Thời chúng tôi, không có nhiều bậc cha mẹ có khả năng định hướng nghề nghiệp cho con cái, tâm sự và truyền kinh nghiêm cho con khi con mới lập nghiệp. Học hết phổ thông, mỗi học sinh chúng tôi đều phải làm một hồ sơ tuyển sinh đại học. Trừ các hồ sơ cử đi học nước ngoài, những hồ sơ còn lại sẽ được Ban tuyển sinh “chia” về các trường đại học. Ai tốt nghiệp đại học cũng phải làm việc ở nơi được phân công, sinh viên giỏi được ưu tiên lựa chọn một trong số vài cơ quan... Giá mà khi đó không có chiến tranh... chuyện học hành của chúng tôi sẽ không bị ngắt quãng và đảo lộn.
Sau ngày nhập trường, K14 Toán Lý không sơ tán ở Lạng Sơn nữa mà, đi Đồng Mỏ cắt tranh về lợp “nhà ăn”, “ký túc xá”, làm giường ngủ. Thầy Thái Thanh Sơn là người phụ trách chung. Tôi đã học ở thầy cách tổ chức để hoàn thành nhiệm vụ: Nữ sinh viên (SV) phụ trách hậu cần, nam SV lên đồi cắt tranh; dân vận tốt để họ cho mượn dụng cụ lao động... cảm thông với những vụng về của tuổi trẻ từ cách luộc con gà đến ứng xử với dân bản.
Ổn định xong chỗ ăn ở, chúng tôi bắt đầu làm quen với giảng đường và cách đào tạo đại học. Thầy Kim Cương là một trong những thầy dạy Toán lớp chúng tôi. Thầy sinh trưởng ở vùng đất giàu tiềm năng nuôi dưỡng nhân tài, Thầy đã được đào tạo tại trường Đại học tổng hợp ở Liên Xô, thầy sống rất giản dị, dễ cảm thông và rộng lượng với học trò. Tôi học ở thầy và thầy Sơn cách trình bày bảng. Một cột nhỏ ghi mục lục, phần còn lại là nội dung. Hết một tiết học -45 phút- chuông reo cũng là lúc thầy dùng hết bảng, thầy chẳng bao giờ phải xóa.
Thời kỳ sinh viên, mỗi đợt thi học kỳ, tôi hay bị ốm lúc ôn một môn nào đó. Có lần tôi bị ốm đúng môn của thầy Cương. Lúc đó chúng tôi thi vấn đáp. Thi xong, bài làm không tốt, đọc thư bạn bè học nước ngoài, ai cũng toàn đạt điểm cao nhất, tôi ôm gối khóc... Các bạn cùng phòng lo rằng “môn này Liên chăn ngỗng”. Nhận kết quả, thầy cho tôi 4/5. Tôi thầm cảm ơn thầy đã động viên, đã cho điểm cả quá trình học mà không đẩy trò của mình bi quan thêm một bước. Thầy Cương cũng nhiều năm làm trưởng bộ môn Toán Điều khiển. Kỷ niệm mà thầy không thể quên là năm 1973 tiếp nhận TS Toán Nguyễn Hữu Anh từ Canada về bộ môn. Năm ấy, thời ấy, với bản chất tự tin, phong cách điềm đạm, khoáng đạt, thầy đã tạo nên môi trường làm việc thân thiện, phát huy được khả năng của mỗi cá nhân trong công việc.
Tôi còn có may mắn nữa, cả tôi và con gái đều là học trò của thầy.
Sau những tháng năm học tập, phục vụ sản xuất, lao động (đắp đê sông Cầu, sông Đuống, sông Kim Ngưu...) cuối năm 1974, chúng tôi bắt đầu làm đồ án tốt nghiệp. Lớp tôi có năm nữ sinh thì thầy Nguyễn Bá Hào hướng dẫn cả năm. Bây giờ kể lại, cứ như truyện cổ tích...Tại phòng máy tính, sinh viên không được vào, chúng tôi lập trình trên giấy xong, chuyển cho nhân viên đục lỗ (khi đó, “đầu vào” của máy là bìa đục lỗ) tập bìa chuyển cho người vận hành (gọi là operator) cho máy chạy rồi đưa ra một danh sách lỗi cú pháp hoặc cho ra kết quả (nếu may mắn). SV phải sửa lỗi, nạp lại và quy trình cứ lặp lại như vậy cho đến khi có kết quả đúng... Thầy Hào thông cảm với trò đến mức mang cả ba lô lên ngủ ở phòng máy, cùng operator chạy chương trình và có lần trả kết quả đến tận nhà... Có giáo sư đại học nào tận tụy như vậy không? Thời gian làm tốt nghiệp, thầy dạy chúng tôi thêm các ngôn ngữ lập trình (NNLT). Như vậy, một giải thuật có thể được viết bằng nhiều ngôn ngữ, chạy trên các máy tính khác nhau và các anh chị khóa trước (đã đi làm) sẽ giúp lớp sinh viên khóa sau làm tốt nghiệp... Đó phải chăng thầy đã dạy chúng tôi đoàn kết và làm việc theo nhóm? Và muốn thành công trong thời gian cho phép phải cùng lúc thực hiện nhiều cách và làm việc phải hết mình.
Mười lăm tuần làm tốt nghiệp trôi qua thật nhanh, với cách bố trí hợp lý: khoảng bảy tuần cho đọc, dịch tài liệu, học thêm NNLT; ba tuần tiếp theo lập trình, viết quyển; bốn tuần nữa vừa chạy chương trình vừa hoàn thiện quyển (luận án viết tay). Mọi nỗ lực của thầy và trò được đánh giá trong lễ bảo vệ. Thời đó, câu hỏi thường đặt ra cho sinh viên “Em có kết quả đúng trên máy không?”, lại một lần nữa tôi cảm nhận được bài học về lòng nhân ái. Do hoàn cảnh, không phải SV nào cũng có kết quả chạy máy đúng, khi bảo vệ các thầy thường hỏi nhiều để đánh giá đúng công sức và hiểu biết của SV về nhiệm vụ được giao. Do vậy kết quả từ khá trở lên, hầu như chẳng ai trượt.
Ra trường, tôi được giữ lại làm “Cán bộ giảng dạy”. Cách dìu dắt Cán bộ giảng dạy trẻ của thầy Tạ Văn Đĩnh tôi còn nhớ như in. Để soạn giáo trình chuyên ngành, thầy chỉ cho tôi tên sách; sau khi đọc, tôi làm đề cương môn học; thầy duyệt; tôi soạn bài giảng; Thầy duyệt và cho giảng thử... Với cách trang bị như vậy, tôi hoàn toàn tự tin khi đứng trên bục giảng.
Tôi rất nhớ lời nói rất chân tình của thầy Đỗ Xuân Lôi và thầy Thái Thanh Sơn: “Chúng tôi còn phải dạy các cô nhiều”. Thật vậy, tôi học ở các thầy từ cách xưng hô với sinh viên: “Anh chị và Tôi”, đến tính nghiêm túc trong công việc, công bằng và nhân ái khi đánh giá sinh viên...
Tôi thật thấm thía với câu “Thầy cô cũng là Cha Mẹ”.
Trước hết phải cảm ơn Ban Kỷ yếu của cựu sinh viên ngành Toán ĐHBK Hà Nội đã chọn bài này trong ‘Thầy & Trò Toán Tin thủa ban đầu” – NXB Thanh Niên - để đăng trong đặc san nhân kỷ niệm 60 năm thành lập trường. Tôi có cơ hội viết những dòng này thắp một nén nhang tưởng nhớ thầy Dương Viết Thắng, dù thầy chẳng dạy chúng tôi môn học nào chỉ hướng dẫn chúng tôi trong đợt “phục vụ sản xuất’ năm 1972; năm 1989 thành lập khoa Tin học thầy và tôi là đồng nghiệp cùng chuyên ngành, tôi luôn coi thầy như người anh trong mọi lĩnh vực. Xin phép từ đoạn viết này được gọi Thầy bằng Anh. Trong cuộc sống anh là người rất hiền lành, dễ cảm thông với mọi người đến mức anh cho rằng “ai cũng có lý, cũng đúng”... Phải chăng anh làm công đoàn hay mặt trận thì tốt biết mấy? Về chuyên môn anh là người ham học hỏi, kiên trì, mẫn cán và sâu sắc. Chuyên ngành Toán, tôi không rõ anh được đào tạo đến mức nào; còn Tin học anh tự đào tạo 100% . . . Chị Nguyễn Thế Chiêu -vợ anh- cùng đồng hành với anh, bù trừ cho nhau những khiếm khuyết gia đình anh chị có được kết quả đáng mơ ước. Hai con của anh chị đều được đi du học theo đúng quy định của nhà nước: gia đình có một con đang học ở nước ngoài, cháu thứ hai muốn đi phải đạt điểm cao hơn điểm chuẩn. Sau khi tốt nghiệp đại học cả hai đều được chuyển tiếp và đều đạt học hàm tiến sĩ. Anh là người đầu tiên dạy môn “Kỹ thuật đồ họa” và viết sách cho môn này. Tuy không có bằng cấp cao siêu nhưng anh có được danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”. Khi về hưu, anh trở thành Trưởng Khoa CNTT của Viện đại học Mở Hà Nội. Năm 2003, anh mắc bệnh hiểm nghèo, anh vẫn còn tâm nguyện chưa thực hiện được là ”dạy miễn phí”. Bài học mà tôi học từ anh là không bon chen, hãy cố làm hết sức mình để không ân hận và tự hào với những gì mình có.
DOÃN HỒ LIÊN
Sinh viên Toán khóa 14
Giảng viên Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội