17/11/2016 10:15 1592
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Từ nữ sinh trường Trưng Vương đến giảng viên đại học

 

 (Ảnh: Thầy Lê Trọng Vinh, Thầy Tống Đình Qùy - Chủ nhiệm Khoa, Cô Quản Việt Nữ, Thầy Nguyễn Đình Trí, Thầy Dương Thùy Vĩ – Tại lễ mừng thọ tháng 11/2011)
 
   Năm 1968, cả nước có chiến tranh, học sinh cuối cấp 3 chỉ thi tốt nghiệp phổ thông mà không phải thi vào đại học. Trong hồ sơ tuyển sinh, thí sinh cũng được đăng ký đại học mà mình muốn học, nhưng được vào đại học nào là do ban tuyển sinh quyết định; do vậy tôi chẳng để tâm tới việc đăng ký nguyện vọng. Chẳng lâu sau tôi được thầy Nguyễn Văn Cừ, hiệu trưởng trường phổ thông cấp 3 Hà Nội B (nơi tôi theo học) cho biết: “Đại học Bách Khoa mới mở ngành Toán Công trình, theo thầy đây là ngành học phù hợp với khả năng của em”.  Quả là tôi đam mê môn toán và cũng có vài thành tích nhỏ về môn này, nhưng chọn nghiệp toán dường như không mấy phù hợp với nữ sinh, thế nên tôi cũng nhanh chóng quên đi ngành học này.

   Nhưng rồi số phận đưa đẩy, tôi có giấy gọi vào lớp Toán công trình khóa 13 Đại học Bách Khoa, ngành học mà tôi yêu thích. Sau khi nhập trường, các tân sinh viên được các thầy trong khoa giải thích, đây là ngành học rất quan trọng là cầu nối giữa Toán học và Kỹ thuật, nhằm giúp nền công nghệ nước nhà bắt kịp các nước tiên tiến, là ngành đòi hỏi  sự cố gắng của người học. Chúng tôi là những sinh viên đầu tiên của ngành, một tương lai tốt đẹp chờ đón, niềm vui và cả tự hào đã giúp các nữ sinh vợi đi nỗi niềm băn khoăn về ngành nghề không mấy thích hợp với phụ nữ.

   Các môn học của năm thứ nhất thực sự cuốn hút tôi và không làm khó cho tôi, các thầy truyền cho tôi niềm say mê ngành học cùng niềm tin mình sẽ có một nghề nghiệp đầy triển vọng tốt đẹp. Nhưng nỗi băn khoăn về ngành học bỗng xuất hiện khi tôi nghe được bình luận của bạn bè, một vài nam sinh trong lớp cho là Toán học không chỉ làm phụ nữ vất vả mà còn làm suy giảm nữ tính. Tôi thực sự bị sốc bởi những nhận xét nặng nề đó, bởi lẽ tôi cũng chưa quen biết một phụ nữ nào làm nghề toán để kiểm chứng xem nhận xét chính xác đến đâu. Vì vậy khi kết thúc năm học đầu tiên, tôi có đôi chút bận tâm về việc chuyển khoa hay học tiếp (chẳng biết chọn con đường nào) thôi thì học tiếp năm thứ hai rồi quyết định cũng còn kịp. 

   Vào học kỳ 1 năm thứ hai, chúng tôi học môn Phương trình vi phân tại giảng đường C9. Đó là mùa thu năm 1969, khi cuộc chiến tranh ở Hà Nội tạm ngưng. Giáo vụ khoa cho biết dạy môn này là cô Quản Việt Nữ, cô tốt nghiệp ngành toán tại đại học Vônônegiơ (Liên Xô), về trường năm 1966. Hồi đó nữ giảng viên rất ít, bộ môn Khoa học cơ bản càng ít hơn. Do vậy tôi rất ngưỡng mộ cô, một phụ nữ lấy Toán học làm sự nghiệp của mình, hy vọng cô sẽ mang lại cho tôi quyết định đúng đắn về ngành nghề.

   Trước khi dạy chúng tôi cô đã dạy môn Giải tích Toán học cho các lớp khóa 10 khi cô mới là một cô gái 25 tuổi. Đó là thời kỳ Đại học Bách Khoa Hà Nội sơ tán tại một vùng xa, sát biên giới Việt Trung, thuộc tỉnh Lạng Sơn. Ngoài công tác giảng dạy, cô tham gia nhóm Phương trình Vi phân, đều đặn ba tháng một lần từ nơi sơ tán cô về Hà Nội sinh hoạt nhóm. Với chiếc xe đạp là phương tiện đi lại, mỗi lần họp nhóm cả đi lẫn về cô đã vượt qua khoảng cách 500 cây số đầy nguy hiểm thời chiến tranh!

   Giáo trình Phương trình vi phân được cô dạy lần đầu tiên cho khóa 13. Buổi đầu tiên cô bước vào lớp với dáng vẻ trẻ trung xinh đẹp, mái tóc xoăn bồng bềnh, da trắng môi đỏ, giọng nói ấm áp, dáng đi yểu điệu. Ngắm nhìn cô, dường như tôi thấy hình ảnh thiếu nữ Nga dịu dàng tay bưng bánh mỳ và muối tươi cười chào đón khách. Thật đúng như lời đồn, cô là hoa hậu của khoa.

   Thời gian đó giáo trình in sẵn như là một thứ xa xỉ sinh viên chẳng nhìn thấy bao giờ, mọi kiến thức đều do sinh viên nghe giảng và ghi chép lại. Cách thức cô Nữ dẫn dắt vấn đề cùng cách trình bày bài trên bảng của cô đã giúp tôi có được cuốn vở ghi có giá trị. Những kiến thức mà tôi nhận được từ cô cùng với vở ghi bài đã tạo thuận lợi cho tôi trong việc học nhiều môn có liên quan tiếp theo.Chúng tôi cảm thấy tự tin khi được nghe những lời động viên chân tình của cô: “Cố gắng nhé, không có gì đáng ngại cả, dễ dàng thôi mà, …”. Với các thầy chúng tôi được biết dx, dy cứng rắn; còn cô lại cho chúng tôi những ∂x, ∂y mềm mại uyển chuyển như dáng đi lời nói của cô vậy.

   Khi dạy lớp tôi, những kỷ niệm về thời sinh viên ở một đất nước xinh đẹp vẫn còn đầy ắp trong cô. Vào lúc giải lao, cô kể cho lớp nghe về những người dân hiền lành nơi cô học đại học, về những vùng miền của nước Nga xa xôi mà cô đã đến, về những buổi trình diễn múa hát của lưu học sinh Việt Nam mà cô đã tham gia, đôi lúc cô hát cho chúng tôi nghe những bài dân ca Nga mượt mà trữ tình. Thật ấm áp vô cùng, cô giống như người chị chăm sóc vui chơi cùng các em vậy.

   Nhưng nhớ nhất là những lần nói chuyện riêng với nữ sinh, cô kể về chồng con và cuộc sống gia đình tràn đầy hạnh phúc của cô, dường như đặc điểm khô cứng của ngành Toán không chạm vào cô cũng như gia đình cô. Đâu cần những lời nhận xét về Toán học và Phụ nữ, cô đã gián tiếp giúp tôi thêm yên lòng với ngành học mà tôi đã say mê từ lâu, cô đã đến với tôi thật đúng lúc. Nghiệp Toán Tin đã thực sự vướng vào tôi từ đó và tôi đã theo nghiệp cho đến nay.

   Những năm tháng đó, tuy vất vả nhưng còn tuổi trẻ, còn mơ mộng, vẫn là thời kỳ đẹp đẽ của cô. Quả vậy, quãng thời gian 1985-1989 cô đi làm chuyên gia giáo dục ở Algerie. Chuyên gia Việt Nam sang Algerie giảng dạy đại học, cao đẳng, làm việc ở bệnh viện để góp phần trả nợ tiền mua xăng dầu cho đất nước trong những năm chiến tranh. Công việc bận rộn, khí hậu khắc nghiệt, nguồn nước bị ô nhiễm chì cao nên có nhiều chuyên gia  nhiễm bệnh, cô cũng không là ngoại lệ.

   Sau đó do sức khỏe giảm sút, cô chuyển về Nga, nơi chồng cô đang làm việc ở khối SEV một thời gian. Khi trở về nước cô lại tiếp tục giảng dạy. Nhưng do sức khỏe không ổn định nên cô xin nghỉ trước thời hạn.

   Sau này tôi biết, quê cô ở Hưng Yên nhưng cô sống ở Hà Nội, vốn là học sinh trường Nữ sinh Trưng Vương; sau cô tám năm tôi cũng là học sinh của trường này, nhưng lúc đó có cả nam sinh.

   Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được giữ lại trường làm giảng viên, trở thành đồng nghiệp với cô và tuổi nghề kém cô cũng đúng  năm. Thời gian sau đó (năm 1976) cô đã bảo vệ xong luận văn tiến sĩ tại Đại học tổng hợp Maxcơva (MGU). Vậy là tuy đã thành đồng nghiệp, nhưng ở tôi sự ngưỡng mộ với cô vẫn tiếp tục.

                                                                                                                                NGUYỄN TRINH ANH
                                                                                                                               Sinh viên Toán khóa 13
                                                                                                   Giảng viên Tin học Đại học Bách Khoa Hà Nội

Chia sẻ:

Bình luận của bạn:

Bài nổi bật

Bách khoa có “hiệp sĩ thầm lặng” chống Covid

Bách khoa có “hiệp sĩ thầm lặng” chống Covid

  • 11/06/2021 11:21
  • 4110

Vừa qua, TS Toán học Lê Chí Ngọc – Viện Toán ứng dụng và Tin học, Đại học Bách khoa Hà Nội là 1 trong 7 thành viên tiêu biểu Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phục vụ phòng chống dịch (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng.

Bài viết khác

Thầy Nguyễn Bá Hào

Thầy Nguyễn Bá Hào

  • 17/11/2016 10:11
  • 2420