17/11/2016 11:33 4053
Điểm: 4.5/5 (6 đánh giá)
Thầy chủ nhiệm khoa

   Ngôi nhà một thời được gọi là “Nhà Trắng của Bách Khoa” bởi nó có màu trắng và làm bằng vật liệu đá rửa, lúc đó được cho là sang trọng nên mọi người coi đó là “tòa Bạch Ốc” của Bách Khoa. Trải qua năm tháng ngôi nhà cũ đi, như những con người sống trong đó cũng đã già thêm.

   Trong ngôi nhà đó có một người cao tuổi, sáng sớm ông lặng lẽ bước xuống những bậc cầu thang đã nhuốm màu thời gian, đi vòng quanh sân vận động một hai vòng rồi leo lại những bậc thang đó trở về căn hộ quen thuộc.

   Khoảng sáu giờ rưỡi ông bắt tay vào làm việc. Cách đây vài năm tuy đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn nhận giảng một số giáo trình cho lớp Kỹ sư tài năng và lớp Cao học Toán của trường. Suốt mấy tháng nay, hàng ngày, ông dành phần lớn thời gian viết lại bộ giáo trình Toán Cao cấp 3 tập (ông là chủ biên). Lần này ông viết theo  phương pháp mới (một số phần được viết lại theo  phương pháp mới, chứ không phải hoàn toàn sửa đổi các giáo trình đã viết).

   Về việc hình thành khoa Toán Lý, thầy nói, năm thầy làm nghiên cứu sinh ở Mátxcơva cùng dịp với thầy Vũ Đình Cự, có một vấn đề hai thầy cùng phát hiện và quan tâm, đó là ở Nga có một ngành học không nhận đào tạo người nước ngoài. Sau đó thầy đã tìm hiểu nội dung đào tạo và  những vấn đề lớn của các ngành học bí mật nói trên.   Người tôi đang nói đến là Giáo sư Nguyễn Đình Trí, nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Bách Khoa Hà Nội, Chủ nhiệm khoa đầu tiên của khoa Toán Lý.

   Về nước, thầy gặp “thầy Bửu” (Giáo sư Tạ Quang Bửu), trình bày lại những điều mà thầy và thầy Cự quan sát được. GS Tạ Quang Bửu nói ngay, trên thế giới người ta đã đào tạo những kỹ sư làm cầu nối giữa khoa học cơ bản (Toán, Lý, Hóa, Sinh) và khoa học kỹ thuật. Các kỹ sư này học sâu về Toán, Lý, Phương pháp số, máy tính, Kỹ sư Toán biết cách mô hình hóa các vấn đề kinh tế, khoa học kỹ thuật. Những người ra trường từ ngành học đó gọi là  Kỹ sư Toán Công trình. Qua câu chuyện, tôi nhận thấy thầy rất mến mộ GS Tạ Quang Bửu, không chỉ câu chuyện mà cuộc đời của thầy phần nào phản ánh điều đó. Chính vì thế, có sinh viên gọi thầy là "Thầy Bửu thứ hai", một danh hiệu thật đẹp và thích hợp với thầy. Thầy quí trọng những tài năng thực sự, nhưng thầy quí trọng hơn những người có ý chí phấn đấu và cũng luôn khích lệ sự nỗ lực của mỗi sinh viên. Thầy tâm đắc nhất một điều: Một sinh viên giỏi cần hai yếu tố, trò và thầy của họ. Trong đó, với người thầy quan trọng nhất là khuyến khích, kích thích được sự nỗ lực của người trò.

   Cuộc đời làm công tác quản lý và giảng dạy của thầy đã chứng tỏ một điều, đó là, trải qua bất kỳ một sự biến động nào cũng không để việc học tập và nghiên cứu khoa học bị gián đoạn. Hồi nhỏ thầy học trường Bonnal ở Hải Phòng sau đó năm 16 tuổi thầy học tiếp Trường Trung học kháng chiến. Năm 1950, thầy tốt nghiệp tú tài và trở thành giáo viên cấp 2. Nhiều học sinh của thầy sau này vẫn liên lạc với thầy, một số trở thành đồng nghiệp với thầy. Chẳng hạn như PGS TS Kiều Vĩnh Khánh (bộ môn Vô tuyến điện), GS TSKH Phan Anh (nguyên Chủ nhiệm khoa Điện tử- Viễn Thông), GS TSKH Nguyễn Văn Đạo ở Đại học Quốc gia Hà Nội,... Trong số đó, thầy Đạo có nhiều gắn bó nhiều nhất, trong căn phòng của thầy cũng có một số kỷ vật của thầy Đạo. Thầy kể, thầy Đạo là học sinh của thầy trong ba năm (1950, 1951, 1952). Sau này, thầy Đạo là người cộng sự gần gũi của thầy ở khoa Toán Lý, trước khi trở thành nhà Cơ học hàng đầu, (một chuyên gia  về Giao động phi tuyến và Cơ học giải tích), và những chức vụ cao hơn mà Nhà nước bổ nhiệm.

   Cũng thời gian này thầy xây dựng gia đình với cô Trần Thị Thục Nga - một đồng nghiệp. Những năm sau này, bà Thục Nga là Phó hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội. Cuối đời, bà Nga mang nhiều bệnh nặng. Mặc dù bận nhiều việc nhưng thầy đã tự tay săn sóc bà hết sức tận tình, khiến bạn bè rất thán phục. Sau mấy năm dạy học trong kháng chiến, năm 1953 thầy được tiếp tục việc học tập của mình ở Đại học Sư phạm Khoa học tại Nam Ninh, Trung Quốc. Năm 1956 thầy tốt nghiệp và được phân công về giảng dạy tại Bách Khoa Hà Nội.

   Ở Bách Khoa Hà Nội có câu "Toán Trí, Lý Bình". Câu cửa miệng đó còn “vượt qua hàng rào” trường Bách Khoa, khiến nhiều sinh viên trường khác cũng biết đến. Thầy nói, câu đó xuất hiện từ năm 1958, đó là đánh giá của sinh viên, có nghĩa hai thầy, (thầy và thầy Lương Duyên Bình) truyền đạt rất dễ hiểu, dễ tiếp thu, thầy Bình dạy môn Vật lý, thầy dạy môn Toán cao cấp, sinh viên rất thích được học hai thầy.

   Khoảng 1978, thầy tặng nhà trường một món tiền sau khi đi trao đổi khoa học ở Pháp. Cùng với món quà vật chất, trong khoảng thời gian đó thầy nói chuyện với sinh viên về nền giáo dục của các nước tiên tiến. Có lẽ thầy là người sớm nhất nói và đánh giá khách quan về nền giáo dục Mỹ, Pháp và một số nước tiên tiến khác.

   Ngoài những hoạt động ở khoa hay ở Ban giám hiệu nhà trường, thầy còn là người nhiều năm phụ trách hợp tác quốc tế với các trường đại học, đặc biệt là với các nước sử dụng tiếng Pháp trên thế giới, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị- Viện Tin học Pháp ngữ tại Hà Nội (IFI). Với IFI, thầy cũng đã dành tâm huyết và nhiều trăn trở. Trong thời gian phụ trách, thầy cũng đã chắp cánh cho nhiều sinh viên đã tốt nghiệp IFI nay đang làm việc tại châu Âu hoặc tại Việt Nam, phần đông trở nên thành đạt.

   Về tác phong làm việc, thầy làm việc cần cù như một cái máy, giờ nào việc nấy, không ngơi nghỉ. Cư dân khu tập thể Đại học sư phạm ở Cầu Giấy vẫn nhớ hình ảnh ở ban công ngôi nhà sáng đèn đến tận đêm khuya, đó là hình ảnh của thầy, mùa hè thầy còn cởi trần làm việc. Không chỉ trong nước, thầy còn tham gia nhiều hoạt động khoa học ở nước ngoài.

   Tôi nhận ra thêm một điều, thầy không những không để gián đoạn việc học tập và nghiên cứu khoa học mà còn tận dụng những dịp có thể nhằm tiếp xúc, gặp gỡ các nhà khoa học để trao đổi các kết quả và hướng nghiên cứu. Dĩ nhiên thầy đã may mắn có nhiều cơ hội như vậy, nhưng không phải ai có cơ hội đó cũng tận dụng một cách hiệu quả, khi họ không hội tụ đủ hai yếu tố: Lòng yêu khoa học và khả năng lĩnh hội?

   Tôi đã bắt đầu gõ những dòng mở đầu của câu chuyện về thầy trong chuyến bay về Hà Nội từ Kuala Lumpur ngày 12-10-2015. Tại sao thế? Bởi trong chuyến bay sang Malaysia, khi sắp hạ cánh, tôi thấy phía dưới là những rừng cọ, khiến tôi nghĩ tới miền trung du Phú Thọ (vùng tự do trong những năm kháng chiến chống Pháp), nơi thầy Nguyễn Đình Trí có một quãng thời gian không ngắn, học tập và trải nghiệm cuộc đời thầy giáo của mình.

   Nếu nói ngắn gọn về cuộc đời của thầy Nguyễn Đình Trí, tôi cũng muốn như một sinh viên nào đó, gọi thầy là "Thầy Bửu thứ hai".

HẠ NGUYÊN


Chia sẻ:

Bình luận của bạn: