Trần Sỹ Hoàng Nam – Toán tin K61 (thực hiện)
Du học hay ra nước ngoài sống và làm việc, từ lâu đã là mong muốn của nhiều bạn trẻ, cả trước, trong, và sau đại học. Hôm nay, chúng ta ở đây để có một buổi trò chuyện với chị Nguyễn Thị Mai Thương, một cựu sinh viên của viện Toán ứng dụng và Tin học, hiện đang là Tiến sĩ - giảng viên của một trường đại học tại New Zealand.
- Em chào chị, chị có thể giới thiệu một chút về bản thân và công việc hiện tại được không ạ?
Mình tên là Nguyễn Thị Mai Thương, quê ở Nghệ An, là cựu sinh viên K49, Viện Toán ứng dụng và Tin học (ngày ấy là Khoa Toán – Tin ứng dụng). Hiện tại mình đang ở Wellington, New Zealand, là Postdoc (công việc là giảng dạy và nghiên cứu) tại Victoria University of Wellington (VUW), chuyên ngành Thống kê.
- Sau khi tốt nghiệp kỹ sư tại trường Đại học Bách Khoa, chị đã đi theo con đường như thế nào để ra nước ngoài và có công việc bây giờ ạ?
Sau khi tốt nghiệp trường ĐH Bách Khoa, mình học tiếp lên Thạc sĩ chuyên ngành Toán ứng dụng tại Viện Toán UD&TH (từ 2009 - 2011). Trong 2 năm ấy, mình được nhận làm giảng viên tại Viện, nên công việc chính là vừa đi dạy, vừa học. Giai đoạn gần tốt nghiệp Thạc sĩ, mình nộp hồ sơ xin học bổng Tiến sĩ ở trường VUW và may mắn được cấp học bổng chương trình Tiến sĩ cho 3 năm. Thế nên tốt nghiệp Thạc sĩ xong là mình sang NZ làm Tiến sĩ luôn.
Con đường ra nước ngoài của mình không có gì đặc biệt hơn các bạn khác, mình nghĩ thế. Mình đi học thêm Tiếng Anh, thi chứng chỉ IELTS, cũng trầy trật vài lần, rồi tìm trường, nộp hồ sơ xin học theo yêu cầu của trường bạn thôi. Thực ra khi chọn trường thì có công đoạn chọn thầy, mình lên website của trường, phải tìm hiểu trước hướng nghiên cứu của các giáo sư trong trường mình muốn xin học để viết thư xin học cho hợp lý. Thường thì xin thẳng học bổng của các trường ở nước ngoài như thế thì sẽ có phỏng vấn trực tiếp với giáo sư để người ta biết thêm 1 chút về nền tảng kiến thức và khả năng của mình.
Chị Nguyễn Thị Mai Thương trên giảng đường đại học VUW, New Zealand
- Trong những điều học được từ Viện, chị cảm thấy có những gì là đáng giá nhất đối với mình?
Mình thấy tất cả những kiến thức mình học trong chương trình kĩ sư Toán Tin ứng dụng đều vô cùng quý giá đối với mình. Chương trình học bao quát, đầy đủ, cung cấp một nền tảng kiến thức Toán tốt để có thể đáp ứng được yêu cầu của chương trình Tiến sĩ ở bên này. Thêm vào đó mình cũng được trang bị kĩ năng, tư duy lập trình, tất cả đều thiết yếu cho việc nghiên cứu của mình.
- Chị có kỷ niệm gì đặc biệt với Viện hay thầy cô trong Viện mà chị cho rằng sẽ không bao giờ quên không ạ?
Mình có khá là nhiều kỉ niệm với các thầy cô, các chị ở phòng thư kí của Viện mà mình vẫn nhớ như in đến tận bây giờ. Tuy nhiên kỉ niệm sâu sắc nhất là với cô giáo hướng dẫn của mình, cô Bạch Kim. Kỉ niệm đầu tiên là lúc mình năm 4, chuẩn bị làm đồ án môn học, mình rất thích môn học cô Bạch Kim dạy nên mình quyết xin cô làm đồ án (mình nghe các anh chị khoá trên bảo là làm đồ án với cô rất khó vì cô rất cẩn thận và nghiêm khắc, tất nhiên mình thấy nghiêm khắc và cẩn thận là rất tốt nên mình không sợ gì cả). Mình nhớ là cô cho mình địa điểm và giờ hẹn để gặp cô, mình khá là run nên mình đến rất sớm. Nhưng mình chờ mãi cho đến lúc quá giờ hẹn phải tầm 30 phút cũng không thấy cô đâu, đến lúc đấy mình mới hốt hoảng kiểm tra lại thông tin, phát hiện ra là mình đang ở toà nhà khác (mình rất hay nhầm lẫn địa điểm, tên các toà nhà với nhau). Mình ba chân bốn cẳng chạy đến đúng địa điểm thì cô đã về rồi.
Sau đấy cô đã rất nghiêm khắc phê bình mình, đấy là bài học đầu tiên về thái độ làm việc mà mình nhận được. Từ đấy về sau, mình luôn luôn cố gắng chuẩn bị tốt nhất mọi thứ có thể, kiểm tra kĩ các thông tin quan trọng, luôn luôn đúng giờ, và luôn cố gắng giữ lời hứa.
- Là một nữ sinh trong một môi trường khá "dương tính", chị có cảm thấy cuộc sống sinh viên của mình "được" một cái gì đặc biệt hơn bình thường không ạ?
Mình thấy mình “được” rất nhiều thứ. Kể từ lúc mình vào Bách khoa, mình luôn được các thầy cô ưu ái, chắc vì mình thuộc “số hiếm”. Vì mình là con gái nên là các thầy cô rất dễ nhớ mặt, nhớ tên. Năm trước mình về thăm trường, tình cờ gặp cô giáo hướng dẫn thí nghiệm Vật lý lúc mình năm nhất, cô vẫn nhận ra mình ngay và gọi tên mình, hỏi han mình, điều ấy khiến mình rất cảm động.
Lúc mình vào chuyên ngành, buổi học đầu tiên, các thầy lãnh đạo Khoa (có thầy Quỳ, thầy Sắn,… hồi ấy vẫn còn là Khoa, chưa phải Viện) đến gặp gỡ trao đổi ngắn với sinh viên, rồi chỉ định mình, hỏi mình có thể làm lớp trưởng không. Mình chưa làm cán bộ lớp, cũng chưa tham gia công tác đoàn thể bao giờ nên mặc dù mình rất ngại, mình nghĩ là mình sẽ cố gắng thử để trở nên hoạt bát, mạnh dạn, giao tiếp tốt hơn. Thực tế thì mình cũng có cố gắng nhưng do bản tính nhút nhát nên mình không năng nổ được như các bạn khác. Nhưng mà mình được các thầy cô, các anh chị, bạn bè trong Ban chấp hành Liên chi đoàn luôn giúp đỡ, ủng hộ và bao dung cho mình.
Chị Thương tích cực trong công tác Đoàn và sinh viên tình nguyện.
- Cuộc sống xa quê hương của chị từ ngày ấy đến giờ hẳn đã trải qua những khó khăn và nỗi niềm. Chị có thể chia sẻ một chút không ạ?
Điều khó khăn đầu tiên và cũng là trở ngại lớn nhất khi xa quê, bước sang một môi trường mới là vấn đề văn hoá và ngôn ngữ. Đặc biệt đối với mình, tiếng Anh của người New Zealand rất khó nghe và có phần khác biệt so với dân Anh, Mỹ. Người ta nói rất rất nhanh, âm điệu cũng mỗi vùng 1 khác, cách dùng từ cũng khá “lạ”, tuyệt đối không giống với những gì mình được học hồi ở Việt Nam. Mình đã mất một thời gian rất dài mới thích nghi được. Văn hoá cũng khác biệt và đa dạng vì dân nhập cư ở New Zealand rất nhiều, họ đến từ nhiều nền văn hoá khác nhau, cho nên đến tận bây giờ, mình nhiều lúc vẫn còn lẫn lộn, không rõ việc gì phù hợp, việc gì là không phù hợp với văn hoá của họ nữa.
- Theo chị, chị cảm thấy những khác biệt lớn nhất về mặt đào tạo và chất lượng sinh viên tại New Zealand và Việt Nam, hay cụ thể hơn là tại VUW và Bách Khoa Hà Nội là gì ạ?
Câu hỏi này có phần khó so với khả năng của mình, vì mình vẫn chưa có đủ hiểu biết một cách toàn diện để đánh giá. Nhưng từ cảm quan của mình, sinh viên Việt Nam (hay sinh viên châu Á nói chung) học hành “trâu bò” hơn sinh viên New Zealand (mình không biết dùng từ gì khác phù hợp hơn), nhưng sinh viên nước bạn nhìn chung là năng động hơn, sáng tạo hơn. Ví dụ, nếu bảo tính một tích phân nào đó, trong khi sinh viên VN cảm thấy dễ ợt thì phần đa sinh viên ở bên này sẽ chật vật. Nhưng cách tiếp cận vấn đề của sinh viên New Zealand khá đa dạng, tự do và sáng tạo, rất ít khi bị rập khuôn.
- Cuối cùng, chị còn điều gì muốn nhắn nhủ tới các bạn đang và sẽ là sinh viên của Viện Toán ứng dụng và Tin học không ạ? Mình chỉ muốn nói với các bạn đang là sinh viên của Viện là các bạn, cũng như mình, vô cùng may mắn khi được là sinh viên của Viện Toán ứng dụng và Tin học. Bởi các thầy cô của Viện luôn tâm huyết trong công tác đào tạo và rất quan tâm đến sinh viên. Đối với các bạn sẽ là sinh viên trong tương lai, các bạn có thể nhìn vào định hướng nghề nghiệp để thấy rằng, các bạn, tuỳ vào đam mê và sở thích của bản thân, có thể có cơ hội nghề nghiệp phong phú và đa dạng đến như thế nào khi bước chân ra từ Viện Toán ứng dụng và Tin học. Tất nhiên, tương lai còn phụ thuộc rất nhiều vào sự nỗ lực của các bạn trong những năm tháng ở trong trường Đại học nữa.
Chị Thương trong Lễ tuyên dương các Thủ khoa xuất sắc năm 2009.
- Em cảm ơn chị về bài phỏng vấn ngày hôm nay ạ, chúc chị thành công hơn trong cuộc sống!