15/11/2016 00:00 3666
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
GS.TSKH Lê Hùng Sơn - người làm toán bằng cả tinh thần dân tộc

   Sinh năm 1944 tại Diễn Lộc - Diễn Châu - Nghệ An trong một gia đình có nhiều thế hệ tham gia hoạt động cách mạng ngay từ thời kỳ tiền khởi nghĩa, GS.TSKH Lê Hùng Sơn là con trai duy nhất trong gia đình. Trong kháng chiến chống Pháp, bố mẹ thường xuyên đi công tác xa. Lê Hùng Sơn ở với bà ngoại…

   Không được may mắn như nhiều bạn bè cùng trang lứa, năm lên 8 tuổi, bố mẹ Lê Hùng Sơn đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cách mạng. Lúc bấy giờ, Lê Hùng Sơn đang học tại một trường tiểu học ở Nghĩa Đàn - một huyện miền núi căn cứ địa Cách mạng miền Tây Nghệ An. “Sảy cha còn chú, sảy mẹ bú dì”! Lê Hùng Sơn được dì cưu mang, đùm bọc và tạo điều kiện cho ăn học đến nơi đến chốn. Hình ảnh bố mẹ, tình thương của bà ngoại, chú dì, tình cảnh quê hương và ý chí phấn đấu đã thôi thúc và là động lực để Lê Hùng Sơn cố gắng phấn đấu học tập. Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên, chàng thanh niên Lê Hùng Sơn luôn nằm trong “top” đứng đầu của lớp trong những năm học tại trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Nghệ An – một trong những trường trung học phổ thông lớn và nổi tiếng nhất của Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

GS. Sơn và người Dì của mình 
 
   Tốt nghiệp trung học phổ thông năm 1962, Lê Hùng Sơn ra Hà Nội và thi đỗ vào Khoa Vật lý, Đại học Tổng hợp Hà Nội, được chọn đi học đại học tại Liên Xô. Nhưng một năm sau đó, do ảnh hưởng của chủ nghĩa xét lại, Lê Hùng Sơn không tiếp tục con đường học tập ở Liên Xô được nữa nên đã trở về học ngành Toán, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Lớp Toán khóa 8 (1963 – 1967) Đại học Tổng hợp Hà Nội của Lê Hùng Sơn năm ấy có gần 80 thành viên. … Năm học thứ 2 vừa kết thúc, tháng 8/1965, Lê Hùng Sơn cùng thầy cô và bạn bè khoác ba lô ngược ngàn đi sơ tán tại vùng đồi núi heo hút– xóm Đầm Mây, Đại Từ, Bắc Thái. “Khi đó, lớp tôi chỉ có 4 sinh viên nữ. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ đó là các bạn Lê Thị Lan, Bùi Thị Hoàng, Đỗ Thị Căn và Lê Thị Như Thanh, thầy Lê Huy Cận làm chủ nhiệm lớp và GS. Hoàng Tụy là Chủ nhiệm khoa. Bạn bè cùng khóa tôi hồi đó đều là những học sinh giỏi toán ở các trường THPT của các tỉnh miền Bắc. Đa số họ giờ đây đều thành đạt, giữ những chức vụ quan trọng tại các cơ quan, viện nghiên cứu hay các trường đại học lớn, chẳng hạn: GS.TSKH Hà Huy Khoái hiện đang là Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam; TS Phạm Đình Nghiệp – Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam; PGS.TS Lê Lương Tài – Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên; TS. Trần Hành – Hiệu trưởng Đại học Lạc Hồng, Đồng Nai; TS. Nguyễn Khắc Khoa – Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm Tin học và Tư liệu (Học viện Hành chính Quốc gia)…. Mỗi khi có dịp gặp nhau là chúng tôi lại cùng hàn huyên về một thời sinh viên Khoa Toán, Đại học Tổng hợp Hà Nội, về những năm tháng sơ tán ở vùng núi rừng Bắc Thái thầy cô và bạn bè cùng nhau lấy gỗ dựng phòng học và nhà ở. Gian khổ là vậy nhưng ai cũng tự nhủ phải đặt nhiệm vụ học tập lên trên hết để chiếm lĩnh kiến thức khoa học mới nhất, xứng đáng với công sức, sự hy sinh của các thế hệ cha anh, bạn bè nơi chiến trường, xây dựng nền khoa học mới khi đất nước bước vào hòa bình…”. Nói đến đây, ông dừng lại, đôi mắt nhìn xa xăm như gặp lại kỷ niệm của một thời khó khăn nhưng đầy lãng mạn. Không phụ lòng tin của thầy cô, vượt lên hoàn cảnh, khóa sinh viên cùng tốt nghiệp với ông năm đó đều tốt nghiệp xuất sắc. Đặc biệt với đề tài “Áp dụng lý thuyết hàm số phức vào giải bài toán cải tạo vùng ngập mặn và bài toán nổ mìn định hướng phục vụ công cuộc chống Mỹ cứu nước” của ông do thầy giáo - GS.Lê Văn Thiêm hướng dẫn được đánh giá là một trong những đề tài tốt nghiệp xuất sắc của Khoa Toán năm đó (1967). Tính thực tiễn của đề tài đã được khẳng định ngay trong đợt thực tập tốt nghiệp khi ông và bạn bè được trực tiếp ra vùng chiến trường Liên khu IV để phục vụ công binh và thanh niên xung phong dùng mìn định hướng, mở đường vào Nam phục vụ chiến đấu. Điều mà có lẽ ngay lúc đó ông không nghĩ tới, đó là 10 năm sau (1977) chính với đề tài này ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất. Sau ngày tốt nghiệp, năm ấy vừa tròn 23 tuổi, chàng thanh niên Lê Hùng Sơn được phân công về giảng dạy tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Và chỉ hai năm sau (1969), ông được biên chế chính thức làm cán bộ giảng dạy của Khoa Toán - Lý của trường. Năm 1973, ông được cử đi làm nghiên cứu sinh ở Trường Đại học Tổng hợp Halle, Đức. Được sự hướng dẫn tận tình của GS.TSKH Wolfgang Tutschke – một trong những nhà toán học xuất sắc nhất của Cộng hòa Dân chủ Đức lúc bấy giờ về hướng nghiên cứu “Giải tích phức”, ông đã hoàn thành luận án tiến sĩ với đề tài “Các định lý thác triển đối với hàm giải tích suy rộng nhiều biến phức” vào năm 1977. Luận án này được hội đồng khoa học bao gồm các nhà khoa học xuất sắc của CHDC Đức và Liên Xô như Viện sĩ J.Nass – chủ bút Tạp chí Toán học “Mathematischen Nachrichten” thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Đức, Viện sĩ G. Bizadse – viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Khoa học Liên Xô, GS E. Oblashvili thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Tadgikistan… đánh giá cao và đề nghị phát triển thành luận án tiến sĩ khoa học.
 
 Ảnh từ trái sang: GS. Hà Huy Khoái, GS. Đào Trọng Thi và GS. Lê Hùng Sơn
 

   Về nước trong một thời gian ngắn để làm thủ tục chuyển tiếp, sau đó ông quay lại Đức để bắt tay vào làm luận án tiến sĩ khoa học. Năm 1981, trên cơ sở phát triển từ luận án tiến sĩ, ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học với tên đề tài “Bài toán thác triển và bài toán Cousin trong giải tích phức suy rộng và ứng dụng của nó vào lý thuyết trường”. Trong khoảng thời gian học tập và nghiên cứu ở nước ngoài, ông đã được mời đi đọc bài giảng, báo cáo khoa học tại các trung tâm Toán học và các trường đại học quốc tế như: Đại học Copenhavn, Đại học Washington, Đại học Tổng hợp Canberra, Đại học Sydney, Melboune, ĐH Tokyo, Viện Toán Mittag Leffler (Thụy Điển), Viện Toán học Max Planck (Đức), Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế Trieste (Italy). Ông được mời làm chủ tọa các hội nghị khoa học quốc tế về giải tích phức và phương trình đạo hàm riêng tại Trung tâm quốc tế và Vật lý lý thuyết Trieste (Italy) năm 1988 và 1993.

 
GS. Sơn trong những ngày ở Liên Xô (cũ) 
 

   Năm 1982, ông trở về Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục giảng dạy. Trong thời gian này, vừa tham gia giảng dạy, giáo sư vẫn tiếp tục nghiên cứu về các phương pháp phức trong phương trình đạo hàm riêng, Giải tích Clifford và Quaternion – hướng nghiên cứu sở trường của ông. Ông được bầu làm Chủ tịch Hội đồng khoa học Liên ngành Toán tin Đại học Bách khoa Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Khoa Toán Đại học Bách khoa Hà Nội, Chủ nhiệm bộ môn Giải tích, Phó chủ nhiệm Khoa Toán Đại học Bách Khoa Hà Nội trong khoảng thời gian từ năm 1985 đến 1991. Giáo sư đã tham gia và chủ trì các chương trình khoa học cấp Nhà nước như: Chủ trì chương trình nghiên cứu cấp Nhà nước với đề tài “Giải tích phức, Giải tích Clifford và các ứng dụng vào kỹ thuật” từ năm 1998 đến năm 2006; Chủ trì 2 đề tài cấp Bộ về “Hiện đại hóa và Tin học hóa quá trình giảng dạy và học toán cho kỹ sư”; Tham gia 2 đề tài cấp Nhà nước là “Tự động hóa thiết kế thủy lợi ở Việt Nam” (1983-1985) và “Tự động hóa thiết kế hệ thống bưu chính viễn thông ở Việt Nam” (1983-1985)… Ông được phong học hàm Phó giáo sư năm 1993, Giáo sư năm 2002. Hiện nay, ngoài vị trí là cán bộ giảng dạy tại Bộ môn Toán tin, Khoa Toán – Tin ứng dụng của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và trực tiếp phụ trách các môn Đại số, Đồ họa máy tính và Lập trình tính toán, ông còn đảm đương trọng trách là Phó chủ tịch Hội Toán học Hà Nội, Ủy viên Ban chấp hành Hội Toán học Việt Nam. Tính đến nay, ông đã công bố 56 công trình khoa học trong đó có tới 32 công trình được Tạp chí thông tin Toán học của Mỹ “Mathematical Review” tóm tắt và giới thiệu; xuất bản 2 sách chuyên khảo về “Giải tích phức” (viết bằng tiếng Anh) in ở Mỹ và Đức, 5 sách chuyên khảo (viết bằng tiếng Việt) về “Tin học hóa giảng dạy Toán”.

   Hiện tại, ông đang chủ trì xêmina mang tên “Giải tích phức, Giải tích Clifford và phương trình vi tích phân” tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Giáo sư bộc bạch: “Đây là xêmina của liên cơ quan Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Viện Toán học Hà Nội. Xêmina có 20 thành viên, trong đó có 12 thành viên là những cán bộ nghiên cứu trẻ với độ tuổi dưới 35. Họ đều là những người giỏi chuyên môn và say sưa nghiên cứu. Nhóm nghiên cứu này sinh hoạt khoa học định kỳ vào thứ 6 hàng tuần. Các buổi sinh hoạt khoa học thường xuyên có sự thamh gia, giảng bài và nói chuyện của các khách mời quốc tế. Đây là một phương pháp tốt để các cán bộ nghiên cứu có điều kiện cập nhật những kiến thức chuyên môn mới nhất, đồng thời phát triển trình độ ngoại ngữ… ”. Với suy nghĩ “ở lứa tuổi của mình, làm toán, ngoài nghĩa vụ và trách nhiệm của một nhà Toán học thì còn phải dựa trên tinh thần trách nhiệm của một công dân Việt Nam”, giáo sư đang dồn hết tâm huyết cho chương trình đào tạo cao học chuyên ngành Toán Công nghệ (TechnoMathematics) phối hợp với Đức được gọi là chương trình đào tạo thạc sĩ Việt – Đức. Bởi theo ông: “Toán Công nghệ là một lĩnh vực Toán học ứng dụng hiện đại rất cần được phát triển và đào tạo trong một trường đại học kỹ thuật lớn ở Việt Nam như Đại học Bách khoa Hà Nội. Việc phối hợp đào tạo giữa Việt Nam với nước ngoài là một cách tốt để tiếp cận, trao đổi và học hỏi kiến thức chuyên môn, trình độ nghiệp vụ, kinh nghiệm nghiên cứu để các đại học ở Việt Nam có thể tiệm cận, tiến sát và đạt trình độ với trình độ quốc tế. Với chương trình đào tạo này, các học viên sẽ có điều kiện học tập những giáo sư có uy tín của Đức cũng như của Việt Nam. Khóa đào tạo đầu tiên là vào năm 2005 với 12 học viên. Tính đến thời điểm này, các học viên khóa thứ 2 đã học được 2 tháng. Chúng tôi rất vui và tự hào khi biết rằng các giáo sư người Đức đến giảng dạy khoá học đặc biệt khen ngợi trí thông minh và khả năng học Toán của sinh viên Việt Nam…”. Nghe giáo sư kể, tôi được biết, năm nay ông vừa chủ trì thành công hội nghị quốc tế về Toán học tổ chức tại Đại học Huế với chủ đề “Giải tích phức vô hạn và vô hạn chiều”. Đây là một hội nghị quốc tế thu hút hơn 40 giáo sư nước ngoài và 50 nhà toán học trong nước tham dự. Và đến cuối năm 2006 này, giáo sư sẽ chủ trì hội nghị về “Ứng dụng các phương pháp kỹ thuật số trong việc dạy và học Toán”. Giáo sư hồ hởi khoe: “Đây sẽ là hội nghị quốc tế về khoa học vào loại lớn nhất được tổ chức ở Việt Nam từ trước đến nay. Dự kiến sẽ có 120 khách nước ngoài về dự và 100 khách trong nước. Công việc chuẩn bị hội nghị đang được khẩn trương xúc tiến...”

 
 GS. Sơn bên vợ và gia đình
 

   Về gia đình, giáo sư có được người bạn đời cùng làm công tác nghiên cứu khoa học, hiểu, cảm thông và giúp đỡ rất nhiều trong cuộc sống. Đó là TS. Phạm Thị Việt Uyên từng là cựu sinh viên K8 Khoa Vật lý, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cũng như người chồng của mình, bà đã tốt nghiệp loại xuất sắc và đi làm tiến sĩ ở Đức (1979 – 1983), tham gia chương trình khoa học Việt Đức intercosmos, chuẩn bị các thiết bị cho anh Phạm Tuân nghiên cứu khi bay vào vũ trụ. Trở về nước, bà tham gia thành công chương trình khoa học bảo quản lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và làm công tác giảng dạy tại Viện Vật lý Kỹ thuật, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội… Cùng học Đại học Tổng hợp Hà Nội, cùng đi nghiên cứu ở Đức rồi lại trở về giảng dạy tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Dường như có một sợi dây vô hình nào đó đã gắn kết Giáo sư Toán học Lê Hùng Sơn và Tiến sĩ Vật lý học Phạm Thị Việt Uyên! Môi trường gia đình ấy chính là nơi những mầm tài năng được nuôi dưỡng. Hai cậu con trai là niềm vui là sự động viên lớn lao về mặt tinh thần đối với gia đình giáo sư: Lê Hùng Việt hiện đang công tác tại Cơ quan đại diện Hàng không quốc gia Việt Nam ở Đức và Lê Hùng Việt Bảo – cựu học sinh chuyên Toán, ĐHKHTN, ĐHQGHN đã 2 lần đạt huy chương vàng Olympic Toán quốc tế (lần thứ nhất tại Tokyo năm 2003 với số điểm tuyệt đối 42/42 và lần thứ hai tại Hy Lạp), là một trong 10 gương mặt thanh niên Việt Nam tiêu biểu năm 2003 của TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và hiện nay đang được nhận học bổng của hoàng tử xứ Wale học ngành Toán tại Đại học Cambridge, một trong những đại học danh tiếng nhất thế giới.

   Giờ đây, tuy đã nghỉ hưu nhưng bà vẫn tham gia giảng dạy tại Viện Vật lý kỹ thuật, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Còn giáo sư vẫn miệt mài trong công việc giảng dạy và sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực lý thuyết cũng như ứng dụng Toán học. Có lẽ, nhắc tới lứa sinh viên K8 Khoa Toán hoặc K8 Khoa Vật lý của Đại học Tổng hợp Hà Nội năm đó, không ai là không biết đến gia đình Giáo sư Toán học Lê Hùng Sơn và Tiến sĩ Vật lý Phạm Thị Việt Uyên.

Vũ Oanh [100 Years-VietNam National University,HaNoi]

 
 
Nguồn: 100years.vnu.edu.vn
Link bài viết gốc: Click here 

Chia sẻ:

Bình luận của bạn:

Bài nổi bật

Bách khoa có “hiệp sĩ thầm lặng” chống Covid

Bách khoa có “hiệp sĩ thầm lặng” chống Covid

  • 11/06/2021 11:21
  • 4109

Vừa qua, TS Toán học Lê Chí Ngọc – Viện Toán ứng dụng và Tin học, Đại học Bách khoa Hà Nội là 1 trong 7 thành viên tiêu biểu Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phục vụ phòng chống dịch (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng.

Bài viết khác

Viện Toán ứng dụng và Tin học: Lịch sử hình thành và phát triển

Viện Toán ứng dụng và Tin học: Lịch sử hình thành và phát triển

  • 01/05/2016 13:49
  • 3758

Từ Tổ Toán (một trong số không nhiều tổ chuyên môn được hình thành sớm nhất ngay từ khi thành lập trường), sau 60 năm xây dựng và phát triển, đến nay đã hình thành Viện Toán ứng dụng và Tin học vững mạnh, là đơn vị có uy tín về nghiên cứu khoa học và đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ trong lĩnh vực Toán học, Tin học; có những hợp tác nghiên cứu và giảng dạy với các cơ sở trong và ngoài nước, cũng như phối hợp với các ngành, các cấp, các doanh nghiệp trong việc đưa ứng dụng Toán học, Tin học vào những lĩnh vực như kinh tế, tài chính, quản lý, xây dựng, kỹ thuật,…