15/06/2018 10:32 3748
Điểm: 3.25/5 (4 đánh giá)
Cựu sinh viên Toán Tin – Giám đốc Trung tâm OCS của Viettel – và hành trình chinh phục “Trái tim của nhà mạng”

Long Lệ - Toán Tin K61 (Thực hiện)

Cơ hội nào cho sinh viên Toán Tin trong thời đại công nghệ 4.0? Xu thế phát triển các công nghệ Database như thế nào? Công việc cũng như vị trí mà một kỹ sư Toán Tin có thể đảm nhiệm là gì?

Mời bạn đọc đến với bài phỏng vấn anh Nguyễn Đức Hải - Giám đốc Trung tâm OCS của Viettel – nơi có đến gần một nửa nhóm nghiên cứu tốt nghiệp từ khoa Toán Tin ứng dụng – ĐHBKHN (nay là Viện Toán Ứng dụng và Tin học) để tìm câu trả lời cũng như những chia sẻ về hành trình chinh phục “trái tim nhà mạng”!

Em chào anh ạ! Rất cảm ơn anh đã nhận lời trả lời phỏng vấn bài viết về cựu sinh viên của Viện. Sau đây em xin được phỏng vấn anh một vài câu hỏi ạ:

-      Đầu tiên, anh có thể giới thiệu cho độc giả biết về bản thân và công việc hiện tại anh đang đảm nhiệm được không ạ?

Đầu tiên, xin cảm ơn cô Huyền và em đã tín nhiệm anh và dành thời gian để phỏng vấn, cho phép anh chia sẻ về công việc.

Anh là Nguyễn Đức Hải, sinh viên K49 khoa Toán Tin ứng dng, hiện tại anh đang làm trong lĩnh vực viễn thông. Nói đến viễn thông thì chắc nhiều bạn sinh viên sẽ nghĩ ngay rằng ở Việt Nam đa phần các công ty viễn thông là làm khai thác và kinh doanh (Tức là nhà mạng đa phần đi mua thiết bị về lắp đặt, tích hợp với nhau thành một mạng lưới hoàn chỉnh rồi khai thác, cung cấp dịch vụ cho khách hàng). Tuy nhiên ở Viettel trong khoảng 3-5 năm gần đây thúc đẩy các vấn đề làm chủ công nghệ, trước kia đi mua về sau đó làm chủ về khai thác, có thể thay đổi tham số thì nay ở Viettel thực hiện quá trình Nghiên cứu và sản xuất các thiết bị mạng viễn thông. Trung tâm Nghiên cứu công nghệ mạng viễn thông tại Viettel (http://vttek.com.vn/en/ ) có nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển các hệ thống viễn thông từ lớp:

  • Mạng truy cập access: Các trạm thu phát sóng từ 2G, 3G, 4G, 5G (Cái mà mọi người hay nhìn thấy dựng cột anten ở ngoài trời).
  • Mạng lõi: Lớp các tổng đài xử lý và chuyển đổi giao thức, định tuyến.
  • Mạng ứng dụng: Lớp các tổng đài ứng dụng thực hiện quản lý thuê bao và tính cước, ...

Trong Trung tâm Nghiên cứu công nghệ mạng Viettel (có khoảng trên 400 nhân sự) có chia thành 5 Trung tâm về Nghiên cứu cho các lĩnh vực trên. Mình được giao nhiệm vụ là Giám đốc Trung tâm OCS, 1 trong 5 trung tâm trực thuộc của Trung tâm Nghiên cứu công nghệ mạng Viettel. Trung tâm Nghiên cứu OCS có nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển các tổng đài thuộc lớp ứng dụng. Tổng đài mà Trung tâm OCS đang nghiên cứu là hệ thống tính cước thời gian thực OCS (Online Charging System).

-       Để mang lại cho độc giả (đặc biệt là các bạn sinh viên Viện Toán ng dụng và Tin học) có cái nhìn cụ thể hơn về công việc cũng như vị trí mà một kỹ sư Toán Tin có thể đảm nhiệm, anh có thể chia sẻ thêm về công việc của bản thân được không ạ?

Ở phần trên anh đã nhắc đến Trung tâm Nghiên cứu công nghệ mạng Viettel có nhiệm vụ nghiên cứu và sản xuất các tổng đài mạng di dộng/cố định thế hệ 2G, 3G, 4G, 5G,...  Đây là một lĩnh vực khá mới ở Việt Nam, trên thế giới các công ty trong lĩnh vực này cũng tương đối ít như (Ericsson, Huawei, ZTE, Nokia, ….). Theo anh được biết thì trong Đông Nam Á cũng chỉ có Việt Nam là đang nghiên cứu về lĩnh vực này.

Khoảng 10 năm trở về trước khi nghiên cứu các tổng đài viễn thông thì đa phần đều phải tự nghiên cứu sản xuất phần cứng và phần mềm tích hợp lại thành một tổng đài hoàn chỉnh. Tuy nhiên, bây giờ, với xu thế công nghệ thì mọi thứ dễ dàng hơn, phần cứng là các thiết bị công nghệ thông tin như server, switch, storage,... Do vậy công việc tại Trung tâm Nghiên cứu công nghệ mạng đa phần chiếm 70% về lĩnh vực phần mềm, 30% về phần cứng vì lớp truy cập access bọn mình vẫn đang phải phát triển cả phần cứng. Vậy khi nhắc đến phần mềm thì mọi sinh viên chuyên nghành Toán Tin, Công nghệ thông tin đều tham gia vào quá trình này, cũng giống như sinh viên khoa mình đi làm ở các công ty phần mềm nói chung. Tuy nhiên các hệ thống, tổng đài trong lĩnh vực viễn thông có một độ phức tạp:

  • Các hệ thống đòi hỏi real-time (Thời gian thực - xử lý từng giao dịch cỡ vài mili giây).
  • Số lượng giao dịch đồng thời lớn: Cỡ hàng triệu khách hàng trên giây.
  • Tuân theo các chuẩn, nghiệp vụ do các tổ chức 3GPP, ITU định nghĩa rất phức tạp, …

Ở Trung tâm Nghiên cứu OCS thì có đến gần một nửa nhóm nghiên cứu tốt nghiệp từ khoa Toán Tin ứng dụng Trường Bách Khoa, có lẽ do mình là sinh viên khoa Toán nên thích tuyển các bạn từ khoa mình (cười).

-     Viettel Online Charging System (vOCS) đã được nhận giải thưởng của IT World Awards 2017, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia sản xuất OCS lớn nhất toàn cầu và nhận giải thưởng của IT World Awards 2017. Với vai trò là Giám đốc Trung tâm OCS, anh có thể chia sẻ về hành trình chinh phục “trái tim của nhà mạng” được không ạ? Những kiến thức cũng như kĩ năng được trang bị trong quá trình học tập tại Viện Toán ứng dụng và Tin học (Viện Toán UD&TH) đã giúp anh như thế nào trong quá trình làm việc ạ?

Cái này chắc các bạn đã đọc trên báo đúng không? (Cười) Đúng là trong mạng viễn thông, hệ thống OCS được ví như trái tim của nhà mạng hay còn gọi là core banking của viễn thông. Vì hệ thống OCS là nơi lưu trữ thông tin tiền của khách hàng, mọi giao dịch của khách hàng đều kết nối vào hệ thống OCS, hay nói cách khác là tất cả các hệ thống cung cấp dịch vụ đều kết nối tới OCS. Đến nay OCS đã trải qua 7 năm phát triển kể từ 2012 và có 3 phiên bản đóng gói. Các phiên bản ban đầu 1.0, 2.0 có dung lượng rất khiêm tốn chỉ 8 triệu thuê bao, tính năng cũng hạn chế, nhưng đến bản 3.0 hệ thống có thể đáp ứng tới 100 triệu thuê bao và các tính năng rất linh hoạt. Sản phẩm đã được triển khai trên 10 quốc gia do Viettel đầu tư, cung cấp dịch vụ đến 140 triệu khách hàng. Để có được sự thành công này, Trung tâm cũng phải tìm và thử rất nhiều công nghệ khác nhau, đặc biệt là công nghệ cơ sở dữ liệu và các mô hình thiết kế. Hiện nay Trung tâm đang nghiên cứu phiên bản 4.0 ứng dụng các công nghệ BigData, AI, NFV/Cloud hướng tới hàng tỷ thuê bao, để bắt kịp với sự bùng nổ của Internet of things, khi mà các thuê bao được định nghĩa rộng hơn như smart-home, smart-city, M2M, …

 
Anh Hải cùng đội ngũ vOCS.

-     Với vai trò là một chuyên gia, anh có đánh giá như thế nào về xu hướng phát triển các công nghệ như Object data, Big data, In Memory Data Grid,... ạ?

Mình xin phép không dám nhận hai từ “chuyên gia” này (cười). Theo quan điểm của cá nhân mình thì xu thế phát triển các công nghệ DataBase nói trên ngày càng phát triển. Ngày nay với sự cạnh tranh khốc liệt, bất kỳ một hệ thống cung cấp dịch vụ nào đến khách hàng phải đảm bảo các yếu tố nhanh, cá thể hóa và thu thập thông tin dữ liệu lớn của khách hàng để phân tích. Do vậy các hệ thống ngày càng phải hướng tới cung cấp online, số lượng giao dịch lớn và uptime (thời gian hoạt động) đạt 99,999%. Với hệ thống OCS có mô tả số lượng giao dịch và thời gian xử lý như trên thì Trung tâm phải áp dụng cả 3 công nghệ cơ sở dữ liệu nói trên để giải bài toán hệ thống lớn, dữ liệu của khách hàng lưu trên OCS đến hàng Petabytes.

-      Đứng trên góc độ là nhà tuyển dụng, theo anh sinh viên nói chung và sinh viên Viện Toán UD&TH nói riêng cần phải làm gì để bắt kịp với thời đại công nghệ 4.0?

Hiện nay, cả xã hội đang nhắc tới công nghệ 4.0, các ứng dụng và start-up mọc lên như nấm, dần hình thành các hệ sinh thái phần mềm của từng ngành. Tuy nhiên theo mình thì việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các ngành vẫn ở mức đơn giản, các bài toán khó, các giải pháp tổng thể, tích hợp các phần mềm lại với nhau còn nhiều vướng mắc. Lĩnh vực toán ứng dụng và tin học mình nghĩ trong thời gian ngắn nữa sẽ phát triển mạnh, trong phân tích dữ liệu thì việc tìm các mô hình toán học quan trọng, người làm phân tích data đều phải là dân toán. Đơn vị mình và các doanh nghiệp khác đều đang phải mở rất nhiều khóa học về phân tích dữ liệu mà căn bản đều quay lại học toán.

Với sinh viên Viện Toán UD&TH, trong quá trình học có nhiều lợi thế là học rất nhiều các môn về toán, theo mình các bạn nên học tốt và cố gắng thực hành nhiều, đây là điều có thể giúp các bạn tiến dài hơn trong tương lai. Công nghệ ngày càng phát triển, các opensource có thể giúp chúng ta xây dựng một phần mềm ứng dụng rất nhanh, cái đấy chúng ta có thể học từ đâu đó trên google. Nhưng để sáng tạo, để tạo sự khác biệt thì cần nhiều đến tư duy về toán, mà sau này ra trường học rất khó.

-      Mỗi người đã và đang gắn bó với Viện Toán UD&TH đều có những câu chuyện khác nhau. Vậy anh có thể chia sẻ về chặng đường học tập và nghiên cứu tại Viện, việc lựa chọn hướng đi cũng như những kỉ niệm đáng nhớ được không ạ?

Mình học tại khoa mình 4 năm, trong 4 năm đó thì các môn yêu thích của mình đa phần là toán, đồ án mà mình làm cũng về toán. Môn học mà mình nhớ nhất là môn Giải tích hàm, bước vào năm thứ 2, khi về khoa toán, nghe các thầy nói môn giải tích hàm là văn hóa của người làm toán, ai muốn giỏi nghề thì phải hiểu rõ môn này. Có lẽ vậy mà mình rất ý thức học môn này, thầy giáo giảng cũng rất kỹ và dễ hiểu, sau này các môn về toán tài chính và mô hình toán mình cũng rất chú ý. Tuy nhiên do ngày đó ra trường các đơn vị tuyển về làm toán còn ít nên các môn tin mình cũng chú ý học để cân bằng. Bạn bè cùng lớp khi đó đi học các lớp về phát triển phần mềm sử dụng các công nghệ, kỹ thuật lập trình bên ngoài rất nhiều nhưng mình thì vẫn tập trung các môn học ở trường, mãi đến kỳ cuối năm thứ 5 mình mới đi làm part-time.

-       Anh có thể chia sẻ với độc giả những dự định trong tương lai để phát triển công việc của mình không ạ?

Như các bạn biết đấy, làm việc ở Viettel khá bận rộn. Hiện tại về định hướng cá nhân thì mình chưa có, còn về công việc thì mình và anh em trong Trung tâm tiếp tục phát triển sản phẩm theo lộ trình đã vạch ra, sản phẩm trong thời gian tới thì mình sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ AI để tạo sự khác biệt. Trong năm nay mình định hướng cho một số anh em đi các lớp học ngắn hạn đào tạo về toán.

-      Cuối cùng, anh điều gì muốn nhắn gửi tới các thầy cô và các bạn sinh viên của Viện Toán UD&TH không ạ?

Cảm ơn em! Thay mặt cho các bạn cựu sinh viên khoa Toán Tin ứng dụng đang làm việc tại Trung tâm OCS, em xin kính chúc Ban Lãnh đạo Viện và quý thầy cô luôn mạnh khỏe, công tác tốt. Chúc các bạn sinh viên Viện toán UD&TH luôn say mê và vững tin vào hướng đi mình đã chọn, hy vọng một ngày nào đó chúng ta sẽ trở thành đồng nghiệp.

Cảm ơn anh vì dù rất bận rộn vẫn dành thời gian trả lời phỏng vấn, giúp cho các bạn sinh viên có cái nhìn rõ ràng hơn về công việc trong tương lai.

Hi vọng anh sẽ tiếp tục đồng hành với Viện trong các hoạt động của Viện như sinh hoạt công dân, tuyển dụng...

Chúc anh mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công! Chúc những dự định của anh sẽ sớm trở thành hiện thực!

Bạn đọc quan tâm về Trung tâm Nghiên cứu công nghệ mạng viễn thông tại Viettel có thể tham khảo thêm thông tin trên trang http://vttek.com.vn/vi/

Tạm kết: Hi vọng với những chia sẻ chân thành từ anh Hải, bạn đọc sẽ biết thêm một hướng đi và có góc nhìn đa chiều hơn về công việc và vị trí mà sinh viên Viện Toán UD&TH có thể đảm nhiệm, có thêm động lực để học tập và trau dồi kỹ năng của bản thân.

Bạn đọc quan tâm về Trung tâm Nghiên cứu công nghệ mạng viễn thông tại Viettel cũng như kế hoạch tuyển dụng có thể tham khảo thêm thông tin trên trang http://vttek.com.vn/vi/ và các bài viết trên trang của Viện Toán UD&TH https://www.facebook.com/SamiHust/ .

Bật mí với các bạn một điều nữa, Trung tâm OCS liên tục có tuyển thực tập sinh các khóa chủ yếu là cuối năm 3, năm 4. Yêu cầu thì không quá cao chỉ cần có tư duy logic về lập trình, có các kiến thức về dữ liệu... càng tốt. Có lương khoảng 4 triệu. Bạn nào có nhu cầu thì có thể gửi mail trực tiếp cho anh Hải nhé (haind13@viettel.com.vn) !

 
 
 

Chia sẻ:

Bài viết khác

Cựu sinh viên Hệ thống thông tin quản lý tự hào với nghề giảng viên CNTT

Cựu sinh viên Hệ thống thông tin quản lý tự hào với nghề giảng viên CNTT

  • 05/06/2018 23:25
  • 3975

Trong bối cảnh Công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện tại, ngành Hệ thống thông tin quản lý (MIS- Management Information Systems) là ngành học thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Vậy học ngành Hệ thống thông tin quản lý, ra trường làm gì? Đa phần cựu sinh viên HTTTQL của ĐHBKHN đã trở thành Chuyên viên phát triển phần mềm quản lý tại các công ty CNTT, bưu chính, viễn thông, thương mại điện tử, các tập đoàn công nghệ, …; hay Chuyên viên tin học, quản trị dự án, chuyên viên phân tích nghiệp vụ (BA) tại các doanh nghiệp, xí nghiệp, các công ty tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, các cơ quan hành chính nhà nước,… Một số ít hơn thì làm Chuyên viên thống kê phân tích, dự báo, hoạch định tại các ngân hàng, công ty tài chính, các doanh nghiệp,… Nhưng học HTTQL có thể trở thành giảng viên được chứ? Cuộc gặp gỡ với anh Phạm Thảo, cựu sinh viên HTTTQL K45, sẽ cho chúng ta câu trả lời.