27/03/2016 14:12 1646
Điểm: 3.25/5 (4 đánh giá)

Đặng Đức Mai

Cựu sinh viên lớp Toán Tính, khoa Toán Lý K20 và K23

 

               Trưa thứ bảy 16/09/06, nhóm cựu sinh viên chúng tôi gồm anh Lương Văn Phúc K13, anh Lê Hồ Khánh, Nguyễn Như Thắng K19, anh Nguyễn Xuấn Hiếu, Hoàng Thế Dũng, K23, anh Nguyễn Bình Giang K21 và tôi – Đặng Đức Mai K20 & K23 ngồi uống bia tại Ngọc Hà nhân dịp anh Dũng mới bảo vệ thành công tiến sỹ tại khoa. Chúng tôi đọc bài viết về Khu C ĐHBK (Lạng Sơn) thời sơ tán chống Mỹ của anh Lương Văn Phúc, hàn huyên về chuyện cũ và bàn việc chuẩn bị cho dịp kỉ niệm 50 năm thành lập trường. Việc chuẩn bị kỷ yếu thật gấp rút, còn thiếu nhiều bài của các khóa, khóa 20 chưa có bài,... anh Giang người chịu trách nhiệm về kỷ yếu thông báo. Tôi đành hứa sẽ viết gì đó, anh Khánh gợi ý nên viết về giai đoạn trong quân ngũ. Tôi cũng nghĩ vậy, âu cũng là một số thông tin về những người học 2 khóa mới tốt nghiệp đại học kiểu như tôi.

 
Cựu sinh viên K20 trong ngày hội Khoa 45 năm 

               Trong không khí hừng hực của ngày Chiến thắng vĩ đại, ngày đất nước thống nhất mùa hè năm 1975, chúng tôi có thèm niềm vui là được vào học K20 Toán Lý Đại học Bách khoa Hà Nội. Lớp Toán K20 chúng tôi có điểm đặc biệt là các thành viên gồm 2 thế hệ rõ rệt: thế hệ các anh học các khóa trước, chủ yếu là K16, sau thời gian phục vụ trong quân ngũ từ đợt tổng động viên năm 1972, nay xuất ngũ quay về học cùng K20. Ðó là các anh Trương Quốc Dũng, anh Lê Doãn Phác, anh Trần Ðình Thu, anh Nguyễn Văn Xuân, anh Thạc Bình Cường, anh Nguyễn Văn Đạo từ K16 và một số anh các khoá khác như anh Cao Bắc Hà, anh Đặng Hoàng Duy từ K18, anh Phạm Kỳ Sửu K13. Thế hệ trẻ từ phổ thông vào K20 chúng tôi thì đông hơn, đó là các bạn Chu Kỳ Quang, Phan Ðinh Lợi, Vũ Tiến Dũng, Ðỗ Kim Dung. Tống Thanh Huyền thuộc nhóm ngoại trú, các bạn Đặng Trấn Ký, Nguyễn Văn Sơn, Trần Thị Hồng, Ðỗ Ngọc Cự, Nguyễn Lương Bách, Ðặng Mạnh Phổ,... và còn rất nhiều các bạn khác tôi không thể kể tên hết được.

               Ðối với lớp trẻ chúng tôi, các anh sau thời gian quân ngũ trở về học là những người mà chúng tôi rất ngưỡng mộ, vì những gì các anh đã trải qua, vì những câu chuyện bất tận về những ngày chiến đấu trong các đơn vị pháo binh, công binh, bộ binh trên chiến trường. Và đặc biệt, các anh không những học giỏi mà còn đàn hát hay, đẹp trai và rất nhiều tài lẻ: anh Phác ngoại ngữ giỏi, anh Dũng học quá siêu, anh Thu chụp ảnh rất đẹp,... anh nào kể chuyện cũng hay, làm các em chết như điếu đổ.

