Trần Tuấn Điệp
Cựu sinh viên khóa I, ĐHBK Hà Nội
Một ngày đầu thu năm 1956 vừa học xong năm thứ ba khóa 1 trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, tôi nhận được quyết định của thầy Hiệu trưởng điều động về bộ môn Toán làm CBGD, chuẩn bị lên lớp cho sinh viên khóa 4 sắp sửa nhập học. Quả thật tin ấy đã làm tim tôi đập thình thịnh, hơn nữa là sinh viên ngành VTĐ tôi yên chí tương lai sẽ là một kỹ sư thu, phát tại một đài Tiếng nói Việt Nam hay Đài phát thanh Hà Nội. Thoạt tiên tôi định đánh bạo trình bày với trường cho phép rút khỏi danh sách, song nhớ lại lời hứa "đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì Tổ quốc cần" trong bản Quyết tâm thư cuối đợt chỉnh huấn vừa qua nên đành yên phận.
Lên bộ môn làm công việc soạn thảo được ba tuần, lứa CBGD trẻ bọn tôi gồm 15 học viên khóa 1 và khóa 2 phải đảm nhận việc dạy bài tập Giải tích + Hình Giải tích cho các lớp sinh viên khóa 4 của trường. Chỉ có khoảng một nửa số học sinh là tốt nghiệp phổ thông hệ 10 năm, còn lại cán bộ, công nhân và quân đội biệt phái, hầu hết mới qua bổ túc văn hóa cấp 3 mà thực tế chưa nắm được trình độ phổ thông cơ sở. Tôi được phân công kèm cặp một tổ sinh viên do anh Đặng Đức Song, anh hùng quân đội trong kháng chiến chống Pháp làm tổ trưởng. Đó là một thanh niên có thể hình khỏe mạnh, nét mặt phúc hậu hiền lành, rất chịu khó học hỏi, chỉ tội kiến thức cơ bản rất yếu, nhiều buổi tôi phải phụ đạo cho anh các phép tính phân số cơ bản.
Thật lạ kỳ, với hành trang nghèo nàn của vốn toán học được trang bị chắp và trong hai năm học các môn cơ bản, ở tuổi 21, 22, những thầy giáo trẻ chúng tôi với thế "cưỡi trên lưng hổ" đã gồng mình đảm đương tốt nhiệm vụ được giao. Tất cả thời gian, sức lực, tâm huyết dành cho học sinh thân yêu. Không chỉ trên lớp, chúng tôi sẵn sàng tiếp cận sinh viên ngay tại kí túc xá bất kể lúc nào rỗi rãi dù trưa, chiều hay tối. Được giải đáp thắc mắc, được dự giờ giảng của đồng nghiệp, nhận dạy thay cho các bạn trong tổ là niềm hạnh phúc thực sự của bản thân mỗi người.
Vừa dạy, vừa học. Một mặt chúng tôi theo một số giáo trình toán cơ sở do bộ môn tổ chức, mặt khác nâng cao trình độ ngoại ngữ tiếng Nga do các thầy giáo Việt và Thường đã tốt nghiệp đại học ngoại ngữ tại Liên Xô hướng dẫn và tiếng Anh do cô giáo Hằng người phụ trách chương trình dạy tiếng Anh của Đài tiếng nói Việt Nam bồi dưỡng. Đặc biệt chúng tôi coi trọng việc phấn đấu tự học. Nghiền kỹ các giáo trình nổi tiếng về giải tích của Nga như bộ sách Fistengols gồm 4 tập trên 3000 trang và cuốn toán giải tích của Khin - sin cùng cơ sở giải tích hàm và lý thuyết độ đo,.v.v... Một số trong chúng tôi còn tự bồi dưỡng thêm vốn tiếng Pháp, Anh, Đức qua tiếng Nga, nhờ đó sau khoảng 10 năm công tác đã có thể sử dụng ít nhất 3 ngoại ngữ phục vụ đắc lực cho công tác giảng dạy và nghiên cứu học thuật. Một trong các thành tựu của ý chí tự học là chỉ sau 2 năm công tác, tập thể CBGD toán thuộc lứa SV khóa 1 + 2 đã ra mắt ấn phẩm đầu tay gồm 4 tập với tiêu đề "Bài tập giải tích giải sẵn" dựa theo cuốn sách Berman. Về giáo trình giải tích lý thuyết, giai đoạn đầu chúng tôi dạy theo các cuốn Smirnob, Berman, Piskunob, sau tự biên soạn, đến đầu năm 1980 bộ môn toán đã trang bị toàn bộ giáo trình toán cơ bản và toán chuyên đề như Xác suất thống kê, Phương pháp tính, Quy hoạch tuyến tính, v.v... với công sức đóng góp chủ lực của các cán bộ khóa 0 và khóa 1 + 2 và khóa 4.
Việc quản lý cán bộ thời ấy thật sát sao, chặt chẽ. Bộ môn toán làm việc tập trung theo giờ hành chính, sáng từ 7h đến 11h30, chiều từ 1h30 đến 5h. Bộ môn phân làm các nhóm, mỗi nhóm đảm nhận khối lượng giảng dạy toán cho một khoa. Trụ sở là nhà E có biệt danh "lâu đài chuồng chim" tức văn phòng công đoàn hiện nay. Đầu giờ làm việc 15' nghe một tổ viên tốt giọng đọc báo Nhân Dân mở đầu bằng bài xã luận rồi đến các tin tức quan trọng trong ngày hôm trước. Từ 9h đến 9h15 là giờ tập thể dục tập thể. Sau 5h chiều, mỗi người nhào xuống sân bóng chuyền hoặc bóng rổ chia làm 2 đội quần nhau đến sẩm tối rồi kéo về nhà ăn 1 tháng 5 ăn cơm tối. Bên cạnh phong trào thể thao, hoạt động văn nghệ, báo chí cũng được đẩy mạnh. Tốp ca tổ CBGD Toán ĐHBK hồi đó đã tham dự các hội diễn văn nghệ của ngành đại học và của thành phố tại rạp Majestics tức rạp Tháng Tám hiện nay với giọng lĩnh xướng Văn Ba hoặc Xuân Lôi. Hàng tuần tổ xuất bản một tờ báo bảng do anh Nguyễn Trọng Thái và tôi phụ trách kê ở ngách cầu thang lối lên xuống nơi làm việc. Chiều thứ 7 dành cho buổi kiểm điểm phê và tự phê của mỗi thành viên trong nhóm. Mọi biểu hiện hơi "phăng tê di" đều được uốn nắn thẳng thừng. Một bạn mua phải chiếc quần loe vừa mặc một lần bị phê phán kịch liệt đành vứt bỏ. Tôi nhớ mãi có lần đến hiệu cắt tóc được bác thợ cao hứng cho uốn làn sóng vài lọn tóc bồng phía trước liền bị chi đoàn thanh niên đưa ra kiểm điểm góp ý tới số. Việc quan hệ nam, nữ giữa các tổ viên với cán bộ hoặc sinh viên trong trường nhất thiết phải báo cáo cho lãnh đạo được biết, bằng không sẽ bị quy kết "thiếu lành mạnh về đạo đức". Cuộc tình duyên giữa anh Đào Nguyên Kim và cô Hạnh một sinh viên trong lớp cũng như giữa anh Nguyễn Văn Trịnh và cô Nguyệt đã phải trải qua không ít sóng gió do sợ can thiệp của tập thể.
Nhiều biến cố lịch sử từng diễn ra kể từ thời kỳ đó. Nào là giặc Mỹ đưa chiến tranh phá hoại leo thang ra miền Bắc, chấp hành chỉ thị của Trung ương, chúng tôi cùng đại bộ phận cán bộ và sinh viên chuyển lên khu sơ tán sứ Lạng tiếp tục công tác đào tạo. Rồi Mỹ phải chấm dứt ném bom mọi người lại quay về trường cũ với nhà ăn mồng 1 tháng 5. Tiếp đến chiến dịch ĐBP trên không 12 ngày đêm B52 oanh tạc Hà Nội, lại sơ tán,... Năm 1979, sau khi ta chiến thắng họa diệt chủng Pôn Pốt tại Campuchia, quân lính phương bắc tràn xuống đe dọa, mỗi cán bộ và sinh viên Bách Khoa lại lao vào luyện tập quân sự sẵn sàng xung vào quân đội bảo vệ Tổ quốc. Tiếp đến là giai đoạn đình trệ và kiệt quệ kinh tế của đất nước trong thập kỷ 80. Năm 1982, tôi và một số đồng nghiệp may mắn vượt qua cửa ải ngôn ngữ đi làm chuyên gia giáo dục tại Algierie. Năm 1986, đại hội Đảng lần VI đề xuất xu hướng đổi mới, cởi trói sức sản xuất, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển kinh tế cả nước. Mỹ từ bỏ chính sách cấm vận, quan hệ chính trị, ngoại giao và kinh tế giữa nước ta và nhiều nước trên thế giới phát triển vượt bậc, Việt Nam bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Cùng với mọi tầng lớp nhân dân, các cán bộ khoa học kĩ thuật chúng tôi ngày càng có điều kiện thuận lợi để phát triển tài năng, đóng góp phần mình vào công cuộc đổi mới vĩ đại cho đất nước.
Với tinh thần phần đấu không mệt mỏi, với ý chí tự lực tự cường, hầu hết các giảng viên kỳ cựu khóa 1 và khóa 2 của trường ĐHBK Hà Nội đều trưởng thành vượt bậc. Nhiều người trong số đó đã vinh dự nhận các danh hiệu cao quỳ của Nhà nước như Anh hùng lao động, Huân chương lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, GS, PGS, GVCC, v.v...
Kể từ ngày đặt chân tới mảnh đất "Đông Dương học xá" thân yêu tới nay đã non nửa thế kỉ đã trôi qua. Thay cho những khuôn mặt bầu bĩnh với mái tóc xanh hồi nào là những nếp nhăn và đầu tóc bạc phơ - phần lớn lớp chúng tôi đã qua cái tuổi xưa nay hiếm, có người đã sang tuổi 75-76, trở thành ông nội, ông ngoại và sống bằng đồng lương hưu khiêm tốn. Dẫu chẳng được phong vương tướng gì nhưng mỗi người chúng tôi đều cảm thấy hạnh phúc khi nhìn thấy tương lai sáng lạn của đất nước, của thế hệ con cháu mai sau. Chúng tôi tự hào là những người thợ lát những viên gạch đầu tiên cho nền móng ngôi trường, góp phần xứng đáng vào công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc thông qua hàng chục ngàn cán bộ quân sự và cán bộ kĩ thuật do mình trực tiếp đào tạo.
Và như một hoài niệm khắc đậm nơi ký ức những hình ảnh và sự kiện vừa hào hùng, vừa ấu trĩ của cái thuở ban đầu tập tễnh vào nghề xa xưa vẫn sống mãi lung linh không bao giờ phai nhạt trong tâm hồn chúng tôi, những cựu sinh viên khóa đầu tiên của trường.
1-5-2006