Nguyễn Hoàng Linh, 23 tuổi, quê Hưng Yên biết tin
trở thành thủ khoa ngành Toán - Tin, Đại học Bách khoa Hà Nội khi vừa
đặt chân đến Mỹ học tiến sĩ.
Tới New York hôm 18/8 sau gần một ngày trên máy bay,
khi đang mở valy xếp đầy mì tôm, muối vừng, ruốc chuẩn bị cho 14 ngày tự
cách ly thì Linh nhận được tin nhắn chúc mừng từ một số thầy cô trong
trường. Hai hôm sau, thông tin thủ khoa đầu ra được đăng tải trên
Fanpage của Đại học Bách khoa Hà Nội, Linh nhận được nhiều lời chúc mừng
hơn nữa.
Với điểm tổng kết học tập 3.78/4, điểm
rèn luyện 92/100, Linh trở thành kỹ sư xuất sắc ngành Toán - Tin. Trước
đó đầu năm 2020, nam sinh nhận thông báo giành học bổng toàn phần học
PhD ngành Toán ứng dụng và thống kê tại Đại học Stony Brook - một trong
những trường công lập lớn nhất New York, thời gian học 5 năm.
Yêu thích học Toán từ nhỏ, Linh được bố mẹ
khuyên học ngành Toán - Tin để có nền tảng tốt, hiểu sâu bản chất vấn
đề, những lý thuyết cốt lõi, kinh điển nhằm thích ứng với môi trường
công nghệ biến đổi đến chóng mặt. Khi lựa chọn đại học, Linh chỉ đặt
nguyện vọng vào Toán - Tin của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Được
hơn 25 điểm, đỗ vào trường nhưng Linh không có cơ hội tham gia bài thi
vào lớp tài năng. Có phần thất vọng, chàng trai dặn lòng phải cố gắng
nhiều hơn.
"Đại học khác với THPT", Linh thấm dần
điều đó ngay năm nhất, khi ngồi giữa 200 sinh viên trên giảng đường rộng
lớn với một thầy giáo đứng lớp, 6 tấm bảng ken đặc chữ thầy xóa đi viết
lại tới 3-4 lần, nghe giảng hết cả một chương sách chỉ trong một ngày
học. Những trải nghiệm chưa từng trải qua khiến chính Linh không hiểu
nổi bản thân đã làm gì để đạt 3.6 điểm sau khi kết thúc năm nhất.
Giữa
lúc đó, trường có đợt tuyển bổ sung vào lớp tài năng. Với điểm trung
bình cao hơn kỳ vọng rất nhiều, Linh được chuyển lớp từ năm hai. Cũng
nhờ kết quả này, Linh lần đầu tiên nhận được học bổng của chương trình
trọng điểm quốc gia phát triển Toán học - học bổng mà em còn giành liên
tiếp ba năm sau đó. "Em ngạc nhiên với kết quả học tập năm nhất, nhưng
rồi nó trở thành bàn đạp giúp em có động lực trong những năm tiếp theo",
Linh nói.
Nói về dấu ấn thời sinh viên, Linh nhắc
đến trải nghiệm tham gia kỳ thi Olympic Toán sinh viên cấp trường. Chỉ
cần trong top 5 môn Giải tích, em sẽ được tham dự kỳ thi Olympic cấp
quốc gia. Nhưng năm đầu tiên, Linh đứng thứ 6. Năm hai, em thi lại lần
nữa và ngậm ngùi tiếc nuối. Quyết thi lần thứ ba vào năm ba, Linh đã vào
đến vòng quốc gia và ẵm huy chương vàng.
Đam mê Toán, từ cuối năm hai Linh đa tham gia
nghiên cứu cùng các thầy cô về lý thuyết đồ thị và việc áp dụng nó vào
giải các bài toán về an ninh mạng xã hội. Đến năm tư, em tiếp tục làm
một nghiên cứu khác về giải tích. Hai đề tài này giúp Linh có một bài
báo đăng trên tạp chí trong nước, một bài báo quốc tế và một báo cáo ở
hội nghị quốc tế.
Ấp ủ giấc mơ du học bậc sau đại
học, được thầy chủ nhiệm từng học tiến sĩ tại Mỹ chia sẻ thông tin, Linh
biết các trường ở Mỹ có nhiều học bổng toàn phần dành cho ứng viên học
PhD. Quyết tâm giành suất học bổng du học, Linh hoạt động tích cực hơn
để hoàn thiện bản thân và làm đẹp hồ sơ.
"Chỉ học ở
trường liệu có đủ", Linh tự hỏi rồi tự trả lời bằng cách tìm việc làm
thêm ở các doanh nghiệp. Em từng làm cho 5 doanh nghiệp với thời gian 3
tháng đến hơn một năm trong bộ phận nghiên cứu và phát triển, chủ yếu
nghiên cứu về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản phẩm và quy trình
sản xuất. Điều này giúp em có thêm nhiều kinh nghiệm về nghiên cứu, học
hỏi quy tắc làm việc và được áp dụng kiến thức ở trường vào thực tế.
Nhờ
khả năng chơi piano, organ và guitar, không ít lần Linh xuất hiện trên
sân khấu Đại học Bách khoa Hà Nội trong vai trò thành viên của các ban
nhạc. Em là thành viên chủ chốt của câu lạc bộ hỗ trợ học tập cho sinh
viên và từng là lớp trưởng của Trung tâm Tài năng trẻ FPT - lâu lạc bộ
dành cho sinh viên ở Hà Nội.
Những tưởng ôm đồm
nhiều việc sẽ khiến Linh không có thời gian cho sở thích cá nhân. Thế
nhưng nam sinh vẫn sắp xếp được để chơi bóng đá, bơi lội hay đi đây đi
đó. "Sau một tuần hay một tháng làm việc cật lực, em lại cho mình 2-3
buổi xả hơi. Vì thế, em vẫn có thể chơi thể theo, đi chinh phục những
đỉnh núi khó như Bạch Mộc Lương Tử", Linh nói và cho biết tất cả đem đến
cho em nhiều trải nghiệm để thể hiện được chính mình trong hồ sơ xin
học bổng du học.
Hồ sơ ứng tuyển bậc sau đại học của Mỹ yêu
cầu Linh phải có bảng điểm ở bậc đại học, CV, chứng chỉ TOEFL, GRE, bài
luận và ba thư giới thiệu từ thầy cô. Với bài luận, thay vì hướng tới
những chủ đề độc đáo, bay bổng như những học sinh muốn du học bậc đại
học, Linh đã viết về niềm đam mê nghiên cứu, mục tiêu, dự định và những
phẩm chất cho thấy em phù hợp với ngành. Chất liệu cho bài luận chính là
những gì Linh đã làm được ở bậc đại học.
Thầy Lê
Chí Ngọc, giảng viên Viện Toán ứng dụng và Tin học (Đại học Bách khoa Hà
Nội), cố vấn học tập chương trình đào tạo tài năng Toán - Tin mà Linh
theo học, cho rằng Linh xứng đáng nhận học bổng học PhD tại Mỹ. "Em nổi
trổi về mọi mặt, có ý thức tốt, chăm chỉ, tích cực trong học tập, nghiên
cứu khoa học cũng như hoạt động ngoại khóa", thầy Ngọc nói. Chính thầy
Ngọc đã hướng dẫn và hỗ trợ Linh xin học bổng PhD ở Mỹ theo chương trình
VEF 2.0 bởi nhận thấy đây là cơ hội tốt để em theo đuổi con đường
nghiên cứu khoa học, có những phát triển xa hơn trong sự nghiệp.
Với
học bổng học PhD tại Mỹ cùng danh hiệu thủ khoa đầu ra, Linh mãn nguyện
với 5 năm đại học. Hiện, nam sinh tự cách ly ở Mỹ, hoàn thành một số
thủ tục để nhập học vào ngày 24/8 và tham gia một số khóa huấn luyện
online dành cho sinh viên cao học muốn làm trợ giảng ở trường. Chàng
trai hy vọng học tập, nghiên cứu tốt để được nhận bằng tiến sĩ sớm nhất
có thể.