Đặng Nhật Huy, CTTN Toán Tin K65
Vào một buổi sáng đẹp trời của ngày cuối tuần, cơn gió xuân vô tình xô vào vạt nắng hạ bên thềm tạo sự rung động nhè nhẹ của cảnh vật báo hiệu sắp sửa có bước chuyển giao thiêng liêng của đất trời. Trong khoảnh khắc giao mùa đó, tôi thực sự may mắn khi được ngồi trò chuyện với vị khách vô cùng đặc biệt tại góc nhỏ ở một địa điểm do chính người đó lựa chọn. Bên cạnh cốc cà phê sữa quen thuộc của tôi, bạn đồng hành lại lựa chọn một cốc chocolate đá để bắt đầu ngày mới và cùng tôi chiêm nghiệm lại những khoảnh khắc của cuộc sống trong khúc ca khải hoàn của thiên nhiên.
Q: Cảm ơn chị đã nhận lời tham gia buổi phỏng vấn. Chị có thể giới thiệu qua về bản thân cho mọi người được biết. Trước khi đến đây, chị có chia sẻ rằng quán cà phê và loại đồ uống này là thói quen tinh thần của chị. Lý do tại sao chị lại lựa chọn loại đồ uống lạnh trái ngược hoàn toàn với vibe ấm cúng, nhẹ nhàng của quán cà phê này?
A: Xin chào tất cả mọi người, mình xin tự giới thiệu mình tên là Nhâm Đỗ Hải Ninh, cựu sinh viên Chương trình Tài năng Toán Tin K63, khoa Toán-Tin, Đại học Bách khoa Hà Nội. Mình cảm thấy rất vinh dự khi nhận được lời mời tham gia buổi phỏng vấn này. Thực sự, ban đầu, mình có chút đắn đo vì nghĩ rằng bản thân không có quá nhiều thứ để chia sẻ nhưng hôm nay mình đã có mặt tại quán cà phê này cùng với bạn để tâm sự về những câu chuyện vô thường của bản thân. Cảm ơn câu hỏi của em! Thói quen này đã đồng hành cùng chị từ khi chị còn nhỏ rồi. Lý do chị lựa chọn loại đồ uống này chỉ đơn giản là nó ngon và tạo cho chị một chút tỉnh táo cho ngày mới nhưng em nhắc đến chị mới để ý, nó phần nào nói lên được một chút tính cách của chị. Chocolate đá mang đến cho chị hai hương vị và hai nguồn năng lượng đối lập nhau. Sự kết hợp trái ngược nóng lạnh của nhiệt độ hoà quyện với sự khó đoán ngọt đắng trong vị giác tạo nên thức uống đối với chị là phù hợp với bản thân. Khi chiêm nghiệm lại về cuộc sống, chị thấy rằng trong đa số trường hợp, chị luôn cố gắng giữ cho bản thân thực sự bình tĩnh và lạnh lùng trong suy nghĩ và cảm xúc, mặc kệ những thứ không đáng phải quan tâm nhưng với một vài điều kiện ép buộc, sự nóng tính của chị bộc phát có thể ảnh hưởng tiêu cực đến những quyết định trong cuộc sống. Ngoài những khoảnh khắc đối với bản thân cảm thấy mình hơi “đắng”, chị luôn mong muốn lan toả sự ngọt ngào, ấm áp cho những người chị yêu quý một cách chân thành nhất. Nói chung là chị tự nhận mình là người có cá tính mạnh, tính cách thay đổi thất thường, mỗi người sẽ có những cảm nhận, những ý kiến trái chiều khác nhau về chị. Chị sẵn sàng tiếp thu và cố gắng chung hòa hai thái cực để trở thành phiên bản tốt hơn của bản thân.
“Chocolate đá mang đến hai hương vị và hai nguồn năng lượng đối lập nhau.”
Q: Hôm nay, mình đang ngồi trong một quán cà phê có không gian rất nhẹ nhàng và dễ chịu, không những thế địa điểm này còn có 1 cái tên vô cùng thân thương và trìu mến, đó là "Tiệm cà phê hạnh phúc". Không chỉ mê cái vibe của quán mà cái tên cũng là thứ chị ấn tượng ngay lần đầu tiên nghe đến. Vậy điều gì khiến cho chị cảm thấy hạnh phúc?
A: Hạnh phúc đối với chị đơn giản lắm. Đó là được thưởng thức một cốc chocolate lạnh vào đầu buổi sáng ngân nga cùng những bản nhạc mà mình thích. Trong lúc đó, bản thân không phải lo nghĩ bất cứ điều gì cả, vô tư, bình thản, chánh niệm thế giới quan bằng nội tâm của chính mình. Vì chị thường xuyên phải làm việc ở cơ quan với cường độ cao kèm theo việc học lẫn việc nhà nên đối với chị, một chút bình yên là thứ gì đó tuy nhỏ xíu và thoáng qua nhưng giá trị của nó mang lại quý giá đến nhường nào. Uhm, để tưởng tượng ra những khoảnh khắc đó, chị sẽ lấy tạm bối cảnh trong 1 bài hát mà chị rất thích của cô Hồ Ngọc Hà. Vào những giây phút yên bình nhất, chị chỉ muốn được ngã lưng lên một chiếc sofa để cảm nhận sự an nhiên trong con người mình với một sự vô tư như bông hoa hướng dương nở rộ giữa bầu trời kiêu sa, không phải suy nghĩ bất kỳ điều gì và chỉ đơn giản là tách mình khỏi mình trong mọi khoảnh khắc, mọi sự kiện đã lướt qua để chiêm nghiệm lại cuộc sống của bản thân.
Q: Đôi khi, trong cuộc sống, sự bình yên chính là thứ chúng ta mong muốn sở hữu nhất chứ không phải bất kỳ thứ nào khác. Mỗi người thiết lập trạng thái hạnh phúc của mình theo những cách rất khác nhau. Em coi nó như một ngôi nhà vậy. Để hoàn thiện, ngôi nhà này phải trải qua rất nhiều quy trình, đánh đổi bằng công sức của rất nhiều người và được xây dựng bằng rất nhiều nguyên vật liệu khác nhau. Vậy ngôi nhà của chị được tạo ra như thế nào?
A: Đối với chị, một căn nhà được xây dựng lên ít nhất phải dựa trên một bản thiết kế ban đầu. Trong quá trình cố gắng phát triển bản thân, chị coi việc thiết kế bản kế hoạch cho công trình của riêng mình là một kỹ năng vô cùng quan trọng và thúc đẩy chị phải tập luyện, rèn giũa mỗi ngày. Đến ngày hôm nay, tuy rằng vẫn chưa được coi là nhà thiết kế giỏi nhưng đối với chị, bản thân mình có đủ khả năng tạo ra một bản vẽ mà chị cảm thấy hài lòng nhất. Mỗi căn phòng của ngôi nhà, chị sẽ coi như một khía cạnh của cuộc sống và chị cảm thấy chúng được chị phác họa khá tốt, được gắn kết với nhau khá chặt chẽ, có trình tự, quy củ sao cho ngôi nhà không bị méo mó.
Trong quá trình xây dựng ngôi nhà cho bản thân, chị không thể nào một mình tạo nên nó mà phải có sự giúp đỡ bởi rất nhiều người. Chị có đôi chút chia sẻ là việc lựa chọn con đường theo đuổi môn toán đối với chị không hề suôn sẻ ngay từ những ngày đầu chị mới bước chân vào cánh cửa đại học. Khi nhận giấy trúng tuyển đại học, bố mẹ chị có một chút gì đó cảm thấy khá lo lắng về tương lai của chị nếu theo đuổi môn học này lâu dài. Bởi lẽ, tại thời điểm đó, phụ huynh chị có quan niệm là “học toán xong, ra trường chỉ để đi dạy”. Sau một khoảng thời gian dài đấu tranh tư tưởng, cùng với sự hỗ trợ định hướng của thầy Ngọc - cán bộ quản lý lớp của chị trong hai năm đầu và cũng là người giúp đỡ chị rất nhiều, bố mẹ chị không còn giữ suy nghĩ học toán chỉ đơn thuần là giải quyết các bài toán “prove that …” mà bỏ qua mọi nghi ngờ, thay đổi cách nhìn nhận về môn học này và đã thực sự hiểu hơn việc học toán quan trọng như thế nào đối với cuộc sống của chúng ta. Đến thời điểm hiện tại, việc tiếp tục với con đường cao học cũng khiến bố mẹ chị phải lăn tăn khá nhiều nhưng bố mẹ chị đã chấp nhận tạo điều kiện cho chị được theo đuổi con đường học vấn của mình sao cho cao nhất có thể. Điều này khiến cho chị cảm thấy vô cùng trân trọng và biết ơn đấng sinh thành của mình. À ban đầu, Toán-Tin không phải là ngành học chị hướng đến mà trước đó, chị có dự định thi lớp CTTN Điện tử viễn thông và không may rớt, chỉ đủ điểm vào lớp CTTN Toán-Tin. Nghe đến đây cứ tưởng đây là thất bại đầu tiên của chị khi vừa bước vào cánh cửa đại học nhưng không hề, đây chính là sự may mắn vô cùng to lớn đối với chị và là quyết định sáng suốt nhất đối với cuộc sống của chị cho đến thời điểm hiện tại. Thú thật, chị đã từng phải lựa chọn giữa hai ranh giới là việc học Bách Khoa và đi du học vào cuối cấp 3. Nó khiến cho chị đấu tranh tư tưởng trong khoảng thời gian rất dài và lý do nào đó, quyết định cuối cùng em đã thấy, lớp CTTN Toán-Tin là bến đỗ của chị. Chị cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì điều đó và biết ơn với những gì ngành học này đem lại cho bản thân.
Trong quá trình học ở Bách Khoa, chị phải tiếp xúc với lượng kiến thức không những nhiều mà còn rất khó nhưng chính những thứ như này lại là nền tảng, hành trang vô cùng vững chãi giúp chị phần nào không quá bỡ ngỡ ở môi trường mới hiện tại và xa hơn là bước đi trên con đường sự nghiệp về sau. Điều này khiến chị vô cùng cảm kích đối với toàn thể thầy cô của khoa đã dạy cho chị những kiến thức vô cùng bổ ích. Bên cạnh đó, chị được học tập, gặp gỡ rất nhiều người thông minh, tài giỏi và họ cũng chính là động lực thúc đẩy chị phải cố gắng phát triển hàng ngày. Quãng thời gian học tập ở đây đúng là gây ra cho chị không ít những áp lực nhưng trong những khoảng thời gian như vậy, chị cảm thấy bản thân vô cùng may mắn khi có mọi người xung quanh hỗ trợ cho mình. Một trong số đó phải kể đến, “người mẹ hiền” của chị, cô Thùy, giáo viên chủ nhiệm 2 năm cuối đại học của chị. Cô đã đem đến cho chị rất nhiều giá trị vô cùng to lớn về mặt tinh thần và chị cảm nhận được điều đó qua những hành động của cô đối với sinh viên trong suốt quãng thời gian học tập ở trường. Chị rất nhớ một món quà mà cô đã tặng cho chị vào khoảnh khắc cuối cùng còn học trong ngôi trường này. Một món quà, hình hài tuy nhỏ xíu nhưng mang ý nghĩa vô cùng to lớn, đó là thứ đánh dấu sự nỗ lực của bản thân khi đã vượt qua được quãng thời gian ví như 4 năm “khốn khổ nhất cuộc đời nhưng thực sự đáng quý 🙂”.
Hồi năm 3, bản thân chị rất vui khi có 1 khoảng thời gian tham gia lab Ipsal ở bên trường Điện và nhận được rất nhiều sự quan tâm và chỉ bảo ân cần của các thầy cô ở đây như cô Thảo, thầy Trường (SEEE), thầy Hạ (SME). Các thầy cô đã giúp đỡ chị vững vàng, chắc chắn và trưởng thành hơn trong quãng thời gian đó và 6 bài báo ở thời điểm đó được coi như 1 món quà vô cùng to lớn, giúp 1 đứa ngu ngơ, không biết tương lai ra sao có thể tự tin trên con đường mình chọn. Ngoài ra, chị còn nhận được sự giúp đỡ rất nhiều từ các anh chị khóa trên, những idol đã cõng chị ra trường như Tuấn, Xuân Anh, Dương, anh Minh chủ quán, Hưng Đỗ, Huy Minh, Minh Long, rất rất nhiều người khác nữa và cả những người đã phê bình, "công nghệ var" với chị nữa. Mỗi người một ngành, mỗi người một định hướng, mỗi người một tính cách, tất cả mọi người đã giúp chị hoàn thiện tính cách của mình, định hướng sự nghiệp và tương lai lâu dài. Những người cho mình những bước tiến dài trong quá trình trưởng thành và trở nên chuyên nghiệp hơn trong học tập, công việc cũng như cuộc sống.
Không có mọi người sẽ không có chị của ngày hôm nay ❤️
Q: Đó quả thật là những người vô cùng tuyệt vời. Khi nghe chị nói đến đây, em đoán là ngôi nhà này được tạo nên chắc hẳn cũng không dễ dàng gì. Không biết, suy đoán đó của em có đúng hay không? Chị có thể chia sẻ thêm về nguyên vật liệu chị đã bồi đắp cho căn nhà này không?
A: Đối với chị, quá trình xây dựng căn nhà cho bản thân đúng là không hề đơn giản chút nào. Khi nghe đến hạnh phúc, chúng ta thường liên tưởng đến niềm vui nhiều hơn nhưng theo cá nhân của chị, nỗi đau cũng chính là chất xúc tác quan trọng để thực hiện hóa mục tiêu này. Chị hiểu một cách đơn giản là nỗi đau ở thời điểm hiện tại sẽ mang đến hạnh phúc cho những khoảnh khắc ở tương lai nên mình cứ thoải mái đón nhận điều đó. Chị đã phải trải qua không ít nỗi đau trong cuộc sống. Điều này bắt nguồn từ cái tính cách được coi là “nóng” của chị. Trước đây, chị là người có cá tính khá mạnh, chị cảm thấy mình của những ngày đó là một đứa lắm mồm đối với chị ở hiện tại. Chị tự tin, thích khoe cá tính và không ngại bất cứ điều gì. Chính sự tự tin thái quá và sự nông nổi trong suy nghĩ đã khiến chị phải chịu rất nhiều hậu quả và đến bây giờ, chị cảm thấy sự thất bại hiện diện trong cuộc sống của chị nhiều hơn là những thành tựu mà chị đạt được. Chị không ngại nói ra điều này nhưng quả thật, ngôi nhà của chị không được xây hoàn hảo ngay từ ban đầu mà mất khá nhiều thời gian để đập đi xây lại, sửa chữa những vết nứt mà mình đã chẳng may cẩu thả tạo ra. Nhưng đến thời điểm hiện tại, khi nghĩ lại những chuyện tiêu cực đã trải qua trong quá khứ, chị vẫn mặc nhiên nở một nụ cười, sử dụng tính từ gì để miêu tả nụ cười này nhỉ? 🤔
“Đôi khi, nỗi đau là chất xúc tác quan trọng trên chặng đường đi tìm hạnh phúc.”
Q: Em nghĩ là 1 nụ cười có tính chất “3 phần bất lực, 7 phần nuông chiều”. Khi hồi tưởng lại những nỗi đau của mình, ban đầu, chúng ta sẽ có đôi chút cảm thấy bất lực vì những khoảnh khắc đó đã xảy ra nhưng sau đó, mình lại cố gắng dành nhiều thời gian hơn để nuông chiều, trân trọng chúng và từ đó không cho phép lặp lại đối với bản thân mình nữa.
A: Nhưng chắc chắn rồi, để hạnh phúc, phần vui luôn phải lớn hơn phần đau nhưng phần đau cũng đóng một vai trò không nhỏ trong đó và quan trọng là mình nhìn nhận, thay đổi suy nghĩ như thế nào để chuyển hóa nó thành thứ mà sau này nghĩ lại mình không cảm thấy hối tiếc khi nó đã xảy ra và mình tự hào vì đã dành thời gian, bỏ công sức để vượt qua những nỗi đau đó. Hiện tại, chị cảm thấy bản thân ít nói và cẩn trọng hơn rất nhiều. Hiện tại, chị tạo cho bản thân một lớp bao bọc để tránh khỏi những phiền phức không đáng có và hướng tới một cấp độ an toàn nào đó mà mình cảm thấy chấp nhận được. Đối với bản thân chị, sự rủi ro ở thời điểm hiện tại là cái giá phải trả khá lớn cho sự nghiệp sau này của mình và chị thà cắt bỏ tối đa chúng thay vì cố gắng chiết bằng cái tôi của bản thân. Không phải vì thế mà chị không dám đương đầu với rủi ro, đúng là cần hướng đến một sự an toàn nhất định nhưng đôi khi chấp nhận rủi ro để đạt được những thứ cảm thấy to lớn với bản thân là cái gì đó chị sẵn sàng đánh đổi. Thay vì mặc kệ lao luôn vào đấu đá với nó, chị tập cho mình học cách dừng lại và suy nghĩ xem “đối thủ” của mình có tính cách như nào để đưa ra được chiến thuật “chống trả” phù hợp.
Chuyến du lịch đảo Cù Lao Xanh, Quy Nhơn vào tháng 8 năm 2023
Q: Khi chị nhắc đến cụm từ “rủi ro”, em liên tưởng ngay đến ngành học thạc sĩ sắp tới của chị ở Đức, đó là xe tự hành. Bản chất của xe tự hành được đánh giá là rủi ro cho những người sử dụng loại phương tiện này. Ở Việt Nam, thuật ngữ này tuy không phải xa lạ nhưng số lượng người coi chúng là công cụ đi lại thường xuyên rất hiếm. Một phần do giá thành đắt đỏ nhưng em nghĩ một phần là do những lo ngại về sự an toàn của những chiếc xe này mang lại. Hướng đi hiện tại của chị bắt nguồn từ đâu?
A: Thực ra ngành học thạc sĩ của chị bên Đức không gói gọn trong phạm vi ứng dụng cho xe tự hành mà nói bao quát hơn là Vehicle Engineering, ứng dụng toán học đối với công nghệ xe hơi. Trước khi tâm sự về lý do tại sao chọn theo đuổi ngành này, chị sẽ mô tả một chút về ngành học của chị hiện tại vì ban đầu nghe sẽ có phần nào lạ lẫm. Thật ra khi bắt đầu nộp vào trường Rheinland-Pfalz Technical University of Kaiserslautern-Landau (hay còn được biết với cái tên là RPTU), chị mới nhận ra được tầm quan trọng của Toán ứng dụng trong công nghệ xe hơi. Có một vài ví dụ về ứng dụng của Toán đối với thị trường này. Đầu tiên, bài toán “Digital Environmental Data” sử dụng các phương pháp thống kê toán học để đánh giá độ bền của các bộ phận khi xe chuyển động trong các môi trường khác nhau. Tiếp đó, “Dynamics and System Simulation”, em có thể hiểu đơn giản là mô phỏng các đặc tính vật lý của hệ thống để đánh giá và phát triển hệ thống trong quá trình mô phỏng động lực học của động cơ hay động lực học truyền động. Tiếp nữa, mô hình “Scalable Tire Model” có chức năng mô phỏng động lực học của vành đai lốp khi tương tác với các bề mặt đường 3D và điều kiện áp suất bơm lốp khác nhau. Bên cạnh đó, còn rất nhiều ứng dụng khác nữa của Toán trong công nghệ xe hơi và ứng dụng cho xe tự hành mà em đề cập chỉ là phạm vi vô cùng nhỏ trong ngành học của chị. “Mathematics for Vehicle Engineering”, bước đi này chị thấy bản thân hơi “một mình một kiểu” bởi lẽ ở Việt Nam, lĩnh vực này vẫn chưa thực sự được phát triển rộng rãi và phần nào có một chút rủi ro khi lựa chọn. Trong mỗi kỳ học, khoa Toán của RPTU không có quá nhiều sinh viên theo đuổi ngành này, nếu có 10 ứng viên xét tuyển thì khoảng 8 người sẽ apply Financial Mathematics và còn lại theo các ngành học khác. Chị có những quan điểm cá nhân cho quyết định này nên việc lựa chọn ngành học công nghệ xe hơi không khiến chị cảm thấy lạc lõng mà chị coi đây chính là cơ hội để mình có thể chứng tỏ bản thân và tạo con đường phát triển của riêng mình.
Và còn tại sao là nước Đức thì khá đơn giản thôi. Chị cảm thấy thích chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, thời tiết, con người, văn hoá ở đây và đặc biệt là sở thích của chị. Chị thích xem đá bóng và câu lạc bộ chị yêu thích là FC Bayern Munich hay được gọi với cái tên khác là hùm xám xứ Bavaria. Mọi thứ của đội bóng này chị đều cảm thấy tuyệt vời nhưng khẩu ngữ của câu lạc bộ chính là thứ khiến chị say đắm hơn cả. “Mia san mia”, “wir sind wir” hay “we are who we are” và dịch tiếng Việt là “chúng tôi là chúng tôi”. Phong cách chuyển nhượng hạn chế bom tấn, đào tạo cầu thủ trẻ nòng cốt phát triển tuyển Đức trong tầm nhìn 10 năm và sự tổ chức chặt chẽ cùng với một chút uyển chuyển trong lối chơi trở thành thương hiệu của đội bóng này. Tất cả đều được xây dựng một cách độc lập, không giống bất kỳ đội bóng nào và mạnh mẽ, dám đương đầu với mọi khó khăn thử thách. Chính điều này đã tác động sâu sắc đến tính cách của chị.
“MIA SAN MIA”
Q: Đối với em, ở độ tuổi này, mình vẫn có thể chấp nhận được sự rủi ro. Ban đầu, sự lựa chọn sẽ hơi thiên hướng nghiêng về cảm xúc, có đôi chút lấn cấn, đôi chút rụt rè nhưng khi chậm lại ngẫm nghĩ, lý trí phần nào giúp bản thân tự tin và chắc chắn hơn về quyết định của mình. Theo cá nhân của em, ngành học kỹ thuật xe hơi khá là hay, có khả năng phát triển lâu dài và đem lại nhiều ứng dụng đối với cuộc sống của chúng ta, không những ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Khi nhìn vào cv của chị, em thấy vô cùng ấn tượng với những thành tựu của chị đã đạt được. Với một lượng kiến thức vô cùng lớn và độ khó luôn được đánh giá cao, bằng cách nào chị có thể kiểm soát được chúng? Chị có đôi lời nhắn gửi gì đối với các bạn đang và sắp trở thành FaMI con không?
A: Về phần của chị, chị nghĩ là việc theo đuổi con đường học Toán để gắn bó cho tới thời điểm hiện tại phần nào có một chút gì đó rủi ro. Chị sợ rằng bản thân sẽ không quá chìm đắm với nó nhưng đâu ai ngờ được, năm nay là năm thứ 11 chị học lớp đại loại kiểu “chuyên toán”. Chị cảm thấy mình không phải là người quá thông minh nhưng kiên nhẫn, chịu khó là thứ vẫn còn níu kéo môn học này gắn bó với chị. Ban đầu, chị sẽ cố gắng dành thời gian nắm chắc kiến thức cơ bản vì đây là yếu tố cốt lõi để đi tìm đáp án cho những bài toán khó hơn. Cụ thể, chị sẽ cố gắng mổ xẻ một vấn đề lớn thành các bài toán nhỏ hơn và đặt ra những câu hỏi liên quan như kiểu tại sao lại có biến đổi này, kết quả này đem đến ý nghĩa gì cho bài toán và phạm vi tác động của nó đối với thực tế là như thế nào. Chị dành rất nhiều thời gian cho giai đoạn này bởi lẽ hiểu bản chất vấn đề giúp ta có thể tránh được tình trạng học vẹt và đây là thứ kiêng kỵ nhất khi tiếp xúc với môn Toán. Bên cạnh đó, mỗi ngày chị luôn dành thời gian đọc thêm kiến thức mới về Toán-Tin. Đối với Toán, những thứ chị hay tìm kiếm có thể là một định lý hay một bổ đề liên quan đến bài toán chị đang giải quyết còn đối với Tin, đó có thể là thuật toán hay trick mới nào đó. Với những gì tìm tòi được, chị rất thích chia sẻ cho những người bạn của mình để mọi người cùng nhau bàn luận. Đối với chị, điều này giúp cho bản thân hiểu được vấn đề theo nhiều hướng khác nhau và từ đó phân tích ưu, nhược điểm của từng vấn đề đối với các môn học ở trường trên phương diện sử dụng cho việc thi cử và quan trọng hơn là tính ứng dụng của nó đối với đa dạng ngành nghề của cuộc sống. Đến tận bây giờ, chị vẫn cố gắng giữ thói quen này cho quãng thời gian học thạc sĩ sắp tới. Chị nghĩ rằng đây là một sở thích khiến cho chị đam mê với môn học này hơn thay vì chỉ tập trung ôn tập cho những buổi thi của trường. Với các kỹ năng kể trên, chị luôn dặn bản thân phải rèn luyện thường xuyên và chịu khó chia thời gian biểu để ôn tập những kiến thức đã học, như thế mới giúp mình nhớ chúng lâu hơn. Đối với chương trình học thạc sĩ, chị khá chắc chắn lượng kiến thức, độ khó của bài kiểm tra, phạm vi ứng dụng thực tế của project sẽ lớn hơn nhiều so với quãng thời gian học đại học nên chị tự nhủ với bản thân buộc mình phải nâng khả năng chịu đựng độ khó lên, chăm chỉ, siêng năng hơn để thích nghi được môi trường mới này.
Chị cũng có một vài lời tâm sự muốn chia sẻ để các bạn sinh viên có thể phần nào đón nhận và áp dụng cho bản thân. Chị nghĩ rằng tuy Toán là môn học khó nhưng không được lấy đó làm nỗi sợ cho bản thân vì Toán là bản lề của khoa học tự nhiên. Đừng nghĩ là FaMI đang cố tình dạy khó mấy môn Toán đại cương vì bản chất của Toán là như vậy và ở EU, chương trình học toán còn khó hơn rất nhiều. Nhân lực Toán ứng dụng ở nước ngoài rất thiếu nên các bạn sinh viên theo đuổi con đường Toán ứng dụng luôn luôn được chào đón, không bao giờ thiếu chỗ đứng cả. Chính vì thế, theo quan điểm cá nhân của chị, du học những ngành liên quan đến Toán thường dễ hơn so với apply các ngành khác như công nghệ thông tin, tự động hóa hay cơ khí. Thứ hai, chúng ta luôn phải trau dồi ngoại ngữ. Trong những năm vừa qua, tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ là không thể bàn cãi rồi. Cuối cùng, các bạn hãy cố gắng cởi mở, kết bạn, học hỏi các anh chị khóa trên và bạn bè đồng trang lứa để từ đó sớm định hướng được bản thân muốn gì, cần gì và sẽ phải chuẩn bị hành trang gì cho tương lai phía trước.
Đây cũng là câu hỏi cuối cùng trong buổi trò chuyện ngày hôm nay. Cảm ơn chị Ninh đã có mặt ở đây ngày hôm nay tại không gian này cùng với những câu chuyện, những chia sẻ, những kinh nghiệm của chị trong cuộc sống, công việc cũng như học tập. Nhân buổi tâm sự, em mong rằng mọi người sẽ hiểu hơn về con người chị và phần nào có thể thấy được một chút gì đó của bản thân ở trong đó. Thật tiếc khi phải kết thúc buổi nói chuyện hôm nay tại đây nhưng sẽ thật vui nếu được gặp lại chị ở một ngày không xa có thể trong một bài phỏng vấn khác ở tương lai. Chúc chị luôn thành công trên con đường mình đã chọn!
Nhân đây em cũng cảm ơn Khoa Toán-Tin đã tạo cơ hội để bọn em thực hiện buổi phỏng vấn này và đặc biệt là bạn đọc đã dành thời gian của bản thân, nán lại đây cùng bọn mình chiêm nghiệm toàn bộ bài viết ở trên. Xin chân thành cảm ơn!