15/10/2001 00:00 3285
Điểm: 3.6/5 (5 đánh giá)
K21 một thời sôi nổi

 (K21 Ngày hội Khoa 45 năm)

 
    Cuối mùa thu năm 1976, K21 nhập học vào hai ngày, 30 tháng 10 cho học sinh ở tỉnh khác và 31 tháng 10 cho học sinh ở Hà Nội.

Khi đi qua cổng parabol nổi tiếng, những chàng trai, cô gái chân đi dép lốp cao su, quần áo thường có mầu xanh bộ đội hay công nhân, hoặc các loại vải màu xanh hay xám, không khỏi ngỡ ngàng trước ngôi trường to lớn, hiện đại và đẹp với những khu giảng đường rộng mênh mông, và các phòng thí nghiệm có những máy móc và thiết bị hiện đại, các tốp sinh viên đi lại đổi phòng học sau mỗi môn học, và không khí sôi động của các sân thể thao vào buổi chiều. Tất cả đều mới mẻ. Đó là năm cực thịnh của nền kinh tế bao cấp.

Cảnh vật đã thay đổi hoàn toàn so với ngày đó. Khu giảng đường và phòng thí nghiệm chỉ có các khu nhà C1, C2, C3, C4, C5, C9. Mấy khu nhà B của ký túc xá, và bốn toà nhà A, B, C, D của khu Đông Dương học xá cũ là nhà cao tầng, còn tất cả khu Bách Khoa như một làng ở nông thôn, có các bụi cây và ao hồ, đến nỗi một cựu sinh viên mười năm chưa qua trường được biết họp lớp ở khu nhà ăn cũ của khoa đã không tìm được đường vào.

 Cũng như nhiều khoá trước, hầu hết sinh viên lớp toán K21 của Khoa Toán lý có điểm thi đại học vượt điểm chuẩn đi học nước ngoài (90%). Năm đó, do đề thi khó đều ở các môn nên điểm vào các trường Đại học ở Miền Bắc rất thấp. Lúc đó ở Miền Bắc học hệ phổ thông 10 năm, có thêm một năm học vỡ lòng trước khi vào lớp một, tổng cộng là 11 năm, còn ở Miền Nam học theo hệ 12 năm, có đề thi vào đại học riêng. Những năm trước và một số năm về sau, các trường Đại học ở Miền Bắc thi chung một đề và thí sinh được ghi nguyện vọng vào ba trường Đại học khác nhau. Điểm vào Trường Đại học Bách Khoa năm đó là 14,5, cao nhất trong tất cả các trường đại học ở Miền Bắc, (điểm vào trường Mỏ Địa chất chỉ có 11 điểm, trường Xây dựng là 13 điểm, trường Tổng hợp là 13,5 điểm). Điểm chuẩn đi học nước ngoài là 18 điểm nếu Toán được 5 điểm, và 19 điểm nếu Toán được 4. Trong kỳ thi đại học năm đó, cả Miền Bắc chỉ có khoảng 500 thí sinh đạt được điểm toán từ 5 điểm trở lên.

Sau mấy hôm tập trung với toàn khoá 21 ở hội trường C2 về chính trị và nội quy, sinh viên vào khoa Toán Lý lại phải thi một vòng để kiểm tra trình độ, ai không đạt yêu cầu thì sẽ phải chuyển sang khoa khác, những người qua được vòng thi đó ghi nguyện vọng học lớp Toán hay lớp Lý. Những năm đó trường phân khoa ngay từ khi sinh viên nhập học. Sau khi ổn định lớp xong, thầy chủ nhiệm khoa Nguyễn Đình Trí có buổi nói chuyện thân mật với các sinh viên mới, thầy nói về lịch sử khoa, về những thành tựu khoa học đã đạt được, về những khó khăn trên con đường vươn tới đỉnh cao của khoa học, nhất là trong hoàn cảnh đất nước còn rất nhiều khó khăn, thầy nhắc nhở sinh viên phải vượt qua khó khăn trong học tập, nêu cao tinh thần tự học, sáng tạo và trau dồi đạo đức. Cuối cùng, thầy nói "người thầy giỏi là người đào tạo được học trò giỏi hơn mình" và chúc học trò của mình giỏi hơn các thầy.

Hồi đó, quan điểm xây dựng lâu đài toán học trên nền tảng lý thuyết tập hợp của nhóm các nhà toán học quốc tế dưới tên Bourbaki đang chiếm ưu thế trong việc dạy và học toán của các khoa Toán trên toàn thế giới, vì thế các môn Nhập Môn Toán và Đại Số được dạy cho sinh viên Toán ngay khi mới vào trường để sinh viên quen với tư duy trừu tượng của toán học hiện đại. Đó là một điều rất tuyệt vì đã tạo ra điểm xuất phát như nhau với các sinh viên, làm cho những thành tích học tập ở thời phổ thông trung học không có vai trò gì trên sân chơi mới này. Các môn đó kích thích ngay sự sinh hoạt dân chủ trong học tập khi tìm các ví dụ và phản ví dụ để minh hoạ nội dung bài giảng, và định tính được coi trọng hơn định lượng. Điều này dẫn đến khi học về môn Phương trình vi phân thì cô Quản Việt Nữ phát hiện ra lớp toán K21 tính tích phân rất tồi. Cô hỏi "Thế học giải tích các anh chị làm gì?" "Thưa cô, bọn em học chứng minh các định lý ạ". Với sự dân chủ này, sinh viên K21 mắc tật hay thắc mắc và nói leo.

Không biết từ đâu trong Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội có câu nói "K lẻ đè K chẵn" để nói rằng sinh viên K lẻ thường nghịch hơn sinh viên K chẵn. Không biết điều đó đúng hay sai, song so với các K chẵn đang cùng học trong trường lúc đó, sinh viên Toán K21 được cho là rất nghịch ngợm. Học hành không có điều gì chê trách nhưng nghịch ngợm thì rất lắm trò. Đã thế lại có các bậc đàn anh ở các K trên đi bộ đội trở về hay vì lý do nào đó "tăng ca" cũng thuộc loại nghịch ngợm cả.

Chuyện nghịch ngợm của K21 trở nên nặng nề một phần là do cách xét đoán con người thời ấy. Vào năm thứ hai sau chiến tranh, nền kinh tế bao cấp bắt đầu bộc lộ các khó khăn của nó, nhưng vì đã từng chiến thắng hai đế quốc to nên có một ý nghĩ rất kỳ lạ là dù vật chất có khó khăn nhưng ta đã có một tinh thần ngang tầm thời đại văn minh. Người ta rất hay nâng mọi thứ lên tầm đạo đức để đánh giá lẫn nhau, từ những biểu hiện của tác phong sinh hoạt hàng ngày. Vật chất có thể thua kém, song tinh thần thì ta nhất. Những vật phẩm vật chất từ Miền Nam sống dưới chế độ thực dân kiểu mới thì được chấp nhận nhưng các vật phẩm tinh thần từ Miền Nam thì bị đánh đồng hàng loạt là các thứ phản động đồi truỵ. Các sản phẩm của nền văn minh nhân loại như các tác phẩm của Đôxtôiepxki, Paxtenac, Stenbec cũng như nhiều bản nhạc nhẹ, "nhạc xanh", cũng bị đánh đồng như vậy. Thậm chí các bài hát thiên về tình cảm của các nhạc sĩ Trần Hoàn, Văn Cao, Trịnh Công Sơn cũng bị cho là "nhạc vàng". Cứ nhìn thấy màu sắc loè loẹt và màu giấy in là đoán được ngay kẻ nào tàng trữ, lưu hành văn hoá phẩm đồi truỵ, lạc hậu. Quần áo, xe đạp, búp bê và nhiều vật phẩm tiêu dùng ở Miền Nam giá rẻ, thường những người vào nam mua làm quà ra Miền Bắc. Song cái kiểu quần loe "trên túm dưới toé" không thể sửa được thành kiểu gì, áo có màu sặc sỡ, "áo chim cò", pha ny lông không thể nhuộm được sang màu xanh hay xám để hoà mình với quần chúng được. Mặc những thứ đó rất dễ làm gai mắt người khác. Có sinh viên Toán K21 có người nhà nghiên cứu về văn học Phương Tây hiện đại có bộ sưu tập các tác phẩm phục vụ cho công việc nghiên cứu khá lớn, đã mang các sách đó đến lớp cho các bạn đọc. Nhưng tai hại nhất là sinh viên Toán K21 thỉnh thoảng lại đàn hát và uốn éo nhảy nhót với nhau, ngay ở ký túc xá. Các ban nhạc ABBA, BONEY-M đang ở thời cực thịnh, mà mỗi khi nghe được các bài hát của các ban nhạc đó thì chân tay khó để yên được.

 Ở trong ký túc xá, mỗi phòng có hai chiếc bàn chân sắt, mặt đá, dùng để vẽ kỹ thuật, song dân toán thì không phải vẽ, thế là chúng có công dụng mới, mỗi khi trong phòng ai may được chiếc quần hay chiếc áo mới thì tất cả đều phải ướm thử đứng lên "sân khấu", hai chiếc bàn kê liền nhau, đi vài vòng theo kiểu đi "không bình thường", uốn éo theo tiếng nhạc từ mấy cây ghi ta gỗ. Đó là điều tối kỵ vì hoàn cảnh lúc đó, khi ở ngoài phố, nếu mấy thanh niên bật nhạc mà nhảy nhót với nhau thì sẽ được mời ngay lên đồn công an, làm bản kiểm điểm, có giấy về ngay cơ quan, xí nghiệp, hay trường học của các đương sự vì mắc phải tội tày đình: đàn đúm đồi truỵ, lạc hậu, buông thả, không thể chấp nhận được dưới con mắt của các nhà canh giữ đạo đức hồi đó.

Không chỉ nghịch với bên ngoài mà còn nghịch với bạn cùng lớp nữa. Trời nóng khó ngủ, dù là đang tuổi ăn tuổi lớn, các chàng tìm mọi cách có được chút gió mát bằng cách mượn hay mua chiếc quạt điện từ gia đình. Một chàng được bà chị ở nước ngoài về cho cái quạt điện nhỏ orbita của Nga và lấy làm đắc ý vì có thể ngủ được ngon lành. Vào lúc giấc đang nồng thì thấy nóng quá, tỉnh dậy không thấy quạt đâu, lạnh toát người "chẳng lẽ có trộm mò vào", nhỏm dậy định hô hoán lên thì thấy cửa vẫn đóng, bật đèn lên thì thấy gã ở giường bên cạnh đang yên giấc với chiếc quạt của mình, Chàng tức quá, nghĩ "mình thì to xác, gã thì nhỏ bé, không biết người to xác nóng như thế nào, mất dậy, phải trị", chàng dựng gã hàng xóm lên bin cho gã hàng xóm vài quả, bạn bè can ngăn ồn ào nhưng không khỏi cười thoải mái; trước tang chứng rành rành, gã hàng xóm ma lanh không nói gì, nhưng hẳn là gã đã làm được việc mà chẳng ai có thể quên nổi khi góp thêm tiết mục mới vào kho chuyện nghịch ngợm của lớp toán.

Đã nghịch ngợm lại còn lý sự khi mặc quần loe, để tóc dài: "Thanh niên các nước Xã hội chủ nghĩa khác cũng như vậy thì sao". Khi tóc dài bị phê bình thì cắt gần trọc nhưng để lại tí gáy và tí mai. Sinh viên Toán K21 trở thành những kẻ "bất trị". Khi các anh ở K18 đi nghĩa vụ quân sự trở về thì lãnh đạo khoa rất mừng vì có người làm gương cho lớp toán K21. Nhưng không ngờ lại có thêm những kẻ "lạc hậu có lối sống buông thả", làm cho K21 có thêm tiết mục nghỉ học với lý do không được chính đáng lắm là vin cớ tham gia cổ vũ các hoạt động văn nghệ thể thao ngoại khoá, hay nói nôm na là nghỉ học đi chơi. Khi đội bóng của Khoa Toán Lý gặp đội đại kình địch Khoa Động lực thì ngoài một số anh em đội bóng, hầu hết anh em K21 tự cho nghỉ học đi làm cổ động viên. Cổ vũ được vài phút thì đã thấy ngứa chân, lại vào Bộ môn Thể dục mượn bóng ra đá với nhau. Biết mình đã rơi vào hoàn cảnh không thuận lợi của cái nhìn nhận ấu trĩ một thời nên sinh viên Toán K21 cố gắng học vì thực tế cho thấy là một khi mắc án "cảnh cáo khoa", sinh viên sẽ bị "tăng ca" nếu thi không qua được một môn nào đó.

Những năm cuối của thời sinh viên K21, tâm lý xã hội cởi mở hơn rất nhiều. Vào giữa năm 1979, khi có quyết định cho phép lưu học sinh Việt Nam đang học ở nước ngoài được phép lập gia đình, thì khái niệm "chuyện sinh hoạt" được chấp nhận và trở nên phổ biến. Những điều nghịch ngợm "không giống ai" của K21 được xếp vào loại "chuyện sinh hoạt" không còn quan hệ với đạo đức xã hội nữa, tự nhiên Toán K21 không còn là đối tượng được xem xét nữa, và cũng tốt nghiệp đại học một cách bình thường như các khoá khác.

Nghịch thì nghịch nhưng sinh viên K21 biết nhận trách nhiệm về mình, biết bảo vệ bạn khi cần thiết dù có khi gặp điều không hay với mình.

Năm 1979, khi đi lao động xây dựng phòng tuyến Sông Cầu, thấy các bạn nữ trong lớp không có chỗ tắm giặt, nhà dân không có nhà tắm, mà có tắm thì ra sông, với tư thế của Ađam và Eva nên có nam sinh viên đã khuyên các bạn nữ về Hà Nội tắm giặt. Lúc đó các đơn vị đi lao động biên chế thành đại đội và trung đội. Một cán bộ đại đội, học lớp Lý cùng khoa Toán lý, đem việc đó ra phê phán và đề nghị có hình thức kỷ luật nặng với các bạn nữ, và rắp tâm đẩy nam sinh viên đó đến mức kỷ luật khai trừ ra khỏi đoàn, từ đó sẽ dẫn đến mức đuổi học nam sinh viên đó sau cuộc mạt sát của hai người với nhau. Của đáng tội nam sinh viên đó có những lý lẽ không thể bác được về mặt tình người, nhưng cũng quá lời khi nói cán bộ đó lười lao động, chỉ biết chỉ tay năm ngón, lại còn ra vẻ ta đây, hình như lại nhấn mạnh thành tích học tập khiêm tốn của vị sinh viên kiêm cán bộ đó nữa. Sự việc được giải quyết êm thấm nhờ sự dàn xếp có lý có tình của một thương binh học cùng lớp Lý đó, cũng ở trong ban chỉ huy đại đội. Hiện nay người thương binh cựu sinh viên nhân hậu đó đã không còn nữa, hẳn là ở thế giới bên kia linh hồn anh rất thanh thản.

Sau này ra trường, hầu hết các sinh viên Toán K21 đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, và họ tự hào rằng trong thời sinh viên, họ đã sống trung thực với chính mình. Từ  năm thứ ba, lớp Toán K21 phân thành hai lớp theo hai chuyên ngành Toán Tính và Toán Điều khiển, song vẫn có nhiều môn học chung với nhau. Tập thể lớp gắn bó với nhau sau khi là cựu sinh viên, không phân liệt theo chuyên ngành nào. Tình cảm họ giành cho trường, cho khoa rất sâu nặng. Họ đã được sống cuộc đời sinh viên trong những năm tháng tốt nhất của thời bao cấp. Họ đã được hưởng đặc ân của xã hội, và ngành học của họ cho phép họ có được một cuộc sống hiện giờ khá đồng đều với nhau, thuận lợi hơn các bạn cùng khoá của họ ở nhiều khoa khác. Họ mong muốn cựu sinh viên trong lớp và trong khoa đoàn kết hơn với nhau.

Cùng với thời gian trôi qua, những gì thực sự có ảnh hưởng lớn lao đối với cuộc đời mỗi người đã trở nên rõ ràng. Sau khi ra trường cựu sinh viên phải học rất nhiều điều để làm được các công việc luôn thay đổi của mình. Dù nhiều lần là sinh viên, nhưng trường đại học đầu tiên bao giờ cũng có ý nghĩa đặc biệt. Và khi nhớ về những gì đã được học trong khoa thì những hình ảnh và các câu chuyện của các thầy trên lớp lại là các bài giảng được nhớ nhất, có ý nghĩa nhất.

Hình ảnh của các thầy trong khoa luôn được các cựu sinh viên ghi nhớ và nhắc đến. Mỗi thầy có một phong cách. Học kỳ một năm thứ nhất, thầy kim Cương dạy môn "Nhập môn toán". Khi bắt đầu bài giảng thầy Kim Cương chia bảng ra làm hai, một bên nêu các vấn đề trong bài giảng, và thầy bình thản giảng bài, những gì cần phát triển thêm thì thầy ghi vào phần bảng còn lại, hết giờ là kín cả hai bảng. Thầy nhắc nhở sinh viên khi học tập hãy cố nắm được tinh thần của bài giảng, nắm được thực chất vấn đề, thầy nói rằng sau này thì sẽ quên đi rất nhanh các công thức, các công trình khoa học, kể cả luận án Tiến sĩ: nếu cần tri thức nào thì có thể tra ở sách. Nắm được tinh thần thì sẽ giúp định hướng được trong các vấn đề được đặt ra, qua đó thấy được cả rừng cây chứ không chỉ các cây riêng lẻ, nhất là tránh được các ảo tưởng không đáng có về các thành quả đạt được.

Học kỳ hai năm thứ nhất, thầy Tạ Văn Đĩnh dạy môn giải tích. Đây là môn học sinh viên đã ít nhiều biết đến trong những năm học phổ thông nên việc tiếp thu bài giảng không đến nỗi khó khăn lắm. Vì vậy chúng tôi rất ngạc nhiên thấy thầy trầm tĩnh giảng bài mà lại như đang cố gắng làm việc gì đó rất khó nhọc và có cách nhấn đặc biệt vào các chi tiết của bài giảng dường như thầy đang chuyển tải một cái gì đó sâu xa cho sinh viên. Năm thứ ba, thầy còn dạy chúng tôi môn "Phương pháp tính". Khi không còn học thầy nữa, chúng tôi có đọc một bài báo của một giáo sư già người Nga, (hình như là giáo sư Phích ten gôn, tác giả bộ sách "Giải tích toán học" lừng danh), suốt bốn mươi năm chỉ dạy giải tích toán học, môn nữ hoàng của toán học, ở một trường đại học tổng hợp và một trường đại học kỹ thuật, nói là suốt hơn bốn mươi năm đứng lớp đó, trước khi vào lớp, bao giờ ông cũng chuẩn bị bài cẩn thận, vậy mà mỗi khi hết giờ, người ông ướt đầm mồ hôi, và cảm thấy rằng mình vừa làm công việc quá sức mình, thì chúng tôi hiểu thêm được người thầy của mình. Hẳn là mỗi khi giảng bài cho sinh viên, thầy đã hiểu  thêm được tầng triết lý sâu thẳm của mỗi khái niệm, mỗi công thức, mỗi lập luận và những điều đang tranh cãi về cơ sở toán học của chúng trong các trường phái toán học khác nhau và thầy cố làm cho sinh viên hiểu được những điều đó để họ thấy rằng dù nội dung bài giảng có vẻ đơn giản nhưng đó là một thành quả lâu dài của văn minh nhân loại mà ý nghĩa luôn luôn được khám phá lại. Thật đáng tiếc là khi học thầy, chúng tôi đã bỏ lỡ cơ hội hỏi thầy. Về mặt tâm lý, những người có khả năng ăn nói trơn tru có thể dễ giành được thiện cảm của người nghe nhưng người nghe rất dễ quên những điều đã nghe được. Vì thế để chuyển tải một cái gì sâu xa diễn giả cần có một độ vấp nhất định thì mới gây được sự chú ý và đáng nhớ cho người nghe. Thầy là một hình mẫu sinh động về cách làm cho bài giảng đạt được tầm triết học của vấn đề, điều mà mãi về sau khi không còn học thầy nữa sinh viên mới hiểu được. Vậy mà hồi học thầy, thấy thầy hiền, vin cớ đi cổ vũ đội bóng của khoa, chúng tôi đã bỏ tiết học của thầy để đi đá bóng.

Bài giảng của thầy Nguyễn Đình Trí toát lên phong thái hàn lâm, khúc triết từ nêu vấn đề và sự phát triển lô gic của vấn đề, tầm cỡ vấn đề và các thực tiễn đặt ra rõ ràng đến các chi tiết.

Trong lúc giảng bài, thầy Bùi Minh Trí khi dạy không chỉ truyền đạt mà còn thuyết phục sinh viên theo phong cách rất truyền cảm, dường như đằng sau các ma trận khô khan của quy hoạch tuyến tính là các thực thể rất sinh động.

Khi giảng bài thầy Hộ có vẻ rất đường bệ đã làm cho sinh viên thấy được sự vững vàng trong lập luận khi va vấp với các điều ngẫu nhiên cần phải như thế nào.

Với giọng nhè nhẹ hào hoa, thầy Nguyễn Hồ Quỳnh để lô gic của vấn đề lôi cuốn sự tiếp thu của sinh viên.

Thầy Thái Thanh Sơn có cách đi thẳng vào vấn đề và triển khai vấn đề rất thực tiễn...

Trong những năm tháng K21 theo học ở trường có ba người thầy hay giành thời gian nói chuyện với sinh viên ngoài nội dung bài giảng.

Năm thứ nhất, thầy Phan Hữu Sắn dạy chữa bài tập môn Đại số, thầy hay kể chuyện cho chúng tôi nghe về đất nước bạch dương, Nước Nga, về những buổi chiều hè trên đồi Lê Nin ở Maxcơva, thủ đô Liên Xô, nơi có trường đại học danh tiếng Lô mô lô xốp mà thầy đã theo học, các sinh viên quốc tế thường nhào xuống sông đào Maxcơva bơi lặn, "Chiều Maxcơva" đẹp thanh bình đến mê hoặc lòng người. Thầy nói chuyện về cuộc đời sinh viên, và nói về văn học Nga, dường như với thầy, am hiểu văn học thì được sống thêm một cuộc đời thứ hai, một cuộc sống mà không có sự am hiểu nhất định về văn học nghệ thuật là cuộc sống sẽ mất đi rất nhiều niềm vui tinh thần và sẽ chịu nhiều thiệt thòi vì sẽ không làm chủ được ngôn từ, không biết diễn đạt các cung bậc tình cảm của mình như thế nào. Đối với thầy, những tinh hoa của nền văn học nghệ thuật cần là hành trang không thể thiếu của sinh viên.

Năm thứ hai, thầy Hoàng Văn Phong dạy chúng tôi môn vật lý đại cương. Trong giờ học và giờ nghỉ, thầy hay nói chuyện về các nhà khoa học, các giai thoại trong giới khoa học, các phương pháp học tập và nghiên cứu khoa học, các tiêu chuẩn đánh giá sự sáng tạo trong khoa học, và thời sinh viên ở nước ngoài học tập và nghiên cứu như thế nào. Qua các câu chuyện của mình, thầy muốn nói lên rằng sự ra đời của tri thức mới khó khăn như thế nào mà điều quan trọng là phải tự học, tự nghiên cứu để có được sự dũng cảm khi hoạt động sáng tạo trong khoa học, từ cách đặt vấn đề khác thường tới cách giải quyết vấn đề theo cách chưa từng biết. Những vấn đề thoạt tưởng đơn giản thì cách giải quyết thường đòi hỏi những quan niệm khác thường, thậm chí ngược với những điều người ta thường nghĩ. Tuyệt vời nhất là câu chuyện thầy nói về thiên tài Anhxtanh nói rằng không nhà vật lý nào ảnh hưởng đến ông bằng nhà văn Nga Đôxtôiepxki, tác giả nhiều cuốn tiểu thuyết lừng danh như "Tội ác và trừng phạt", "Anh em nhà Caramarôp", "Chàng Ngốc". Tiểu thuyết gia Đôxtôiepxki đi sâu vào nội tâm con người với những dằn vặt khôn nguôi về thân phận con người muốn thoát khỏi hoàn cảnh của mình. Cảm hứng sáng tạo của những người khai phá con đường mới trong khoa học không chỉ xuất phát từ sự phát triển nội tại của một lĩnh vực chuyên môn mà thường là từ những nguồn thực tiễn sinh động luôn vươn tới sự hoàn thiện. Bể học mênh mông, nếu chỉ học không thôi thì không biết thế nào là đủ cả, nhưng nếu giải quyết vấn đề do mình đặt ra mà vấn đề có tầm cỡ thì các kiến thức đã có nhanh chóng bộc lộ những thiếu sót cần phải bổ khuyết và đó là tiền đề để sáng tạo. Nếu ai đó thấy được một vấn đề được nâng lên tầm triết học thì vấn đề đó xứng đáng để theo đuổi suốt cuộc đời.

Năm thứ ba chúng tôi được học thầy Nguyễn Hồ Quỳnh môn Mô hình kinh tế, sau này còn được học thêm môn Lý thuyết trò chơi vào năm thứ tư. Ở thầy có một phong cách mang đậm nét của các ông đồ xứ Nghệ, tài hoa, mô phạm, uyên bác và chí tình. Khác với các thầy khác hay gọi sinh viên là các anh chị, thầy gọi sinh viên là "bạn". Sau những lúc ghi chép về những thứ được "hình thức hoá", chúng tôi chờ đợi thầy "giải mã" những gì sau các công thức khô khan đó. Thầy đã giành cho mô hình đơn giản nhất sự đánh giá rất cao, "một sự khái quát tuyệt đỉnh thông minh". Chính ở đây thầy đã dạy cho chúng tôi đã thấy được sự khác biệt về Toán lý thuyết và Toán ứng dụng và chân trời rộng lớn của toán ứng dụng như thế nào. Vẻ đẹp nằm ở sự đơn giản. Trong bất kỳ lĩnh vực nào, cả khoa học kỹ thuật lẫn đời sống xã hội, sự hiểu biết sâu sắc gốc rễ vấn đề sẽ vạch ra được những điều cơ bản mà toàn bộ sự phức tạp chỉ là sự biến thiên và tương tác giữa các điều cơ bản đó mà thôi. Thành quả lớn lao nhất sẽ được khái quát hoá thành các công thức đơn giản nhất, mà hàm ý của nó đòi hỏi người tiếp thụ có trình độ không tầm thường. Không phải là các cấu trúc toán học phức tạp, hay các điều rối rắm là đáng quan trọng, vì ở đấy tiềm ẩn rất nhiều điều "nhảm nhí"- từ thầy hay dùng khi phê phán những cái gì giả khoa học. Đơn giản hoá các vấn đề phức tạp và nghiên cứu sâu đến mức độ nào đó thì có thể đưa toán học vào được, dùng các công cụ toán càng đơn giản càng tốt, là bài học có ý nghĩa rất thực tiễn với sinh viên của Khoa khi tiến hành các công việc cụ thể. Có một vài sinh viên suy nghĩ thì hời hợt, kiến thức thì khá khiêm tốn nhưng lại có cái vẻ rởm đời, tự mãn đã nhận được những bài học nhớ đời cần thiết từ thầy. Thầy đã vô cùng từ tốn khi một sinh viên đặt câu hỏi thắc mắc về bài giảng "Đoạn bài giảng tiếp theo sẽ cho thấy câu hỏi của anh bạn là ngớ ngẩn". Thầy nêu kinh nghiệm làm việc có hiệu quả của thầy là trước khi đọc một cuốn sách mới thì thầy thường đọc mục lục và tự hỏi nếu là tác giả thì mình sẽ viết như thế nào.

Bài giảng lớn nhất đã được nghe thầy giảng vào tiết học thứ hai buổi chiều một ngày đầu thu nắng gắt. Đói ăn và nóng bức, gần ba phần tư lớp ngủ gật trong giờ của thầy, thầy vẫn điềm nhiên giảng bài. Đến giờ nghỉ, thầy ngồi xuống bàn thứ hai và nói chuyện. "Hôm nay các bạn đói lắm phải không?". Sức vóc đang độ lớn, ăn uống chỉ có cơm, một tí rau, nhưng không đủ no, mấy ngày chưa nhìn thấy chất đạm nào, nếu được ăn thoải mái thì bốn suất cũng ăn hết, trời nóng đêm ngủ chập chờn, được thầy hỏi như cởi tấm lòng. Sau khi nghe ý kiến của sinh viên, thầy nói về thời thầy đi học, điều kiện vật chất có tốt hơn đám sinh viên của thầy hiện nay, thầy phục anh em vẫn nắm được bài trong hoàn cảnh khó khăn đến vậy. Song bây giờ hoàn cảnh khó khăn chung, thầy cũng phải tự giải quyết khó khăn của thầy để làm việc được, tập yôga để tận dụng tốt hơn khẩu phần dinh dưỡng ít ỏi, đến giờ nhất định, nếu không lên lớp thì phải ngồi làm việc, ngồi trên sàn nhà lấy giường làm bàn, soạn bài, viết bài đăng trên tạp chí nước ngoài. "Phải lạc quan các bạn ạ, già như mình vẫn còn lạc quan nữa là các bạn". Tiết đó thầy không dạy môn học chính nhưng thầy đã dạy chúng tôi bài học đã giúp học trò của thầy vượt qua được hoàn cảnh khó khăn trong những năm đầu là cựu sinh viên, và tiếp tục hữu ích trong cuộc đời của họ. Về sau chúng tôi được biết cũng trong một lần nói chuyện như vậy thầy đã bỏ ra một tháng lương vừa lĩnh cho các sinh viên vì thấy sinh viên của mình đói quá. Dần dần, theo năm tháng, thầy là người thầy được cựu sinh viên nhắc đến nhiều nhất khi ôn lại thời sinh viên; vô tình nhiều cựu sinh viên có cách nói của thầy khi diễn đạt vấn đề gì đó cho người khác. Qua thầy, cựu sinh viên hiểu rằng những người có văn hoá cao, giàu lòng nhân hậu, thực lòng cảm thông, quan tâm tới đồng loại sẽ có ảnh hưởng lâu dài và sâu rộng tới người khác như thế nào.

Trong những năm tháng khó khăn, các thầy hướng dẫn luận án đã lo công ăn việc làm cho các sinh viên của mình và giữa thầy và trò có các tình cảm sâu nặng không dễ nói lên lời.


Chia sẻ:

Bình luận của bạn: