Thầy của chúng tôi trên giảng đường Viện Toán ứng dụng và Tin học.