25/10/2017 08:35 4678
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Con đường trở thành chuyên gia Khoa học dữ liệu của một cựu sinh viên ngành Toán Tin

Trần Sỹ Hoàng Nam – Toán tin K61 (thực hiện)

 Vấn đề hướng đi và việc làm luôn là mối quan tâm của các sinh viên hiện nay. Hôm nay, chúng ta vinh dự được nói chuyện với một cựu sinh viên ngành Toán Tin ứng dụng, hiện đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản - anh Lê Quang Phúc, để biết thêm về một hướng đi mà Viện Toán ứng dụng và Tin học đã mang lại.

-       Em chào anh, anh có thể cho bọn em biết một số thông tin cá nhân và về công việc hiện tại của anh được không ạ ?

Mình tên Lê Quang Phúc, sinh viên K44 của Viên, học vị Tiến sỹ. Công việc hiện tại của mình là Data Scientist (mình không biết từ thông dụng cho từ này ở tiếng Việt, có thể là người làm khoa học dữ liệu chăng??). Đây là một ngành nghề làm việc có liên quan nhiều đến: Big Data, Machine Learning, Recommendation System.

-        Anh có thể tiết lộ một chút quá trình học tập và làm việc đến thời điểm này không ạ ?

Mình tốt nghiệp hệ Kỹ sư Tài năng khoá đầu tiên của Khoa Toán Tin Ứng dụng (tên cũ của Viện mình) năm 2004, rồi ở lại tham gia giảng dạy 2 năm đến năm 2006. Mình tốt nghiệp Thạc sỹ năm 2009 và đến năm 2012 thì đạt học vị Tiến sĩ tại Học viện Công nghệ Tokyo (Tokyo Institute of Technology). Sau đó mình làm kỹ sư hệ thống cho công ty về dịch vụ mạng ở Tokyo từ 2012 đến 2015 trên các công nghệ điện toán đám mây và từ đó đến nay là Data scientist cho công ty về dịch vụ mạng ở Tokyo, một công việc sử dụng nhiều kiến thức về Big Data, Machine Learning, Xác suất thống kê,...

 
Anh Lê Quang Phúc trong Lễ bảo vệ luận án Tiến sĩ với đề tài về xử lý ảnh lượng tử.

-      

Anh có kỉ niệm gì đáng nhớ nhất về thời gian còn học ở Viện cũng như về các thầy cô ạ ?

Mình thực sự có rất nhiều kỷ niệm về thời gian còn học tập tại Viện, chẳng hạn như mình rất ấn tượng đối với các giảng bài rất hay về Giải tích của thầy Nguyễn Đình Trí, môn Chuỗi thời gian của thầy Nguyễn Hồ Quỳnh có thể thực sự là môn đầu tiên mình làm quen với phân tích số liệu, rồi thầy Bùi Khởi Đàm rất nghiêm khắc nhưng dạy rất hay về Xác suất và thống kê; môn Đại số tuyến tính của thầy Nguyễn Cảnh Lương giúp mình có được kiến thức mà bây giờ nhiều lúc vẫn còn dùng trong công việc,... Các thầy cô đã giúp mình có được một số kiến thức cụ thể và một cái nhìn tương đối đầy đủ về các ứng dụng của toán học cao cấp trong các môn học tiếp theo. 

 
Anh Lê Quang Phúc trong ngày nhận bằng Tiến sĩ của Học viện Công nghệ Tokyo, Nhật Bản.

-      

Anh thấy anh học được gì đáng giá nhất ở Viện mình (hoặc cơ hội Viện mình đã đem đến cho anh) ?

Mình học ở hệ Kỹ sư Tài năng cho nên có thể khác với các bạn ở hệ khác một chút. Trong thời gian đại học, mình đã học được một kiến thức nền rất tốt, được làm việc nhiều theo hướng tự tìm hiểu và nghiên cứu sớm. Những kiến thức này đã giúp mình có sự chuẩn bị tốt ở các mức học sau đại học, cũng như trong công việc sau này.

-       Em được biết anh là một chuyên gia về Big Data thì anh thấy những kiến thức của Viện mình giúp ích cho anh như thế nào ?

Như mình nói ở trên, Viện giúp mình có được một kiến thức nền tốt và khả năng tự học, tự nghiên cứu những kiến thức mới. Những kiến thức như vậy giúp mình rất nhiều trong việc nghiên cứu ở giai đoạn sau đại học, cũng như trong công việc sau này. Cụ thể là công việc liên quan đến công nghệ thông tin (là kỹ sư hệ thống hay data scientist trong kinh nghiệm của mình), thì những kiến thức căn bản như lập trình, cấu trúc dữ liệu, giải thuật, cơ sở dữ liệu, hệ điều hành là rất quan trọng. Kỹ năng trừu tượng hoá, khái quát hoá của toán học thực sự giúp ích rất nhiều trong việc xây dựng các thuật toán và mô hình hoá các bài toán thực tế. Khi tiếp xúc với Big Data cũng như Machine Learning thì nền tảng tốt về các khái niệm xác suất thống kê cũng rất quan trọng. 

Anh Lê Quang Phúc trong lần tham dự Hội thảo tại Ý.

-      

Big Data là một hướng đi không nhiều bạn sinh viên mới biết đến, vậy anh có thể cho các bạn sinh viên có mong muốn tìm hiểu hoặc làm việc về lĩnh vực này lời khuyên được không ạ ? (về các môn học nên chú trọng, các công nghệ nên tìm hiểu, các nguồn thông tin có thể tham khảo, ... )

Cũng giống như thời trang, các công nghệ mới có thể đến rồi đi rất nhanh, một công việc hay một nhánh công nghệ được quan tâm nhiều trong lúc này có thể không còn được quan tâm mấy trong vài năm sau. Ở mức đại học, theo kinh nghiệm cá nhân mình thì nếu đầu tư thời gian nhiều thời gian cho một lĩnh vực rất hẹp nhiều khi chưa thực sự là tốt nhất cho công việc về sau. Cho nên tìm cách xây dựng một nền tảng vững chắc về kiến thức cơ bản và kỹ năng giải quyết vấn đề, củng cố ngoại ngữ, và tìm được một số môn yêu thích có thể sẽ giúp ích về lâu dài. 

Quay lại với Big Data, hướng này có thể chia thành 2 mảng lớn, công nghệ Big Data và xử lý Big Data. Theo mình thì ngành Toán Tin có vẻ phù hợp hơn với hướng xử lý Big Data vì liên quan nhiều các khái niệm toán học, ví dụ như các thuật toán ngẫu nhiên, toán rời rc về đồ thị, thuật toán phân loại, phân cụm, ... Nhiều khái niệm được trình bày tốt ở quyển sách miễn phí sau Mining of Massive Datasets. Tất nhiên để cụ thể hoá được các ý tưởng của mình đối với các bài toán cụ thể thì cũng cần hiểu biết một mức độ nhất định về nền tảng công nghệ của Big Data, các bạn có thể tìm hiều thêm về Hadoop, Pig Latin, Hive, Spark, ...

 Anh Phúc bên các đồng nghiệp tại Nhật Bản.

-       Cuối cùng, anh còn điều gì muốn nhắn nhủ với các bạn sinh viên hiện đang học tập, hoặc sắp tới muốn vào Viện Toán ứng dụng và Tin học không ạ ?

Trong suốt thời gian cấp 3, mình từ một học sinh giỏi toán đã bỏ hẳn Toán để chuyển sang học Tin học vì rất thích Tin học (lập trình với Pascal năm 1996-1999). Nhưng sau một thời gian làm nhiều với Tin, bản thân mình thấy lại cần học thêm về Toán để làm Tin tốt hơn, cho nên mình đã chọn khoa Toán Tin của Bách Khoa Hà Nội. Sau này khi tiếp xúc nhiều hơn với cả Toán học và Tin học ở mức sau đại học và công tác tại nước ngoài, mình thấy rằng môi trường học tập ở Viện đã giúp mình thực hiện được rất nhiều điều mình muốn làm. Hy vọng các bạn cũng sẽ chọn được một môi trường học tập tốt phù hợp với điều các bạn muốn làm trong tương lai.

-       Em xin cảm ơn anh đã bỏ chút thời gian để tham gia bài phỏng vấn, em chúc anh ngày càng thành công trong công việc ạ.

Cảm ơn các bạn đã giúp mình có cơ hội trao đổi về những suy nghĩ cá nhân qua bài phỏng vấn này.

-       Dạ vâng, em chào anh.

 

Thông tin cá nhân của anh Lê Quang Phúc các bạn có thể tìm đọc ở link sau : https://www.linkedin.com/in/phuc-le-68b005bb

 

 

 

 


Chia sẻ:

Bài viết khác

Cựu sinh viên Toán Tin với nghề kỹ sư cầu nối (Công nghệ thông tin)

Cựu sinh viên Toán Tin với nghề kỹ sư cầu nối (Công nghệ thông tin)

  • 20/02/2017 14:03
  • 1952

Có thể nhiều người còn chưa hiểu biết về ngành Toán Tin, nên không nghĩ rằng sinh viên Toán Tin có thể làm việc trong lĩnh vực CNTT. Thực tế, học Toán Tin không chỉ có thể trở thành nhà nghiên cứu hay giảng viên Toán học, mà còn có thể làm lập trình viên, chuyên gia tin học, nhà phân tích hệ thống, .. hoặc có thể là chuyên gia thống kê, chuyên gia thẩm định, dự báo trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm,... Bài viết này là giới thiệu về anh Nguyễn Như Hạnh, cựu sinh viên Toán Tin K45 (Bài viết gốc trên mục [Người FPT/Chân dung] có chút nhầm lẫn về ngành học của anh). Hiện tại, anh là Giám đốc Công ty TNHH Phần mềm 2NF, làm với thị trường Nhật.