11/08/2018 00:22 5168
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Toán Sinh: niềm đam mê của một cựu sinh viên Tài năng Toán Tin Bách Khoa, Tiến sĩ – giảng viên tại trường đại học lớn trên đất Anh quốc

Trần Sỹ Hoàng Nam (Thực hiện).

“Học Toán Tin xong ra đi dạy à?”. Trước giờ vẫn luôn là một câu đùa của các bạn sinh viên sắp vào trường, cũng như một câu hỏi quen thuộc của những người chưa có sự tìm hiểu về ngành. Thực ra, câu nói này không hề sai. Học Toán Tin xong, bạn có thể làm về phần mềm, làm nghiên cứu & phát triển trong lĩnh vực CNTT, mà cũng có thể làm toán ứng dụng trong lĩnh vực khác (kinh tế, tài chính,...) hoặc bạn có thể chọn theo con đường nghiên cứu và trở thành giảng viên. Tuy nhiên, “đi dạy” lại là một hướng đi không hề đơn giản một chút nào, đặc biệt là nếu muốn giảng dạy tại nước ngoài, hơn nữa là tại một trường đại học lớn, lâu đời. Hôm nay, chúng ta vinh dự được phỏng vấn anh Dương Mạnh Hồng, KSTN Toán Tin – K46, hiện đang là giảng viên Toán học tại một trường đại học tại Anh. Và chúng ta sẽ hiểu hơn về Toán Sinh, về vai trò của Toán học trong các lĩnh vực khác.

-       Em chào anh, trước khi đi vào bất cứ điều gì khác, anh có thể trích ngang một số thông tin về bản thân, cũng như công việc hiện tại được không ạ?

Anh bảo vệ luận án tiến sĩ chuyên ngành toán học (Tên luận án: Large Deviation and Variational Approaches to Generalized Gradient Flows) năm 2014 trong chương trình liên kết giữa Đại học Bath (University of Bath), Vương quốc Anh và Đại học Công nghệ Eindhoven (Eindhoven University of Technology), Hà Lan. Chương trình này được tài trợ bởi quỹ Marie-Curie của liên minh châu Âu.

Hiện tại anh đang làm giảng viên tại Đại học Birmingham, vương quốc Anh. Birmingham là thành phố lớn thứ 2 nước Anh, chỉ sau London. Đại học Birmingham là một thành viên sáng lập của nhóm Russell bao gồm các Đại học hàng đầu nước Anh. Sinh viên của Đại học Birmingham đến từ hơn 150 quốc gia trên thế giới.

Công việc chính của một giảng viên như anh là nghiên cứu và giảng dạy. Về nghiên cứu thì anh, có thể độc lập hoặc cùng các đồng nghiệp khác, phải tìm ra các kết quả mới trong lĩnh vực của mình, viết bài công bố trên các tạp chí khoa học và tham gia các hội nghị khoa học để quảng bá kết quả nghiên cứu của mình. Việc giảng dạy bao gồm cả việc hướng dẫn sinh viên (Đại học, cao học, tiến sĩ) làm đề tài tốt nghiệp.

-      Vậy trước khi đến với Đại học Birmingham, anh đã trải qua những gì trong học tập và công việc, kể từ sau khi ra trường ạ?

Anh tốt nghiệp lớp KSTN Toán Tin ứng dụng khóa 46 (2001-2006). Sau đó anh làm nghiên cứu viên ở Viện Toán học 2 năm, học cao học theo học bổng Erasmus Mundus của liên minh châu Âu 2 năm ở Hà Lan và Đức, rồi làm tiến sĩ ở Anh và Hà Lan 4 năm theo chương trình Marie-Curie cũng của liên minh châu Âu.

Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ anh quay lại vương quốc Anh làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ ở Đại học Warwick (University of Warwick) 3 năm và Đại học hoàng gia Anh (Imperial College London) gần 1 năm.

Gần đây thì anh chuyển đến làm giảng viên ở Đại học Birmingham như đã nói ở trên.

-       Anh có thể chia sẻ về những thành tích trong học tập và công việc mà anh đã đạt được không ?

Khi còn là sinh viên năm cuối, anh có tham gia nghiên cứu khoa học và được giải nhì cấp Trường. Sau đó anh được học bổng thạc sĩ Erasmus Mundus, học bổng tiến sĩ Marie-Curie của liên minh châu Âu, và giành được vị trí học giả Chapman (Chapman Fellow) của Đại học hoàng gia Anh (Imperial College London).

Anh Hồng nhận bằng tốt nghiệp tiến sĩ tại đại học công nghệ Eindhoven năm 2014.

-     Trong những điều anh học được từ Viện, cụ thể hơn là hệ Tài năng của Viện, anh cảm thấy có những gì là đáng giá nhất đối với anh?

Ngoài việc được học với những bạn sinh viên giỏi nhất và các thầy cô giỏi nhất, có 2 điều đáng giá nhất đối với anh trong quá trình học trong hệ KSTN.

Việc đầu tiên, đó là sinh viên được tự chọn đề tài viết tiểu luận cuối năm trong khá nhiều môn học. Điều này đòi hỏi sinh viên phải chủ động đọc tài liệu và chọn được đề tài phù hợp và yêu thích. Trong 3 năm học chuyên ngành, anh thường xuyên vào thư viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia trên đường Lý Thường Kiệt để tìm tài liệu. Điều này giúp cho anh tập dượt với việc làm nghiên cứu từ khá sớm.

Điều thứ hai, đó là Trung tâm Đào tạo KSTN và Khoa Toán Tin ứng dụng (*nay là Viện Toán ứng dụng và Tin học*) luôn khuyến khích sinh viên chủ động làm đề tài tốt nghiệp theo lĩnh vực yêu thích và tìm đến các chuyên gia hàng đầu, không nhất thiết phải là các giáo sư ở khoa về lĩnh vực đó. Anh đã làm tốt nghiệp đại học với Giáo sư Lê Tuấn Hoa ở Viện Toán học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) về lĩnh vực đại số máy tính. Đây là lĩnh vực mà anh rất thích và thấy phù hợp với các kiến thức về toán và tin mà anh được học. Việc làm tốt nghiệp đại học với GS Lê Tuấn Hoa đã ảnh hưởng rất lớn đến quyết định đi vào làm nghiên cứu toán học của anh.

-      Tại sao anh lại chọn nước Anh làm điểm đến của mình? Anh đã làm gì để tạo cho mình cơ hội tốt nhất để sang bên đó? 

Anh nộp hồ sơ làm nghiên cứu sinh, sau tiến sĩ và giảng viên ở các trường đại học ở Anh (Bath, Warwick, Imperial College London, và Birmingham) vì ở đây có các chuyên gia hàng đầu thế giới về các lĩnh vực mà anh quan tâm. Theo anh, để phát triển lĩnh vực gì thì cách tốt nhất là tìm đến học tập và làm việc với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đó. Để đến được những trường hàng đầu nước Anh, anh đã liên tục cố gắng mở rộng nghiên cứu và cộng tác với các đồng nghiệp. Ngay từ khi làm nghiên cứu sinh anh đã có công trình công bố với các chuyên gia khác giáo sư hướng dẫn. Hiện nay anh đã cộng tác với hơn 20 chuyên gia trên thế giới (Anh, Đức, Hà Lan, Pháp, Thụy Điển, Canada, Mỹ) và ở Viện Toán học Việt Nam.

-      Anh có kỷ niệm gì đặc biệt với Viện hay thầy cô trong Viện mà anh nghĩ mình sẽ không bao giờ quên không?

Anh không bao giờ quên hình ảnh các thầy cô trong Viện say sưa giảng bài, tâm huyết và luôn tạo điều kiện để sinh viên được phát triển.  Đặc biệt, thầy Phan Trung Huy và cô Nguyễn Thị Bạch Kim luôn tin tưởng và khuyến khích sinh viên theo đuổi nghiên cứu khoa học. Các thầy Dương Quốc Việt và Bùi Khởi Đàm rất nghiêm khắc với sinh viên nhưng luôn mang đến những tiết học độc đáo.

-       Kiến thức toán học đã giúp anh như thế nào trong Biomathematics ? 

Một trong các lĩnh vực mà anh quan tâm nghiên cứu hiện nay là Toán sinh (Mathematical Biology). Các vấn đề, bài toán mà anh quan tâm đều đến từ các lĩnh vực ứng dụng khác nhau; không chỉ từ sinh học mà còn từ các ngành khác như vật lý, động học phân tử (molecular dynamics) và khoa học vật liệu (material sciences). Các lĩnh vực nghiên cứu càng ngày càng trở lên đa ngành và liên ngành. Các kiến thức toán học đã giúp anh giải quyết được những vấn đề mà các nhà sinh học hay khoa học vật liệu gặp khó khăn hơn như mô hình hóa (mathematical modelling) các vấn đề cần giải quyết (các hiện tượng hóa học, vật lý, sinh học), rồi từ những mô hình toán học này tìm ra các tính chất, cả định lượng và định tính, của các hiện tượng đó. Việc mô hình hóa (toán học hóa) còn giúp ích cho việc dự đoán và điều khiển.

-      Anh có thể giới thiệu về một thành tựu mà anh cảm thấy tự hào nhất từ trước tới nay?

Kết quả nghiên cứu mà anh thích nhất đó là việc anh cùng các đồng nghiệp thiết lập được một mối quan hệ thú vị giữa hai lĩnh vực khác nhau của toán học, đó là phương trình đạo hàm riêng (partial differential equations) và lý thuyết xác suất (probability theory). Phương trình đạo hàm riêng thường được dùng để mô tả các hiện tượng vật lý, chẳng hạn như quá trình truyền nhiệt hoặc khuếch tán, ở mức vĩ mô (macroscopic level), tức là mắt thường có thể nhìn thấy được. Nhưng như ta biết trong vật lý, mọi thứ đều được cấu tạo từ các phân tử vi mô (microscopic level). Các phân tử luôn chuyển động hỗn độn không ngừng. Kết quả nghiên cứu của anh và các đồng nghiệp đưa ra một phương pháp để hiểu cấu trúc của một lớp rộng các phương trình đạo hàm riêng từ các chuyển động vi mô của các phân tử. Phương pháp này gần đây có nhiều ứng dụng hữu ích trong một số lĩnh vực khác, như động học phân tử, để làm giảm độ phức tạp tính toán trong các tính toán và mô phỏng phân tử.

-       Là một giảng viên của một trường đại học tại Anh quốc, anh có nhận xét gì về những cái được/ thua của sinh viên, môi trường, cùng với những cơ hội của Việt Nam so với bên đó được không ạ? 

Anh đã tham gia giảng dạy và hướng dẫn sinh viên và nghiên cứu sinh ở một số trường đại học ở Anh và Hà Lan. Trước khi du học anh cũng là trợ giảng ở Đại học Công nghệ gần 2 năm. Sinh viên ở các trường đại học ở Anh nói riêng và các nước phát triển nói chung tất nhiên có lợi thế hơn sinh viên các nước khác vì được học với những chuyên gia hàng đầu thế giới. Nên họ có thể bắt đầu đi vào tìm hiểu một lĩnh vực một cách sâu sắc từ khá sớm. Hơn nữa, anh thấy sinh viên các nước này rất tự tin khi thuyết trình và chủ động tham gia tranh luận. Điều này, theo anh, là do chương trình học của họ được thiết kế đa dạng hơn, yêu cầu làm việc nhóm và tranh luận nhóm nhiều hơn. Tuy nhiên, theo anh, các bạn sinh viên Việt Nam giỏi xoay sở với hoàn cảnh và cuộc sống.

-      Sau cùng, anh có muốn gửi tới các bạn sinh viên những lời khuyên nào không ạ?

Anh thấy nhiều bạn sinh viên hiện nay giỏi và năng động. Nếu được đưa ra lời khuyên cho các bạn sinh viên, anh có 2 lời khuyên.

Thứ nhất, chủ động tìm kiếm cơ hội bằng cách tích cực tham gia các hoạt động khoa học và nghề nghiệp do khoa, trường (không chỉ hạn hẹp trong khoa, trường đang học mà ở cả các trường lân cận) và các công ty tổ chức. Việc này sẽ giúp cho các bạn tìm thấy được những điều mình yêu thích và phù hợp, và tạo ra một mạng lưới kết nối nghề nghiệp hữu ích. Chẳng hạn, với các bạn học Khoa Toán Tin ứng dụng, các bạn có thể tham gia vào các buổi seminars và nói chuyện khoa học ở Viện Toán cao cấp (thường xuyên diễn ra ngay tại thư viện Tạ Quang Bửu trong khuôn viên trường Bách khoa) và Viện Toán học Việt Nam ở 18 Hoàng Quốc Việt.

Thứ hai, kiên trì học ngoại ngữ. Việc duy trì động lực học ngoại ngữ thường xuyên là khá khó J. Các bạn có thể tham gia các câu lạc bộ, đặt mục tiêu thi đạt chuẩn nào đó (IELTS, TOEFL với tiếng Anh, chẳng hạn). Theo anh việc các bạn luôn chủ động tìm kiếm cơ hội và giỏi ngoại ngữ có thể mở ra những cánh cửa bất ngờ và rộng lớn trong công việc sau này, bất kể các bạn làm nghề gì.

-       Em cảm ơn anh đã dành thời gian cho bài phỏng vấn. Chúc anh thật thành công hơn trong cuộc sống!

Cảm ơn em đã cho anh cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm và suy nghĩ của mình với các bạn sinh viên. Chúc các bạn thành công trong học tập và cuộc sống.

 
 

Chia sẻ:

Bài viết khác

Nghiên cứu, giảng dạy Toán học hiện đại: câu chuyện của một Tiến sĩ – cựu sinh viên Kĩ sư Tài năng Toán Tin Bách Khoa

Nghiên cứu, giảng dạy Toán học hiện đại: câu chuyện của một Tiến sĩ – cựu sinh viên Kĩ sư Tài năng Toán Tin Bách Khoa

  • 08/08/2018 23:52
  • 4357

Học Toán Tin, không chỉ có thể làm về phần mềm, về nghiên cứu & phát triển trong lĩnh vực CNTT, hay làm ứng dụng Toán Tin trong lĩnh vực kinh tế - tài chính, mà cũng có nhiều anh chị đã trở thành giảng viên, nhà nghiên cứu mà trong đó có những người lại phát triển đam mê về Toán học hiện đại (điều mà mọi người vốn nghĩ chỉ dành cho sinh viên học ngành Toán thuần túy!). Bạn có khi nào tò mò nghiên cứu Toán học hiện đại như thế nào? Và chương trình học ngành Toán Tin đã đem lại lợi thế gì cho nhà nghiên cứu Toán học hiện đại? Buổi trò chuyện với anh Nguyễn Mạnh Hùng, cựu sinh viên KSTN Toán Tin K45 sẽ cho bạn những câu trả lời thú vị liên quan đến việc nghiên cứu Toán học hiên đại. Bên cạnh đó, anh cũng có những chia sẻ rất bổ ích liên quan đến vấn đề du học và cả những chia sẻ rất thú vị về các thầy cô trong Viện nữa.