14/03/2018 15:10 12947
Điểm: 4.29/5 (7 đánh giá)
PGS Nguyễn Xuân Thảo: dạy Toán bằng cả tâm huyết với nghề

Vũ Thơm

 Gần 40 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, 16 năm tham gia đào tạo, bồi dưỡng sinh viên và là Trưởng đoàn dẫn sinh viên tham gia cuộc thi Olympic môn Toán cấp quốc gia, gần 60 bài báo được công bố trên các tạp chí trong nước và quốc tế, hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh và học viên cao học… là những con số “biết nói”, minh chứng cho lòng nhiệt huyết, tình yêu nghề của PGS Nguyễn Xuân Thảo – nguyên Trưởng Bộ môn Toán cơ bản, Viện Toán Ứng dụng và Tin học, một trong năm thầy cô được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2017.

“Hình ảnh người thầy đã ăn sâu vào tâm thức tôi từ nhỏ”

Hẹn gặp PGS Nguyễn Xuân Thảo vào một chiều mùa đông giá lạnh ngay tại Bộ môn Toán cơ bản, thầy nhẹ nhàng rót chén trà nóng mời phóng viên Đặc san Bách khoa Hà Nội, tay run run bởi cái lạnh dưới 100C ngoài trời, tôi đón chén trà từ bàn tay ấm áp của thầy. Lòng tôi như dần ấm lên không phải nhờ bất kỳ một thiết bị điều hòa nào mà chính bởi tấm lòng đầy nhiệt huyết của người thầy đã dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp trồng người.
 
Bắt đầu câu chuyện, PGS Thảo kể: “Thưở nhỏ, hình ảnh người thầy giáo làng nắn từng nét chữ, viết từng con số, tận tình chỉ bảo học sinh đã ăn sâu vào tâm thức tôi. Hình ảnh đẹp ấy đã luôn thôi thúc tôi cố gắng học tập thật tốt để một ngày kia, tôi cũng có thể trở thành nhà giáo luôn được các em học sinh kính trọng, quý mến”. Đó chính là lý do mà PGS Thảo đã chọn học ngành sư phạm của Đại học Sư phạm Hà Nội để thực hiện ước mơ ngày nào. Đi một con đường riêng bởi cả gia đình không có ai theo nghề giáo nên thầy gặp không ít khó khăn. Vừa ra trường, bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, thầy Thảo rời xa gia đình vào công tác tại Khoa Toán, Đại học Sư phạm Quy Nhơn. Trong khoảng thời gian này, thầy một mặt vừa tham gia giảng dạy, nghiên cứu, mặt khác vừa nâng cao trình độ chuyên môn. Thầy học lên cao học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; rồi đến năm 1995 thầy bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Trường Đại học Tổng hợp Novgorod (Liên bang Nga). Những năm tháng tu nghiệp tại nước ngoài, PGS Nguyễn Xuân Thảo nhận được rất nhiều lời mời của các doanh nghiệp với mức lương hấp dẫn, nhưng bằng tình yêu, sự kiên định, thầy quyết định trở về nước và tiếp tục theo đuổi niềm đam mê của mình.

Tình yêu lớn dành cho Toán học

Chuyển qua nhiều đơn vị công tác như Đại học Sư phạm Quy Nhơn, Đại học Thủy Lợi và đến năm 2009, thầy chuyển về làm việc tại Viện Toán Ứng dụng và Tin học, Trường ĐHBK Hà Nội. Lý giải cho sự thay đổi này, PGS Nguyễn Xuân Thảo cho biết: “Trong thời đại công nghệ số như hiện nay, Toán học có vai trò rất quan trọng, được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của xã hội. Tôi lựa chọn ĐHBK Hà Nội là điểm dừng chân, bởi ở đây tôi được làm việc với các giáo sư đầu ngành và là nơi lý tưởng để phát triển các hướng nghiên cứu của mình về Toán giải tích”.
 
PGS Nguyễn Xuân Thảo chính là người có công rất lớn trong việc mở thêm chuyên ngành Toán giải tích để đào tạo tiến sĩ. “Bất kể một ngành đào tạo nào khi mới mở cũng gặp muôn vàn khó khăn, đặc biệt là một chuyên ngành đào tạo tiến sĩ thì khó khăn ấy nhân lên gấp bội. Năm 2010, tôi đã cùng đồng nghiệp ở Bộ môn viết Đề án trình Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét phê duyệt, lên khung chương trình đào tạo rồi tuyển sinh. Đây là thời gian vô cùng áp lực và căng thẳng, nếu không tuyển sinh được có nghĩa là bao tâm huyết của tôi thất bại. Thế rồi, thông qua các hội thảo khoa, các bài báo được đăng trên các tạp chí trong nước và quốc tế, các nghiên cứu sinh đã biết đến chương trình đào tạo cùng các hướng nghiên cứu và chủ động liên lạc với chúng tôi. Năm đầu tiên tuyển sinh (2012) đã có 1 nghiên cứu sinh đăng ký lựa chọn chuyên ngành này, năm thứ hai có thêm 3 nghiên cứu sinh nữa và các năm sau số lượng đó được tăng lên” – PGS Thảo nhớ lại.
 
Bên cạnh việc tham gia giảng dạy cao học, hướng dẫn nghiên cứu sinh, PGS Nguyễn Xuân Thảo còn dành tâm huyết của mình tham gia giảng dạy, truyền đạt kiến thức chuyên môn đến các em sinh viên. Môn toán vốn được xem là môn học khô khan, nhiều công thức, chữ số, vì vậy, thầy luôn đưa ra các ví dụ thực tế để giúp sinh viên tiếp thu bài nhanh chóng, nắm chắc kiến thức ngay trên giảng đường. Không những vậy, thầy luôn cập nhật những kiến thức mới, bài giảng hay, phương pháp khoa học để truyền đạt kiến thức đến sinh viên.

Với những kinh nghiệm tích lũy được cùng uy tín, tâm huyết của mình, bên cạnh công việc chuyên môn, thầy còn được giao nhiệm vụ bồi dưỡng sinh viên giỏi tham gia cuộc thi Olympic môn Toán cấp quốc gia các năm. Nhờ công sức bồi dưỡng của thầy và các thầy cô khác, đội tuyển Olympic môn Toán của Trường ĐHBK Hà Nội đã đạt được nhiều thành tích cao như: giải Xuất sắc toàn đoàn năm 2003, 2016; giải Nhất toàn đoàn các năm 2010, 2012…; giải Đặc biệt của sinh viên Lê Bá Trường Giang năm 2017…

 
Không chỉ nhiệt huyết với nghề, PGS Nguyễn Xuân Thảo luôn quan tâm, giúp đỡ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Thầy thường tặng giáo trình, sách tham khảo, hỗ trợ kinh phí, giúp sinh viên thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học. “Năm 2017, Trường thực hiện chính sách học bổng mới, tập trung hỗ trợ những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Đây là chính sách giàu tính nhân văn và tôi hoàn toàn ủng hộ”- PGS Nguyễn Xuân Thảo cho biết.
 
Chia sẻ về những “thành quả” của mình, PGS Nguyễn Xuân Thảo khiêm tốn nói: “May mắn làm đúng ngành nghề đam mê, tôi luôn tâm niệm cố gắng hết mình, luôn tìm tòi, học hỏi những phương pháp dạy hay, có hiệu quả nhất để đưa Toán học đến gần với sinh viên và cuộc sống hơn”.

Một số thành tích của PGS Nguyễn Xuân Thảo

·       04 đề tài cấp Nhà nước;

·       54 bài báo được công bố, trong đó có 40 bài được đăng trên các tạp chí quốc tế;

·       Viết 08 giáo trình và sách chuyên khảo;

·       Hướng dẫn thành công 7 Tiến sĩ;

·       Hướng dẫn 20 học viên cao học;

·       8 năm liền (từ năm 2010 đến 2017) đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở;

·       Năm 2006: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

·       Năm 2015: đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ;

·       Năm 2015: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT;

·       Năm 2016: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ;

·       Năm 2017: được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.

(Đặc san Bách Khoa Hà Nội, Số 5/2018)

Chia sẻ: