Thầy vẫn nhiệt tình đảm nhiệm mọi công việc giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh, viết sách báo, chủ trì các đề tài khoa học… và luôn cập nhật với những kiến thức mới nhất trong ngành toán tin. Cũng bởi ông luôn quan niệm rằng, còn sức khỏe thì còn làm việc và cống hiến hết mình cho khoa học.
Người thầy tâm huyết với ngành Toán tin
Sau nhiều lần lỡ hẹn với GS Thái Thanh Sơn bởi lịch làm việc của Thầy dày kín, cuối cùng tôi cũng gặp được ông – một trong những giảng viên đầu tiên của Trường ĐHBK Hà Nội. Bắt đầu câu chuyện với thầy không phải là những tấm bằng khen hay thành tích của ông đã đạt được mà là ký ức của những năm tháng đầy khó khăn, thiếu thốn khi Trường ĐHBK Hà Nội vừa mới thành lập.
Ông kể: “Ngay từ những năm sau chiến dịch biên giới thắng lợi, Đảng và Nhà nước ta đã bắt đầu chuẩn bị đào tạo nguồn cán bộ cho các trường đại học – nhất là các trường đại học kỹ thuật sẽ được thành lập sau khi hòa bình lập lại.
Năm 1952, tôi là một trong số những người may mắn được Nhà nước cử đi học bậc đại học tại Dục tài học hiệu – trường bồi dưỡng tài năng đặt trong Khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc), để khi trở về sẽ tham gia giảng dạy ở các trường đại học.
Vì vậy, ngay sau khi Trường Đại học Chuyên nghiệp Bách khoa được thành lập, ngày 01/7/1956 tôi và 12 cán bộ khác được Bộ Giáo dục bổ nhiệm về thành lập tổ Toán thuộc Trường Đại học Chuyên nghiệp Bách khoa. 13 cán bộ của tổ Toán cùng 15 cán bộ của các tổ Vật lý, Hóa học, Địa lý địa chất là 28 cán bộ giảng dạy đầu tiên của ĐHBK Hà Nội”.
Những ngày đầu vừa mới thành lập, Trường gặp vô vàn khó khăn về mọi mặt. Nhưng với quyết tâm của Tổ công tác do Thầy Hoàng Xuân Tùy (sau này trở thành Hiệu trưởng thứ 3, nhiệm kỳ 1961-1966) phụ trách cùng với các cán bộ đầu tiên của Trường đã khắc phục mọi khó khăn để chuẩn bị cơ sở vật chất cũng như nội dung, chương trình đào tạo cho sinh viên khóa I.
Tổ Toán với 13 cán bộ do Thầy Tạ Văn Đĩnh được bầu là tổ trưởng đã xác định: “Xưa nay, chúng ta chỉ dạy Toán học theo hướng khoa học cơ bản nhưng đào tạo toán học tại trường đại học kỹ thuật như Đại học Chuyên nghiệp Bách khoa phải tìm được con đường đi của mình – đó là toán ứng dụng.
Vì vậy, chúng tôi đã phân công nhau tự học, tự tìm hiểu về các chuyên ngành đào tạo của Trường và đặc biệt là tìm hiểu sâu về ứng dụng của toán học trong các ngành kỹ thuật. Chỉ sau 3 tháng với ý chí, quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao, tổ Toán đã có những bài giảng đầu tiên cho sinh viên khóa I, được khai giảng ngày 15/10/2017” – GS Thái Thanh Sơn nhớ lại.
Sau hai năm học đầu tiên 1956-1957 và 1957-1958, việc giảng dạy Toán cao cấp (Giải tích – Hình giải tích – Xác suất thống kê, Phương trình đạo hàm riêng cho các ngành Cơ khí, Điện, Vô tuyến điện) đã dần ổn định, bản thân các giảng viên cũng tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn của mình.
Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chỉ trong 6 tháng
Chiến tranh chống Mỹ bắt đầu vào những giai đoạn quyết liệt. Do nhu cầu lớn của việc nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật cho quân đội, năm 1966, Nhà nước thành lập Học viện kỹ thuật quân sự – lấy bí danh là Phân hiệu II Đại học Bách khoa.
Bộ Giáo dục đã cử thầy Thái Thanh Sơn làm trưởng đoàn cán bộ giảng dạy biệt phái sang xây dựng cơ sở các bộ môn khoa học cơ bản: Toán, Vật lý, Hóa học, Hình họa và Vẽ kỹ thuật, … và Nga văn, đồng thời trực tiếp làm Chủ nhiệm Bộ môn Toán trong mấy năm đầu (sau trở thành Khoa Công nghệ thông tin của Học viện Kỹ thuật Quân sự).
Trong mấy năm công tác, đoàn cán bộ biệt phái không những đóng góp rất lớn vào công tác giảng dạy và quản lý đào tạo tại Học viện mà còn đặt nền móng cho việc thực hiện thành công một số đề tài ứng dụng toán học trong các lĩnh vực như quốc phòng, giao thông, quân sự…
Sau khi thống nhất đất nước, từ năm 1981, Nhà nước ta có chủ trương cử chuyên gia giáo dục đại học đi làm việc ở một số nước châu Phi để đền đáp lại sự chi viện của họ cho đất nước ta trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Thầy lại được cử làm Trưởng đoàn chuyên gia ở Madagascar. Với những đóng góp xuất sắc của mình cho nước bạn, thầy Thái Thanh Sơn được Tổng thống Madagascar đương thời là Didier Ratchiraka trực tiếp gặp mặt, đánh giá rất cao những cống hiến của thầy và đề xuất với Hội đồng Khoa học Đại học Bách Khoa Antananarivo đặc cách phong hàm Giáo sư thực thụ (Professeur titulaire de chaire) cho thầy Thái Thanh Sơn vào năm 1984.
Khi trở về nước, với những cống hiến của mình cho ngành Toán tin nói riêng, ngành giáo dục nước nhà nói chung, ông được Nhà nước đặc cách phong hàm Phó Giáo sư (năm 1988). Tuy nhiên, thời điểm đó có nhiều ý kiến cho rằng ông chưa có bằng tiến sĩ mà được phong hàm PGS.
Vì vậy, ông đã đăng ký và trong vòng 6 tháng đã bảo vệ xuất sắc thành công luận án Tiến sĩ. Đây cũng là điều đặc biệt ở GS Thái Thanh Sơn. Thầy là người duy nhất bảo vệ luận án Tiến sĩ sau khi đã được phong học hàm GS ở nước ngoài và PGS trong nước. Năm 2001, đến tuổi nghỉ hưu, Thầy được Chính phủ quyết định đặc cách nâng lên ngạch Giáo sư – Giảng viên Cao cấp bậc cao nhất.
Sử dụng thành thạo 4 ngoại ngữ
Không chỉ là người tâm huyết với ngành Toán tin mà thầy Sơn còn là người đa tài. Thầy có năng khiếu đặc biệt với ngôn ngữ: ngoại ngữ và một vài ngôn ngữ các dân tộc thiểu số trong nước.
Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga
Tiếng Tày, tiếng Thái như là tiếng Kinh
Sang Tàu, sang Mỹ, sang Anh
Mọi chuyện đều rành: hướng dẫn phải kinh”
(Trích thơ của PGS Đặng Văn Khải).
Thầy còn tích lũy nhiều kiến thức về lịch sử văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài ngôn ngữ, văn hóa Pháp và Hán học được học từ bé, thầy hoàn toàn tự học, sử dụng tốt nhiều thứ tiếng nước ngoài. Trong nhiều chuyến công tác, du lịch nước ngoài, các hướng dẫn viên bản địa rất ngạc nhiên và khâm phục kiến thức của thầy.
Với khả năng ngoại ngữ tốt nên khi Bộ môn Ngoại ngữ giảng dạy môn tiếng Anh chuyên ngành, thầy được mời tham gia giảng dạy môn học này. Thầy đã viết sách báo, báo cáo, trực tiếp giảng dạy ở nhiều quốc gia sử dụng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga và tiếng Trung Quốc. Không chỉ giỏi ngoại ngữ mà Thầy còn có năng khiếu cả với… nội ngữ.
Năm 2016, khi cùng đoàn sinh viên H8 (Khoa Toán Lý hồi sơ tán ở Lạng Sơn) về thăm lại các bản làng Tày, Nùng mà Trường và Khoa đã sơ tán trong những năm chống Mỹ, các ông ké, bà mế vẫn nhận Thầy là: “Thầy giáo người Tày ta đó”. Chia sẻ về phương pháp học ngôn ngữ, thầy cho biết: “Muốn học tốt ngôn ngữ, các bạn phải “liều”, mạnh dạn giao tiếp với người bản ngữ thì mới tiến bộ được. Đồng thời, việc đọc sách, kết hợp đọc truyện, xem phim và nghe ca nhạc cũng là phương pháp hiệu quả để nâng cao trình độ ngoại ngữ của bản thân mình”.
Thầy Thái Thanh Sơn còn có năng khiếu về văn nghệ, thể thao trong nhiều môn như: đàn ghi-ta, ca hát, khiêu vũ cổ điển… Thầy là đội trưởng đội bóng rổ, đội đua xe đạp của Trường ĐHBK Hà Nội và nhiều lần đoạt Huy chương ở các giải đấu toàn quốc. Năm 1964, lần đầu tiên Thầy tham gia môn Boxing và đoạt giải Vô địch nghiệp dư thành phố Hà Nội.
Đến nay, khi ông đã nghỉ chế độ được gần 20 năm nhưng ông vẫn nhiệt tình tham gia giảng dạy các môn về toán tin tại Viện Toán ứng dụng và Tin học, Viện Đại học Mở Hà Nội, tham gia hướng dẫn nghiên cứu sinh và viết sách. Thời gian còn lại, ông dành cho gia đình nhỏ của mình. Hiện, ông đang sống hạnh phúc và quây quần bên con cháu, trong sự kính yêu của biết bao thế hệ học trò.
Vũ Thơm