14/11/2016 14:58 3628
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Gặp thầy giáo trẻ đam mê Toán học, từ bỏ mức lương 5.000 USD

Dù mới 27 tuổi nhưng Trần Quốc Anh (hiện là Chủ nhiệm của một trung tâm bồi dưỡng văn hoá ở Hà Nội), đã có tới gần 10 năm đứng trên bục giảng. Điều ấn tượng nhất là việc anh đã ra cuốn sách Toán đầu tiên khi mới 19 tuổi. Anh cũng là một trong những tác giả người Việt hiếm hoi có sách được xuất bản ở nước ngoài.

 27 tuổi, thầy giáo trẻ Trần Quốc Anh có trong tay một trung tâm bồi dưỡng văn hoá rất uy tín tại Hà Nội với hơn 400 học sinh theo học, cùng kinh nghiệm gần 10 năm luyện thi, bồi dưỡng cho học sinh THCS, THPT và hơn 10 đầu sách tham khảo Toán đã được phát hành với hàng chục nghìn bản mỗi năm.

Và đặt biệt, câu chuyện quyết tâm theo đuổi đam mê được anh chia sẻ với PV Chất lượng Việt Nam dưới đây đã truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ, giúp họ có thêm động lực, theo đuổi ước mơ của mình và khởi nghiệp thành công.

27 tuổi, thầy giáo trẻ Trần Quốc Anh đã xuất bản 10 đầu sách tham khảo Toán.

Ham học tới mức… suýt bị bố mẹ cho uống thuốc an thần

Chào anh Trần Quốc Anh, được biết anh đã xuất bản cuốn sách đầu tay khi chỉ mới 19 tuổi, vậy viết sách có phải là niềm đam mê đối với anh?

Hồi cấp 3, mình rất thích môn Toán và đã bắt đầu viết sách khi đang học lớp 12. Lúc đó, mình nói ý tưởng cho những người xung quanh thì không một ai đồng thuận, mọi người đều cười chê, thậm chí họ còn nghĩ mình dở hơi.

Trong lúc các bạn đang mải miết ôn thi thì mình lại chăm chú viết sách khiến bố mẹ lo rằng: Mình sẽ trượt đại học. Thế rồi, mình đỗ Bách Khoa với số điểm 27 và tất nhiên, lên đại học, mình vẫn duy trì đam mê ấy và quả thực xuất bản sách là điều không hề dễ dàng.

Thật may mắn, mình đã được gặp một vài người trong nghề, họ đã giúp đỡ mình. Nhờ có đam mê với Toán học mà mình xuất bản cuốn sách đầu tay năm 19 tuổi.

 - Anh có thể chia sẻ đôi chút về những khó khăn gặp phải khi xuất bản cuốn sách năm 19 tuổi?

Hai năm liền, mình đạp xe tới từng Nhà xuất bản tại Hà Nội để gửi bản thảo nhưng luôn bị tự chối vì chưa có kinh nghiệm và trẻ quá. Tuy nhiên, cơ duyên đã cho mình quen Giám đốc một nhà sách trong Sài Gòn. Nhân một lần, chú ra Hà Nội để giải quyết công việc, mình đã xin gặp chú và tranh thủ hẹn.

Chú cho mình 10 phút để nói chuyện. Đạp xe đến khách sạn chú ở, mình bị bảo vệ bắt đứng ngoài. May sao, sau một hồi giải thích, mình cũng được vào. Gặp chú, mình hào hứng nói về những ý tưởng mới mẻ cũng như sự độc đáo của cuốn sách so với thị trường. Cuối cùng, chú bị thuyết phục và đồng ý cho “in thử”.

Khó khăn nhất là khi làm những việc trước đó chưa ai dám làm, trong khi đó bên cạnh mình cũng không có ai tin tưởng và ủng hộ. Trước khi ra sách, mình chỉ mê học Toán, có một thời gian, bố mẹ nghĩ hay do mình học nhiều quá nên "bị làm sao", còn định cho uống thuốc an thần.

Mọi người lúc nào cũng nhắc nhở về việc học thêm Lý, Hoá nhưng mình giấu tài liệu môn Toán ở khắp mọi nơi và chỉ đam mêm với môn học này. Mình cứ lặng lẽ kiên trì, giữ vững niềm tin. Trong đầu mình chỉ nghĩ: Có những điều, dù chưa ai làm được thì mình có thể sẽ là người đầu tiên.

 - Vậy còn việc đi dạy Toán thì sao? Có vẻ như nó không đúng chuyên ngành về Tin học mà anh đã được đào tạo ở trường Đại học Bách Khoa?

Đúng rồi, các bạn cùng đại học của mình đa số đều theo ngành Tin học, riêng mình chọn đi dạy Toán. Thực ra, từ hồi học cấp 2, cấp 3, mình đã may mắn trở thành học trò cưng của rất nhiều thầy cô giáo nổi tiếng trường Amsterdam. Do vậy, từ khi còn là sinh viên, mình đã thường xuyên được các thầy cô mời về trường bồi dưỡng đội tuyển Toán lớp 9. Cơ duyên có lẽ bắt đầu từ đó.

 - Thưa anh, có sự khác biệt nào giữa 2 công việc: Viết sách Toán và dạy môn Toán mà anh đang theo đuổi?

Khoảng 2 năm đầu tiên khi bắt đầu viết sách, mình tập trung vào việc giải toán, tìm tòi vì kiến thức chuyên môn là điều hết sức quan trọng. Thời gian đó, mình đã tham gia trao đổi với nhiều giáo sư, nghiên cứu sinh, những “cao thủ toán” ở nước ngoài, nhờ đó kiến thức của mình được nâng lên đáng kể.

Tất nhiên, vạn sự khởi đầu nan. Lúc mới đi dạy, đôi lúc phụ huynh còn hoài nghi về khả năng của mình vì thấy thầy trẻ quá, chưa kể, kiến thức từ sách vở mà ra nhưng thực tế thì lại khác, một người thầy để thành công sẽ cần nhiều yếu tố khác nhau. Sau nhiều năm đi dạy, mình đã tích lũy được không ít kinh nghiệm.

 Ngoài Toán học, thầy giáo Trần Quốc Anh còn có đam mê với âm nhạc. 

 Đam mê Toán học, từ bỏ mức lương 5.000 USD

- Xin anh cho biết: Điều khiến anh thích nhất khi trở thành một giáo viên?

Thích nhất chắc là được gặp gỡ, trò chuyện và giải quyết vấn đề cho học sinh. Quan điểm của mình khác khá nhiều người, đa phần họ đưa vấn đề của mình để học sinh giải quyết, mình thì gợi ý cho học sinh những con đường và giải quyết vấn đề mà học sinh gặp phải. 

- Vì sao anh lại quyết định mở lớp dạy Toán tại nhà mặc dù có rất nhiều lời mời hấp dẫn từ nhiều trường THCS, THPT uy tín ở Hà Nội?

Khi còn là sinh viên, mình đã từng dạy ở rất nhiều trung tâm luyện thi. Ở đó, khả năng của học sinh thường không đồng đều, sĩ số lớp lại đông nên giáo viên cũng không thể bao quát hết được. Đi dạy được vài năm, mình có ý tưởng mở những nhóm nhỏ, sắp xếp phù hợp theo trình độ của học trò để có thể quan tâm tới các em nhiều hơn và truyền tải kiến thức được tốt hơn. 

Mặt khác, mình nghĩ ai cũng phải làm tốt khi ta làm việc cho chính mình. Giống như những doanh nghiệp tư nhân vậy, phải có áp lực và cạnh tranh thì mới có nhiều hướng để phát triển cũng như khẳng định vị thế của mình.

Có những trường thực sự là ước mơ của nhiều giáo viên tại Hà Nội, nhưng mình từ chối lời mời từ phía họ vì nghĩ bản thân không phù hợp.

Có nhiều vị hiệu trưởng, hiệu phó các trường quốc tế đến tận nhà mời mình hợp tác với mức lương 3.000 - 5.000 USD nhưng mình cũng xin cáo lỗi vì quá bận cho việc phát triển mô hình giáo dục đang ấp ủ. Đến bây giờ, mình vẫn tự tin rằng mình đang đi đúng hướng.

Các lớp bồi dưỡng văn hóa của anh chủ yếu dành cho những đối tượng nào? Anh cho thể chia sẻ về một vài quan điểm của mình về dạy và học?

Mình dạy các khối từ lớp 5 đến lớp 12. Có nhiều bạn sau khi tốt nghiệp THPT, trở thành sinh viên rồi nhưng vẫn hay hỏi bài thầy (cười).

Muốn học tốt, trình độ không quan trọng, chỉ cần chăm chỉ. Kể cả với những bạn sợ Toán, mình luôn có cách khắc phục hiệu quả. Mình thích dạy những bạn học khá nhưng có thể bứt phá, vượt qua khả năng của mình hơn là đào tạo những bạn đã giỏi sẵn. Bản thân mình xem đó như một thử thách để khẳng định năng lực của cả thầy và trò.

 Ngoài thời gian dạy học, thầy giá trẻ Trần Quốc Anh còn tích cực tham gia chia sẻ kinh nghiệm tại các hội thảo, buổi tọa đàm về sư phạm, về toán học

 - Anh có thể bật mí đôi chút về những dự định của mình trong tương lai?

Sắp tới mình muốn mở rộng Trung tâm về cả quy mô lẫn sự chuyên nghiệp, từ đó xây dựng một Hệ thống giáo dục, vì được đi dạy là đam mê lớn nhất của mình. Bên cạnh đó, mình sẽ tiếp tục viết sách để duy trì sở thích, đồng thời nâng cao kiến thức chuyên môn. 

- Anh có nghĩ, tư duy Toán học tốt sẽ là một nền tảng để giúp các bạn học sinh sau này khởi nghiệp ?

Điều đó là chắc chắn. Tuy nhiên, thế nào là tư duy Toán thì đó là một câu chuyện dài, hi vọng sau này sẽ có dịp chia sẻ cụ thể hơn với bạn đọc.

- Với các bạn có ý định khởi nghiệp, anh có lời khuyên nào dành cho các bạn ấy?

Hãy dũng cảm theo đuổi đam mê và biến nó thành công việc của mình. Thời gian dành cho đam mê không bao giờ là lãng phí. Mình cũng đang áp dụng quan điểm này!

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Một số thành tích nổi bật tại Trung tâm của thầy giáo Trần Quốc Anh

Trong năm học vừa qua, những học trò “cưng” của thầy giáo Trần Quốc Anh, bạn Phan Hữu An vừa rồi đã đạt Thủ khoa khối 7 Cuộc thi Tìm kiếm tài năng Toán Học trẻ MYTS 2016, được Thứ trưởng Trần Văn Nhung trao bằng khen.

Bạn Nguyễn Minh  Khải - Thủ khoa  kỳ thi HSG Toán Quận Cầu Giấy 2016 vòng 1. Bạn Trương Cao Minh -Thủ khoa kỳ thi HSG Quận Cầu Giấy 2016 vòng 2. Bạn Ngô Phương Chí -Giải nhì cuộc thi Toán quốc tế giữa các thành phố (ITOT) 2015-2016…

Không chỉ môn Toán, những môn học khác các bạn cũng đạt nhiều thành tích đáng tự hào. Ví dụ như bạn Nguyễn Bắc Hải (lớp 9) - Giải nhất cuộc thi IOE TP.HN  năm 2015 -2016, hay bạn Nguyễn Anh Thư (lớp 8) – Giải nhất cuộc thi hùng biện Tiếng Anh Academy cấp Thành phố 2015-2016….

 
[Theo vietq.vn, Phương Nam 10:33 13/11/2016]

Chia sẻ:

Bài viết khác

Gánh vác trọng trách công việc Hội Cựu sinh viên Toán Bách Khoa

Gánh vác trọng trách công việc Hội Cựu sinh viên Toán Bách Khoa

  • 08/11/2016 10:19
  • 1833

Cả chị Hòa và anh Đạt đều là một trong các thành viên sáng lập hội cựu SV Toán Bách Khoa từ 1996. Tôn chỉ của Hội là thể hiện lòng biết ơn đến các thầy cô, góp một viên gạch cho sự nghiệp đào tạo. Hội khác với cơ quan, tồn tại và duy trì được là nhờ lòng nhiệt tình, tính tự tin của mỗi thành viên và khả năng khuấy động phong trào của lãnh đạo. Với tấm lòng trân trọng, quý mến thầy cô, ấn tượng về mái trường dạy cho mình tri thức và phong cách làm việc... mỗi cựu SV đều sẵn nhiệt tình. Nếu tận dụng được tri thức, có cuộc sống yên bình... mỗi cựu SV đủ tự tin; nếu thành đạt trong công việc, làm rạng danh người thân và nơi đã đào tạo mình... cựu SV mong muốn được đóng góp thêm cho sự nghiệp đào tạo, góp phần cho lớp đàn em có môi trường học tập tốt hơn, trao đổi kinh nghiệm học tập và khởi nghiệp sao cho sau khi tốt nghiệp SV nhanh chóng có việc làm...