               Những năm tháng sống trong niềm hân hoan của những năm đầu chiến thắng trôi qua, thế rồi lại diễn ra chiến tranh tại biên giới Tây Nam, rồi biên giới phía Bắc. Năm 1978, lại một đợt tổng động viên. Tôi Và Các bạn cùng lớp đi khám nghĩa vụ quân sự. Tôi cảm thấy hồ hởi, bởi cũng đang thấy mệt mỏi với các môn học hóc búa. Phần nghĩ đến tấm gương các anh khoá 16 quay về học, khi trải qua trường đại học lớn trong quân ngũ đã trường thành biết bao. Lại nhớ khi đó anh Dũng từ quân ngũ trở về học rất giỏi, được học bổng sang học ở Bỉ. Hỏi kinh nghiệm thì anh nói đi bộ đội về thích học hơn, anh còn nói đi bộ đội là trong cái rủi có cái may, mình về học lại mới có cơ hội được đi nước ngoài học, người đi bộ đội và không đi bộ đội, cũng không biết “mèo nào cắn mỉu nào” (ý anh Dũng nói chưa biết ai may mắn hơn ai, chắc là anh muốn động viên tôi).

               Thế nhưng khi thông báo nhập ngũ, thì chỉ có mỗi tôi và anh Đặng Trấn Ký có giấy báo, còn các bạn cũng đi khám nghĩa vụ đều không đủ sức khoẻ. Hoá ra ai cũng có bệnh gì đó, ví như bị cận mà không biết (Vì không đeo kính) hoặc bị ngễnh ngãng không nghe được tiếng súng chẳng hạn. Thế là cũng hơi buồn, vì đương nhiên đi đông bao giờ chẳng vui hơn.

               Cũng thật may mắn là chúng tôi được coi là lính có tri thức nên tôi và anh Ký được nhận làm lính nghĩa vụ của Viện Kỹ thuật quân sự (Viện KTQS), một viện rất có uy tín về khoa học kỹ thuật quân sự thời đó. Cùng vào Viện KTQS có rất nhiều anh em các khoa khác của trường, và sau đó còn gặp nhiều bạn toán, lý trường Tổng hợp. Chúng tôi bắt đầu cuộc đời quân ngũ bằng đợt huấn luyện tại Tam Nông, Phú Thọ - lúc đó là trại tăng gia của Viện. Tập ắc-lê và tập bắn thì ít, mà chủ yếu là trông sắn trên đồi, nuôi bò, nuôi cá là chính. Tôi thực sự học được nhiều thứ, như học gánh nước, học chèo thuyền thúng trên hồ, học cách trồng trọt hoa màu, biết cả cách làm thịt chó nữa. Anh Ký rất thạo nhiều việc vì anh quê ở Yên Dũng, Bắc Giang, quen với nhiều việc đồng áng, gánh rất khoẻ và dẻo Cái lớn nhất tôi học được qua đợt huấn luyện là tính kỷ luật (Sống theo tiếng kẻng, kẻng đánh thức, kẻng ăn cơm, kẻng tập hợp, kéng đi tập, kẻng đi làm, kẻng đi ăn, kẻng đi ngủ,... cái gì cũng phải theo kẻng hết) và tính gọn gàng trong sinh hoạt (gấp chăn màn rất giỏi, phải vuông như cục gạch).

               Sau thời gian huấn luyện, chúng tôi được quay về các B (phân viện) của Viện KTQS: tôi, Ký và nhiều bạn cùng huấn luyện tại Tam Nông được về B14 - Phân viện thông tin của Viện. Chúng tôi được tìm hiểu về một thiết bị thông tin đặc chủng do phân Viện đang nghiên cứu. Sau đó mỗi đứa bắn đi một chốt. Tôi thì ở chốt trên đỉnh Yên Tử hơn 9 tháng. Thời đó tôi có thể chạy một lèo từ trên đỉnh chùa Đồng xuống dưới chân núi, thật tuyệt vời, bây giờ nghĩ lại sao thèm cái sức khoẻ thời đó thế. Anh Ký thì hình như ở Hoành Bồ, các bạn khác trải dài trên biên giới rất khó gặp nhau. Cuộc chiến tranh diễn ra thật ác liệt khi lính TQ tràn qua biên giới vào l7/O2/1979. Chúng tôi lao vào cuộc chiến như những người lính thực thụ, tuy nhiên vì là lính thông tin trên chốt, tôi không trực tiếp ở tuyến đầu, không có cơ hội để bắn súng.

 
Cựu sinh viên K23 trong ngày hội khoa 45 năm 

               Thế rồi chiến tranh cũng dần kết thúc, cũng là lúc chúng tôi được đơn vị tập kết về Viện KTQS, và rồi luc đục, người trước người sau, chúng tôi lại quay về trường học tiếp. Quay về năm l980, tôi vào học K23 nhưng thuộc quân số đoàn 871 BQP. Tôi oai lắm vì đi học mà có lương, lại được phát quần áo hàng năm. Và hơn nữa, tôi tự nghĩ mình giờ thật giống các anh Kl6 quay về học, chắc các bạn lớp K23 nhìn mình thật ấn tuợng. Đặc biệt, cái quyết tâm học sau khi đi lính về thật lớn. Trong tôi đã ý thức được việc học là để bù lại quãng thời gian đã trôi qua trong quận ngũ. Tôi sung Suớng được gập thêm rất nhiều bạn K23. Anh Nguyễn Công Chiến, anh Đỗ Đức Trụ, anh Ðào Minh Tuấn, anh Phạm Dương Minh, anh Nguyễn Xuân Hiếu, anh Lê Kim Luật,... nhiều lắm (có hơn 20 bạn). Và lớp chúng tôi đã tốt nghiệp khoá 23 với kết quả học tập khá tốt. Các anh K23 bây giờ nhiều anh khá thành đạt như anh Đào Minh Tuấn - VCB, anh Phạm Dương Minh - EVN chẳng hạn. Anh Ký thì vào ngành công an. Tôi lại quay trở về quân đội, với quân hàm trung uý. Và thật vui là tôi được về công tác tại Trung tâm Toán máy tính – còn gọi là Bl9 thuộc Viện KTQS, lúc bấy giờ các bạn cùng K20 (anh Chu Kỳ Quang, anh Vũ Tiến Dũng, anh Nguyễn Văn Sơn) cũng đang công tác tại đây. Đúng là quả đất tròn và cuộc đời cũng như các con đường, có nhiều ngả tách ra, rồi đến chỗ nào đó lại chập lại.

               Sau này nghĩ lại những người học hai khoá như chúng tôi thật may mắn nhiều hơn, nếu không kể đến những nỗi vất vả và rủi ro trên chiến trường. May mắn đó là việc được trải qua trường đại học lớn là môi trường quân đội, được ý thức tốt hơn về cái sự học tập của mình trong đại học, được làm bạn đồng lớp của 2 khoá học nên có bạn cùng lớp nhiều gấp đôi, gấp ba. Tôi chợt nghĩ đến chính sách đi nghĩa vụ bắt buộc sau khi hết phổ thông của Singapore, hoặc chính sách học đại học kiểu bánh kẹp của Tây, có 1 năm đi làm giữa các năm học đại học. Học như thế sẽ thu được nhiều kinh nghiệm thực tế, sẽ tạo cơ hội cho học sinh có đợt nghỉ giữa chừng để tự nhìn nhận lại cái “Sự học” của mình, tôi lại lấy đà học tiếp (bởi việc học liên tục 12 năm phổ thông đã khá là dài rồi). Giá mà mọi người đều được học 2 khoá như chúng tôi!

               Thoáng ngày nào mà nay đã 31 năm kể từ ngày bước vào trưòng. Kỷ niệm 50 năm ĐHBK lần này, sẽ thật vui sướng được gặp lại các thày cô, bạn bè, được ôn lại những kỷ niệm vui buồn thời sinh viên. Và trên hết, tất cả chúng ta thật tự hào được là sinh viên Toán Lý, Đai học Bách khoa Hà Nội!


Chia sẻ:

Bình luận của bạn: