08/08/2018 01:21 3290
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Du học – ước mơ trở thành hiện thực và những trải nghiệm học tập của một nữ sinh với chương trình đào tạo tài năng Toán Tin

Trần Sỹ Hoàng Nam (Thực hiện).

Chương trình đào tạo Tài năng Toán Tin dành cho những sinh viên ưu tú, đam mê toán học và tin học. Chương trình hướng tới việc đào tạo những chuyên gia, nhà khoa học có trình độ cao, có thể tạo ra những bứt phá về khoa học, công nghệ trong tương lai. Tại sao chương trình Kỹ sư tài năng vẫn luôn là hệ “nóng” nhất trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, dù là ở thời điểm nào? Những cơ hội có được khi tham gia học chương trình Tài năng so với hệ thường là gì? Những đặc điểm khác biệt lớn nhất của các chương trình này với chương trình học đại trà là gì? Là con gái, có thể học tốt chương trình hệ Tài năng Toán Tin? Học hệ Tài năng Toán Tin, có phải cơ hội du học sẽ rất rộng mở? ... Chúng ta sẽ biết được rất nhiều điều về chương trình Tài năng qua góc nhìn và trải nghiệm của Đoàn Thị Vân Thảo, KSTN K57 - Toán Tin, hiện đang học Thạc sĩ tại Ấn Độ.

-       Em chào chị, chị có thể giới thiệu một chút về những công việc kể từ khi ra trường tới nay được không ạ?

Sau khi ra trường tháng 8/2017, tháng 10/2017 mình làm việc cho Amaris International Consulting Company, công việcProject Manager. Tháng 7/2018, mình qua Ấn Độ học Thạc sỹ, MBA-IB (Master of Business Administration) tại trường PCTE Group of Institutes, Ludhiana, Punjab. Hiện tại mình đang học và làm việc tại Ấn Độ.

-      Ngày còn đi học, chị từng được phỏng vấn gương mặt nữ sinh tiêu biểu của trường, vậy chị đã đạt được những thành tích gì ạ? 

Ngày trước mình cũng có đạt được một số thành tích mà mình vẫn có chút tự hào:

+   Học bổng trao đổi sinh viên tại Nhật Bản tháng 8/2017 theo chương trình hợp tác giữa Viện Toán ứng dụng & Tin học và Nara Women University.

+   Giải Nhất sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường 2016.

+   Giải Ba hội thi Kinh tế lượng toàn quốc 2016, tổ chức tại Học viện Tài chính.

+    Sinh viên 5 Tốt cấp Thành phố 2016.

+    Học bổng Khuyến khích học tập dành cho sinh viên có thành tích cao trong học tập và nghiên cứu khoa học 2017 của Viện Toán ứng dụng và Tin học.

+    Học bổng học tập của HUST.

-      Để đạt được những thành tích ấy, chị có thể chia sẻ cho các sinh viên về phương pháp học tập của chị được không? Và cả những mẹo vặt nếu có ạ.

Nhớ lại những ngày đầu năm nhất: sáng học, chiều học, tối học, mình không có thời gian làm việc gì khác. Nhiều hôm trên lớp ngồi học mà không hiểu nổi thầy giáo đang nói gì, nản lắm chứ! Nhưng cũng phải tự động viên bản thân rằng chẳng ai giúp được mình cả nếu mình không tự cố gắng. 

Mình biết mình không cô đơn, vì mình đã gặp không ít các “củ sắn lùi” cũng đang trong tình trạng tương tự. Sau gần 5 năm trôi qua, mình kinh nghiệm thấy: thời gian học không quyết định chất lượng học tập mà chính là cảm hứng học tập. Sinh viên mình có thể học nhiều, học cả ngày, nhưng có thể là toàn ngủ, hehe, hoặc nói là đang học, nhưng lại nghĩ đâu đâu. 

Theo mình, có hai cách để tìm và duy trì cảm hứng trong học tập, một là xét trong quá trình học và đương nhiên, hai là ngoài quá trình này. 

Với cách thứ nhất,

+   Xét tổng quát, nên xây dựng sơ đồ kiến thức logic cho mỗi môn học. Chẳng hạn, sau khi nghe thầy giảng bài hôm nay, thì tối về ôn lại bài, trả lời các câu hỏi: bài hôm nay nội dung chính học về gì, nội dung này nằm trong mắt xích nào trong sơ đồ, liên hệ gì với nội dung bài học hôm trước và đoán xem bài hôm sau thầy sẽ dạy tiếp vấn đề gì. Ngay khi có một mắt xích nào đó “lạc lõng”, nghĩa là ta đã bỏ qua kiến thức nào đó, lúc này nên đi hỏi thầy, hỏi bạn hoặc để đó và theo dõi nó thường xuyên, đến khi nào tìm thấy mối liên hệ thì mới thôi. 

+   Mẹo nhỏ giúp mình duy trì cảm hứng học là tìm ra ý nghĩa thực tế của những điều được học, không cần to tát, với mình, chỉ cần biết được lý do thực tế thiết lập nên một phương trình toán cũng đã đủ thú vị để lên mạng tìm kiếm thêm thông tin rồi. 

+   Một điều nữa, đặc biệt với các bạn nữ, nên dành thời gian, dù ít, quan tâm đến bản thân. Điều này không những giúp mình có thời gian nhìn lại, rút kinh nghiệm, mà còn giúp bản thân cảm nhận rõ hơn về mình, từ đó xây dựng động lực mạnh mẽ bên trong. Chẳng hạn, ngày hôm nay có 3 mục tiêu cần hoàn thành và 1 giờ cuối ngày để thư giãn. Vậy thì nên tranh thủ mọi lúc để xong mục tiêu càng sớm càng tốt, nếu dư thời gian thì càng có nhiều thời gian để “chơi” hơn, hehe. Thư giãn có nhiều cách: nghe nhạc, gấp giấy origami, chăm sóc cây, làm đẹp, … bất cứ điều gì mình thích.

+   Việc này không những giúp mình cố gắng hoàn thành công việc sớm hơn dự kiến, mà còn cân bằng cuộc sống nữa.

Với cách thứ hai, đến từ trải nghiệm, cảm hứng có được là khi mình đã gần kiệt sức.

Điều này là kinh nghiệm bản thân mình có được vào cuối năm hai đại học. Sau hai năm học miệt mài, có thể nói là “theo kịp” chúng bạn. Nhưng mình thấy gần như kiệt sức, mệt mỏi và không muốn chỉ học như thế này nữa. Động lực học trong mình hình như cũng tắt dần. Mình đi làm thêm part-time, và sau đó là full-time cả hè năm sau đó.

Nhưng may mắn thay, vòng quay công việc thật sự rất nhàm chán, sáng dậy đi làm, 8 giờ tối mới về tới nhà, chẳng kip làm gì đã phải đi ngủ để mai dậy sớm tiếp tục. Công việc không đòi hỏi suy nghĩ nhiều như đi học, nhưng lại tốn rất nhiều thời gian. Nhiều khi không kịp làm xong, phải mang về nhà làm tiếp. Rồi cứ thế, … mình thèm đi học trở lại. 

Giờ mới thực sự cảm nhận học tập sung sướng như thế nào. Mình bỏ tất cả công việc liên quan, mong muốn được học, được ngồi trong lớp với bạn bè làm mình có động lực học hơn rất nhiều. Rồi sau này đi thi thố mới có cái giải này giải nọ đánh dấu quãng thời gian thời sinh viên.

Vậy nên mới nói, nhiều khi biết là muốn học, nhưng cái tâm mình nó không muốn thì nên đi đây đi đó trải nghiệm, rồi mới thấm thía và tự tìm lại động lực cho chính mình.  

Cuối cùng, đặc biệt với các bạn sinh viên học các chương trình tiên tiến, chất lượng cao, tài năng như mình, nên chuẩn bị tinh thần trước thi theo học. Học tập tại đây sẽ căng thẳng hơn các bạn lớp ngoài. Nhưng nên tâm niệm, dù khó đến mấy thì phần công sức mình bỏ ra cũng chỉ như hạt cát so với nhiều người ngoài xa hội kia mà thôi. Cố gắng làm tốt, đừng nản, thêm ít yêu đời, nghĩ thoáng. Rèn luyện trong môi trường này cũng là một thử thách, nếu vượt qua thì sau này khó khăn trường đời cũng sẽ nhẹ đi nhiều lần.

Chị Thảo cùng các bạn cùng lớp MBA - IB tại Ludhiana, Ấn Độ.

-      Được biết trước khi du học, chị có làm cho một công ty IT trong nước, chị có thể giới thiệu một chút về công ty này được không? (Cũng như cơ hội thực tập tại đây nếu có).

Đó là công ty  Amaris International Consulting Company mà mình đã nói lúc trước, đó là một công ty nước ngoài, nhưng trụ sở chi nhánh chính đặt tại TP.HCM. Trang web của công ty là amaris.com.

Vị trí mình đảm nhận là Project Manager. Công việc này giống như bên thứ 3, làm việc gián tiếp giữa khách hàng và bên sản xuất. Trong đó, bên sản xuất, tạo ra sản phẩm là developers, khách hàng là nhân viên của các phòng ban khác, ví dụ HR, Finance, Operation,... Do là công ty đa quốc gia, lại cũng khá lớn, nên khách hàng của mình ở bên Barcelona, giao tiếp qua điện thoại, phone call là chủ yếu. 

-      Ngày ấy, lý do chị lựa chọn học tập những chương trình đào tạo đặc biệt của Trường ĐHBK Hà Nội là gì?

Mình chọn theo học hệ Kĩ sư tài năng là do cái duyên, nhưng sâu xa là do chất lượng đào tạo của chương trình này. Sở dĩ như vậy bởi ngay sau ngày biết điểm thi đại học, gia đình mình cũng biết là mình đỗ cả hai trường: Đại học Quốc gia Hà Nội, ngành Công nghệ Sinh học; và Đại học Bách Khoa Hà Nội, Khoa Toán ứng dụng và Tin học. Như nhiều gia đình khác, ba mẹ mình muốn mình theo học ngành có liên quan đến Y – Sinh vì ngành nghề ổn định, lại cũng biết ít nhiều về y – có thể giúp chữa bệnh cho người trong nhà.

Nhưng mình thích học Bách Khoa, mà có thể dùng là “Yêu Bách Khoa” chứ không chỉ là thích nữa. Ba mẹ mình khá “rắn”, hehe, hơn nữa hồi đó cũng không dám cãi ba mẹ. Lý do chính đáng duy nhất mình có đó là Bách Khoa có chương trình Kĩ sư Tài năng. Nghe cái tên là đủ biết, Bách Khoa là trường điểm, lại chương trình Tài Năng nữa, nên chất lượng nhất định phải hơn các chương trình bình thường khác và sinh viên theo học cũng phải hạng giỏi trở lên, nghĩa là môi trường học tập không tồi. Và may mắn là cái tên này cũng đủ để truyền tải thông điệp đó đến ba mẹ mình. Mình không cam đoan có thể thi đỗ vào hệ Tài năng, nhưng ít ra chính chương trình này đã cho mình hi vọng được học Bách Khoa. Và mình đã có “vé” vào học Bách Khoa như thế.

Vì vậy nên phần trên mình mới nói lý do sâu xa mình trở thành sinh viên chương trình tài năng là do chất lượng đào tạo – được thể hiện ngay trên tên gọi, hệ Kĩ sư tài năng.

Với  các bạn cùng lớp trong một lần đi field trip.
-       Là con gái, học Bách Khoa, lại theo học các chương trình Tài năng, chị có cảm thấy áp lực?

Theo học hệ Tài Năng những ngày đầu khiến mình thật sự rất áp lực và căng thẳng. Ngay tuần học đầu tiên mình hoàn toàn “choáng”. Phần vì thấy các bạn giỏi quá, phần vì ngày trước mình không học trường chuyên nên có nhiều cái chưa từng học, mà lại học đúng ngành Toán nữa. Năm đầu mình còn nhút nhát lắm, vẫn chưa chia chuyên ngành nên tất cả các ngành học cùng nhau, suy ra là hơn trăm “anh chàng” mà có 3 “cô nàng”. Sau này vào lớp nhỏ, may mắn là lớp mình chỉ có 13 anh chàng, và đương nhiên, 1 “cô nàng”, là mình, hehe. Mình còn nhớ năm nhất và năm hai sinh viên của mình chỉ học và học, vậy mà vẫn thấy không đủ thời gian làm hết bài tập.

Đến các năm học sau này, khi đã quen dần với không khí học tập và thi cử, mình sắp xếp lại thời gian học tập, tạo cơ hội cho mình đi làm thêm, đi tình nguyện để tích lũy thêm kiến thức xã hội.

Bật mí thêm cho các bạn nữ nhé, học bổng ở Bách Khoa khá dồi dào và có giá trị cao. “Kiếm” được học bổng theo kết quả học tập tốt là hoàn toàn có thể; khi đó đi du lịch trong hay ngoài nước là không thành vấn đề! Học vất vả, nhưng đương nhiên, cái gì cũng có cái giá của nó. Môi trường học tập nghiêm chỉnh khiến mình nỗ lực nhiều hơn, có nhiều người bạn “chí cốt” và rèn luyện sự mạnh mẽ trong chính nội tâm mình. Bây giờ nhìn lại, vẫn không chút hối hận khi vào Bách Khoa, khi học hệ Tài Năng. Chính ngôi trường này đã hình thành nên con người mình hiện tại với nhiều hoài bão trong tương lai.

-       Theo chị, những cơ hội có được khi tham gia học chương trình tài năng so với hệ thường là gì?

Có thể chia thành hai hướng chính.

Thứ nhất là với các bạn sinh viên có định hướng nghiên cứu, tức là học tiếp sau đại học, thì cơ hội “kiếm được” học bổng là rất cao. Riêng với Viện Toán Tin mình, các anh chị đi trước hoặc ngay các thầy cô hiện tại là giảng viên tại Viện luôn tìm cách giới thiệu các sinh viên giỏi cho các giáo sư uy tín mà các anh chị hoặc thầy cô đã từng theo học ở Mỹ, Đức, Ý, Nhật,... Cũng vì thế mà các seminars do chính các giáo sư nước ngoài “đứng lớp” được tổ chức khá thường xuyên.

Thứ hai, đối với các bạn có định hướng đi làm ngay sau ra trường, theo như các anh chị học KSTN Toán Tin các khóa trước mình biết, mình nhận thấy các anh chị đều đang làm việc tại các công ty lớn và lương cao. Cũng dễ hiểu thôi, bởi như lớp mình, chưa ra trường, nhưng đã có các công ty có lời mời cả lớp đi thăm quan công ty và giới thiệu cơ hội việc làm với mức lương không tồi rồi. Sự thật là hiện tại, tới gần nửa lớp mình đang có mức lương tính bằng nghìn đô từ một công ty chứng khoán trụ sở tại Mỹ. Chẳng cần nói đâu xa, đối với mình, ngay khi học chương trình Tài năng, được học chương trình thiết kế riêng biệt, được thầy cô quan tâm, quen biết với các anh chị nhiều kinh nghiệm, có bạn bè thông minh, giỏi giang, đã là một lợi thế rất lớn rồi.

-       Chị cảm thấy những đặc điểm khác biệt lớn nhất của các chương trình này với chương trình học đại trà là gì ?

Trước hết phải kể đến chương trình học tập. Các lớp Tài năng và Chất lượng cao được thiết kế chương trình học riêng và các thầy cô đứng lớp cũng đều là giảng viên giỏi nên chất lượng giảng dạy thì không phải nghi ngờ gì rồi. Học khó và sâu hơn các lớp đại trà, do vậy nên đề thi cũng khó và chặt hơn là chắc chắn. Một điều khiến cả lớp khá sốc trong kì ôn thi đầu tiên là không thể “luyện đề” như lớp ngoài được. Tức là với hầu hết các môn, sau khi thi xong, giảng viên sẽ thu bài làm và thu cả đề thi. Vì vậy, không thể có tình trạng ôn thi đề các năm trước và “đoán mò” đề năm nay như các lớp đại trà, hehe.

Thứ hai là điều kiện và trang thiết bị học tập. Vì số lượng sinh viên các lớp Tài năng khá nhỏ, khoảng 10 đến hơn 20 sinh viên mỗi lớp, nên chúng mình được học tại các lớp nhỏ, đầy đủ trang thiết bị, như: bảng, máy chiếu, slides. Hơn nữa, học theo lớp nhỏ như vậy rất dễ quản lý, các thầy cô hầu như nhớ hết tên sinh viên trong lớp, nghỉ hoc là biết ngay, hehe. Mối quan hệ bạn bè cũng gắn kết và thân mật hơn. Mỗi lớp giống như một nhóm sinh viên thân thiết cùng tiến vậy.

Thứ ba là cơ hội giao lưu, gặp gỡ, tham gia seminar chuyên sâu từ các giáo sư giỏi trong và ngoài nước rất lớn. Hầu như các thông tin liên quan về học tập và học bổng trong Viện, các lớp KSTN đều biết đầu tiên và được yêu cầu tham gia đông đủ.

Thế mới nói, với sinh viên các chương trình đặc biệt tại Bách Khoa, không chỉ tự học mà còn được học rộng và sâu nữa.

-       Cuối cùng chị có lời khuyên gì muốn gửi tới các bạn sinh viên sắp và đang học trong trường không?

Thực ra thì có lời khuyên nào mình nói hết cả trên kia rồi nên cũng chẳng có gì nữa. Chúc các bạn học tốt.

-     Dạ vâng, em chào chị! Em cảm ơn chị đã chia sẻ rất nhiều điều thú vị về chương trình Tài năng Toán Tin. Em chúc chị học tập tốt và sớm đạt được những hoài bão của mình.

 

 

Chia sẻ:

Bài viết khác

Báo Dân trí viết về cựu sinh viên Tài năng Toán Tin ĐHBKHN Tiến sỹ công nghệ 8X không hối tiếc khi lựa chọn quay về Việt Nam

Báo Dân trí viết về cựu sinh viên Tài năng Toán Tin ĐHBKHN "Tiến sỹ công nghệ 8X không hối tiếc khi lựa chọn quay về Việt Nam"

  • 04/08/2018 12:18
  • 1866

Đây là chia sẻ của Bùi Kiên Cường, Tiến sỹ công nghệ 8x về quãng thời gian làm việc tại Amazon Web Services (AWS - Công ty chuyên về mảng công nghệ Cloud của Tập đoàn Amazon - Mỹ) trước khi về đầu quân cho FPT Software với vị trí Kiến trúc sư giải pháp