08/11/2016 00:00 2264
Điểm: 3.2/5 (10 đánh giá)
Phát hiện luật kết hợp ...
 

T

rong một dịp quay lại Trường Đại học Bách Khoa học thạc sỹ, tôi có nghiên cứu ứng dụng lĩnh vực Phát hiện tri thức và khai phá dữ liệu và nhận ra rằng bài toán Phát hiện luật kết hợp trong cơ sở dữ liệu, một trong 10 nhiệm vụ Khai phá dữ liệu, là một vấn đề nghiên cứu rất thú vị, còn mới mẻ, gần như chưa có ứng dụng tại Việt nam. Phát hiện luật kết hợp, hiểu một cách “nôm”, là tìm ra các mối liên hệ ẩn giữa các thuộc tính hoặc hành vi của con người hay sự vật, sự việc. Điều này đã thúc đẩy tôi lấy bài toán đó làm nội dung nghiên cứu Luận văn thạc sỹ và thậm chí đã viết một chương trình ứng dụng, áp dụng cho vấn đề của các nhà sách là sắp xếp các kệ sách như thế nào cho tối ưu nhất để kích thích và tăng lượng sách bán ra cho khách hàng, với sự giúp đỡ của thầy và cũng là bạn đồng môn GS. Nguyễn Thanh thủy.

Trong thực tế, có rất nhiều vấn đề cần phát hiện luật kết hợp, cụ thể là câu chuyện mà cá nhân tôi và chắc là có rất nhiều người khác trong quá trình tự phát hiện bản thân đặt ra là người học toán giỏi thì làm nghề gì, việc gì thì phát huy được tốt nhất. Và trong trường hợp của chính tôi, nền tảng toán học đã giúp ích gì cho công việc quản lý doanh nghiệp như thế nào. Đó là nghề nghiệp hiện nay của tôi mà như người ta thường nói là do “hoàn cảnh xô đẩy”, dường như không liên quan đến toán học, tin học là ngành mà tôi đã được học rất nhiều.

Tôi đã vài lần thành lập doanh nghiệp, hoạt động trong lĩnh vực viết, phân phối phần mềm và triển khai các ứng dụng quản lý CNTT, quản trị doanh nghiệp. Công việc hàng ngày của chúng tôi là giải các “bài toán” từ lớn đến nhỏ đặt ra cho doanh nghiệp. Đó là bài toán đầu tư hiệu quả, bài toán xác định phương án kinh doanh có lãi, bài toán phân bổ nguồn nhân lực và trang thiết bị, bài toán quản lý dòng tiền và thu hồi công nợ, bài toán tuyển dụng, thuê nhân công và các bài toán về lương, thưởng,… Việc giải các bài toán diễn ra hàng ngày, hàng tuần, tháng và hàng năm. Yêu cầu là phải đưa ra lời giải tốt nhất thỏa mãn các điều kiện ràng buộc và phải “nộp bài” vào đúng thời gian nhất định. Lời giải các bài toán lúc học ở ngành Toán khóa 22, Khoa Toán lý, Đại học Bách Khoa Hà Nội nếu có sai sót thì chỉ bị Thầy giáo cho điểm kém mà thôi chứ lời giải các bài toán doanh nghiệp đôi khi không được phép sai sót dù một lỗi nhỏ, bởi vì nó liên quan đến vấn đề tài sản tiền bạc, công ăn việc làm, pháp luật và thậm chí cả sự tồn vong của một doanh nghiệp.

Những ai đã từng học ngành Toán, Khoa Toán lý, Đại học Bách Khoa Hà Nội, thì chắc hẳn đều biết rằng đó là môi trường không những học kiến thức văn hóa mà còn rèn luyện khả năng tư duy trừu tượng, khả năng biểu diễn và biến hóa logic trên những con số, hình vẽ và các đại lượng. Người học toán đã “ngấm vào trong máu” cách tư duy logic, tính chính xác và đặc biệt là khả năng sáng tạo, thêm vào đó là tính cẩn thận, chi li và biết suy trước tính sau. Đây chính là những kỹ năng và thói quen vô cùng cần thiết cho một lãnh đạo doanh nghiệp để có thể “giải” thành công được các bài toán thực tế về quản lý và điều hành.

Tuy nhiên, dường như có một qui luật nào đó mà không có nhiều người học toán làm doanh nghiệp và làm doanh nghiệp thành công, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn. Việc phát hiện ra một qui luật như vậy rất có thể hữu ích cho việc hướng nghiệp và cho những ai muốn tự điều chỉnh bản thân để có thể tránh các ảo tưởng, khắc phục nhược điểm và phát huy năng lực, sở trường của mình trong công việc. Tôi cho rằng người làm toán khi chuyển đổi sang một công việc khác cần phải vượt qua được một “vũ môn” của chính bản thân mình để có thể thay đổi nhận thức, linh hoạt cách tư duy, đa dạng các kỹ năng khác để phát huy được các năng lực vốn chỉ là nền tảng và dưới dạng tiềm năng.

Khách hàng của công ty tôi thường là các đơn vị, doanh nghiệp có qui mô vừa và lớn. Trong giai đoạn khởi nghiệp, công ty thường thuyết phục khách hàng dựa trên các tính năng sản phẩm, ưu điểm giải pháp kỹ thuật và chất lượng kỹ thuật của sản phẩm, trong khi các “ông” giám đốc là những người có quyền quyết định lại không hiểu hoặc không quan tâm lắm đến các vấn đề kỹ thuật. Vấn đề họ quan tâm là sản phẩm có đáp ứng được yêu cầu quản lý điều hành của họ hay không, có đem lại lợi ích gì khi đưa vào sử dụng. Ta không nên nói với khách hàng là anh hãy mua đi vì sản phẩm của tôi tốt, mà tốt hơn hãy nói nhiều về những những bức xúc và cách để giải quyết các bức xúc đó, thậm chí những khó khăn phải lường trước và cả những ảo tưởng cần tránh. Cách tiếp cận kỹ thuật, do vậy, thường ít thành công và là thói quen không tốt của nhiều người học toán và làm chuyên môn kỹ thuật chuyển sang hoạt động doanh nghiệp.

Những người học toán giỏi, cũng như lập trình giỏi thường có sự tự cao nhất định bởi vì có giỏi thì mới học những ngành “cao siêu” như vậy. Tuy nhiên, họ lại thường gặp khó khăn khi tiếp cận các vấn đề nghiệp vụ, chuyên môn trong các ngành nghề khác. Bản thân toán học và lập trình sẽ khó có đất phát triển nếu chúng không bám rễ sâu vào thực tế cuộc sống, nên nếu họ muốn thành công, họ cần phải nắm bắt các yêu cầu nghiệp vụ và áp dụng các kỹ thuật và sản phẩm của mình vào.

Bị “xô đẩy” làm chủ một vài doanh nghiệp, tôi đã có hơn 20 năm hoạt động và chuyển giao thành công hàng chục hệ thống phần mềm ứng dụng, trong số đó phải kể đến hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp lớn nhất Việt nam (Vinamilk). Vậy ai là người thực hiện việc chuyển giao này? Đó không phải chỉ là các lập trình viên đơn thuần mà là đội ngũ các cán bộ tư vấn nghiệp vụ và tư vấn kỹ thuật. Tại sao lại như vậy? Một quá trình tin học hóa bao gồm các bước chính: khảo sát, tìm hiểu yêu cầu à phân tích, thiết kế ứng dụng à Lập trình à chuyển giao và đào tạo à đưa vào sử dụng và bảo hành. Các cán bộ thực hiện cần có kỹ năng thực hiện tất cả các bước. Lập trình chỉ là một kỹ năng, một bước không quan trọng trong cả quá trình thực hiện. Nếu một người chỉ biết lập trình thì họ làm được quá ít việc và thậm chí chỉ đóng vai trò “thiên lôi”. Thực hiện quá trình tin học hóa chính là công việc của nhà tư vấn và người lập trình viên thành công phải là người tư vấn thực sự. Từ người kỹ thuật trở thành nhà tư vấn là bước chuyển mình cần thiết của những người học các môn cơ bản hoặc kỹ thuật như toán học, lập trình. Ta chỉ nên coi những kiến thức này là nền tảng phát triển của mình, càng không nên coi đó là đối tượng hay công cụ hữu hiệu để phát triển nghề nghiệp.  

Trên đây chỉ là vài suy nghĩ mà tôi mạnh dạn đưa ra từ kinh nghiệm cá nhân để khẳng định người học toán giỏi sẽ là nền tảng rất tốt để có thể thành công trong sự nghiệp và có thể trở thành những doanh nhân thành đạt.

Nhân đây, tôi cũng xin được bày tỏ lòng biết ơn đến các thầy cô giáo và tự hào đã từng là một học sinh của Lớp Toán khóa 22, Khoa Toán lý, Đại học Bách Khoa Hà Nội và những gì đạt được cho đến ngày hôm nay của tôi một phần nhờ vào sự rèn luyện dưới mái trường thân yêu.

Cuối cùng, tôi cũng hy vọng có một ngày nào đó, ai đó có thể điều tra và phát hiện luật kết hợp của những con em chúng ta học giỏi toán và ngành nghề tương lai và những vấn đề khác, từ đó giúp cho việc hướng nghiệp hiệu quả các cơ sở đào tạo như Viện Toán ứng dụng và Tin học, Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông - Đại học Bách Khoa Hà Nội tiếp tục là vườn ươm những chủ nhân tài năng của đất nước.

Hà Nội, 01/2016

NGUYẾN AN NHÂN – TOÁN K22

 


Chia sẻ:

Bình luận của bạn: