Đặng Nhật Huy, CTTN Toán Tin K65
Chuyên ngành Toán-tin liệu có sức hút với các bạn
học sinh THPT chuyên ngành xã hội? Sẽ như thế nào nếu các bạn xuất thân chuyên
ngoại ngữ quyết định theo đuổi đam mê với khoa học và công nghệ? Ngày hôm nay,
hãy cùng với mình trò chuyện cùng với anh Nguyễn Đức Vượng – cựu sinh viên Tài
năng Toán tin đại học Bách Khoa Hà Nội nhận học bổng tiến sĩ tại Mỹ.
Q: Cảm ơn anh
Vượng đã đồng ý tham gia buổi phỏng vấn ngày hôm nay. Lời đầu tiên, anh có thể
giới thiệu qua đôi chút về bản thân và chia sẻ một chút về ngành học của mình
hiện tại không?
A: Chào em, anh
là Nguyễn Đức Vượng, cựu sinh viên chương trình tài năng Toán tin K62 Viện Toán
ứng dụng và Tin học, đại học Bách khoa Hà Nội. Tháng 9 này, anh sẽ sang Mỹ học
chương trình đào tạo tiến sĩ chuyên ngành Computer Science tại đại học
University of Houston.
Q: Theo em biết,
trước khi vào đại học, anh là cựu học sinh chuyên Anh của trường THPT chuyên Lê
Hồng Phong Nam Định. Học sinh chuyên ngữ thường ưa chuộng khối ngành kinh tế hoặc
ngôn ngữ nhưng tại sao anh lại lựa chọn theo học ngành toán-tin hệ chương trình
tài năng. Anh có thể chia sẻ đôi chút về điều này không?
A: Câu hỏi này
anh được nhận rất nhiều từ gia đình, bạn bè và người thân, và đôi khi chính anh
cũng đặt lại cho bản thân mình. Vì anh là học sinh chuyên Anh – thiên nhiều hơn
về xã hội cơ mà lại chọn điểm đặt chân tiếp theo là một ngành của khối tự
nhiên, chắc hẳn có gì đó sai sai ở đây nhỉ?! Lý do chủ quan là anh nhận thấy
con người anh khá là hướng ngoại, luôn muốn trải nghiệm và thử thách nhiều điều
mới mẻ. Lý do khách quan là cuộc sống hiện tại của chúng ta đã và đang được
công nghệ hóa. Ngành công nghiệp 4.0 với trí tuệ nhân tạo, machine learning
(máy học),… đã cuốn hút anh. Với những kỹ năng mềm, vốn tiếng anh mà anh có kết
hợp cùng kiến thức về toán, tin học, và công nghệ, nó sẽ giúp anh rất nhiều
trong công việc của anh sau này, khi đó con đường anh đi sẽ bền vững hơn, và sẽ
là nền tảng giúp anh đi đến ước mơ startup 1 công ty về công nghệ. Đó là lí
do anh đã lựa chọn Toán tin của Viện
Toán ứng dụng và Tin học là điểm đến vô cùng quan trọng tiếp theo trên hành
trình mà anh đã vạch ra. Và để có thể được thử sức mình nhiều hơn, anh đã chọn
học hệ Tài năng, tuổi trẻ mà mình phải hết mình đúng không em?
Q: Phép thử nào
cũng có thể cho ra sai số nhưng việc anh tự tin như vậy chắc chắn anh đã chuẩn
bị cho mình tâm thế từ lâu. Vậy quãng thời gian học tập tại đây có ảnh hưởng đến
các dự định ban đầu của anh không và có khi nào anh cảm thấy mình mất phương hướng
không ạ?
A: Điều này thì
nên bắt đầu từ những ngày đầu tiên anh bước vào cánh cửa đại học. Như anh đã
chia sẻ ở trên đó, từ một học sinh chuyên Anh, có thể coi là nhiều thiên hướng
xã hội, khi mà anh chuyển sang một lĩnh vực mới, một lĩnh vực tự nhiên, thì lúc
đầu anh cũng gặp khá là nhiều khó khăn vì là học toán và tin mà. Nhưng mà thầy
cô ở đây rất là tận tâm, thầy cô đã giúp đỡ anh rất nhiều, dù là bài mới hay
bài cũ, có gì không hiểu thầy cô đều giải đáp giúp anh rất tận tình. Ngoài thầy
cô thì bạn bè cũng giúp đỡ anh rất nhiều trong quá trình học tập cũng như làm
quen với cuộc sống mới ở đại học. Dù khả năng tư duy về toán, tư duy logic trước
đó của anh chưa được tốt, nhưng nhờ có thầy cô và các bạn thì anh cũng đã được
cải thiện rất nhiều. Cuộc sống đâu phải lúc nào trải đầy hoa hồng đâu đúng
không nào. Nhờ chính những khó khăn ấy và cũng nhờ thầy cô, bạn bè ở viện Toán ứng
dụng và Tin học mà bản thân anh thấy mình đã trưởng thành hơn rất nhiều, có nhiều
hứng thú hơn với việc học, cũng như là có định hướng rõ ràng hơn cho tương
lai.
Q: Chắc hẳn mọi
người đã đều biết: “Toán là nền tảng của mọi môn khoa học khác”. Với những kinh
nghiệm anh có được, anh thấy rằng toán – tin là hai luồng kiến thức gắn kết chặt
chẽ như thế nào?
A: Anh nghĩ nếu
ai có định hướng apply vào khoa Toán-tin cũng đã từng có những trăn trở về điều
này. Anh thấy rằng toán là nền tảng của tin và tin cũng là nền tảng của toán,
toán thiên nhiều về lý thuyết còn tin lại hướng đến thực hành. Như ta đã biết,
lý thuyết mà không có thực hành sẽ thật vô nghĩa mà thực hành không dựa vào nền
tảng về lý thuyết chắc chắn sẽ không cho tính xác thực cao. Vì thế, toán và tin
luôn là 2 môn học gắn kết chặt chẽ với nhau và nó là nền tảng của nhau. Anh thấy
với việc học khoa Toán-tin luôn là một sự lựa chọn xu hướng trong cuộc sống
ngày nay và khi ấy, chúng ta được học kiến thức nền tảng của hai lĩnh vực đang
tạo nên cuộc cách mạng công nghiệp trong thời đại mới này.
Q: Sau khi tốt
nghiệp chương trình Toán-tin của đại học Bách Khoa Hà Nội, chắc hẳn anh đã có một
khối lượng kiến thức khá lớn về toán làm điểm tựa. Vậy việc học quá nhiều toán
có thực sự cần thiết đối với các bạn không đi sâu vào việc nghiên cứu thuần
toán học? Những ngành nghề gì các bạn sinh viên có thể theo đuổi sau khi ra trường?
A: Theo quan điểm
của cá nhân anh, i. Việc chúng ta học những môn toán quá nặng về lý thuyết, học
thuật sẽ không quá cần thiết với một người không muốn đi sâu nghiên cứu thuần về
toán. Sau những năm học đại học và 1 khoảng thời gian đi làm, anh nhận ra rằng
toán quan trọng trong mọi lĩnh vực nhưng đối với từng ngành nghề, chúng ta sẽ cần
một lượng kiến thức toán nhất định nên việc chúng ta chắt lọc những thứ được học
quả thật là rất cần thiết. Ví dụ như các bạn học Toán-tin có thiên hướng về lập
trình, chúng ta đã có đủ kiến thức toán làm bàn đạp rồi nên sẽ bớt đi khoảng thời
gian học thêm toán đáng kể khi đi làm hay thực tập. Đó là lợi thế so với các bạn
chuyên ngành khác chưa hề được học đến.
“Không ai có thể đánh cắp bất cứ hạnh phúc nào
trong những khoảnh khắc của thanh xuân. Đối với tôi, 4 năm ở Bách Khoa như chưa
hề trôi mất 1 giây nào”
Q: Sắp tới, anh
sẽ sang Mỹ chuẩn bị cho chương trình đào tạo tiến sĩ tại đại học University of
Houston. Vậy đâu là lí do khiến anh quyết định lựa chọn hướng đi này cho mình?
A: Mục tiêu 5 năm
tới của anh chính là trở thành 1 business development manager tại một tập đoàn
hàng đầu khi quay trở về Việt Nam. Số liệu những năm gần đây cho thấy rằng đa số
các sinh viên quay trở về Việt Nam làm việc sau khi học tiến sĩ tại nước ngoài
sẽ được rất nhiều tập đoàn lớn trọng dụng. Như vậy, với tấm bằng tiến sĩ tại Mỹ
cùng với chuyên môn mà anh có, khi trở về Việt Nam, anh có thể bước đầu thuận lợi
hơn trong việc đạt được được những vị trí công việc mà bản thân mình mong muốn.
Còn việc tại sao lại là Mỹ thì có 3 lí do chính như sau. Thứ nhất, nước Mỹ cho
phép học thẳng lên tiến sĩ từ bậc cử nhân khi đó anh sẽ tiết kiệm được nhiều thời
gian hơn. Thứ hai, Mỹ là nền giáo dục hàng đầu về nghiên cứu những ngành STEM,
cuối cùng là anh cảm thấy tính cách của mình hợp vs đất nước năng động open như
nước Mỹ. Còn mục tiêu xa hơn là anh muốn đào sâu vào nền tảng của khoa học máy tính, nghiên cứu
thêm các công nghệ mới và tạo một network mạnh để cùng phát triển sau này.khi
quay trở về cống hiến cho đất nước, anh có thể áp dụng những gì đã tích lũy được
vào y tế, nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống ở những vùng nông thôn
tại Việt Nam chúng ta
Q: Đại học
University of Houston là một ngôi trường không dễ dàng gì để xin được học bổng
theo học tại Mỹ. Anh có thể chia sẻ cho em và các bạn có mong muốn đi du học được
biết về quãng thời gian anh chinh phục được nấc thang đặc biệt trong cuộc đời
đó không?
A: Để đi được đến
ngày hôm nay, so với các bạn điểm số của anh không phải là quá xuất sắc nhưng
bù lại anh lại có một số công trình
nghiên cứu khoa học. Đó cũng là một trong những yếu tố quan trọng để tăng cơ hội
đậu vào các trường top ở Mỹ. Về thông tin về các học bổng ở châu Âu hoặc Mỹ.
anh được thầy cô trong viện chia sẻ rất nhiều, đặc biệt là thầy Ngọc (thầy Lê
Chí Ngọc - giảng viên Viện Toán ứng dụng và Tin học), thầy đã chia sẻ với anh rất
nhiều học bổng phù hợp với những điều kiện
anh đang có. Thực sự là phải cảm ơn thầy cô trong viện rất nhiều khi đã hỗ trợ
anh thông tin về những học bổng học Tiến sĩ tại nước ngoài. Và anh được định hướng
sẽ apply chương trình tiến sĩ thông qua chương trình VEF 2.0, 1 chương trình hỗ
trợ ứng viên khá là quen thuộc với sv viện mình. về việc chuẩn bị hồ sơ để du học thì cần khá là
nhiều thứ cũng như là thời gian. Đặc biệt là paper (bài trình bày tại hội nghị
khoa học). Là sinh viên để tự tay mình cho ra một paper quả rất khó và mất thời
gian. Để chuẩn bị cho điều đó, anh đã liên hệ với các thầy cô, và họ đã giúp đỡ
anh rất nhiều trong việc hoàn thiện paper, đặc biệt là thầy Thăng (thầy Trần Ngọc
Thăng - giảng viên Viện Toán ứng dụng và Tin học). Thầy đã giúp đỡ anh rất nhiều
và tận tình, nhờ đó mà anh có được một vài công trình nghiên cứu khoa học đã được
công bố. Sự trưởng thành của anh tại đây đã nhận được quá nhiều sự giúp đỡ của
thầy cô của Viện Toán ứng dụng và Tin học. Nơi này giống như một chiếc lò xo của
cuộc đời anh vậy. Qua 4 năm học tập, anh gần có thể nói rằng mình đã có những
bước đà để phóng tới vùng đất mới của bản thân, cởi bỏ những sự tự ti hay là những
suy nghĩ bó buộc bản thân hồi cấp 3 hay là những ngày đầu bỡ ngỡ ở cánh cửa đại
học.
“Trước khi tuổi trẻ này đóng lối, hãy luôn cố gắng,
không ngừng học hỏi và thực sự quyết tâm trên con đường mình đã chọn.”
Q:Sắp tới chính
là quãng thời gian chọn trường đại học của các bạn học sinh cấp 3, anh có đôi lời
nhắn gửi gì đối với các bạn học sinh nói chung và các bạn ấp ủ giấc mơ Huster
nói riêng không?
A: Kỳ thi đại học
nó là một kỳ thi rất quan trọng đối với bất cứ ai thôi. Bước qua cánh của đại học
là một điều mà ai cũng sẽ mơ ước. Để chuẩn bị tốt cho nó mong là các em luôn
luôn giữ vững sự tự tin, giữ vững được đam mê và đi đúng hướng. Đam mê thôi thì
chưa đủ, chúng ta phải hành động, phải bắt tay vào học tập, và luyện tập. Rèn
luyện kỹ năng, tư duy, cách làm bài để làm sao đạt kết quả tốt nhất. Với các bạn
học sinh chuyên Anh, hay các bạn học sinh xã hội, các bạn không chỉ mở rộng kiến
thức của mình ở lĩnh vực xã hội mà chúng
ta nên phát triển kỹ năng chuyên môn về công nghệ, vì nó là thứ đã, đang và sẽ
thay đổi thế giới của chúng ta. Khi có kiến thức về toán, về tin thì sẽ là một
điều rất là hữu ích, cho nên các chuyên ngành về toán tin sẽ là một sự lựa chọn
không hề tồi cho các bạn đang học xã hội. Tất nhiên khi chuyển từ xã hội sang tự
nhiên sẽ phần nào gặp khó khăn nhưng khi chúng ta biết cách học và phân chia thời
gian hợp lý cùng với sự giúp đỡ của thầy cô và bạn bè thì mình nghĩ chuyện đó
hoàn toàn nằm trong khả năng của mình. và chúng ta có thể phát triển tốt trên
con đường mà chúng ta đã chọn.
Thế là cuộc phỏng vấn đến đây là hết rồi, một lần
nữa, em rất cảm kích anh khi có thể nhận được lời tham gia của anh, những câu
chuyện và những chia sẻ của anh chính là một niềm tin mà các bạn học sinh sẽ gửi
gắm. Chúc anh Vượng luôn thành công và vững tin trên con đường mà anh đã chọn.
Không có con đường thành công nào đều được trải đầy hoa hồng nhưng em tin rằng,
với những cố gắng của mình, anh sẽ đúc những khó khăn thành những viên kim
cương và luôn giữ nó thật xa trên con đường của bản thân. Cảm ơn anh đã dành thời
gian cho buổi phỏng vấn ngày hôm nay nhé!
Anh cũng cảm ơn em và viện Toán ứng dụng và Tin
học đã cho anh có cơ hội được chia sẻ nơi mà gắn bó với anh những năm tháng tuổi
trẻ, anh mong rằng những chia sẻ của anh phần nào đó sẽ giúp ích các bạn học
sinh có được một lựa chọn thật đúng đắn trong kỳ thi đại học sắp tới, và các bạn
sinh viên đang theo học có thể cống hiến và tận dụng nhiều hơn những cơ hội mà
thầy cô đã trao cho các em. Và anh cũng không biết phải gửi bao nhiêu lời cảm
ơn đến thầy cô của viện, những người đã giúp đỡ anh, đã đưa anh tới ngày hôm
nay. Và hi vọng rằng sinh viên viện Toán ứng dụng và Tin học luôn luôn tỏa sáng
dù ở bất cứ đâu nhé!