03/08/2018 00:03 4137
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Du học, giảng viên đại học, chuyên gia phân tích dữ liệu: Những ước mơ và trải nghiệm của một cựu sinh viên kĩ sư tài năng Toán Tin Bách Khoa Hà Nội

Lê Thị Duyên (Thực hiện).

Học chương trình Tài năng Toán Tin, sinh viên sẽ có ưu thế gì?

Sau đây là câu chuyện về một cựu sinh viên Tài năng Toán Tin ĐHBKHN. Tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu, trở thành giảng viên ĐHBKHN, du học làm Tiến sĩ tại Đức, tiếp tục Posdoc tại Mỹ, tham gia nhiều dự án của những trường ĐH nổi tiếng thế giới, và hiện giờ là chuyên gia phân tích dữ liệu (về BigData) tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển của tập đoàn Viettel: Đó là con đường rất đáng tự hào mà anh đã ước mơ, đã dấn thân và đã thành công. Anh cũng là đồng chí Bí thư Liên chi Đoàn, là người Thầy của chúng tôi trên giảng đường Viện Toán ứng dụng và Tin học.

-      Em chào thầy, em mời thầy giới thiệu về bản thân để cho các bạn biết với ạ =)))

Tên đầy đủ của mình: Bùi Tăng Bảo Ngọc, cựu sinh viên KSTN Toán Tin K46, ĐHBK Hà Nội. 1 vợ 2 con (:D). Đã từng là giảng viên trường mình nhưng hiện tại mình đang làm Data analyst tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển của Viettel (Viettel R&D). Trước mình vừa hoàn thành project về giám sát và hợp nhất dữ liệu nguồn dữ liệu lớn (Big Data) từ nhiều nguồn khác nhau. Hiện nay mình đang phụ trách dự án theo dõi giám sát các thông tin trên mạng.

-      Cơ duyên nào đã đưa thầy đến với Bách Khoa và đến với Toán Tin với tư cách là một sinh viên, rồi lại trở lại với tư cách là một giảng viên thế ạ? Thầy có thể nói sơ qua con đường đưa thầy tới vị trí bây giờ không ạ?Thầy có nghĩ mình có duyên với Bách Khoa không thầy =))))

Thời bọn mình là lứa cuối cùng thi vào đại học bằng hình thức tuyển sinh theo đề riêng của từng trường đại học. Mình nhớ lúc đó mình đỗ cả hai trường ĐHBKHN với ĐH Xây dựng, sau quyết định học BKHN rồi cũng vô tình vào Toán Tin như một cái duyên chứ lúc ấy cũng chưa có ai định hướng học gì, về sau làm gì. Lúc ấy, khi ra trường, mình có bắt đầu làm việc FPT một thời gian ngắn. Một hôm thầy hướng dẫn mình lúc ấy là GS Lê Hùng Sơn có bảo tham gia một hội nghị quốc tế tổ chức tại Huế do thầy trong Ban tổ chức. Sau dịp đó mình quay lại trường làm giảng viên và đi làm Tiến sỹ với chuyên ngành Toán ứng dụng ở CHLB Đức theo chương trình học bổng toàn phần của DAAD tại đại học Freiberg. Đại học kỹ thuật Freiberg là trường đại học lâu đời nhất về khai thác mỏ và khoáng sản trên thế giới. Sau khi làm xong Tiến sỹ ở Đức mình có may mắn được giới thiệu vị trí Postdoc 3 năm ở đại học University of California, Irvine (UCI) tại Mỹ. Trường UCI là trường đại học xếp hạng đại học công lập thứ 9 tại Mỹ và thuộc hệ thống các trường công lập University of California gồm các trường nổi tiếng như UC Berkeley hay UCLA. Tại Mỹ, mình có tham gia vào dự án phối hợp giữa UCI với MIT và UNM về việc nghiên cứu mô hình toán và giải bài toán biên cho máy khuếch đại truyền sóng lên vệ tinh. Sau khi về nước mình có quay lại trường ĐHBK làm giảng viên một thời gian ngắn nhưng vì một phần do gia đình và một phần muốn theo đuổi ước mơ từ lúc học đại học, mình quyết định dấn thân vào nghiệp làm chuyên gia phân tích dữ liệu.


Một buổi Seminar ở TU Freiberg, Đức 2013.

-      Ngày trước thì tại sao thầy lại chọn hệ KSTN Toán Tin để theo học thế ạ? Cho đến bây giờ thì thầy thấy quyết định đó là đúng hay sai?

