27/08/2020 14:36 2402
Điểm: 5/5 (4 đánh giá)
Cựu sinh viên Tài năng Toán Tin du học Sau đại học ngành Khoa học tính toán tại Thụy Điển

 Nguyễn Phương Thúy.

Xin chào mọi người!

Sau một quãng thời gian vắng bóng, giờ đây mình đã quay trở lại! Mình sẽ mang theo một câu chuyện về những chia sẻ của các anh chị cựu sinh viên Toán Tin rồi, và lần này cũng không ngoại lệ. Nhân vật trong buổi trò chuyện hôm nay của chúng ta là anh Đào Tuấn Anh – KSTN Toán Tin K57, hiện anh đang làm Nghiên cứu sinh tại Đại học Uppsala – Thụy Điển. Anh sẽ mang tới cho chúng ta một định hướng khác về ứng dụng của Toán trong các lĩnh vực  của đời sống, mà cụ thể như anh chia sẻ là: “ Đề tài anh đang nghiên cứu là về một hệ phương trình mô phỏng tương tác giữa từ trường và chất lỏng dẫn điện, nghiên cứu một vài hiện tượng vật lý chưa được hiểu rõ, xảy ra tại tâm trái đất, bầu khí quyển mặt trời, trong các quá trình hình thành các chùm sao. Ứng dụng của nó hầu hết là trong thiên văn học, vật lý, địa chất học”. Cụ thể ra sao, mời các bạn cùng đi vào cuộc trò chuyện thú vị này nhé!

  • Em chào anh ạ! Anh có thể giới thiệu đôi nét về bản thân cho mọi người cùng biết được không ạ?

Chào em! Anh là Đào Tuấn Anh, cựu sinh viên lớp KSTN Toán Tin K57. Sau khi tốt nghiệp năm 2017, anh đã may mắn nhận được học bổng chính phủ Thuỵ Điển (tên là SISS, sau đổi tên thành SISGP) cho 2 năm học Thạc Sĩ ngành Khoa học tính toán tại Đại học Uppsala. Sau khi học xong Thạc Sĩ anh tiếp tục theo làm Nghiên cứu sinh cũng tại Đại học Uppsala. Hiện tại anh gần hoàn thành xong năm đầu tiên ở bậc học này.

  • Điều gì làm anh cảm thấy tự hào khi là một sinh viên Toán Tin ạ?

Anh cảm thấy tự hào vì mình là sinh viên Bách Khoa nói chung và sinh viên Toán Tin nói riêng. Điều làm anh thích thú nhất khi nói về Viện Toán Tin nói chung đấy là kết nối của các thế hệ trước và sau, và mối quan hệ thầy trò. Cả trong lúc đang học tập hay sau khi đã ra trường, anh đều nhận được rất nhiều sự hỗ trợ giúp đỡ của các thầy cô. Trong lúc nộp học bổng Thạc Sĩ ngoài các thầy cô anh cũng nhận được lời khuyên từ các anh khoá trước, nhiều nhất là từ anh Phạm Thành Sơn K53 (*Tiến sĩ tại Úc*). Mỗi lần nhắc về Toán Tin là anh lại cảm thấy thật sự ấm áp.


Ảnh tốt nghiệp lớp KSTN Toán Tin K57. Anh Đào Tuấn Anh: thứ 3 từ trái sang.

  • Trước khi đi du học tại Thụy Điển, anh đã từng làm việc về lĩnh vực gì ạ? Anh có thể mô tả cụ thể mối liên quan giữa công việc đó với chuyên ngành Toán Tin không ạ? Và tại sao sau đó anh lại lựa chọn việc đi du học ạ?

Trước khi qua Thuỵ Điển các công việc anh làm hầu hết là về phát triển phần mềm, liên quan đến mảng Tin nhiều hơn là liên quan đến Toán ứng dụng. Lúc trước khi đi anh cũng có làm một công việc bán thời gian về tài chính định lượng. Toán trong tài chính là một mảng rất lớn và yêu cầu về mặt nền tảng liên quan chặt chẽ đến chương trình học của Toán Tin mình. Vì vậy, đây cũng có thể là một trong những hướng đi dành cho các bạn Toán Tin. Công việc lúc đó của anh cũng khá suôn sẻ, nhưng vì anh nghĩ rằng mình còn trẻ có cơ hội đi đây đi đó, thử những điều mới lạ khác nên anh đã lựa chọn việc đi du học. Anh cũng đã từng tìm hiểu nhiều điểm đến du học khác nhau và nung nấu việc đó từ khá lâu.

  • Chúng ta cùng tiếp tục với câu chuyện du học được không ạ? Hiện tại, anh đang làm nghiên cứu sinh về lĩnh vực gì ạ? Và ứng dụng của nó trong đời sống ra sao ạ?

Hiện tại anh đang làm về phương pháp số cho phương trình đạo hàm riêng (PDEs), cụ thể là về các phương pháp ổn định nghiệm cho các định luật bảo toàn (conservation laws). PDEs có vai trò quan trọng trong rất nhiều các ứng dụng như tài chính, vật lý, hoá học, chế tạo máy, điện – điện tử, …. Đề tài anh đang nghiên cứu là về một hệ phương trình mô phỏng tương tác giữa từ trường và chất lỏng dẫn điện, nghiên cứu một vài hiện tượng vật lý chưa được hiểu rõ, xảy ra tại tâm trái đất, bầu khí quyển mặt trời, trong các quá trình hình thành các chùm sao. Ứng dụng của nó hầu hết là trong thiên văn học, vật lý, địa chất học. Có lẽ ứng dụng gần với đời sống nhất (vẫn đang trong quá trình nghiên cứu) là về một nguồn cung cấp điện mới sử dụng hệ vật lý nói trên.

  • Anh đã đến Thụy Điển được bao lâu rồi ạ, và anh có cảm nhận gì về  đất nước và con người nơi đây ạ?

Anh đã ở Thuỵ Điển được 3 năm. Ở đây ít người và yên tĩnh. Đồng nghiệp và các giáo sư tốt bụng và thân thiện. Thuỵ Điển khá nổi tiếng về văn hoá cân bằng giữa công việc – cuộc sống nên anh cảm thấy làm việc ít bị áp lực. Điều anh thích nhất ở đây là thiên nhiên, với gần 70% diện tích của Thuỵ Điển là rừng phủ xanh.

  • Chúng ta cùng ôn lại một chút kỉ niệm thời sinh viên được không ạ? Thời còn đi học, ấn tượng sâu sắc trong anh về bạn bè, thầy cô trong Viện là gì ạ?

Ấn tượng của anh là các thầy cô rất vui tính, thân thiện, và có trình độ chuyên môn cao. Các thầy cô quan tâm nhiều đến sinh viên và sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết. Các thầy cô cũng tạo cơ hội nghiên cứu, thực tập, làm việc cho sinh viên. Anh nghĩ đây là lợi thế rất lớn mà các bạn sinh viên nên tận dụng. Lớp anh có ít người thôi nên cả lớp khá thân với nhau. Chỉ trừ những năm cuối các bạn bận đi làm, mọi sự kiện của lớp đều đông đủ các bạn tham gia. Trong quá trình học tập và sinh hoạt các bạn đã giúp đỡ nhau nhiều.

  • Là một sinh viên của lớp KSTN, đối với anh, có những lợi thế và áp lực như thế nào ạ?

Anh cảm thấy may mắn khi được học trong lớp KSTN. Lợi thế lớn nhất có lẽ là được học trong một nhóm nhỏ, thầy cô giáo nhớ hết tên các sinh viên. “KSTN” cũng có lợi thế hơn một chút khi bạn nộp hồ sơ xin việc/học bổng. Anh không rõ các thầy cô có ưu ái sinh viên KSTN hơn không, nhưng anh hi vọng là các thầy cô không phân biệt như thế. Áp lực thì anh chưa từng, hoặc ít cảm thấy, vì sau một thời gian mình cũng chú tâm đến việc của mình thôi mà quên đi cái mác kia rồi. Có một điều anh để ý khi học 2 năm Thạc Sĩ ở Uppsala University (trường top 100 thế giới) là nội dung học đã được dạy rất nhiều khi anh học ở Bách Khoa. Theo anh cảm nhận thì khối lượng kiến thức 5 năm học KSTN có thể tương đương với bằng Thạc Sĩ. Nếu sau này chương trình KSTN cho đầu ra là bằng tương Thạc Sĩ thì chương trình này sẽ trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều.

  • Em được biết là có nhiều bạn sinh viên năm 2, năm 3 đang băn khoăn là có nên đi thực tập từ giai đoạn này không vì những lí do như: liệu có sớm quá hay không, hay là mình chưa tự tin về lượng kiến thức được trang bị, liệu khi đi thực tập, có làm được công việc mọi người giao không? vv... Anh có lời khuyên nào cho các bạn sinh viên nói chung về việc cân nhắc xin đi thực tập không ạ?

Đây là một câu hỏi khó mà các thầy cô, anh chị khoá trước đều trả lời là có hoặc không. Theo anh thì câu trả lời phụ thuộc vào định hướng của mỗi người. Bạn có thể chỉ chú tâm vào học và đạt kết quả thật cao, để sau khi ra trường nền tảng lý thuyết vững chắc, dễ dàng xin học bổng du học hoặc vào những công ty lớn. Hoặc bạn có thể chỉ chú tâm vào làm dày số năm kinh nghiệm làm việc, trong tương lai có thể làm start-ups hoặc những công việc lương cao đòi hỏi nhiều năm kinh nghiệm. Cũng có thể ai đó chọn hướng đâu đó giữa hai định hướng ở trên. Một điều quan trọng đó là bạn nhìn thấy bạn ở đâu sau nhiều năm sau khi ra trường, tự đặt kế hoạch và đảm bảo là từng mốc kế hoạch của bạn được hoàn thành. Anh đi làm khá sớm, từ năm nhất đại học và trải qua nhiều công việc khác nhau trong 5 năm. Anh đã đánh đổi bằng việc không thể tập trung hoàn toàn cho việc học trên lớp. Trong những năm đó anh vẫn cảm thấy yên tâm vì anh luôn chuẩn bị tốt cho khả năng Tiếng Anh của mình, và các học bổng sau Đại học anh hướng đến đều là các học bổng yêu cầu vài năm kinh nghiệm làm việc. Lúc đó SISS yêu cầu 2 năm kinh nghiệm làm việc toàn thời gian, tương đương với 4 năm kinh nghiệm làm việc bán thời gian rất vừa vặn cho hồ sơ của anh. Bạn không cần băn khoăn về việc sớm quá hay không vì không có tiêu chuẩn nào về việc sớm hay không. Công việc thông thường ở các công ty bên ngoài không khó hơn học trên lớp nên bạn có thể vừa làm và học thêm kiến thức thực tiễn cho mình.

  • Anh đã có dự định gì sau khi làm xong nghiên cứu sinh chưa ạ?

Sau nghiên cứu sinh, anh sẽ đi làm một vài năm ở Thuỵ Điển trước khi có quyết định tiếp theo.

Sinh viên Bách Khoa tại Uppsala Thuỵ Điển, anh Tuấn Anh: bên trái.

  •  Xin anh có thể cho các bạn sinh viên Toán Tin nói chung cũng như các bạn sinh viên đang có dự định du học nói riêng một vài lời khuyên được không ạ?

Có thể là dặn thừa với nhiều bạn nhưng anh chắc chắn là nếu bạn có ý định đi du học thì nên chuẩn bị Tiếng Anh thật tốt. Ở đây ý anh là kể cả về việc thi được điểm cao IELTS/TOEFL, cũng như kỹ năng giao tiếp tốt vì như vậy khi đi học xa, bạn sẽ tận hưởng được cuộc sống trọn vẹn hơn, có nhiều bạn quốc tế hơn. Chuẩn bị thứ hai cũng liên quan đó là luyện cho mình kỹ năng viết Tiếng Anh tốt để viết thư xin học bổng. Tiếp theo là ở những năm thứ 2 thứ 3 bạn nên tìm hiểu và lên một danh sách các học bổng phù hợp với mình, và lên kế hoạch phát triển bản thân mình phù hợp với những tiêu chí của học bổng đó. Việc tìm kiếm cho mình một hoặc vài mentors trong lúc nộp học bổng cũng rất quan trọng. Nếu có mentor, bạn sẽ tránh được những lỗi sai không đáng có và có được cái nhìn khách quan hơn về hồ sơ của mình.

 

Bên cây Old Tjikko - Cây già nhất thế giới 9500 tuổi (tại Darlana, Thuỵ Điển)

 Vườn quốc gia Fulufjället, Thuỵ Điển.

 Cuối cùng, em xin cảm ơn anh vì đã nhận lời tham gia phỏng vấn hôm nay. Mọi chia sẻ của anh đều rất bổ ích đối với các bạn sinh viên nói chung, và cả những bạn học sinh đang có dự định thi vào Toán Tin nói riêng. Nếu có dịp, chúng em rất mong có thể được gặp gỡ và trò chuyện trực tiếp với anh trong các buổi giao lưu với cựu sinh viên của Viện, để chúng em có thể lắng nghe nhiều hơn nữa những chia sẻ, những lời khuyên của các anh chị cựu sinh viên. Điều đó sẽ là hành trang vô cùng quý giá cho chúng em sau khi ra trường và bắt đầu với những công việc mới, những định hướng cho tương lai. Em chào anh ạ!

Mình hi vọng, bài phỏng vấn trên phần nào sẽ mang đến cho các bạn một cái nhìn rõ hơn về ứng dụng của Toán học trong đời sống và biết thêm về trải nghiệm khi là một sinh viên Toán Tin. Mình hi vọng mỗi chúng ta sẽ lựa chọn được cho bản thân một hướng đi phù hợp với đam mê của chính mình. Các bạn có câu hỏi thắc mắc gì liên quan tới hai ngành đào tạo là Toán tin và Hệ thống thông tin quản lý của Viện Toán ứng dụng và Tin học – Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, xin các bạn hãy gửi câu hỏi tới hòm thư  hoặc truy cập vào các trang thông tin của Viện theo đường link dưới đây, để có thể được các thầy cô và anh chị sinh viên có kinh nghiệm giải đáp nhé!

 

Chúc các bạn thành công!


Chia sẻ:

Bài viết khác

Nữ sinh Toán Tin Bách Khoa học giỏi, thích làm MC

Nữ sinh Toán Tin Bách Khoa học giỏi, thích làm MC

  • 26/08/2020 21:20
  • 1829

Nguyễn Ngọc Yến là sinh viên Viện Toán ứng dụng và Tin học, Đại học Bách khoa Hà Nội. Nữ sinh giành nhiều giải thưởng khoa học, làm MC cho các hoạt động của trường.