23/11/2017 11:45 2205
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Những trải nghiệm công việc về Toán, Tin, và Quản trị kinh doanh của một cựu sinh viên ngành Hệ thống thông tin quản lý
 Nguyễn Phương Thúy (Thực hiện)

Xin chào các bạn!

Chắc hẳn ở đây rất nhiều bạn sinh viên đang theo học tại Viện Toán ứng dụng và Tin học (Viện Toán UD&TH) và cả các bạn học sinh cấp 3 đang băn khoăn rằng “học Hệ thống thông tin quản lý tại Viện Toán UD&TH sau này ra sẽ làm gì?”. Vâng, bọn mình ở đây hôm nay để giải đáp một phần thắc mắc đó cho các bạn. Vậy nên hôm nay chúng ta cùng đến với cuộc trò chuyện với một cựu sinh viên Viện Toán UD&TH chúng mình, anh Vũ Huy Cương, cùng nghe anh chia sẻ về công việc, cuộc sống hiện tại, đặc biệt là những kinh nghiệm mà anh đã trải qua để có được kết quả như ngày hôm nay nhé!

-        Em chào anh ạ! Anh có thể giới thiệu đôi nét về bản thân và công việc hiện tại của mình không ạ?

Chào em. Anh tên là Vũ Huy Cương, cựu sinh viên K43, lớp Tin Quản lý (1), (ngành Hệ thống thông tin quản lý), khoa Toán ứng dụng (tên gọi trước của Viện Toán UD&TH), trường ĐHBK Hà Nội.

Hiện nay anh đang là Giám đốc Điều hành Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Quốc tế GCS Việt Nam (GCS). Công ty GCS hiện nay chuyên phân phối và bán lẻ cho thương hiệu đồ da Gianni Conti (Italy).

Các mặt hàng của Gianni Conti bao gồm: giày, thắt lưng, túi ví bằng da cao cấp.

-       Anh có thể tiết lộ về chặng đường học tập, và nghiên cứu tại Viện Toán? Và sau khi ra trường, anh đã đi xin việc như thế nào không ạ?

Phải nói rằng kiến thức của Viện mình rất phong phú và rất nặng, do đó đòi hỏi anh phải cố gắng rất nhiều trong học tập.

Cuối năm thứ 4, anh đi thực tập tại Trung tâm CNTT (CDiT) thuộc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông.

Trong quá trình thực tập, anh được giao nghiên cứu về ứng dụng bản đồ trong quản lý mạng ngoại vi tại các Bưu điện tỉnh. Đây cũng chính là đề tài anh làm tốt nghiệp. Đề tài này anh làm chung với chị Vũ Thanh Vân cùng lớp (là vợ anh bây giờ). Không biết anh nhớ có chính xác không, nhưng hình như đây là đồ án tốt nghiệp đầu tiên của Viện mà có 2 sinh viên làm chung với nhau.

Anh thực tập ở CDiT đến khi ra trường và được CDiT mời làm việc luôn.

-      Trong suốt quãng thời gian là sinh viên ở Viện mình thì anh có kỉ niệm nào đáng nhớ nhất về Viện, về thầy cô, anh có thể chia sẻ cho chúng em được không ạ?

3 năm là sinh viên tại Viện là 3 năm có rất nhiều kỷ niệm, anh được sống và làm việc với những con người rất tuyệt vời. Người để lại trong anh ấn tượng sâu sắc nhất là thầy Phan Trung Huy, thầy đã hướng dẫn tốt nghiệp cho anh và chị Vân.

Thầy Huy là một người thầy uyên thâm, rất mẫu mực. Sinh viên khoa Toán thời đó rất ngưỡng mộ kiến thức và kính trọng đạo đức của thầy.

Anh học được ở thầy niềm đam mê trong công việc. Khi đã vào việc thì khái niệm thời gian dường như không còn ý nghĩa đối với thầy, công việc chỉ được dừng lại khi đã hoàn thành được mục tiêu đề ra. Tính cách đó của thầy đã ảnh hưởng nhiều đến anh sau này.

 

Khóa K43 lớp Tin quản lý, Khoa Toán Tin ứng dụng

-     Theo em được biết thì trước đậy anh đã từng làm việc ở công ty chứng khoán BIDV, vậy theo anh, vai trò của toán tin trong lĩnh vực chứng khoán là gì ạ?

Trở lại vấn đề công việc. Sau khi ra trường, anh làm nghiên cứu viên tại Trung tâm công nghệ thông tin thuộc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông (CDiT) 2 năm (từ 2003-2005).

Thị trường Chứng khoán Việt Nam bắt đầu đi vào hoạt động từ 2000, đến năm 2005 vẫn còn rất sơ khai. Năm 2005, Công ty chứng khoán BIDV tuyển nhân sự ngành Toán tin, Hệ thống thông tin quản lý để làm Phân tích kỹ thuật trong chứng khoán. Anh ứng tuyển và may mắn đỗ.

Trong đầu tư chứng khoán có 2 trường phái phân tích: phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật.

Phân tích cơ bản là phân tích dựa vào các báo cáo tài chính của doanh nghiệp để đưa ra được những nhận định về tình hình tài chính của doanh nghiệp, xác định được giá trị thực của cổ phiếu, từ đó đưa ra những quyết định đầu tư (mua, bán hay nắm giữ). Khi tuyển nhân sự thì các công ty chứng khoán hay hướng đến sinh viên khối kinh tế, tài chính cho công việc này.

Phân tích kỹ thuật là phân tích dựa vào các số liệu là giá và khối lượng giao dịch trong quá khứ để dự đoán giá cổ phiếu trong tương lai. Công việc của anh là xây dựng mô hình toán để làm công việc phân tích này. Việc xây dựng mô hình toán để phân tích chứng khoán rất phù hợp với người học Toán - Tin, vì người học Toán - Tin rất nhạy với các con số. Thêm vào đó, với những kiến thức lập trình được học trong trường và tích lũy trong 2 năm làm việc nên anh tiếp cận công việc khá nhanh.


 

Anh Cương trong thời gian làm việc ở công ty chứng khoán BIDV

 
Anh Cương trong thời gian làm Chủ tịch Công ty Chế biến bột đá CaCO3 Bắc Cạn
 

-      Em rất ngưỡng mộ về những gì anh đã đạt được, hiện giờ anh đã trở thành một Giám đốc điều hành công ty CP Đầu tư và Thương mại Quốc tế GCS Việt Nam, anh có thể chia sẻ về vai trò của kiến thức tin và kinh tế trong quản trị doanh nghiệp không ạ?

Đến thời điểm này, anh ra trường đã là 14 năm. Trải qua từng đó thời gian, kiến thức được học đã trở thành kỹ năng của bản thân, do đó, rất khó để định hình rõ về vai trò của kiến thức tin và kinh tế trong quản trị doanh nghiệp.

Tuy nhiên, anh có thể trả lời em như thế này:

Những kiến thức về hệ thống thông tin anh học được trong trường, những kiến thức về tài chính anh tích lũy được trong quá trình anh làm tại BIDV là những kiến thức nền tảng để anh làm tốt vai trò quản trị doanh nghiệp hiện tại. Với những nhà quản lý khác, có thể họ sẽ cần 1 bộ phận tham mưu về CNTT và tài chính, nhưng anh thì hoàn toàn tự tin trong quản lý vì anh có kỹ năng trong những lĩnh vực này.

Với những doanh nghiệp nhỏ như GCS, việc tinh gọn là vô cùng quan trọng.


 

Anh Vũ Huy Cương (bên trái) chụp tại Showroom Gianni Conti hiện tại

 -      Khi chuyển từ một công ty chứng khoán sang một công ty về thời trang thì anh đã gặp phải những khó khăn trong quyết định thay đổi đó, và anh đã vượt qua những khó khăn đó như thế nào?

Anh xin được tóm tắt lại quá trình công tác của anh để em hình dung được mối liên quan giữa chứng khoán và thời trang:

  • 2003-2005: nghiên cứu viên tại CDiT
  • 2005-2008: chuyên viên phân tích kỹ thuật tại Công ty chứng khoán BIDV. Anh vào được vì anh có kiến thức về mô hình toán và lập trình
  • 2008-2011: trưởng phòng đầu tư Công ty chứng khoán OSC. Thời điểm này anh bắt đầu làm quản lý. Đây là kết quả của tích lũy kinh nghiệm và học hỏi kiến thức về tài chính, chứng khoán trong 3 năm làm tại chứng khoán BIDV
  • 2011-2014: được mời làm Chủ tịch Công ty chế biến bột đá CaCO3 Bắc Cạn. Thời điểm này anh bắt đầu làm sang vai trò lãnh đạo. Đây là kết quả của quá trình phụ trách đầu tư cho Công ty chứng khoán OSC
  • 2012: Trong quá trình làm Chủ tịch tại Công ty chế biến bột đá CaCO3 Bắc Cạn, ở tuổi 32, anh suy nghĩ về việc phải làm cái gì đó cho riêng mình, do đó anh thành lập Công ty CP Thương mại và XNK Ý Việt, chuyên nhập khẩu và phân phối giày da Italy.
  • Đến năm 2016, anh bán Công ty Ý Việt và thành lập Công ty GCS hiện nay.

Việc chuyển từ lĩnh vực chứng khoán sang thời trang, nói thì trong 1 câu rất ngắn, nhưng quá trình đó diễn ra trong vòng 7 năm, từ năm 2005 đến năm 2012 khi anh bắt đầu ra làm riêng. 7 năm này là 7 năm anh tích lũy kinh nghiệm, học hỏi không ngừng, và dần dần đã dịch chuyển tư duy của anh từ người làm chứng khoán sang lĩnh vực kinh doanh, quản lý.

Khó khăn ở đây không phải là từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác, vì việc dịch chuyển lĩnh vực diễn ra trong 1 thời gian khá dài. Khó khăn lớn nhất là việc quyết định chuyển từ làm thuê sang làm chủ. Động lực để anh đi đến quyết định đó là vì anh nhận thấy rằng, nếu làm chủ thì anh sẽ có thể cống hiến được nhiều hơn cho xã hội. Anh sẽ tạo được công ăn việc làm cho một số người, anh sẽ mang được sản phẩm giày da Made in Italy đến với người tiêu dùng Việt Nam.

-      Việc sinh viên ra trường và thất nghiệp đang là vấn đề nan giải ở nước ta, anh nghĩ sao khi có rất nhiều bạn sinh viên ra trường với tấm bằng khá giỏi nhưng lại không thể tìm được một công việc phù hợp chuyên môn và phát triển nó? Anh có lời khuyên gì cho các bạn đó nói riêng và toàn bộ sinh viên viện Toán Tin nói chung không ạ? Đặc biệt là những bạn cũng đang có lựa chọn hướng đi giống như anh ạ.

Vấn đề:

Trong quá trình tuyển dụng, anh nhận thấy rất nhiều bạn sinh viên có bằng khá giỏi nhưng khi giao việc cụ thể thì không giải quyết được. Rõ ràng là đang có 1 khoảng trống giữa kiến thức được đào tạo và nhu cầu thực sự của doanh nghiệp. Xã hội không thiếu việc làm, nhưng sinh viên mới ra trường hầu như không đáp ứng được.

Lời khuyên cho sinh viên để tháo gỡ vấn đề đó:

-       Các em phải xác định rằng, mình học đại học thực chất là đang đi học nghề. Trường hợp thứ nhất: mang kiến thức học được để đi làm nghề. Trường hợp thứ 2: đi dạy. Tùy vào từng trường hợp mà có những hướng phấn đấu khác nhau. Trường hợp thứ 2 thường dành cho những người thực sự xuất sắc và đi theo hướng nghiên cứu. Trường hợp 1 thì phổ biến hơn nên anh sẽ phân tích sâu hơn về trường hợp này.

-      Trường học dạy cho các em kiến thức, nhưng để làm được việc thì cần kỹ năng. Kỹ năng là việc áp dụng lặp đi lặp lại các kiến thức đã học để biến những kiến thức đã học thành của mình. Bằng giỏi chứng minh 1 điều các em hoàn thành tốt việc học trong trường, có kiến thức tốt, nhưng nếu các em không xin được việc vì đa phần các em thiếu kỹ năng làm việc.

Vậy làm sao để các em có được kỹ năng tốt ngay từ khi mới ra trường để các em có thể làm được việc ngay?

-       Điều đầu tiên các em cần có cho mình 1 mục tiêu: muốn làm về lĩnh vực gì sau khi ra trường, càng chi tiết càng tốt. Thường mục tiêu này sẽ phải có từ năm thứ 3. Sau đó, các em cần phải xin vào làm không lương cho các Công ty liên quan đến mục tiêu nghề nghiệp của mình. Nhất định không đi làm để cho có, để cho giống bạn bè, để cho vừa lòng ai đó. Việc đó sẽ rất mất thời gian. Vừa đi làm, vừa học hỏi, vừa đem những vấn đề khó ở Công ty về hỏi thầy cô trong Viện, chỉ 1 năm sau là các em sẽ đầy đủ kỹ năng cần thiết, khi đó tốt nghiệp là vừa.

-       Các em sẽ phải có 1 kỹ năng sắc bén cụ thể nào đó trước khi ra trường, đừng chung chung, cái gì cũng biết nhưng cái gì cũng không biết. Ví dụ: đừng chỉ dừng lại ở khái niệm database chung chung, hãy đặt ra cho mình mục tiêu phải thành thạo về Oracle trước khi ra trường.

-       Hãy cho mọi người biết mục tiêu mình, như vậy mọi người sẽ biết đường giúp em. Ví dụ ngay từ năm thứ 3, em có mục tiêu sau khi ra trường sẽ làm lập trình Java tại FPT. Hãy nói mục tiêu đó với các thầy cô trong Viện, với bạn bè, với những người quen đang làm ở FPT… Như vậy, khi nghe đến từ khóa “lập trình Java”, “FPT”, mọi người sẽ lập tức nghĩ đến em và giúp đỡ em nhanh chóng hoàn thành mục tiêu của mình.

Mình là sinh viên về Toán Tin của một trường Đại học hàng đầu Việt Nam, mình không được phép thất bại.

-     Câu hỏi cuối cùng em muốn dành cho anh là anh có dự định gì trong tương lai không ạ?

Mục tiêu trong vòng 10 năm tới của anh:

-      Đưa GCS trở thành Công ty phân phối và bán lẻ lớn nhất cho thương hiệu Gianni Conti tại Việt Nam (5 cửa hàng tại Hà Nội; 5 cửa hàng tại TP HCM);

-        Có 1 thương hiệu giày da của riêng GCS;

-        Niêm yết GCS trên sàn chứng khoán.

Người ta nói rằng: có được 1 mục tiêu rõ ràng là đã thành công 1 nửa rồi.

Em tin rằng, sau khi lắng nghe những chia sẻ của anh, các bạn sinh viên sẽ có thêm nhiều bài học, nhiều kiến thức về định hướng nghề nghiệp, và vững niềm tin hơn trên con đường đã lựa chọn.

Cuối cùng, em chúc anh và gia đình sức khỏe, công tác tốt . Chúng em hi vọng rằng trong những buổi gặp mặt và hướng nghiệp cho sinh viên trong Viện, chúng em sẽ có dịp gặp và trò chuyện trực tiếp với anh, với các anh chị cựu sinh viên thành đạt của Viện để có thể lắng nghe nhiều hơn nữa những chia sẻ quý báu, giải đáp những thắc mắc, để chúng em học tập và làm việc tốt hơn.

Em cảm ơn anh đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn hôm nay!

Em chào anh ạ!

 

(1) Trong giai đoạn từ khóa K41 đến K48, Viện Toán ứng dụng và Tin học đào tạo 2 ngành, mỗi ngành có 1 lớp, đó là lớp Toán Tin (ngành Toán Tin ứng dụng nay chuyển đổi thành Toán Tin) và lớp Tin quản lý (ngành Hệ thống thông tin quản lý). Chương trình đào tạo ngành Hệ thống thông tin quản lý thời kì đó có trang bị một số kiến thức về kinh tế, song còn rất ít, đòi hỏi sinh viên sau khi tốt nghiệp phải tự học hỏi nhiều khi làm thực tế tại các doanh nghiệp. Hiểu được điều đó, đến nay, chương trình Hệ thống thông tin quản lý của Viện đã được cải tiến, cập nhật hiện đại hơn, trang bị nhiều hơn kiến thức về Kinh tế, Kinh doanh, Quản lý, Marketing, bên cạnh khối kiến thức về mô hình Toán và công cụ Tin học.
 

Chia sẻ:

Bài viết khác

Một cựu sinh viên Toán Tin với vai trò Giám đốc Trung tâm CNTT của Ngân hàng

Một cựu sinh viên Toán Tin với vai trò Giám đốc Trung tâm CNTT của Ngân hàng

  • 22/11/2017 14:35
  • 1966

Anh Bùi Ngọc Tùng, cựu sinh viên K39 lớp Toán Tin, hiện là Giám đốc Ban CNTT, Ngân hàng liên doanh Việt Nga. Hãy nghe anh chia sẻ về những lĩnh vực công việc tại ngân hàng rất phù hợp với sinh viên ngành Toán Tin. Ưu thế của sinh viên Toán Tin khi ra trường là gì? Theo anh: "Đó chính là tư duy để giải quyết vấn đề. Đấy là cái cao nhất mà các thầy cô đã trang bị cho mình. Khi có nó rồi thì bất kể là môn nào, hay lĩnh vực nào sinh viên cũng đều có thể "xâm nhập" được. Viện Toán là nơi đào tạo và rèn luyện tư duy tốt nhất!"