Như mình đã chia sẻ ở trên, mình đến với KSTN Toán Tin như là một chữ duyên. Ngày đấy sau khi thi vào Bách Khoa với số điểm khá cao mình có đăng ký thi vào KSTN. Thời điểm đó có 5 ngành được chọn lựa là CNTT, Toán Tin, Vật Lý, Hệ thống ĐK tự động với Cơ tin Điện tử. Bản thân mình lúc đó là dân thi toán từ bé nên lựa chon Toán Tin là nguyện vọng 1, CNTT là nguyện vọng 2. Sau biết thông báo đỗ vào Toán Tin mình đi nhập học thôi, chứ lúc ấy có ai định hướng đâu (:D) ! Đến bây giờ mình thấy quyết định đó phù hợp với mình đến thời điểm này cho dù trong lĩnh vực Academic hay làm Data Analyst như bây giờ.

Thầy Ngọc ở Nhật Bản (2009).

-      Theo thầy thì ưu và nhược điểm của hệ KSTN so với hệ thường là gì? So với ngày trước thì bây giờ hệ KSTN có điều gì khác không ạ?

Ưu điểm thì theo mình các bạn tốt nghiệp từ hệ KSTN ra thường có xuất phát điểm là tự tin hơn vào chính bản thân mình, điều đó có lợi rất lớn khi các bạn dám đảm nhận những dự án thực sự là khó khăn và thách thức. Ngoài ra, nếu không tính những lợi thế về những điều kiện học lúc ở trường, thì khi ra trường, cộng đồng cựu sinh viên KSTN là một cộng đồng có nhiều người thành công và duy trì các mối quan hệ khá bền vững cũng là một lợi thế.

Nhược điểm, thì chắc mình thấy đa phần các bạn học ở KSTN đều định hướng sau khi tốt nghiệp thường đi du học hoặc làm việc ở các công ty nổi tiếng và thực tế đã có nhiều người thành công trong lĩnh vực Academic hay thành các chuyên gia ở nước ngoài cũng như Việt Nam nhưng thiếu nhiều những người nổi tiếng trong lĩnh vực start-up hay kinh doanh.

 Ảnh chụp ở Golden Gate Bridge, San Francisco, Mỹ.

-      Ngày còn là sinh viên thì thầy đã định hướng công việc sau này cho mình như thế nào? Có thầy cô nào đã ảnh hưởng đến định hướng của thầy không?

Định hướng công việc từ lúc còn là sinh viên riêng bản thân mình (cũng có thể thời mình) là điểm yếu so với các em sinh viên bây giờ. Các em bây giờ rất năng động, đã có nhiều em đã đi làm thêm, thực tập, mở công ty, đã biết trau dồi kỹ năng từ năm thứ ba, thứ tư. Mình lúc còn sinh viên chỉ biết tận hưởng đủ nguyên vẹn cả 5 năm quãng đời sinh viên: đi học, đi chơi, tham gia các hoạt động ở trường, xã hội… :D. Về thầy cô ảnh hưởng tới mình lớn nhất thì chắc chắn vẫn là thầy hướng dẫn mình: GS Lê Hùng Sơn, không chỉ lúc còn trên giảng đường, mãi đến về sau mình vẫn luôn cảm ơn thầy đã tạo điều kiện cho mình được như hôm nay. Ngoài ra một số thầy cô mình ngưỡng mộ và tạo cho mình đông lực trong cuộc sống như thầy Nguyễn Đình Trí, thầy Phan Trung Huy, cô Nguyễn Thị Bạch Kim.

Thầy Ngọc tại Polignano a Mare (Ý).

-      Những kiến thức khi học tập đã giúp thầy như thế nào trong việc học chuyên sâu hơn và trong quá trình làm việc bây giờ?

Đúng là khi học mình nhiều lúc tự hỏi học môn này làm gì, có ích gì không. Nhưng đến nay ngẫm lại, mình thấy nó thực sự rất có ích cho mình. Việc học chuyên sâu hơn thì không thể thiếu những kiến thức nền tảng, còn về công hiện tại của mình thì những tư tưởng hay kiến thức trong lúc học có thể sử dụng trực tiếp như trong các môn đại số tuyến tính , giải tích, giải tích hàm, xác suất thống kê hay tối ưu luôn luôn được sử dụng trong các thuật toán Machine Learning hay Deep Learning ở công việc hiện tại của mình.

-      Ở Bách khoa lâu như thế, thì kỉ niệm mà thầy nhớ nhất là gì? Khi là một sinh viên và khi là một giảng viên thì cái nhìn của thầy về Bách Khoa có khác đi không ạ?

16 năm mình gắn bó với Bách Khoa là gần cả tuổi thanh xuân của mình nên nhớ về BK mình nhớ từng hàng cây, từng căn phòng, từng lối đi, từng biển hiệu và nỗi nhớ thậm chí còn vào cả những giấc mơ của mình. Cho dù dưới góc nhìn sinh viên hay giảng viên thì nó luôn luôn đẹp dịu dàng, đẹp từ những ánh mắt ngây thơ của những ngày đầu chạy vội tìm phòng học của một cậu sinh viên hay những chiếc lá vàng rơi, những góc phòng quen thuộc của ngày cuối cùng khi quyết định chia tay trường.

-      Trước đây thầy có làm Bí thư Liên chi đoàn Viện Toán ứng dụng và Tin học, thì thầy thấy việc tham gia các công việc Đoàn - Hội có ý nghĩa như thế nào với các bạn sinh viên ạ?

Làm một việc gì có ý nghĩa đều là dấu ấn đẹp trong cuộc đời bạn cả. Với mình, cuộc sống không ai biết ngày mai sẽ thế nào. Tại sao không cố gắng, nỗ lực từ hôm nay? Việc tham gia các công việc Đoàn - Hội là một dấu ấn có ý nghĩa trong suốt quãng đời sinh viên, cái mà bạn không thể đánh đổi được một lần nào nữa khi bạn đã ra trường. Tuy nhiên, cũng phải xác định rõ, các bạn vào đại học đa phần mục tiêu chính của các bạn vẫn là việc học, vậy hãy sẵn sàng tham gia khi bạn đã trang bị đủ kiến thức trên lớp và các kỹ năng cần thiết cho công việc về sau, đồng thời tự cân đối thời gian giữa việc học và việc sinh hoạt Đoàn - Hội. Nhiều bạn đam mê quá cũng không hẳn là tốt, hãy cố gắng cân bằng mọi thứ một cách phù hợp với mình nhất. Ngoài ra, tùy thuộc hoàn cảnh của từng người, không nhất thiết phải cố gắng tham gia bằng được khi hoàn cảnh chưa cho phép.

Thầy Ngọc ở Thượng Hải.

-      Thầy đánh giá như thế nào về cơ hội của các bạn sinh viên Viện Toán UD&TH hiện nay?

Hiện tại là cơ hội lớn cho các bạn sinh viên Toán Tin, đặc biệt lĩnh vực AI đang thu hút được nhiều quan tâm của xã hội và cần rất nhiều nhân lực trong lĩnh vực này có một kiến thức nền tảng toán tốt và có tư duy phân tích dữ liệu, đó là lợi thế của các bạn sinh viên Toán Tin. Như hiện tại, bên Viettel R&D cũng sẵn sàng trả lương từ 1000$ đến 5000$ cho những bạn mới ra trường hay những bạn đã có kinh nghiệm về phân tích và xử lý dữ liệu.

Em cảm ơn thầy đã chia sẻ rất nhiều điều thú vị, đã tạo động lực và định hướng học tập cho chúng em. Em chúc thầy luôn mạnh khỏe, thành công hơn nữa trong niềm đam mê ứng dụng Toán Tin vào thực tiễn.
 

Chia sẻ:

Bài viết khác

Kỹ sư Bách Khoa giúp doanh nghiệp tối ưu hóa vận hành với chi phí thấp

Kỹ sư Bách Khoa giúp doanh nghiệp tối ưu hóa vận hành với chi phí thấp

  • 18/07/2018 09:52
  • 2432

Bằng đam mê, sự kiên trì và bền bỉ, doanh nhân Lê Việt Thắng đã hiện thực hóa thành công ý tưởng trong mơ về giải pháp quản trị doanh nghiệp với chi phí rẻ. Phần mềm 1Office được anh "thai nghén" từ năm 2011, xuất phát từ đam mê với ngành toán ứng dụng và giấc mơ đưa ra một giải pháp quản trị tổng thể cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Anh là cựu sinh viên Toán Tin K47, lớp Toán ứng dụng. Để có một phần mềm mang lại sự tối ưu, hiệu quả cho các hoạt động trong đời sống, công việc, không chỉ đơn giản là CNTT, còn cần những phương pháp toán học - và đó cũng là ưu thế của một chuyên viên phát triển phần mềm "xuất thân" từ Toán Tin của ĐHBKHN.