Long Lệ - Toán Tin K61 (Thực hiện)
Theo nhà tuyển dụng, nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều bạn sinh viên ra trường với tấm bằng khá giỏi nhưng vẫn thất nghiệp là gì?
Làm thế nào để “Start – up” thành công?
Người thành công học đại học như thế nào?
Hãy cùng nghe vị khách mời đặc biệt – anh Đỗ Chí Cường, cựu sinh viên K46, CEO công ty ITSOL, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong cuộc phỏng vấn sau đây nhé!
Em chào anh ạ!
Rất cảm ơn anh đã nhận lời trả lời phỏng vấn, sau đây em xin được gửi tới anh một vài câu hỏi ạ:
- Đầu tiên, anh có thể giới thiệu cho mọi người biết về bản thân và công việc hiện tại đang đảm nhiệm được không ạ?
Đầu tiên, cảm ơn Viện và bạn đã quan tâm đến cựu sinh viên và tạo cơ hội để cựu sinh viên có thêm kênh thông tin về Viện.
Tên đầy đủ của mình là Đỗ Chí Cường (Cuong Doji);
Năm sinh: 1983;
Chuyên ngành: Toán ứng dụng – Khóa 46;
Công việc hiện tại của mình: CEO của Công ty ITSOL – Một công ty chuyên về lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) (Giải pháp về CNTT và gia công phần mềm);
Liên lạc: Mobile: 0904290583 – cuongdc@itsol.vn
- Em được biết anh đang làm việc tại ITSOL với vai trò CEO, vậy thì anh có thể chia sẻ về công ty, lĩnh vực anh đang làm việc cũng như tiềm năng và khó khăn, thách thức trong ngành được không ạ?
Công ty thành lập bởi các sáng lập viên với trên 15 năm kinh nghiệm phát triển các hệ thống CNTT/Phần mềm, cung cấp giải pháp đáp ứng nguồn lực cho các dự án CNTT/Phần mềm. Chuyên về cung cấp Giải Pháp và Nguồn Lực trong lĩnh vực CNTT/Phần mềm.
- Thành lập từ năm 2009, năm 2013 đổi tên thành ITSOL (Cty Cổ phần Giải pháp và Nguồn lực Công nghệ ITSOL).
- Đội ngũ gần 200 kỹ sư, chuyên gia CNTT / Phần mềm (2017).
- Cung cấp các dịch vụ:
- Cung cấp (Phái cử - Tuyển dụng) nguồn lực CNTT/Phần mềm;
- Gia công/Thuê ngoài các dự án/sản phẩm CNTT/Phần mềm;
- Tư vấn giải pháp CNTT/Phần mềm.
- Lĩnh vực chuyên sâu: Phần mềm/Giải pháp cho Doanh nghiệp, Ngân hàng, Bảo hiểm, Di động, IoT.
- Giải thưởng:
- Giải Sao khuê (Dịch vụ Phái cử, Tuyển dụng - 2015);
- Top 50 công ty ICT – Top 17 công ty dịch vụ phần mềm (2014, 2015, 2016, 2017);
- Top 20 doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam về BPO, ITO & KPO (2016).
Anh Đỗ Chí Cường đại diện ITSOL lên nhận Giải Sao Khuê năm 2015.
Anh Đỗ Chí Cường trong Lễ vinh danh Top 50 doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam.
- Em tin chắc rằng các bạn sinh viên cũng như em rất ngưỡng mộ những thành tựu anh đã đạt được – người đồng sáng lập và dẫn dắt ITSOL 4 năm liên tục trở thành một trong TOP 50 Doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam, vậy anh có lời khuyên gì cho các bạn sinh viên muốn “START - UP” thành công ạ?
Theo mình, để trở thành start-up thành công theo mình có 6 yếu tố:
1. Trước hết phải học thật tốt khi còn là sinh viên: Thật ra hiện nay có nghịch lý là các bạn học chưa phải là xuất sắc thì lại “start - up” tốt hơn. Mình nghĩ đây là một phần do may mắn và tính thời điểm. Chứ đến lúc “start - up” thành công thì thấy muốn trước kia mình học tốt hơn để bây giờ phục vụ tốt hơn công việc.
2. Thời điểm “start - up”: Mặc dù ý tưởng rất hay, “technical” (chuyên môn – PV) rất ngon, tài chính tốt,… nhưng sản phẩm ra không đúng thời điểm thì không thành công được.
