15/10/2001 00:00 4723
Điểm: 3.25/5 (4 đánh giá)
Một thời sinh viên

Thời bao cấp

Phải nói là những năm tháng còn bao cấp, dù có đói, có nhiều thiếu thốn, mặc quần áo vá đi học, nhưng sinh viên đã được nhiều ưu đãi. Không phải lo về nơi ăn chốn ở, không phải lo học phí, chữa bệnh không mất tiền, và những năm trước thập kỷ tám mươi lại được nhà nước lo cho công ăn việc làm, dù rằng công việc nhiều khi chẳng ra hồn công việc. Trong thời bao cấp, tiêu chuẩn của sinh viên là phiếu E được là 18 đồng. Được mua 17 kg lương thực/tháng. 4 lít dầu/tháng, 0,5 kg thịt/tháng, 1 kg cá/tháng, 0.5 kg đường/tháng, 5 m vải/ năm... Ngoài ra thỉnh thoảng còn được mua chút ít nhu yếu phẩm do hợp tác xã tiêu thụ cung cấp, chẳng hạn như gói kẹo, hộp sữa, ở nội trú thì toàn bộ học bổng dành cho tiền ăn hết. Các thứ khác phải mua bằng các nguồn tiền khác. Thời giá liên tục leo thang. Đến năm 1980, số tiền học bổng chỉ đủ mua được 18 bát phở loại xoàng.

Thời đó có việc nhưng không được làm, mà nhà nào có việc làm thêm thì con cái chịu áp lực dè bỉu của bạn bè, vì cho là làm ăn cá thể. Đó là một thời có những quan niệm rất ấu trĩ về chủ nghĩa xã hội, cố loại bỏ các yếu tố của nền kinh tế thị trường, ngăn sông cấm chợ, và có quan niệm thô thiển về lối sống lành mạnh,. Sinh viên không thể nào làm thêm được để cải thiện điều kiện sống của mình.

Hiện nay, lớp sinh viên trong thời bao cấp đã khẳng định được mình trong công việc, và có ý thức ngày một sâu sắc về tình đồng môn, tình thầy trò, và đã chiêm nghiệm những điều quan trọng của cuộc đời. và đã hiểu được trong cuộc đời mình có những gì là quan trọng nhất, những năm tháng nào có ý nghĩa nhất với cuộc đời của mình. Cội nguồn đó khiến họ mong muốn gắn bó với nơi mình được đào tạo, với các bạn đồng môn, vì xét cho cùng đó là nơi có các mối quan hệ đồng cảm nhất, hiểu nhau nhất.

 

Những năm tháng chiến tranh

Khoá sinh viên đầu tiên của khoa vào trường khi đất nước đang có chiến tranh.

Thời chiến tranh sinh viên chịu đựng cuộc sống vất vả như những người khác.

Cơm gạo hẩm và phải ăn độn. Bột mì không có cách chế biến nào mà nhào với nước thành cục luộc lên. Dù rất đói nhưng quả thực cục bột đó rất khó nuốt. Nếu để quá lâu thì nó cứng như đá, được gọi là nắm đấm, để rơi vào đầu chó của dân nơi sơ tán đang lảng vảng chờ ăn cơm rơi vãi là chó đơ đơ ngay. Thức ăn thì có món "dây kẽm gai", rau muống nấu lên còn nguyên cả rễ, rất dai và thực tế không thể tiêu hoá được.

Theo tiếng gọi của Tổ quốc, có những người ra trận mà không còn quay lại tiếp tục học nữa. Có những người mà cho đến nay bạn bè cùng khoá không còn gặp lại được nữa.

Khổ đói như vậy nhưng lại rất chịu khó học và rất lạc quan về tương lai tốt đẹp hơn.

 

Vào Khoa

Việc thi đỗ vào Khoa không phải dễ dàng.

Hơn một chục năm, Khoa Toán ứng dụng là khoa đòi hỏi thí sinh hội đủ nhiều tiêu chuẩn nhất. Hầu hết thí sinh học trong Khoa là các người đã đủ điểm đi học nước ngoài nhưng vì lý do nào đó, chẳng hạn như nhà đã có người đi học nước ngoài rồi, hoặc có ông chú bà bác "đuổi Tây quá đà" (di cư vào Nam năm 1954), "xỏ nhầm giầy" (gia đình có người tham gia vào chính quyền cũ) hoặc "tham gia bóc lột" (địa chủ thời trước, hay làm ăn cá thể thời nay), và thông thường hơn là do địa phương có kẻ ghen ăn tức ở nhận xét không thuận lợi vào lý lịch vì những lý do trời ơi đất hỡi như mải chơi để trâu ăn lúa hợp tác xã từ thuở còn học i tờ, để đến nỗi gần chục năm sau vẫn bị phê trong lý lịch là phá hoại tài sản tập thể xã hội chủ nghĩa.... Có sinh viên khi đang học phổ thông thì được biết trong Trường Đại học Bách Khoa có một lớp Toán Công trình hàng năm chỉ tuyển 15 sinh viên vào học và đó là những người rất giỏi. Muốn vào lớp Toán Công trình, phải trải qua một kỳ thi tuyển nữa. Khi vào tới Khoa rồi chỉ thấy có lớp Toán Tính và lớp Toán Điều khiển ở các năm trên. Mãi về sau mới biết đó là các lớp hậu thân của lớp Toán Công trình, hoá ra là mình đã trở thành một số ít "những người rất giỏi" đó mà không hề hay biết.

 

Kỷ luật

Học sinh phải có lối sống lành mạnh. Khái niệm lành mạnh này thay đổi theo thời gian và nhìn lại nhiều khi rất ấu trĩ.

Khi vào trường, hẳn là các sinh viên đều biết được rằng có một cán bộ trong trường khi giảng chính trị, đọc tài liệu học tập in rônêô trên giấy tái sinh đen và xấu, nhầm chữ "chủ nghĩa đế quốc là con đẻ của chủ nghĩa tư bản" thành ra "chủ nghĩa đế quốc là con dê của chủ nghĩa tư bản", và ông ta phân tích sở dĩ ví như vậy vì chủ nghĩa đế quốc dâm ô, truỵ lạc, đồi bại nên sự giãy chết của nó là tất yếu. Thầy dạy môn Quản lý kinh tế từ Khoa Kỹ sư Kinh tế sang Khoa Toán ứng dụng dạy có nói là giai thoại đó thầy nghe người khác nói lại nhưng chính thầy đã được nghe vị cán bộ đó giảng chính trị cho giáo viên trong trường đọc tài liệu học tập in rônêô dưới ánh đèn dầu ở nơi sơ tán "đồng bào đạo phật và đạo cao đài đều tích cực tham gia kháng chiến" thành "đồng bào dao phát và dao cạo dài đều tích cực tham gia kháng chiến" và rồi giải thích dao phát là đồng bào miền ngược, dao cạo dài là đồng bào miền xuôi, và đây là sự đoàn kết của đồng bào miền núi và miền xuôi trong sự nghiệp chung. Cũng chính thầy dạy môn Quản lý kinh tế khi nói chuyện về các cuộc tranh luận khi xác định tiêu chuẩn phân nhà cho cán bộ công nhân viên trong trường thì ý kiến "nên đưa vào tiêu chuẩn học vị" đã bị bác bỏ vì việc được đi nước ngoài học tập để đạt được học vị cao hơn (hồi đó chưa có đào tạo nghiên cứu sinh trong nước) phụ thuộc vào rất nhiều điều ngoài năng lực chuyên môn và tư cách đạo đức cá nhân.

Do đó dễ hiểu là có những điều ấu trĩ gây ngạc nhiên cho các thế hệ sinh viên ngày nay được ban bố và thi hành nghiêm chỉnh với sự thực tâm.

Vì học tập là nhiệm vụ trung tâm, nên nội quy của trường có điều khoản không được tìm hiểu yêu đương trong khi học. Dần dần nôịo quy cởi mở hơn là năm thứ ba thì được phép tìm hiểu, nhưng khi đăng ký tốt nghiệp thì lại có mục "Tên người yêu" làm như rằng người ta yêu nhau là phải gắn cuộc đời với nhau. Kỷ luật được xem xét từ ăn mặc, nói năng, tác phong cư xử trong cuộc sống hàng ngày. Ăn mặc thì lại phải theo nếp sống mới văn minh lịch sự, đầu tóc phải gọn gàng, nam sinh viên không được để tóc dài và đi guốc mộc đến lớp, mà sinh viên bao giờ cũng nhạy cảm với cái mới, và có ý thức về sự bình đẳng khi so sánh với thanh niên sinh viên các nước XHCN Liên Xô và Đông Âu. Các đội thanh niên cờ đỏ sẵn sàng rạch quần ống tuýp, ống loe ngay ngoài phố, nên thanh niên nào diện các loại quần đó ra đường thì phải ngó trước ngó sau, nếu thấy ở chỗ nào có các thanh niên đeo băng đỏ đứng ngoài đường là khôn hồn rẽ sang đường khác. Với những người để tóc dài, thanh niên cờ đỏ sẵn sàng cắt một đường kéo khiến người chịu nạn chỉ còn nước là cắt trọc. Các thế hệ sinh viên ngày nay khó có thể hình dung được các chuyện rất vô lý đó.

Điều tưởng như nghịch lý là chính những người cựu sinh viên khi học trong trường có những vấn đề về ý thức tổ chức kỷ luật, tất nhiên đừng ăn cắp ăn trộm, thì lại là người gắn bó với thầy, với bạn nhất. Họ không có mắc míu gì với thầy với bạn, ở họ đầy ắp các kỷ niệm về thầy về bạn, còn những người chúi đầu vào sách vở thì thấy những năm tháng sinh viên trôi qua không có nhiều điều phải suy nghĩ, các kiến thức mà một sinh viên cố công tích luỹ xét cho cùng bé nhỏ một cách thảm hại, nhiều khi vô duyên trước thực tế sống động, thực ra chẳng đem lại nhiều điều có ích, thì quá tiếc thời sinh viên trôi qua vô vị, đến khi nghe những câu chuyện cuỷa bạn bè về những năm tháng sinh viên của họ với cay đắng là tự mình bỏ phí hoài những ngày đáng sống đó. Đời sinh viên nên giành nhiều thời gian để phát triển các mối quan hệ con người với con người mà sau này sẽ đem lại những điều có ích.

