08/08/2018 23:52 4375
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Nghiên cứu, giảng dạy Toán học hiện đại: câu chuyện của một Tiến sĩ – cựu sinh viên Kĩ sư Tài năng Toán Tin Bách Khoa

Nguyễn Mạnh Tuấn (Thực hiện).

Học Toán Tin, không chỉ có thể làm về phần mềm, về nghiên cứu & phát triển trong lĩnh vực CNTT, hay làm ứng dụng Toán Tin trong lĩnh vực kinh tế - tài chính, mà cũng có nhiều anh chị đã trở thành giảng viên, nhà nghiên cứu mà trong đó có những người lại phát triển đam mê về Toán học hiện đại (điều mà mọi người vốn nghĩ chỉ dành cho sinh viên học ngành Toán thuần túy!). Bạn có khi nào tò mò nghiên cứu Toán học hiện đại như thế nào? Nó có giống với những gì được miêu tả trong các bộ phim, là nghiên cứu Toán học gắn liền với việc chứng minh định lý, gắn liền với phấn trắng bảng đen, những chồng sách dày cộp, và cả những chứng minh có thể dài đến hàng trăm trang? Không hẳn như vậy đâu nhé, bởi ngày nay, với sự trợ giúp của máy tính điện tử, cùng với đó là những ứng dụng ngày càng đa dạng của Toán học đã khiến việc nghiên cứu môn học này trở thành một công việc ngày càng năng động và hấp dẫn. Và chương trình học ngành Toán Tin đã đem lại lợi thế gì cho nhà nghiên cứu Toán học hiện đại?

Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, mình đã liên hệ với anh Nguyễn Mạnh Hùng, cựu sinh viên KSTN Toán Tin K45 và nhận được những câu trả lời thú vị liên quan đến việc nghiên cứu Toán học hiên đại. Bên cạnh đó, anh cũng có những chia sẻ rất bổ ích liên quan đến vấn đề du học và cả những chia sẻ rất thú vị về các thầy cô trong Viện nữa. Mời các bạn cùng theo dõi cuộc phỏng vấn của mình với anh ấy nhé.

-       Em chào anh, em cảm ơn anh đã nhận lời mời phỏng vấn này ạ. Trước tiên, anh có thể giới thiệu về bản thân mình được không ạ?

Tôi tên là Nguyễn Mạnh Hùng, cựu sinh viên lớp Toán Tin, hệ Kỹ sư tài năng, Khóa 45, Viện Toán ứng dụng và Tin học, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Tôi hoàn thành luận án tiến sĩ về Toán tại Trường Đại học Weimar, Cộng hòa Liên bang Đức năm 2015. Hiện giờ tôi đang làm việc tại Bộ môn Toán, Khoa Khoa học Cơ bản, Trường Đại học Giao thông Vận tải.

-       Anh có thể miêu tả về công việc hiện tại của mình được không ạ? Anh có thể chia sẻ với bọn em điều gì khiến anh đặc biệt thích thú về công việc này được không ạ?

Tôi là giảng viên nên công việc của tôi bao gồm giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Về giảng dạy, tôi dạy một số học phần đại cương, bao gồm Đại số tuyến tính, Xác suất thống kê và Phương pháp số. Về nghiên cứu, các hướng nghiên cứu của tôi bao gồm: Lý thuyết hàm phức và siêu phức và ứng dụng trong vật lý và cơ học, Phương trình đạo hàm riêng, Giải tích số. Có lẽ nghiên cứu của tôi thiên nhiều về Toán lý thuyết nhưng cũng bao gồm cả Toán ứng dụng.

Cả hai công việc này tôi đều yêu thích, mỗi công việc có một cái hay riêng. Ở đây, tôi muốn nói đến công việc nghiên cứu. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp của tôi thường hay nói đùa là họ nghiên cứu rất là tốn kém. Thiết bị, máy móc, vật liệu và cả các phần mềm tính toán nữa, cái nào cũng cần nhiều tiền và chỉ có thể ở nước ngoài mới có điều kiện nghiên cứu. Chính vì thế nên nhiều đề tài được phát triển ở nước ngoài nhưng khi về Việt Nam thì không thể triển khai tiếp. Còn nghiên cứu Toán như tôi thì chỉ cần tờ giấy và cây bút chì là đủ. Thậm chí mất điện vẫn chạy tốt. Tuy nhiên khi tôi sang Đức làm nghiên cứu sinh, tôi thấy nhận định trên là không đúng chút nào. Ở nước ngoài, người ta làm nghiên cứu về Toán đều sử dụng máy tính để hỗ trợ. Chẳng hạn chúng tôi thường dùng Maple hay Matlab để hỗ trợ tính toán, kiểm tra các giả thuyết, xây dựng và kiểm định mô hình, vân vân. Do đó các kiến thức về lập trình thu được trong quá trình học tại Viện Toán ứng dụng và Tin học, Đại học Bách Khoa Hà Nội đã giúp tôi rất nhiều trong công việc của mình.

-       Có một điểm mà em thấy khá thú vị trong chia sẻ của anh, đó là việc sử dụng phần mềm Tin học để hỗ trợ tính toán, kiếm định giả thuyết, anh có thể chia sẻ với bọn em nhiều hơn về việc này được không ạ?

Làm toán đòi hỏi sử dụng phần mềm tính toán nhiều. Các bài toán tôi nghiên cứu có khi dài cả trang giấy mà chưa hết một phép biến đổi, do vậy, nhóm chúng tôi cần lập trình các phép toán trên máy tính, và để máy tính hỗ trợ tính toán. Dựa vào kết quả thu được, chúng tôi có thể khẳng định hoặc thay đổi các phỏng đoán trước đó của mình. Đấy là cách sử dụng máy tính hỗ trợ nghiên cứu. Trong phần tính toán số thì hiển nhiên phải lập trình nhiều. Nhờ các kỹ năng lập trình và nền tảng toán cơ bản, tôi còn làm trợ giúp nghiên cứu cho một đồng nghiệp bên Đức suốt hơn 2 năm và nhờ đó có thể trang trải chi phí cuộc sống du học bên đó. 

-       Tiếp đến, anh cho em hỏi về cuộc sống của anh khi học ở Viện Toán UD&TH nhé ạ. Đầu tiên, lý do gì đã khiến anh chọn học Toán Tin Bách Khoa để học đại học giữa nhiều lựa chọn khác như ĐHKHTN và ĐHSP ạ?

Đại học Bách Khoa Hà Nội là một trong những trường đại học hàng đầu tại Việt Nam về các ngành kỹ thuật. Từ khi học phổ thông, tôi đã có ước mơ được học tại Đại học Bách Khoa Hà Nội. Khi đó, tôi là một học sinh chuyên Lý của trường Phổ thông Năng khiếu Trần Phú, Hải Phòng. Trong quá trình học tập và tham gia các cuộc tuyển chọn học sinh giỏi của thành phố và quốc gia, tôi đặc biệt nhận thấy tầm quan trọng của Toán trong việc mô hình hóa và giải quyết các bài toán. Ngôn ngữ Toán học là một thứ ngôn ngữ hàm súc, logic và đặc biệt hấp dẫn tôi. Hơn nữa Toán học còn là cơ sở của Tin học. Tôi nhớ rằng, giai đoạn chúng tôi thi đại học là giai đoạn Công nghệ thông tin bắt đầu bùng nổ và thu hút hầu hết những sinh viên giỏi nhất của chúng ta. Do đó tôi đã không phân vân khi lựa chọn trở thành sinh viên Viện Toán ứng dụng và Tin học, Đại học Bách khoa Hà Nội. Trở thành sinh viên của Viện, hệ Kỹ sư tài năng là một trong những cột mốc lớn nhất trong cuộc đời tôi và tôi rất tự hào về điều đó.

Theo quan điểm cá nhân, khoa Toán ĐHSP và ĐHKHTN không có sự kết hợp hài hòa giữa Toán học và Tin học mà chủ yếu thiên về Toán. Sinh viên học tại Viện ứng dụng và Tin học - Đại học Bách Khoa khi ra trường sẽ có cơ hội nghề nghiệp tốt hơn và rất nhiều bạn bè cùng học với tôi là những ví dụ sinh động. Tôi có nhiều bạn bè làm việc trong các ngân hàng, công ty nước ngoài hay tự mở công ty riêng.

-       Sau từng ấy năm làm việc, anh có cảm thấy việc lựa chọn học ở Viện Toán UD&TH - ĐH Bách Khoa là sự lựa chọn phù hợp cho bản thân anh không ạ?

Tất nhiên rồi, học tập tại Viện Toán UD&TH, đại học Bách Khoa là một trong những quyết định quan trọng nhất của tôi và tôi chưa bao giờ hoài nghi về tính đúng đắn của lựa chọn đó. Hiện giờ tôi đã đạt được một số thành công như công việc, sự thừa nhận của đồng nghiệp, gia đình, nhà cửa, … đều là kết quả của quá trình học tập tại Viện. Bạn bè cùng học với tôi đều đánh giá rằng những học viên cùng khóa với chúng tôi được xã hội đánh giá là những người xuất sắc trong lĩnh vực của mình và hiện giờ đang nắm giữ những vị trí quan trọng trong các công ty lớn như FPT, Viettel, BIDV, Vietcombank,… Các kiến thức, kỹ năng được dạy tại Viện tạo nền tảng vững chắc cho công việc cũng như nghiên cứu sâu hơn. Theo quan điểm cá nhân của tôi, cái được nhất khi học tập tại Viện không phải là kiến thức, kỹ năng mà là môi trường học tập. Ở đó tôi được học cùng với rất nhiều sinh viên giỏi, bạn bè của tôi rất nhiều người đạt được các giải thưởng quốc gia và quốc tế về Toán, Lý, Hóa, Tin, … Ngay cả những sinh viên khác cũng từng là học sinh xuất sắc tại các trường địa phương. Điều đó tạo động lực rất lớn giúp tôi học tập tốt hơn và h trợ tôi nhiều khi có vấn đề khúc mắc cần trao đổi. Ngoài ra các thầy/cô giáo đều là những người có nhiều kinh nghiệm, hòa đồng với sinh viên và đặc biệt biết truyền cảm hứng để chúng tôi tự học, tự phấn đấu vươn lên để đạt được thành tích của mình.

-       Anh có ấn tượng, tình cảm đặc biệt với thầy cô, hoặc bạn bè nào ở Viện không ạ? Nếu có, anh có thể chia sẻ với bọn em được không ạ?

Ở Viện Toán ứng dụng và Tin học, tôi ấn tượng với rất nhiều thầy cô giáo. Chẳng hạn thầy Tống Đình Quỳ làm thơ rất hay, thầy Hồ Quỳnh là chuyên gia về truyện Kim Dung. Nếu phải chọn một người tôi có tình cảm đặc biệt thì là GS. TSKH. Lê Hùng Sơn. Thầy Sơn là người hướng dẫn của tôi khi làm tốt nghiệp Đại học và Cao học. Đồng thời thầy cũng là người giới thiệu trực tiếp tôi cho GS. Guerlebeck để tôi có thể sang Đức làm nghiên cứu sinh. Không chỉ nhận được sự trợ giúp tuyệt vời của thầy, thầy Sơn còn là người truyền cảm hứng tốt nhất mà tôi biết. Đối với thầy, nghiên cứu khoa học như là cơm ăn, nước uống, là không khí thở bình thường. Thầy luôn biết động viên khi chúng tôi cảm thấy bế tắc, mệt mỏi. Lâu dần tôi cũng thấy nghiên cứu không phải là quá xa lạ và khó khăn. Nhân cơ hội phỏng vấn lần này, tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành đến thầy. Chúc thầy luôn mạnh khỏe để tiếp tục con đường thầy đang theo đuổi.

 Anh Hùng (đầu tiên từ trái sang) tại hội thảo Koslar, CHLB Đức.

-       Em sẽ tiếp tục với những câu hỏi liên quan đến vấn đề nghiên cứu khoa học và du học nhé ạ. Anh tham gia NCKH từ năm mấy? Tại sao anh lại lựa chọn tiếp con đường khoa học, sang Đức du học rồi về Việt Nam làm giảng viên ạ?

Tôi tham gia nghiên cứu khoa học từ năm thứ 3 đại học, nhưng phải đến năm thứ 4 mới có được giải thưởng đầu tiên. Hồi đó GS. TSKH. Lê Hùng Sơn mời được GS. W. Tutschke từ Đại học Graz, Áo sang giảng loạt bài về phương pháp phức giải bài toán biên. Từ đó tôi theo đuổi chuyên ngành giải tích phức của thầy Sơn cùng với bạn tôi là Nguyễn Hoàng Ngân. Chúng tôi đạt giải nhất nghiên cứu khoa học sinh viên năm đó. Bạn làm cùng tôi hiện đang làm việc tại một trường Đại học của Mỹ.

Tôi có niềm đam mê đặc biệt với con đường giáo dục. Do đó tôi tiếp tục làm lên tiến sĩ tại Đức, sau đó trở về Việt Nam để làm một giảng viên. Mặc dù con đường tôi chọn không phải luôn thuận lợi nhưng tôi vẫn đang tiếp tục đi tìm con đường riêng cho mình.

-      Anh có lời khuyên gì với các bạn sinh viên của Viện muốn tham gia nghiên cứu khoa học không ạ?

Đầu tiên, các bạn phải xác định rõ đam mê của riêng mình. Bạn có yêu thích nghiên cứu khoa học thực sự không, hay chỉ muốn nghiên cứu vì mình có khả năng, hay muốn làm theo người khác. Bất cứ bạn chọn con đường nào thì cũng sẽ có lúc bạn thấy khó khăn, lúc đó đam mê sẽ giúp bạn bước tiếp.

Thứ hai là chọn đề tài nghiên cứu. Nhiều bạn nhận đề tài nghiên cứu do giảng viên chỉ định. Điều đó cũng tốt nhưng tốt nhất vẫn là đề tài do mình tự nghĩ ra. Các bạn đừng lo lắng mình đặt ra vấn đề nghiên cứu không đạt. Trong quá trình nghiên cứu bạn sẽ dần hoàn thiện nó.

Thứ ba là chọn thầy hướng dẫn. Điều này rất quan trọng. Cho nên bạn phải tìm hiểu kĩ về thầy giáo, hướng nghiên cứu, tính cách,…  Nhớ rằng thầy giáo hướng dẫn nên là người mà bạn ngưỡng mộ, nhiệt tình và có khả năng trợ giúp lớn nhất cho nghiên cứu của mình. Các vấn đề khác như tài chính, thời gian, hiệu quả,… có thể cân nhắc thêm nếu cần thiết.

-      Anh có thể chia sẻ về quá trình apply du học rồi theo học bên Đức được không ạ? Theo anh, nếu muốn đi du học Đức sau đại học, bọn em cần chuẩn bị những gì ạ?

Để có thể apply du học Đức, tôi đã phải chuẩn bị trước đó khoảng 1 năm. Đầu tiên tôi xem các thủ tục cần thiết và lập một danh sách các giấy tờ cần hoàn thiện. Sau đó tôi dần thực hiện các công việc theo danh sách đã lập. Điều đó cho phép tôi kiểm soát được tiến độ hoàn thành của mình. Chẳng hạn tôi cần có chứng chỉ ngoại ngữ TOEFL, tôi đăng ký học một khóa tại một trung tâm, sau đó đăng ký thi và đạt được chứng chỉ. Tôi cần hai thư giới thiệu bởi các GS có uy tín, tôi gặp GS. TSKH. Lê Hùng Sơn và PGS. TS. Nguyễn Cảnh Lương để xin giúp đỡ, v.v. Trong quá trình apply du học, tôi luôn luôn giữ liên lạc với đại diện tại Việt Nam của DAAD để nắm được thông tin kịp thời và tìm kiếm sự trợ giúp.

Theo tôi, nếu muốn du học Đức sau đại học, các em cần nhất là một kế hoạch. Hãy lập kế hoạch thật chi tiết, các em sẽ biết phải làm gì để biến nó thành sự thật.

-       Anh có điều gì muốn chia sẻ thêm với bạn bè, thầy cô và các em sinh viên khóa dưới của mình không ạ? 

Tôi chỉ muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Viện ứng dụng và Tin học, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, vì đã giúp tôi tìm được một con đường phát triển cho riêng mình. Chúc các em sinh viên khóa dưới học tập tốt, phát huy được hết khả năng của mình và đạt được nhiều thành công trong học tập cũng như trong sự nghiệp sau này. Xin chân thành cảm ơn!

-       Em cảm ơn những chia sẻ rất cởi mở và hữu ích của anh ạ. Chúc anh đạt được những mục tiêu, thành tựu mới trong công việc của mình!


Chia sẻ:

Bài viết khác

Du học – ước mơ trở thành hiện thực và những trải nghiệm học tập của một nữ sinh với chương trình đào tạo tài năng Toán Tin

Du học – ước mơ trở thành hiện thực và những trải nghiệm học tập của một nữ sinh với chương trình đào tạo tài năng Toán Tin

  • 08/08/2018 01:21
  • 3291

Chương trình đào tạo Tài năng Toán Tin dành cho những sinh viên ưu tú, đam mê toán học và tin học. Chương trình hướng tới việc đào tạo những chuyên gia, nhà khoa học có trình độ cao, có thể tạo ra những bứt phá về khoa học, công nghệ trong tương lai. Tại sao chương trình Kỹ sư tài năng vẫn luôn là hệ “nóng” nhất trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, dù là ở thời điểm nào? Những cơ hội có được khi tham gia học chương trình Tài năng so với hệ thường là gì? Những đặc điểm khác biệt lớn nhất của các chương trình này với chương trình học đại trà là gì? Là con gái, có thể học tốt chương trình hệ Tài năng Toán Tin? Học hệ Tài năng Toán Tin, có phải cơ hội du học sẽ rất rộng mở? ... Chúng ta sẽ biết được rất nhiều điều về chương trình Tài năng qua góc nhìn và trải nghiệm của Đoàn Thị Vân Thảo, KSTN K57 - Toán Tin, hiện đang học Thạc sĩ tại Ấn Độ.