3. Tài chính: làm “start - up” khi mình đã “saving” được 1 khoản tài chính và kinh nghiệm. Không nên “start - up” khi tiềm lực tài chính chưa đủ chín.
4. Co-founder (người đồng sáng lập – PV): Phải tìm những người cùng mục đích và đam mê. Nên tìm người mà bù lại điểm yếu của mình (ví dụ mình mạnh về “technical” thì nên tìm người “co-founder” là người có ý tưởng tốt hoặc khả năng thuyết trình,...)
5. Thị trường: Một sản phẩm ngon mấy nhưng không được thị trường đón nhận thì cũng hỏng. Do vậy trước khi “start - up” gì thì nên dành thời gian nghiên cứu kĩ thị trường.
6. May mắn: Theo mình may mắn chiến 40% thành công của một sản phẩm. Tuy nhiên mình không chờ may mắn mà nỗ lực để sản phẩm tốt nhất. Chắc chắn trong thời gian đó chúng ta sẽ có sự trợ giúp của sự may mắn.
Còn nếu mình khuyên thì các bạn không nên “start - up” với sản phẩm vì thực sự ở môi trường Việt Nam thì rất khó triển khai và đến người dùng cuối. Mình nên “start - up” với dịch vụ CNTT trước (kiểu làm outsource (Gia công/Thuê ngoài các dự án/sản phẩm CNTT/Phần mềm - PV)) sau đó có được những kinh nghiệm thì sẽ làm những sản phẩm cho ý tưởng của mình.
- Anh có thể chia sẻ những dự định trong tương lai để phát triển công việc của mình không ạ?
- Về bản thân: anh sẽ cố gắng theo học hoặc nghiên cứu lĩnh vực gì đó trong viện (Trước mắt là nghiên cứu sinh ở Viện mình để chuyên sâu vào mảng Machine Learning & AI)
- Về Công ty:
- Mảng staffing (Cung cấp (Phái cử - Tuyển dụng) nguồn lực CNTT/Phần mềm - PV) sẽ định vị số 1 Việt Nam;
- Mảng outsources: Sẽ mở rộng ITSOL ở các nước (Singapore, Hàn, Mỹ và Nhật);
- Sẽ tạo điều kiện để các công ty nước ngoài cùng đầu tư phát triển công ty;
- Sẽ có sản phẩm tốt mang thương hiệu ITSOL (hy vọng tầm tháng 5/2019).
- Quãng thời gian học đại học có lẽ là một khoảng thời gian đáng nhớ, không biết là cơ duyên gì đã đưa anh đến với Viện Toán UD&TH? Anh có thể chia sẻ về chặng đường học tập và nghiên cứu tại Viện, việc lựa chọn hướng đi cũng như những kỉ niệm đáng nhớ được không ạ?
- Anh là người có định hướng vào Viện Toán UD&TH, người đưa anh ý tưởng đó là cô Bạch Kim của Viện mình. Thực sự anh coi cô như người mẹ thứ hai vì nếu không có cô thì ngày đó chắc anh cũng chẳng ra nổi trường (cười).
- Năm thứ 1: Mình là người học rất tốt (đặc biệt môn toán). Chính cô Kim là người luôn muốn mình đi sâu toán và mình đã định hướng mình như vậy. Hàng ngày được ra Viện Toán UD&TH ngồi nghe các thầy giáo trình bày seminar. Học đại học mà tối nào mình cũng cày đến 2-3h sáng (cười).
- Năm thứ 2: Mình không thực sự tập trung cho việc học (chắc do yêu lần đầu). Thực sự thấy tiếc mỗi khi nhớ lại, nếu được chọn lại mình sẽ tập trung thật sâu vào việc học tập để có bệ phóng cho sau này.
- Năm 3-5 thì mình trở lại học bình thường tuy không thực sự xuất sắc. Việc này công lớn của cô Kim khi đã gọi cho gia đình mình để báo về việc năm 2 anh học hành không tốt.
- Năm 5: Mình nghĩ mục tiêu ở lại trường làm giảng viên hay đi sâu về toán, không làm được thì mình đi thực tập tại Fsoft. Từ đây anh làm về CNTT chứ không theo ý định ban đầu nữa….
- Hiện nay thì có rất nhiều các trường đào tạo các ngành liên quan đến công nghệ thông tin, vậy theo anh lợi thế của sinh viên tốt nghiệp Viện Toán ứng dụng và Tin học của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội là gì ạ?
- Lợi thế là chương trình học của Viện mình rất tốt. Các môn đó thực sự ai làm nghiên cứu sâu sau này thì đó là điểm rất tốt. Hơn nữa sinh viên Bách Khoa thì điểm đầu vào tốt nên sinh viên ra trường làm nghề gì cũng chỉ cần thời gian ngắn là trở nên xuất sắc.
- Điểm lợi thế nhất là các thầy cô Viện Toán UD&TH bây giờ là trẻ và rất quan tâm đến sinh viên. Do vậy các bạn sẽ có nhiều kênh thông tin với doanh nghiệp để có thể định vị mình.
Anh Cường về giao lưu cùng sinh viên trong buổi sinh hoạt công dân và định hướng ngành nghề, năm 2016.
- Đứng trên góc độ là nhà tuyển dụng thì theo anh những nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều bạn sinh viên ra trường với tấm bằng khá giỏi nhưng vẫn thất nghiệp là gì? Để có thể làm việc đúng chuyên ngành ngay sau khi ra trường thì lời khuyên của anh dành cho các bạn sinh viên là gì ạ? (về học tập, kĩ năng, kinh nghiệm, làm thêm có hiệu quả,…)
Đứng trên góc độ là nhà tuyển dụng thì theo anh việc nhiều bạn sinh viên ra trường với tấm bằng khá giỏi nhưng vẫn thất nghiệp nguyên nhân thì nhiều, có thể đổ cho chưa may mắn (cười).
Tuy nhiên, theo mình thì thấy rõ điểm này:
- Các bạn đều áp lực kiếm tiền nên loay hoay giữa học và tìm công việc làm nên thông thường hay bị chọn sai nghề ở thời điểm này, do đó các bạn bằng giỏi không phát huy năng lực.
- Các bạn không được định hướng tốt, nếu là mình thì những bạn bằng giỏi (học giỏi thật) thì sẽ cho các bạn ý học chuyên sâu tiếp, có thể đi nước phát triển học hoặc nếu có làm thì vào các trung tâm R&D của các tập đoàn lớn để phát huy năng lực, chứ để các bạn ý code thì cũng không ổn và quá lãng phí…
Còn lại các bạn IT yên tâm, giờ ai biết code hoặc muốn theo IT đều có việc cả, nên các bạn hãy chọn cho mình các skill phù hợp nhất hiện tại:
- Học tốt thì AI, Machine Learning hay R&D;
- Học bình thường: Code Java/ Mobile là thu nhập cũng rất cao.
- Câu hỏi cuối cùng em muốn dành cho anh là anh có điều gì muốn gửi tới các thầy cô cũng như nhắn nhủ các bạn sinh viên Toán Tin không ạ?
- Qua đây cho mình gửi lời cảm ơn các thầy cô, đã cho anh những kiến thức để phát triển bản thân sau này. Anh kính chúc Thầy Cô luôn vui khỏe và đào tạo nhiều thế hệ học sinh tốt.
- Còn với các sinh viên: Các bạn hãy “IT” nghĩ đến thu nhập. Hãy tập trung vào học tập cho tốt và trang bị thêm tiếng Anh hoặc Nhật tốt để có những bước tiến dài sau này.
Anh Đỗ Chí Cường trao tặng học bổng khuyến học của công ty ITSOL cho sinh viên của Viện (16/12/2017).
Cảm ơn anh vì dù rất bận rộn vẫn dành thời gian để chia sẻ những kinh nghiệm quý báu.
Hi vọng anh sẽ tiếp tục đồng hành với Viện trong các hoạt động của Viện như sinh hoạt công dân, tuyển dụng...
Chúc anh mạnh khỏe, hạnh phúc và đạt nhiều thành công hơn nữa trong sự nghiệp của mình!
Em chào anh ạ!
Tạm kết: Từ chia sẻ của các anh chị đi trước cho thấy, dù sau này bạn lựa chọn theo hướng đi nào thì việc học tập tốt, tích lũy kinh nghiệm từ khi còn là sinh viên cũng rất quan trọng. Hi vọng sau cuộc phỏng vấn này, các bạn sẽ có thêm những kinh nghiệm quý báu, tìm thấy một hướng đi phù hợp với bản thân và có thêm niềm tin, động lực học tập và rèn luyện. "Cứ đi thì sẽ đến", vậy nên hãy vững bước bạn nhé!
Tháng 4/2018: Chúc mừng anh Đỗ Chí Cường cùng ITSOL đã có 2 giải Sao Khuê năm 2018: 💐 🏆 Dịch vụ giải pháp về banking 🏆 Dịch vụ phái cử nguồn lực. |