 

Sinh hoạt tập thể

Nhưng hồi đó các sinh hoạt tập thể được khuyến khích, văn nghệ, thể thao nở rộ, báo tường thường xuyên thay đổi. Chiều chiều sinh viên được mượn bóng và dụng cụ thể thao ở Bộ môn Thể dục thể thao để chơi, chỉ cần đưa thẻ sinh viên là được mượn bóng, nếu muốn chơi bóng chuyền thì được mượn thêm lưới. Các phong trào thi đua học tập nghiên cứu được đề cao. Chủ nghĩa cá nhân bị vạch mặt, lên án. Và những vấn đề lớn lao như lòng yêu nước, trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp giải phóng đất nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc thường được thảo luận rất sôi nổi. Xã hội lúc đó an toàn hơn, có tình người hơn. Vì thế có sinh viên nữ ở nơi sơ tán nhớ nhà quá, sau giờ điểm danh buổi tối đã đạp xe về nhà qua bao đường đất mà không sợ điều gì bất trắc xảy ra.

Thời thanh niên sôi nổi của sinh viên thể hiện ở những khát khao hiểu biết, những sinh hoạt tập thể, tạo dựng và phát triển các mối quan hệ bình đẳng giữa các bạn sinh viên, sự rung động trước những điều to tát, cao cả và sâu lắng của cuộc đời và sự dân chủ trong các cuộc tranh luận về mọi thứ, mọi điều. Nếu ai chịu khó ghi lại những suy nghĩ hay cảm nhận ngày ấy thì sau này đọc lại sẽ phải ngạc nhiên tại sao một người trẻ như vậy lại có những suy nghĩ sâu sắc, tinh tế và trữ tình đến như vậy về cuộc sống. Tại sao con người lại thánh thiện, mơ mộng đến như vậy. Chẳng lẽ mình lại có khoảng đời đẹp đến như vậy hay sao. Tại sao lúc đó mình lại không hiểu biết để mà tận dụng nhỉ. Đó là khoảng thời gian con người đã sống đã yêu và đã bay bổng.

Sinh viên trong những năm tháng còn bao cấp và sinh viên thời kinh tế thị trường có rất nhiều điều khác nhau. Có rất nhiều điều các thế hệ sinh viên sau này không hình dung được về cuộc sống của các thế hệ sinh viên đi trước, họ không thể hiểu nổi tại sao các bậc đàn anh của mình lại sống kém năng động đến như vậy, tại sao các bậc đi trước lại có những ý nghĩ trong sáng và giản đơn đến buồn cười về các mối quan hệ sống, và họ càng không hiểu nổi tại sao các hoàn cảnh đó lại tạo ra được những người có hiểu biết toàn diện, rất vững vàng về công việc như hiện nay họ đang chứng kiến.

 

Học tập và thi cử

Ở Liên Xô có khái niệm "đời sinh viên" mà có một hàm ý rất sâu lắng để chỉ những năm thắng đẹp nhất của đời người, và một định nghĩa về sinh viên được lưu truyền: "sinh viên là hiện tượng đặc thù của xã hội, bơi lội trên mặt hồ khoa học, hàng năm hai lần lặn xuống một chút để lấy học bổng". Sinh viên ở Liên Xô phải qua được các kỳ thi thì mới có cơ hội nhận học bổng. Ở nước ta khi đó, sinh viên không phải lặn xuống để lấy học bổng vào mùa thi, mà chỉ đơn giản là không để thi lại mà thôi. Tất nhiên "không thi lại không là sinh viên", nhưng không phải thi lại bao giờ cũng tốt hơn. Sau những năm thứ nhất và thứ hai học hành căng thẳng và nghiêm túc, với nhiều môn phải học thuộc lòng, thì vào năm thứ ba học chuyên ngành, được mang tài liệu thoải mái vào phòng thi thì việc học hành trong năm học trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Còn khi làm những bài thi viết thì không thể tránh được việc mang tài liệu vào phòng thi và "quay cóp" hay nhìn bài bạn khác. Có sinh viên để cuốn vở ghi bài học trước ngực, nhưng đề thi "trúng tủ" nên không phải dùng đến. Trong lúc mải làm bài, cuốn vở trồi dần, trồi dần lên và xuất hiện ở cổ lúc nào không hay. Giáo viên tóm được.

Mùa thi đã đến. Các giảng đường và thư viện C2 chật cứng người. Khu ký túc xá im lặng.

Thỉnh thoảng có lớp đang thi. Các nét mặt căng thẳng đang chờ đến lượt để thi.

Có lớp sinh viên lên lịch thứ tự các bạn vào thi, đợt đầu là các sinh viên học chắc chắn, và các sinh viên học yếu nhất. Nửa tiếng sau đến tốp thứ hai, thường là các sinh viên giỏi nhất môn đó trong lớp, những sinh viên này thường không có đủ thời gian làm bài của mình như các bạn khác vì họ sẽ phải lên thi khi các bạn học chắc chắn thi xong để các bạn học yếu có thêm thời gian làm bài và nhận trợ lực từ các bạn bên ngoài.

Không khí ngay sau ngày thi cuối cùng vỡ oà ra, cả người thi đỗ lẫn người thi trượt đều xả láng ồn ào với đủ loại âm thanh.

 

Lao động

Hàng năm sinh viên trong trường phải dành ra vài ba tuần lao động. Công việc những ngày đó chỉ là lao động chân tay, đại loại như kéo xe bò chở bê tông từ nơi đổ bê tông ở gần nhà B13 ra khu trường chính hay đào cái này, lấp cái nọ. Không phải lúc nào cũng đủ việc. Có lần vào cuối năm học sinh viên phải đào hố nhảy xa ở khu thể dục thể thao, chỗ bể bơi ngày nay, thì đầu năm học mới lại thấy sinh viên khoa khác lấp hố đó đi. Ngày ấy, mỗi ngày đi lao động thì được một phiếu lương thực 100g thêm vào khẩu phần ăn. Có lúc phải đi trồng sắn trước hội trường C2, chưa đến mùa thu hoạch thì có cán bộ cao cấp đến dự một cuộc mít tinh trong trường phê phán việc trồng sắn đó làm hỏng cảnh quan nhà trường, thế là lại có công việc cho sinh viên lao động nhổ sắn đi.

 

Bữa ăn nội trú

Không có việc làm thêm, và không thể đi làm thêm được vì nhiệm vụ chính là học tập và được nhà nước nuôi để học tập, không có chuyện làm gia sư, chỉ trông cậy vào sự chi viện của gia đình. Năm đó Trường công nghiệp nhẹ nhập về với trường Bách Khoa có khoa hoá thực phẩm, nên bột mì được chế biến tốt hơn, nở ra và ngon, không còn cảnh ăn "nắm đấm" nữa.

Thầy Huỳnh Hữu Tuệ ở Canada về dạy môn Điều khiển Ngẫu nhiên, trông thầy thật "bơ sữa", mỡ màng và trắng trẻo. Sau một buổi dạy, thầy muốn ăn cơm với sinh viên. Những tháng ngày bao cấp khó khăn, thầy sống ở ký túc xá khoa Tiếng Việt của trường Đại học Tổng Hợp đóng ngay trong khuôn viên ký túc xá Trường Đại học Bách Khoa và được ăn theo tiêu chuẩn riêng, "nhiều chất tươi hơn". Sinh viên mời thầy đi ăn cùng, thầy hỏi "Thực đơn hôm nay có gì?", các sinh viên nhìn nhau, một câu hỏi nằm ngoài sự suy nghĩ của sinh viên hồi đó vì được nhà ăn tập thể cho ăn thứ gì thì biết thứ đó chứ không được biết trước. "Thưa thầy cứ ra nhà ăn thì sẽ biết ạ?" Rất khó khăn thầy mới nuốt nổi một bát rồi buông đũa vì "Bụng tôi chỉ ăn được như vậy". Từ hôm đó trở đi nội dung bài giảng của thầy đã có giảm dần giọng hùng biện, không còn ngao ngán khi thấy học sinh ngủ gật, đầu óc ngu ngơ trong lớp nữa.

 

Nền văn hoá Nga

Mỗi khi nhớ tới "Thời thanh niên sôi nổi"* cất cao giọng hát "Cuộc sống ơi ta mến yêu người"*, những ai đã sống trong những thời kỳ ấy không khỏi xúc động trào nước mắt. Những giai điệu Nga thiết tha đó rất gần gũi với tâm hồn Việt Nam, nói hộ biết bao các cung bậc tâm hồn và tình cảm, những tình cảm duy mỹ và hướng thiện. Nền văn hoá Nga xuất hiện mọi nơi. Thẫm đẫm nền văn hoá đầy tính nhân văn như vậy là một điều may mắn. Sách báo Nga, phim ảnh Nga, và cả bánh mì và vũ khí Nga nữa. Trong ngôn ngữ thông thường, nói đến Nga là nói đến Liên Xô. Nhiều thầy lại học từ Liên Xô về và họ truyền lại cho sinh viên của mình tình yêu đối với đất nước của cây bạch dương, tổ quốc thứ hai của họ. Chỉ ở thời khái niệm "các nước xã hội chủ nghĩa anh em" là một thực tế sinh động thì tất cả những điều đó mới trở nên có ý nghĩa, mới có thể hình dung được khi hát những bài hát ca ngợi đất nước và con người Nga mà lại tìm được niềm xúc động đến những người được giáo dục về tình đoàn kết quốc tế quốc tế anh em, nhất là khi được học trong ngôi trường đại học kỹ thuật công nghiệp đầu tiên của đất nước được thiết kế theo mẫu của các trường đại học Liên Xô, sản phẩm của tình hữu nghị Việt Xô. "Tình đồng chí"*, tình yêu thiết tha đối với đất nước, tình người đó là điều rất đáng trân trọng lưu truyền qua năm tháng.

(*) Tên các bài hát Nga

 

Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò

Người ta đã nói "Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò". Đã là sinh viên thì không tránh khỏi những chuyện nghịch ngợm.

Và hồi đó đói thật là đói. Không có cách nào khác là phải thích nghi và tìm mọi cách để có thể thêm được một chút gì đó từ việc giả bộ đánh mất phiếu ăn để kêu gọi lòng thương hại của các bác các chị trong nhà bếp đến việc lợi dụng sơ hở của nhân viên nhà bếp để lấy trộm luôn các suất ăn. Trong nhà ăn, phát hiện thấy nhân viên nhà ăn thường xới xong đĩa cơm lại quay nửa người sang múc canh để làm cho suất nào đi suất đó, được một số suất thì mới phát cơm, thế đám sinh viên Toán đứng tụm lại che mắt người phát cơm và nói năng ồn ào đánh lạc hướng và tranh thủ khi người phát cơm quay đi thì lấy trộm khi thì cơm, khi thì canh.

Hoặc là khi căng tin bán hàng thuốc lá hay bánh kẹo tự do với định lượng nhất định thì sinh viên Toán có trò quay vòng người, mua xong quay lại xếp hàng mua tiếp hay bịa ra lý do là có người đang nhờ giữ chỗ hộ, để bạn trong lớp ra mua thì có chỗ sẵn, mà các đoạn giữ hộ chỗ này hay gây to tiếng lắm, khoản lý sự thì dân Toán có tiếng rồi, "Tán mà". Các thứ phải chen vai thích cánh mới mua được đó được bán ra ngoài để ăn chênh lệch giá, có được ít tiền lãi đãi nhau điếu thuốc, chén nước. Một hành vi "phe phẩy rất đáng lên án" khi đó.

Sinh viên hay ca hát và các phòng thường có hai ba cây đàn ghi ta, những bài ca tuổi trẻ và các vũ điệu bao giờ cũng có sức cuốn hút. Vậy là truyền tay nhau, không cần biết nhạc lý làm gì cho nó mệt, cứ viết các nốt, các gam bằng các chữ là có thể chỉ bảo nhau đánh đàn được rồi. Nhiều người dùng đàn nên có quy định trong lúc tập ai làm đứt dây thì người đó phải mua dây. Đầu tiên thì thực thi nghiêm chỉnh, nhưng rồi thì rủi thay gã đánh đứt dây đó không có tiền mua, được nợ. Người này nợ thì người khác cũng được nợ. Số nợ nhiều quá đến nỗi không còn dây đàn nữa, chẳng lẽ để đàn không, thế là các nhạc công chắp chắp nối nối các dây cũ để có cái đánh lừng phừng, ca hát và nhún nhảy với nhau. Giá mà có chiếc camera ghi lại các hình ảnh các gã trai gày gày, đen đen, ăn mặc bẩn bẩn, đang tạo dáng uốn éo như thuỷ tức nước ngọt thì khi chiếu lại không thể nhịn cười được. Sau này có Karaokê thì đàn ghi ta khuất bóng dần.

 

Nữ sinh viên

Không biết từ đâu có câu "Quỷ Bách khoa, ma Tổng hợp", để nói rằng nhan sắc của chị em sinh viên hai trường Bách khoa và Tổng hợp hơi bị khiêm tốn. Đã thế lại thêm "Năm năm với chín kỳ thi, một kỳ luận án còn gì là xuân".

Có thể điều đó đúng ở đâu không biết, nhưng sai 100% với nữ sinh viên Khoa Toán ứng dụng. nữ sinh viên Khoa Toán ứng dụng rất được các anh em trong khoa ái mộ, làm bùng lên nhiều tơ tưởng lãng mạn, và hẳn là nếu được thì các chàng sẽ khuyên ngay "ta về ta tắm ao ta". Chắc chắn rằng nhiều nữ sinh đạt được tầm cỡ hoa hậu khiến cho các anh cùng lớp lẫn các anh lớp trên mâu thuẫn đến mức nặng đòn với nhau. Một quan hệ không bắc cầu. Các chàng rất nhạy cảm về tình địch của mình, dè chừng lẫn nhau mà không canh chừng đối tượng chính để nên nỗi đối tượng đó đi sang ao nhà khác mất, để các chàng trơ lại với nhau mà thấm thía lẽ được thua ở đời.

Dù sao chị em sinh viên là mì chính cánh (loại mì chính hiếm và đắt thời bao cấp), nên được các chàng hâm mộ yêu quý và lo lắng mỗi khi có việc bận, như những lúc đi lao động.

Đến ngày mồng tám tháng ba, ký túc xá nữ của trường, cùng nhà B3 với ký túc xá của Khoa, đông vui nhộn nhịp. Tình cảm với chị em rất dạt dào, mơ tưởng dành cho bạn nữ thì lớn đến mức đỏ mặt khi phải thổ lộ, nhưng kinh tế eo hẹp quá. Thôi thì anh em cùng dựa vào nhau vậy, đã có cách. Buổi tối đến, đi hộ tống những bó hoa lơ thơ nhỏ bé là gần đủ mặt chàng sinh viên nội trú Khoa Toán ứng dụng, miệng như tép nhảy với những lời chúc vô cùng hào phóng đến với các chị em, những con người "chung thuỷ", "trước sau như một".

Sau mười mấy năm, mỗi khi có dịp họp lớp đông đủ, các bậc mày râu ở lớp tố cáo lẫn nhau về những biểu hiện tình cảm của các chàng dành cho bạn gái. Kể ra cũng nhiều chàng muốn làm rể Khoa Toán ứng dụng lắm, nhưng cơ cấu nam nữ trong khoa quá mất cân đối nên phải làm rể ở nơi khác, đến bây giờ vẫn còn rất tiếc rẻ.

 

Các bình luận gia về nghệ thuật và đủ mọi thứ

Mỗi khi hội trường C2 chiếu phim mới lại là một dịp để các nhà bình luận trổ tài, mỗi chi tiết được mổ xẻ dưới nhiều góc cạnh. Vé xem phim được phân phối theo các lớp, thường thì anh chị em ngoại trú nhường tiêu chuẩn mua vé xem phim cho các bạn nội trú.

Tình hình đó cũng diễn ra mỗi khi có một cuốn truyện mới được in. Một sinh hoạt học thuật tự giác rất dân chủ. Không có kiến thức thì hãy tìm sách mà đọc, kiến thức rỗng thì tìm cách mà bổ khuyết. các cuộc giao lưu với các bạn bè trường khác làm cho các chàng khoa toán phải biết thêm rất nhiều thứ để có thể nói chuyện một cách hấp dẫn với các bạn, nhất là các nữ sinh viên trường khác. Nói chuyện với người ta mà đưa ra các thuật ngữ chuyên môn của toán thì có mà hỏng hết tất cả....Trong mỗi chuyên ngành có các chất thơ riêng của nó, nếu biết cách nói thì có sức hấp dẫn riêng. Nhưng cần phải biết về nghệ thuật, ở trình độ cao siêu là có thể bình luận một tác phẩm nghệ thuật khi chưa biết mặt mũi nó mô tê ra sao. Có thể thao thao bất tuyệt về tranh của Van Gốc, của Pi cát xô khi chưa biết tranh của các ông ấy, có thể nói về đủ thứ chủ nghĩa trong văn học Phương Tây hiện đại, khi không biết mặt mũi các tác phẩm tiêu biểu của các tác giả tiêu biểu. Và đương nhiên là phải biết bàn luận về các nhà khoa học trong khi không biết các công trình của họ thế nào. Tất nhiên không tránh khỏi điều một bình luận gia này lại được nghe lại những kiến thức mới mẻ mà mình đã nói ra từ một bình luận gia khác trong lớp vào một dịp khác. Biến của người thành của mình là đặc trưng của nền kinh tế tri thức được các bình luận gia sinh viên sử dụng thành thạo từ thời rất xưa rồi.

 

Thi gan với thời tiết

Trời lạnh, chẳng lẽ cả mấy tháng mùa lạnh không tắm giặt. Các bể nước mọc rêu xanh. Sau khi tắm giặt cần phải làm cái gì đó. Các sinh viên mặt mày tím tái quệt xà phòng giặt lên mình và dội ào ào. Có được xà phòng là may lắm rồi. Có một câu hỏi mà các sinh viên ngoại trú chưa hỏi được sinh viên nội trú hồi đó: "Vào mùa đông bao nhiêu ngày các vị mới rửa chân một lần".

 

Con đường mây trắng

Có nữ cựu sinh viên từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội cùng với bạn đồng môn ngồi bên một quán cóc nhìn ra con đường mà hồi sinh viên chị vẫn thường đi học. Gió thu dồn lá rơi. Ánh đèn pha loang loáng. Hà Nội ồn ào không còn tĩnh lặng như những ngày chị là sinh viên Khoa Toán ứng dụng Đại học Bách khoa Hà Nội. Chị nhớ tới những buổi chiều đi học về, đạp xe thong dong trên phố, chẳng đi về đâu, chẳng để làm gì, hạnh phúc như mây trắng, những buổi chiều cùng bạn ngồi trên bờ cỏ ven hồ cùng lặng ngắm hoàng hôn xuống dần. Những ngày đó càng ngày càng trở nên đáng nhớ hơn, một thuở sinh viên như mộng như mơ dường như không thực đối với cuộc sống tỉnh táo hiện nay, là những gì đẹp nhất mà chị đã được hưởng.

               Ngày năm ấy sao mà nhớ quá

               Hạnh phúc dường như mây trắng bay

               Gió dồn lá nao lòng thiếu nữ

               Thời sinh viên như mộng như mơ

               "Con đường mây trắng năm nao đó

               Đến bây giờ còn nhớ tới em

               Những buổi chiều thong dong trên phố

               Chẳng làm gì và chẳng về đâu

               Gió dồn lá như chiều năm ấy

               Nơi ven hồ cỏ vẫn còn xanh

               Sóng từng đợt cồn lên nhắn gửi

               Ngày năm nao còn nhớ đến đâu"

               "Bạn thân ơi, con đường mây trắng

               Nhắc chuyện xa sẽ khóc mất thôi

               Ai có hiểu cùng ai không nhỉ

               Những buổi chiều cùng mây trắng bay".

 

Mối tình đầu

Hầu hết, tình cảm này đến với các cựu sinh viên trong những năm là sinh viên. Dù lúc này hay lúc khác bị cấm đoán hay bị lên án, nhưng tình cảm đó bao giờ cũng chiếm rất nhiều thời gian của sinh viên. Những ai không tìm được nơi gửi gắm tình cảm này đều cảm thấy cuộc đời mình thiếu vắng, buồn tẻ. Có gã đứng trước sân bóng chuyền ở nhà B3, ký túc xá của khoa, gào lên "Hai mươi tuổi chưa có người yêu, thật là nhục nhã!".

Hãy để ý ở trong lớp có gã nào đó đột nhiên có những hành vi khác lạ, lơ đãng hơn, mơ màng hơn, là đã có các triệu chứng tình cảm tốt đẹp đang nhẹ nhàng dâng tràn, và nếu gã bất giác mỉm cười một mình thì đích thị thần ái tình đã bắn trúng gã rồi. Khéo gợi một chút là gã sẽ mô tả ngay các tình cảm tốt lành. Phải nên thành thật với bạn học vì khi có nhu cầu cần sĩ diện với bạn gái sẽ được ưu tiên mượn bộ cánh, đồng hồ, xe đạp, hay các thứ gì tăng thêm dáng vẻ oai phong của gã đang yêu. Quần áo có lúc đang phơi chưa khô cũng được sử dụng, có khi còn phải quay vòng vài ba lần trong ngày. Rủi cho chàng nào đang cưa cẩm một cô nàng mà anh em trong lớp không tán thành thì thỉnh thoảng nhận được câu nói "Ơ này, trả quần đi chứ"

Hồi ấy có câu "Đẹp trai đi bộ không bằng mặt rỗ đi lơ (tên lóng chỉ chiếc xe đạp pơ giô của Pháp), mặt rỗ đi lơ không bằng thằng gù đi cúp (xe Honda cub)". Mà sinh viên ta hầu hết là đi bộ, và do ăn đói dài dài, vải vóc ít ỏi, quần áo không đẹp, nên không mấy người có được vẻ dễ coi. Trong những năm tháng bao cấp, những người làm việc liên quan tới phân phối lưu thông, như mậu dịch viên (người bán hàng cho các cửa hàng quốc doanh), lái xe, là có kinh tế vững. "Chồng lái xe tải, vợ mậu dịch viên" là cặp vợ chồng lý tưởng thời đó. Hoặc là người ở nước ngoài về có một chút hàng bán đi ăn dần cũng được xếp vào loại cao thủ trên tình trường. Người có học vấn học hành trong nước, kinh tế không dư dả, thì có thể nói được nhiều điều nghe hay ho và lọt tai, mang lại các tình cảm lãng mạn, nhưng khi hết hồi lãng mạn thì thường được nghe nàng nói "Anh, Em có điều này muốn nói với anh" cùng với vô số lý do để chia tay dù rằng "vẫn rất yêu anh". Tất nhiên là rất sốc song xin mọi người hãy để yên cho kẻ đột nhiên trầm tư gặm nhấm nỗi thất bại trên đường tình của mình. Đừng gợi chuyện để khỏi ứa máu trái tim của kẻ chưa có kinh nghiệm. Đáng đời gã đó vì có mấy sinh viên chỉ có một niềm tơ tưởng đâu.

Bởi hồi ấy cũng có câu "Ăn chơi phải tốn kém, Du đãng phải ngồi tù, Tiền nong phải sòng phẳng, Ái tình phải lăng nhăng" nên có người có đến bảy bạn gái, kín hết cả ngày trong tuần, đã thế lại còn có các mối tình qua những bức thư nữa, lúc nào cũng căng cả đầu để khỏi gọi nhầm tên đối tượng, khỏi gợi nhầm kỷ niệm. May mà hồi đó phương tiện đi lại khó khăn, phương tiện liên lạc hạn chế, đôi khi mượn được xe đạp thì nhiều lúc phải dắt xe do chất lượng xe rất tồi, xăm lốp xấu, phụ tùng rởm nên có nhiều cớ đổ tại khách quan về lý do không có mặt trong buổi hẹn mà nàng không thể chê trách được, thậm chí nếu biết cách bi kịch hoá vấn đề thì còn ghi điểm thêm trong tình cảm của nàng. Đường trở về từ những trường như Đại học Sư Phạm, hay Đại học Ngoại ngữ đâu có gần, chuyến xe buýt, hay tàu điện cuối cùng đã rời bến từ lâu, mà còn nhiều lời chưa nói hết, nụ hôn cuối cùng vẫn chưa đến, miệng nói tạm biệt mà chân chẳng chịu bước. Đành phải đi bộ thôi. Đường về dài, luôn có bóng hình em đồng hành thì lãng mạn không để đâu cho hết. Tình đời thật mộng mơ cho tới ngày hết thời sinh viên.

 

WHO IS WHO

Trong những năm đi học ở thời sinh viên, nhiều bạn bè được đặt thêm tên, đó là ai nhỉ và tại sao có tên đó, tuỳ mỗi người tự nhớ lại, cũng có thể có bạn không biết rằng mình đã có tên đó, nhất là các cựu sinh viên nữ, nếu không nhớ được thì xin hỏi lại các bạn ở lớp.

Bình cận, Bình còng, Bình chẩy,

Căng củ, Chính mỡi, Cường lông,

Đăng búa, Đạt còi,

Giang tày, Giang điên,

Hải cuội, Hải chưởng, Hải sư tử, Hải dớ, Hải đỉa, Hoa béo, Hùng đảo, Hưng cuội, Hường hâm,

Long con, Long le, Long nghé, Long phe, Lương ống khói,

Mai rô,

Ngọc cu, Nam bật,

Phương nhọ,

Quý bọ,

Sơn chẩy,

Thái khỉ, Tuấn khoằm, Thắng din, Thịnh ông già, Trung tịt, Tùng điên,

Vân veo,

Yên mẫm,

 

Những năm tháng đầu tiên là cựu sinh viên

Sau khi rời đại học, ở một số khoá, một số anh em được phân công công tác, song có lẽ khốn khổ nhất là những năm giao thời giữa thời bao cấp và thời kinh tế thị trường, anh em tốt nghiệp ra là rơi vào cảnh thất nghiệp, không có việc làm, muốn làm bất kỳ việc gì để sống, dù là lao động chân tay nặng nhọc, bẩn thỉu cũng không dễ kiếm, các tiêu chuẩn bao cấp bị cắt, điều kiện sinh sống dừng lại mức tối thiểu.

Năm 1984, có cựu sinh viên thất nghiệp, đang "chờ phân công công tác" theo cách nói hồi đó, có việc phải vào khoa để lấy giấy xác nhận gì đó thì gặp thầy phó chủ nhiệm khoa Lê Trọng Vinh. Thầy hỏi ngay, "dạo này em sống bằng gì". Sau khi được biết sau vài năm trò của mình sống bằng nhiều công việc vất vả và nặng nhọc, song vẫn còn ảo tưởng rằng nhà nước không bỏ quên mình, thầy khuyên "Hãy tự lo lấy thân". Đó là một lời khuyên đáng ngạc nhiên trong thời kỳ bao cấp khi người ta trông chờ rất nhiều vào nhà nước, một lời khuyên rất sáng suốt. Sau đó vị cựu sinh viên đó quên luôn mình đã từng tốt nghiệp đại học để sống một cuộc sống lam lũ, bằng lao động chân tay, và khi có cơ hội thì trở lại cuộc sống liên quan đến tri thức mà mình ưa thích với sự vững vàng và niềm tin vào chính bản thân mình.

Khi bắt tay vào những công việc đầu tiên thì thấy rằng kiến thức trong trường chỉ giúp mình làm được điều mà người khác đặt ra, tiếp nữa là nghĩ được việc cho người khác, và quan trọng hơn là quyền được giao việc. Không nhờ vả ai, không muốn tiến thân dưới sự nâng đỡ của ai. Trong suốt cuộc đời lao động, người ta phải liên tục học tập: ở các nước tiên tiến, người ta đã tính rằng mỗi người thường phải biết và nắm vững bốn đến sáu chuyên môn vào trước thập kể tám mươi của thế kỷ hai mươi thì vào cuối thế kỷ hai mươi con số đó là sáu đến tám.

 

Mười năm năm tiếp theo

Sau một thời gian vật lộn, cựu sinh viên dần dần có kinh nghiệm rút ra được các bài học, và tìm được các mối quan hệ cần thiết để có thể hy vọng ít nhiều về tương lai.

Đó là khoảng thời gian có được các bằng cấp cần thiết khác, và phải hoàn thành cùng lúc các việc lớn. Công ăn việc làm, lập gia đình, con cái còn nhỏ, đất đai nhà cửa. Dần dần mọi thứ cũng đi vào ổn định.

 

Những năm tháng ổn định

Sau rất nhiều năm vật lộn đã tới lúc nhìn nhận cuộc sống của mình. Có kinh nghiệm, có mối quan hệ nên dần dần thấy được chỗ đứng và có những người đã chạm trần trong sự nghiệp công danh, tiền không còn thành vấn đề, công việc đã trở thành tự động hoá, có nhiều vấn đề mới nảy sinh liên quan tới những câu hỏi muôn thuở như đã được đặt ra trong thời sinh viên như sống để làm gì, niềm vui cuộc sống ở đâu, các khát vọng ngày nao hiện nay sao mà thảm hại như vậy. Những năm tháng đầu đời tìm chỗ đứng của mình, do những mối quan hệ xã hội và kinh nghiệm thực tiễn còn nhiều khiếm khuyết, để tìm được vị trí ở môi trường cạnh tranh rất cao, người ta thường dùng "võ" để khẳng định mình thì đến một độ tuổi nhất định thì người ta hiểu rằng để có thể đạt được mục đích của mình thì con người cần phải dùng "văn", và từ đó những gì liên quan tới tri thức, tới những năm tháng đi học được tiếp thu tinh hoa của nhân loại trở nên sáng rõ hơn nữa. Và sự hướng về cội nguồn cung cấp cho mình các tri thức một cách có hệ thống, dù còn nhiều bất cập, đã trở nên có sức nặng tinh thần ngày một lớn lao.

Người ta phát hiện ra rằng rất nhiều năm mình sống cho xã hội, cho gia đình, cho rất nhiều thứ khác, rất nhiều ảo ảnh và ảo vọng, nhưng sống cho mình thì ít quá, thậm chí không còn hiểu nổi mình sống để làm gì, vì cuộc sống đang sống chỉ là tồn tại chứ không phải là sống. Những gì như một tí chức quyền, hay sự giàu có, thì không được bạn học chú ý đến. Những ai đã trót vênh vang về những gì mình đã có thì đã nhận được các bài học đích đáng và sự coi rẻ của bạn bè giành cho, và thấu hiểu rằng với các bạn học điều quan trọng là bản thân mỗi người có thực lòng quan tâm đến nhau hay không. Cái gọi là cuộc đời thứ hai, nửa thứ hai ra sao. Không nói được cùng ai, không còn ai cảm thông được. Niềm vui khác đi, nỗi buồn cũng khác đi. Không còn bạn để có thể trao đổi như những ngày nào vì nói ra thì bị cho là dở chứng, nhưng khi mạnh dạn nói với nhau thì hoá ra đó là nỗi ám ảnh của cả một thế hệ. Một thế hệ đã trải qua những năm dài của cuộc sống tỉnh táo, đã sống vì mọi người nay đang tự nhìn nhận lại mình, muốn sống vì mình. Sự dồn nén bao giờ cũng dẫn đến sự quậy phá ở hình thức này hay hình thức khác. Hoặc là tìm chốn tâm linh hay gì gì đó, hoặc thấy được ý nghĩa mới của các mối quan hệ cũ, hoặc hiếm hơn là phát triển các mối quan hệ mới.

Cần có công việc tốt để theo đuổi, người bạn tốt để chơi, cuốn sách tốt để đọc, và người tình muôn thuở để làm chỗ đi về trong tâm tưởng. Nếu may mắn người tình muôn thuở cũng là người bạn đời của mình, còn nếu không may thì lại bắt đầu sự tìm kiếm mới, mà chắc hẳn rằng nếu không tìm thấy thì cuộc sống có lẽ chỉ là tồn tại mà thôi.


Chia sẻ:

Bình luận của bạn:

Bài viết khác

Đường xa

Đường xa

  • 15/10/2001 00:00
  • 1307