11/06/2021 11:21 4378
Điểm: 3.11/5 (9 đánh giá)
Vừa qua, TS Toán học Lê Chí Ngọc – Viện Toán ứng dụng và
Tin học, Đại học Bách khoa Hà Nội là 1 trong 7 thành viên tiêu biểu Tổ
Thông tin đáp ứng nhanh phục vụ phòng chống dịch (Ban Chỉ đạo quốc gia
phòng, chống dịch COVID-19) vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng.
Lý do “mất tích” trên Facebook
Thầy Lê Chí Ngọc là một người hoạt động
Facebook rất tích cực, bình luận và phân tích hóm hỉnh các vấn đề thời
sự. Thế nhưng dạo gần đây, khi dịch Covid diễn biến phức tạp, cư dân
mạng Bách khoa lại thấy thầy “mất tích”. Hóa ra, thầy Ngọc đang vùi đầu
làm báo cáo, tính toán dữ liệu phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid
của Chính phủ.
Thầy Ngọc làm công việc này trên tinh thần tự nguyện. Cách đây 1 năm,
đáp lại lời kêu gọi các nhà khoa học của Chánh Văn phòng Bộ Y Tế, Tiến
sĩ Hà Anh Đức (Cựu du học sinh VEF), thầy Ngọc cùng khoảng 200 chuyên
gia đã tình nguyện tham gia trợ giúp Bộ Y tế. TS. Lê Chí Ngọc với chuyên
môn về Toán được giới thiệu sang hỗ trợ Tổ thông tin.
Nhiệm vụ của Tổ Thông tin là hàng ngày nghiên cứu, tổng hợp, và phân
tích các tin tức, để dựa vào đó Ban Chỉ đạo có thể ra các quyết định
điều hành liên quan đến chống dịch.
Công việc đòi hỏi phải liên tục theo sát các nguồn tin, trong khi đó,
mọi người vẫn phải đảm bảo công việc tại cơ quan. Và để “đáp ứng
nhanh”, các thành viên của Tổ không nghỉ ngơi, tận dụng thời gian trong
ngày để theo dõi tin tức, cuối ngày tổng hợp và phân tích để sẵn sàng
cho ngày hôm sau.
Tình hình dịch diễn biến phức tạp như hiện nay, có hôm thầy Ngọc dạy
online cả ngày, tối về lại vùi đầu làm báo cáo. Thầy Ngọc là người xây
dựng mô hình tính toán xác định nguy cơ, hỗ trợ đưa ra các quyết định
liên quan đến giãn cách xã hội, khoanh vùng, dập dịch. Cùng tham gia với
thầy Ngọc còn có cô Vũ Thị Huệ – Bí thư Liên Chi đoàn Viện Toán ứng
dụng và Tin học cùng một số sinh viên.
Nhiều người ngoại đạo sẽ đặt câu hỏi: Lạ nhỉ, Toán mà lại phòng chống
dịch? Đem thắc mắc hỏi thầy Ngọc, thầy giải đáp: “Thực ra trong việc
phân tích, tổng hợp dữ liệu, làm việc với các con số thì người có tư duy
Toán học tự thân đã là ưu thế. Ngoài ra, các kiến thức về xác suất
thống kê, toán mô hình, toán ứng dụng, đã trợ giúp rất nhiều trong việc
xây dựng, đưa ra các công thức, tiến hành lập trình, cài đặt trên máy
tính”.
Không chỉ ứng dụng Toán trong phòng chống dịch, nhóm giảng viên –
sinh viên Viện Toán ứng dụng và Tin học còn tham gia vào dự án iNhandao
hỗ trợ đồng bào gặp khó khăn trong thiên tai và các dự án như số hóa dữ
liệu của Bộ Khoa học Công nghệ, Tối ưu Hệ thống phục vụ hành chính công,
đều là các công việc tham gia với tinh thần tình nguyện.
Khoảng lặng giữa các đợt sóng
Tôi tình nguyện
tham gia Tổ Thông tin đáp ứng nhanh với tâm nguyện mong nhanh chóng hết
dịch, sinh viên có điều kiện được đi học, giảng viên đi làm bình thường –
TS. Lê Chí Ngọc
Với guồng quay luôn phải nhanh nhạy, gấp rút như vậy, kỷ niệm đáng
nhớ nhất với thầy Ngọc là khoảng lặng giữa các đợt sóng. Lúc đó, các
thành viên trong Tổ có thời gian rảnh rỗi ngồi hàn huyên, chia sẻ với
nhau các kiến thức về chuyên môn. “Trong khoảng thời gian tham gia tổ,
bản thân tôi cũng học được rất nhiều kiến thức bổ ích về dịch tễ, virus,
viễn thông, … từ những anh chị em khác” – Thầy Ngọc chia sẻ.
Thầy Ngọc còn hướng dẫn các sinh viên Viện Toán ứng dụng và Tin học
cùng tham gia tính toán với mình, thêm hiểu biết tính ứng dụng của Toán
trong thực tiễn. Thầy cho biết: Trên tinh thần tự nguyện của sinh viên
Bách khoa Hà Nội nói chung và Toán Tin ứng dụng nói riêng, mọi sinh viên
có nguyện vọng đều có thể tham gia, đóng góp.
Tùy theo khả năng và quỹ thời gian, luôn có những công việc phù hợp
cho các sinh viên. Những sinh viên dành nhiều thời gian, có thể tham gia
sâu hơn vào công việc thiết kế, cài đặt các mô hình tính toán, xử lý dữ
liệu, phân tích thông tin và có cơ hội học hỏi nhiều.
Hỏi thầy Ngọc mong muốn lớn nhất của thầy hiện nay là gì? Không chần
chừ, thầy Ngọc nghĩ ngay đến việc chung, đến tập thể sinh viên của mình:
Nguyện vọng tôi và nhóm đang làm việc Viện Toán ứng dụng và Tin học sớm
có Lab để việc hợp tác, phối hợp với các cơ quan được hiệu quả và tiện
lợi hơn. Hiện nay chương trình tính rủi ro phải chạy nhờ trên hệ thống
của nơi khác.