17/11/2016 10:11 2417
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Thầy Nguyễn Bá Hào

Thầy Nguyễn Bá Hào cùng gia đình ở Pháp

   Nhắc đến tên thầy Nguyễn Bá Hào, trong khoa Toán Lý và những người làm Công nghệ thông tin không ai là không biết.

   Đó là một người dị thường về phong cách. Cảm nhận ban đầu với thầy của tôi là như vậy. Tuy cảm nhận đó không thay đổi theo năm tháng, nhưng sự dị thường ở thầy thật đáng mến và đó còn là đặc thù làm thầy không lẫn với những người khác.

   Năm 1970 thầy đã dạy chúng tôi phiên bản tiêu chuẩn của Cobol. Dù sao thì lúc đó Cobol vẫn là ngôn ngữ còn mới với tất thảy mọi người không riêng với chúng tôi nhưng thầy đã dạy một cách tường tận. Một trong những tiết học Cobol tôi còn nhớ rõ. Hôm đó tại giảng đường C1, giờ học Cobol chung cho hai lớp Toán K12 và lớp tôi ( hình như còn có mấy anh chị K11 nữa). Khác với mọi ngày, hôm đó thầy đem đến một cuốn Cobol dày xuất bản ở Pháp còn thơm mùi mực in. Giờ nghỉ, tôi có lật xem cuốn sách và hỏi thầy. Thầy bảo cuốn sách đó do GS Bùi Trọng Liễu (Giáo sư đại học René Descartes, Paris, Pháp) tặng. Suốt buổi đó, thay cho quyển giáo án soạn như mọi ngày, thầy đọc dịch luôn cho sinh viên ghi từ cuốn sách. Lúc đầu ai cũng cười về câu mở đầu của thầy «Cobol không được khỏe lắm» (đúng nghĩa đen của câu đó), nhưng đọc lại bài ghi dịch trực tiếp từ cuốn tiếng Pháp hôm đó tôi lại thấy đó là một bài học hoàn chỉnh. Về sau tôi còn nghe một sinh viên kể lại, họ đã học thầy bằng cách nghe thầy dịch trực tiếp từ tài liệu nước ngoài (chắc thầy vừa sưu tầm được).

   Khi tôi xuất ngũ từ Miền Nam ra Bắc học tiếp, lại nghe tin thầy vào làm Giám đốc một Trung tâm Điện toán ở Sài Gòn. Các bạn K17 vào đó thực tập gặp thầy kể lại, tuy làm Giám đốc nhưng thầy vẫn xuề xòa như xưa, không như người khác. Sau đó, thầy chuyển ra Bắc. Năm 1984, thầy được bổ nhiệm là  Phó Giám đốc Công ty Máy tính Việt Nam (CMT), thuộc Tổng cục Điện tử và Kỹ thuật Tin học Việt Nam cho đến cuối 1986.

   Trong thời gian dạy học, hồi ấy tài liệu tham khảo rất ít, nên để cung cấp kiến thức cho sinh viên, trong những lần đi Hội nghị quốc tế, thầy thường vào các thư viện để chép bằng tay những tài liệu khoa học đem về cho sinh viên.

   Tên gọi của thầy, đặt theo nơi sinh, là ngõ Thịnh Hào (quận Đống Đa ngày nay) – đó là quê ngoại của thầy. Song thời gian thầy sống ở Hà Nôi không lâu. Sau khi sinh thầy, do phụ thân được điều chuyển, gia đình thầy chuyển về Nam Định.

   Năm 1971, ba sinh viên Toán: Bùi Kim Cúc, Cao Văn Uyệt và tôi tham gia một nhóm thực tế cùng các thầy giáo. Đó là các thầy Nguyễn Bá Hào, Nguyễn Đình Đàn, Nguyễn Nhượng, Hồ Đồng và chị Nguyễn Thị Phi Yến (K11, lúc đó đã là cán bộ giảng dạy của Khoa cũng là thành viên của đoàn). Chúng tôi làm việc ở Viện Qui hoạch và Thiết kế thuộc Bộ Điện và Than. Nhóm công tác dự kiến thực hiện hai hợp đồng: Lập qui hoạch lưới điện miền Bắc (Bài toán vận tải), Thiết kế cột điện vượt qua sông Hồng (đoạn Chèm).

   Thầy trò chúng tôi ăn cơm ở bếp ăn khoa Điện, đang sơ tán tại Việt Yên. Thầy Hào thỉnh thoảng từ Hà Nội lên. Cứ đều đặn, mỗi khi thầy đến Việt Yên chúng tôi lại lên lớp. Một lớp học đặc biệt: “Một thầy ba trò” và theo một cách học hoàn toàn mới, thầy và Trò đối thoại với nhau. Chủ yếu là thầy hướng dẫn lập trình Fortran và cuối mỗi buổi học thầy lại giao bài tập đủ cho chúng tôi làm trong thời gian thầy về Hà Nội. Chỉ có điều tất cả các bài tập đều làm “chay”; nghĩa là không hề thực hiện trên máy. Điều đó cũng có cái hay là mình không ỷ lại vào chương trình dịch mà tự mình kiểm tra cú pháp chặt chẽ, cũng nhờ đó mà chúng tôi có dịp đào sâu các câu lệnh của ngôn ngữ Fortran. Cũng nhờ “Lớp học một thầy ba Trò” đó mà tôi nắm vững ngôn ngữ Fortran và sau này khi tôi học các ngôn ngữ khác như Pascal, Basic cũng cảm thấy dễ dàng.

   Mối liên hệ của tôi với thầy càng gần gũi hơn kể từ những ngày đó. Có một dịp vào buổi trưa, tôi về Hương Câu, nơi sơ tán của khoa ở Hiệp Hòa. Đang đứng ở ngoài sân của bếp ăn, thầy đã gọi tôi vào và bảo cùng ăn cơm. Bữa ấy thầy lấy thêm nhiều thức ăn, vừa ăn thầy vừa nói: “Cứ ăn no đi, thiếu cơm tôi xin nhà bếp, tôi quen nhà bếp!”.

   Không ngờ, đó lại là lần gặp cuối cùng của tôi với thầy. Năm sau đó tôi không học thầy nữa, tôi nhập ngũ...

   Năm 1976 tôi xuất ngũ về trường học lại, thì thầy đang làm Giám đốc điện toán ở miền nam và thầy đã lập gia đình. Cũng từ đó, bên cạnh niềm vui đóng góp cho ngành Tin học, thầy còn có niềm vui nơi gia đình nhỏ của mình. Bẵng đi một thời sau mới nghe tin: Năm 1986 thầy đi làm chuyên gia Giáo dục ở Algeria. Lúc đầu sang Algeria thầy dạy ở Batna sau đó chuyển về Oran. Lý do thầy chuyển về Oran cũng vì gia đình. Năm 1988, thầy mời được gia đình sang chơi; rồi Thầy để vợ con ở lại luôn. Nơi Thầy dạy học ban đầu, Batna là một thành phố thuộc tỉnh cùng tên, gần Tunisia và lớn hàng thứ năm của Algerie. Nơi đó có tuyết, quanh năm mát mẻ. Nhiệt độ cao nhất vào tháng bảy 33 độ C, trung bình 17 độ C nên không lạnh lắm. Tháng giêng lạnh nhất - 10 độ C. Nói chung là một thành phố lí tưởng để sinh sống. Duy có điều ở đó không có trường học bằng tiếng Pháp. Con gái đầu của thầy đã phải học bằng tiếng Ả Rập. Do vậy thầy đã chuyển về Oran, một tỉnh nằm giáp bờ biển Địa Trung Hải, nơi có trường học bằng tiếng Pháp.

   Đến năm 1992 do biến cố ở Algerie, thầy đưa cả gia đình sang Pháp.

   Thầy có ba người con Nguyễn Thu Hằng, Nguyễn Nguyệt Ánh, Nguyễn Sao Mai. Cả ba đều tốt nghiệp hệ thống trường Grand Écoles, là những trường được xếp hạng đầu ở Pháp.

   Nguyễn Thu Hằng thỉnh thoảng có về Việt Nam làm việc với Viện Tin học Pháp ngữ (IFI), còn Sao Mai sau khi tốt nghiệp Grand Écoles Polytechnique đã sang Nhật học về Tự động hóa, tháng 5 năm 2011 có về dự cuộc thi Robocon Việt Nam.

   Do đọc những thông tin từ một đại học ở Canada, tôi biết thêm, trước khi mất, con đường khoa học của thầy đã rộng mở, cả về nội dung cũng như địa bàn hoạt động.

   Sau cùng, tôi muốn ghi lại ở đây nội dung trên bia mộ thầy tại nghĩa trang Batignolles, 8 đường Saint Just, Paris 17:

Pr. NGUYỄN Bá Hào

01.02.1932 - 03.03.2001

Giáo sư- tiến sĩ tin học đầu tiên,

Người thành lập ngành tin học Việt Nam, sống quên mình tận tụy vì khoa học.

Bố, généreux, dévoué, tu te passionnais pour les sciences qui ont guidé ta vie et ne cesseront de guider des nôtres...

   (Dòng cuối là của các con thầy, tạm dịch: Bố, rộng lượng, tận tâm. Niềm đam mê khoa học đã dẫn đường cho bố và điều đó sẽ tiếp tục hướng dẫn cho chúng con ...)

NGUYỄN ĐĂNG HÀ


Chia sẻ:

Bình luận của bạn:

Bài nổi bật

Bách khoa có “hiệp sĩ thầm lặng” chống Covid

Bách khoa có “hiệp sĩ thầm lặng” chống Covid

  • 11/06/2021 11:21
  • 4109

Vừa qua, TS Toán học Lê Chí Ngọc – Viện Toán ứng dụng và Tin học, Đại học Bách khoa Hà Nội là 1 trong 7 thành viên tiêu biểu Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phục vụ phòng chống dịch (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng.

Bài viết khác

Thầy Nguyễn Hồ Quỳnh

Thầy Nguyễn Hồ Quỳnh

  • 17/11/2016 10:08
  • 2317