17/11/2016 10:08 2306
Điểm: 5/5 (2 đánh giá)
Thầy Nguyễn Hồ Quỳnh

 

   Thầy Nguyễn Hồ Quỳnh cùng các thế hệ Cựu sinh viên ngày Hội khoa 45 năm
 
Thầy Nguyễn Hồ Quỳnh là một trong 13 giảng viên toán đầu tiên của ĐHBK Hà Nội. Nói về thầy, tôi muốn bắt đầu câu chuyện  từ những ngày thầy ở tuổi thanh niên. Thầy xuất thân trong một gia đình giàu có ở Hưng Tiến, Hưng Nguyên, Nghệ An. Mẹ  thầy  họ Hồ và trong tên thầy có mang cả họ mẹ.

Mẹ thầy mất khi thầy mới 11 tuổi, có thể vì vậy mà thầy đã có tính tự lập từ sớm. Năm 16 tuổi sang Hà Tĩnh học trung học, thầy đã dạy kèm trẻ em để lấy tiền sinh sống và học tập.

   Đợt giảm tô năm 1952, gia đình thầy bị tịch thu toàn bộ tài sản. Không còn con đường nào khác, mẹ kế, hai em gái và người em trai út của  thầy phải bỏ quê đi tá túc anh em bà con. Hôm qua còn có một cuộc sống no đủ, ngày hôm nay họ đã lâm  vào một hoàn cảnh nghèo khó về mọi mặt.

   Khi có người  kể cho tôi điều đó, tôi chợt thấy nhói trong tim. Tôi nghĩ về những mất mát trong cuộc giảm tô năm nào: những người thân, ruộng vườn, sự bình an và những gì gắn với kỷ niệm tuổi thơ của thầy. Tuy nhiên, đã không mất đi niềm hy vọng trong thầy về một tương lai tốt đẹp hơn, tất thảy có thể do sự ham học hỏi nên thầy đã quên đi tất cả để tiếp tục sự học của mình.

   Năm đó thầy vẫn ra Thanh Hóa học dự bị đại học. Tuy nhiên về mặt tinh thần không khỏi ảnh hưởng tới thầy và cái lý lịch còn đeo đẳng làm thiệt thòi cho thầy trong nhiều năm sau.

   Chính trong thời gian đầu về trường thầy đã cùng các thầy Nguyễn Bác Văn, Nguyễn Mĩ Quý dịch cuốn “Lý thuyết xác suất và các kết luận thống kê” từ tiếng Nga. Cuốn sách được xuất bản khoảng những năm 1960 và được dùng tài liệu tham khảo cho không chỉ các sinh viên mà cho các cán bộ giảng dạy chuyên ngành đó một thời gian dài. Tôi biết đến thầy trước khi được học thầy cũng qua cuốn sách dịch kể trên.

Trong thời gian học thầy, tôi ấn tượng nhất việc thầy dùng những hình tam giác, hình vuông thay cho một cụm từ dùng trong toán như  “mệnh đề đã được chứng minh”…Thầy dạy chúng tôi cách tư duy trước một vấn đề để hiểu thấu đáo và biết cách suy luận xa hơn. Môn học dù có khô khan nhưng qua truyền đạt của thầy cũng trở nên sống động. Cách trình bày bài giảng của thầy thật sáng sủa, hấp dẫn bằng những ví dụ thời sự cho  thấy không những thầy hiểu biết sâu mà còn  chuẩn bị kỹ lưỡng cho bài giảng. Tuy vậy về sau thầy đã thay bằng một giáo án khác, thầy đã luôn cải tiến bài giảng của mình.

   Những sinh viên nào có dịp học thầy những năm 1965-1969 khi trường sơ tán ở Lạng Sơn vẫn còn nhớ hình ảnh của người thầy  nhỏ gầy cùng sinh viên chặt cây, xây dựng lán trại làm nơi ở, chỗ học bên sông Kỳ Cùng giáp biên giới Việt Trung. Một sinh viên kể lại, có những tối các cô cán bột mì nấu với rau rừng  mời thầy sang ăn, thầy cũng lội suối qua. Và nhiều sinh viên vẫn còn nhớ không chỉ một lần, do quá say sưa thầy đã lấy khăn lau bảng để lau… mặt. Chính trong những năm gian khó đó, dưới ánh đèn dầu ở giữa rừng xứ Lạng, thầy đã xây dựng được chương trình giảng dạy, nội dung giảng dạy và biên soạn giáo trình cơ sở cho một môn học mà nay đã được chọn làm chương trình chính thức.

   Sau khi có điều kiện hơn, thầy đã hoàn thiện “Giáo trình Xác suất Thống kê” dùng cho sinh viên các trường Đại học Kỹ  thuật; Câu hỏi trắc nghiệm môn Toán cao cấp dùng cho sinh viên năm thứ nhất trường ĐHBK Hà Nội. Thầy cùng các thầy Nguyễn Đình Trí, Tạ Văn Đĩnh biên soạn bộ giáo trình đồ sộ Toán Cao cấp, bao gồm cả lý thuyết và bài tập.

   Khi đất nước chuyển dần từ nền kinh tế tập trung, bao cấp sang kinh tế thị trường nên cũng có những tác động lớn đến công tác giảng dạy. Nhà trường có cái nhìn thông thoáng hơn. Thầy được cử sang Pháp tu nghiệp tại Institut National Polytechnique de Grenoble.

   Có một nét trong cuộc đời làm khoa học của thầy khiến tôi suy nghĩ và cũng chưa lý giải được là tại sao thầy không làm một “Bằng” gì đó như nhiều giảng viên khác vẫn làm, mà điều kiện thì chắc là thầy có đủ, tôi xin kể ra đây hai trong nhiều cơ hội như vậy:

   Thứ nhất, hè năm 1960, thầy và thầy Phạm Xuân Ninh phụ trách đoàn công tác tại Hà Nội của Tiều ban Toán kinh tế và Vận trù học trong một đợt công tác nghiên cứu ứng dụng. Sau ba tháng đoàn đã thu được  một số kết quả. Từ những cơ sở đó sau này thầy Phạm Xuân Ninh phát triển làm luận án Phó Tiến sĩ.

   Cơ hội thứ hai, năm 1972 đề tài Chính sách phát triển năng lượng toàn quốc năm năm sau khi chiến tranh kết thúc đã được đề xuất. Thầy và thầy Thái Thanh Sơn chủ trì mảng đề tài dự báo nhu cầu và khả năng phát triển ngành điện và ngành than. Chính trong thời gian tham gia, thầy và hai thầy Thái Thanh Sơn và Tăng Thiên Tư đã viết chung hai bài báo: Nghiên cứu về các phương pháp dự báo mô hình Markov theo chuỗi thời gian; Phương pháp phân tích tương quan trong lý thuyết dự báo kinh tế – xã hội.

   Có thể nhận thấy các đề tài về sau thầy thực hiện vẫn tiếp tục tinh thần ngoài việc đưa ra những kết luận về lý thuyết còn  áp dụng được vào thực tiễn cuộc sống sản xuất.

   Suốt mấy chục năm giảng dạy thầy đã hướng dẫn hàng chục sinh viên làm tốt nghiệp, từ sau năm 1990 thầy đã nhận hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án Thạc sĩ, Phó Tiến sĩ và Tiến sĩ. Hai người trong số họ là TS Trần Duy Lai, Trưởng Phân viện Kỹ thuật mật mã (Ban Cơ yếu Chính phủ); TS Nguyễn Trung Hòa, Ủy viên BCH Hội Ứng dụng Toán học Việt Nam. Điều đáng nói là cả hai luận án của họ  đều áp dụng ngay được vào cuộc sống và ... “ra tiền” chứ không phải chỉ để công nhận một trình độ học thuật.

   Ngoài những thời gian làm việc, cũng như thầy Thái Thanh Sơn và thầy Nguyễn Tô Thành, thầy thích đọc truyện “chưởng” của Kim Dung.

   Một sở thích khác của thầy là nghe nhạc cổ điển, những bản nhạc tương phản về tâm trạng, nhiều nhịp điệu, cấu trúc được xử lý linh hoạt và giai điệu cân bằng và đối xứng, những bản nhạc trong đó trạng thái cảm xúc có thể thay đổi từ từ hay đột ngột, diễn tả những xung đột giữa niềm vui và nỗi buồn, giữa hy vọng và tuyệt vọng…

   Ngoài 60 tuổi, thầy bị triệu chứng khó thở rồi suy tim, suy hô hấp mãn tính nhưng thầy vẫn hút thuốc lá nhiều, khoảng sau năm 2000 thầy mới ngừng hút. Nhưng đến lúc đó thì cũng đã quá muộn, thầy là một nhà dự báo nhưng đã không dự báo cho ngày ra đi của mình. Trước hôm mất ít ngày, thầy còn đi dự Bảo vệ tốt nghiệp của sinh viên do thầy hướng dẫn ở khoa Toán ứng dụng.

   Ngày nay khi truy cập Internet, ta thường sử dụng chức năng tìm kiếm trong Google, Yahoo, Facebook…tuy nhiên không nhiều người  biết rằng để làm nên chức năng đó, các nhà cung cấp đã sử dụng Lý thuyết về Chuỗi thời gian (time series). Có một người thầy suốt đời đắm mình trong lý thuyết đó: Thầy Nguyễn Hồ Quỳnh.

   Bất giác khi rời khỏi nhà thầy, tôi như nghe  giai điệu một bản nhạc của Mozart, Schubert hay Beethoven mà thầy vẫn thường nghe, và nghĩ về cuộc đời thầy tôi như liên tưởng tới hình ảnh  có thể không có thực trong cuộc đời, một chuỗi thời gian lấp lánh…

 

HẠ NGUYÊN

Viết tại Cà Mau, Hà Nội 1, 2/2012


Chia sẻ:

Bình luận của bạn:

Bài nổi bật

Bách khoa có “hiệp sĩ thầm lặng” chống Covid

Bách khoa có “hiệp sĩ thầm lặng” chống Covid

  • 11/06/2021 11:21
  • 4051

Vừa qua, TS Toán học Lê Chí Ngọc – Viện Toán ứng dụng và Tin học, Đại học Bách khoa Hà Nội là 1 trong 7 thành viên tiêu biểu Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phục vụ phòng chống dịch (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng.

Bài viết khác