22/05/2018 11:34 1799
Điểm: 3.25/5 (4 đánh giá)
Cựu sinh viên Toán Tin với niềm đam mê làm game

Trần Sỹ Hoàng Nam – Toán Tin K61 (Thực hiện).

Ngành công nghiệp trò chơi điện tử là một đề tài mở mà nhiều bạn sinh viên Công nghệ thông tin, Toán Tin vẫn thường đem ra để bàn luận một cách sôi nổi. Câu hỏi lớn nhất mà các bạn đặt ra là liệu đây có phải là một con đường mà mình nên dấn thân vào hay không, phải học gì để có thể đi trên con đường đó, đặc biệt là trong bối cảnh phát triển đặt dưới những thành kiến không thực sự tốt đẹp của Việt Nam về lĩnh vực này thời điểm hiện tại. Hôm nay, chúng ta có một buổi trò chuyện với anh Trần Anh Tuấn, một cựu sinh viên khoa Toán – Tin ứng dụng đại học Bách Khoa Hà Nội (nay là Viện Toán ứng dụng và Tin học) để có những chia sẻ về anh, cũng như những vấn đề xoay quanh câu hỏi đã nêu ở trên.

-       Anh có thể trích ngang một số thông tin cá nhân và vị trí công việc hiện tại được không ạ?  

Tên đầy đủ của mình là Trần Anh Tuấn, cựu sinh viên K51 khoa Toán - Tin ứng dụng (nay là Viện Toán ứng dụng và Tin học), hiện tại công việc của mình là Video Game Designer & Creative Director tại Simple Connect Fun Studios Vietnam - Là một công ty thiết kế và sản xuất mobile game tại Hà Nội.

-     Trong quá trình học tại trường đại học, anh cảm thấy những kiến thức, kỹ năng nào hỗ trợ anh tốt nhất trong công việc bây giờ ạ?  

Phải nói rằng, chương trình học của Viện Toán ứng dụng và Tin học đòi hỏi sinh viên phải có sự tập trung rất cao, mình nhớ là mình đã phải học tới 13 đến 15 môn học về Toán, và những thầy cô dạy bộ môn Toán đều rất kinh nghiệm và nghiêm khắc. Mình đã được rèn luyện rất nhiều trong quá trình học ở Viện. Những môn về toán Tối ưu và Xác suất thống kê đã học giúp ích rất nhiều cho mình trong công việc hiện tại!

-       Anh ấn tượng nhất với thầy cô nào trong Viện ạ? 

Mình có ấn tượng nhất với Cô Nguyễn Thị Bạch Kim và thầy Phan Trung Huy. Cô Bạch Kim đặc biệt rất nghiêm khắc và luôn thường xuyên điểm danh ngay từ đầu giờ học buổi sáng, nên những hôm cô giảng mình phải dậy rất sớm để đi học vì sợ bị lỡ điểm danh của cô. Và mình cũng nhớ đó là năm 2008, cô vừa ra mắt quyển sách do cô viết: "Các phương pháp tối ưu - Lý thuyết và Thuật toán", bọn mình đã được học thử nghiệm cuốn sách và cũng là người soát lỗi chế bản cho sách của cô luôn, một kỷ niệm rất vui vì đã giúp được cô hoàn thành cuốn sách đó. Còn với thầy Phan Trung Huy (thầy đã mất) là một người thầy rất hiền và tận tụy với sinh viên, thầy giống như người cha của bọn mình vậy, sẽ không bao giờ quên được thầy!

-       Được biết anh từng làm việc tại INGEN Studio, tuy nhiên em tìm trên mạng không có nhiều thông tin về nơi này, anh có thể giới thiệu qua về công ty và một số sản phẩm nổi tiếng nhất được không ạ?

INGEN Studios là công ty game mình vào ngay sau khi vừa ra trường, đó là một công ty game của Singapore mở văn phòng tại Việt Nam (giờ công ty này cũng không còn nữa). Hiện tại thì mình đang làm Creative Director và Video Game Designer lại Simple Connect Fun Studios, là một công ty startup về game tại Hà Nội chủ yếu sản xuất game dành cho mobile.

Công ty mình chưa có sản phẩm nào nổi tiếng cả, mình chỉ chia sẽ những sản phẩm mình đã tham gia và thấy tâm huyết thôi! Đó là game Puzzle Heroes.

 

 

Puzzle Heroes (INGEN Studios)

Chia sẻ về một số hình ảnh trong game, đây là game match-3 truyền thống, bọn mình đã lồng ghép và xây dựng hình ảnh dựa trên các nhân vật lịch sử của Việt Nam: Thạch Sanh, Trằn Tinh, Sơn Tinh, Thủy Tinh, Lạc Long Quân, Nữ thần Mặt Trời... và người chơi chơi đối kháng với nhau. Game ra mắt năm 2013, tuy nhiên do không mang lại doanh thu tốt nên phía Singapore đã không duy trì game nữa.

-       Vậy còn nơi làm việc hiện tại thì sao ạ?

Về công ty hiện tại thì năm 2015, Simple Connect Fun Studios đã được tham gia chương trình Gamefounders (trang web của chương trình: http://gamefounders.com)                                                tại Malaysia cùng 9 Startup đến từ các quốc gia khác. Được nghe giảng và làm việc với nhiều Mentors có kinh nghiệm về game đến từ các công ty game lớn trên thế giới như Nintendo, Valve, Wargaming, Unity, Rovio, PikPok... 

Một bài viết về công ty mình được đăng trên website chương trình: 

http://www.gamefounders.com/meet-simple-connect-fun-studio/


(Anh Tuấn ở giữa)

-       Là một người lập trình game, khi còn đi học anh có yêu thích hay đam mê với game không ạ? Anh có thể chia sẻ về một kỉ niệm nào đó liên quan đến game không?

Mình may mắn được làm công việc mà mình yêu thích vì từ khi còn rất nhỏ mình đã được chơi game. Hồi còn rất nhỏ nhà mình đã có máy chơi game, và Mario, Tetris, Contra... là một phần tuổi thơ của mình. Tuy vậy những năm học đại học mình không nghĩ rằng mình sẽ trở thành một người làm game đâu vì thời đó Tài Chính và Ngân Hàng là những ngành đang rất hot và rất nhiều công nghệ phần mềm tập trung để phát triển chúng. 

-      Theo anh, ở Việt nam, công việc lập trình, thiết kế game đang có thực trạng và tương lai như thế nào ạ?

Nghề lập trình và thiết kế game ở Việt Nam chỉ thực sự phát triển sau khi có smartphone, những công ty làm game ở nước ta hiện tay chủ yếu phát triển game cho các thiết bị này vì chúng ta chưa đủ công nghệ để làm game cho PC và Console được. Số lượng lập trình viên tham gia vào phát triển game cũng tăng nhiều hơn nhờ có sự đầu tư của các công tư lớn như VNG, VTC... và sự ra đời của các công ty, cá nhân làm game sau sự kiện Flappy Bird. Tuy vậy, sau một thời gian không có sản phẩm nổi bật và đem lại doanh thu lớn thì công việc phát triển game đã không còn thu hút được nhân lực nhiều nữa, các công ty nhỏ và cá nhân làm game cũng ít dần.

Một thưc trạng nữa đó là Việt Nam chưa có các trường học hay ngành học đào tạo về game, phần lớn những người làm trong lĩnh vực này (đặc biệt là Game Designer) phải tự mày mò, tìm hiểu các tài liệu và sách của nước ngoài. Không có nhiều các chương trình hội thảo, giao lưu để những người làm game gặp gỡ và trao đổi với nhau. Đó là điều đáng buồn và mình nghĩ là tương lai ngành game ở nước ta vẫn khá ảm đạm. (Mình chỉ nói về lập trình và thiết kế game, riêng ngành kinh doanh game thì không nằm trong những gì mình đã nói).

-       Anh có thể chia sẻ một chút về những khó khăn lớn nhất mà anh đã gặp phải trong công việc không?

Công việc nào cũng có lúc gặp khó khăn cả. Như mình nói ở trên, đó là mình phải tự làm, tự mày mò tìm kiếm tài liệu và các nguồn tham khảo, mình không có ai làm người thầy dẫn dắt khi công việc gặp khó khăn.

Để làm một Game Designer đòi hỏi mình phải trang bị rất nhiều kiến thức cơ bản về con người, động-thực vật, môi trường, văn hóa và vận dụng các kiến thức về Toán - Lý - Hóa... để có ý tưởng thiết kế Gameplay. Tiếp theo nữa là các công việc về Concept, Brainstorming, Prototyping, Playtesting, Balance các yếu tố và chỉ số của game, Teamwork cũng là công việc quan trọng. Sâu hơn nữa thì là xây dựng các thành phần của game như Story, Characters, Objectives, Elements, Resources, Functions, Rules, Fun-Fact, Challenges, Achievements... Rồi sau khi game ra mắt thì phải lưu ý đo đạc các chỉ số Retention, Daily/Weekly/Monthly Active User, Life Time Value, Average Revenue...

Mình đã từng bị choáng khi khối lượng kiến thức phải học và tìm hiểu là quá nhiều!

-       Trong tương lai, anh có đang ấp ủ, dự tính gì không ạ ? 

Mình vẫn sẽ theo đuổi công việc làm game vì nó là đam mê của mình rồi, ấp ủ một điều rằng mình sẽ sớm có một sản phẩm nổi tiếng để chia sẻ cùng mọi người. Hy vọng các bạn sinh viên có thời gian sẽ tìm hiểu thêm về công việc này, nó vẫn còn khá mới mẻ và còn rất nhiều đất để chúng ta khai thác nó.

-       Em xin cảm ơn anh vì đã dành thời gian cho bài phỏng vấn này. Em xin chúc sức khoẻ anh và chúc anh thành công hơn trong sự nghiệp của mình.

Cảm ơn bạn, chúc bạn học tốt và thành công!

 


Chia sẻ:

Bài viết khác

Lập trình game, một hướng đi thú vị và năng động cho sinh viên Toán Tin

Lập trình game, một hướng đi thú vị và năng động cho sinh viên Toán Tin

  • 16/05/2018 10:32
  • 2088

Trò chơi điện tử (Video game hay gọi tắt là game) là một lĩnh vực không quá mới, nhưng chưa bao giờ là cũ và hết hot đối với thế hệ trẻ Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Đã có khá nhiều bạn trẻ hỏi trên các diễn đàn, hội nhóm rằng em muốn lập trình game thì nên học gì, hay rằng có thể học khoa khác ngoài Công nghệ thông tin hay không, hay cụ thể hơn là học ToánTin có thể làm lập trình game được không? Vậy thì, để trả lời cho câu hỏi này, hôm nay chúng ta có một buổi phỏng vấn với anh Nguyễn Thanh Tùng, cựu sinh viên K54 ngành Toán Tin, Viện Toán ứng dụng và Tin học -ĐHBKHN, một lập trình viên game của DTA Mobile.