27/03/2016 14:17 1718
Điểm: 3.25/5 (4 đánh giá)
K16

Hoàng Phú Nhuận

 

               Năm 1971 miền Bắc lụt to lắm. Đê Cống Thôn bị vỡ, nước tràn ngập cả vùng Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, tuy vậy cuối mùa thu năm ấy K16 vẫn được triệu tập.

               Hồi đó khoa có tên là khoa Toán Lý, mỗi khoá thường bao gồm hai lớp Toán và Lý. Tuy nhiên K16 chỉ có duy nhất một lớp Toán, còn các anh chị khoá trên và các em khoá liền dưới đều có đủ hai lớp. Tập trung được một ngày, hôm sau các chàng trai từ các miền quê và cả những chàng trai, cô gái Hà Thành được triệu tập đi khắc phục hậu quả lũ lụt. Ngơ ngác và vụng về với công việc mới mẻ - lau máy bị ngập nước do lũ lụt gây ra, song họ làm việc rất chăm chỉ và tận tụy. Hồi đó ta còn nghèo, máy móc quý lắm dù đó chỉ là những thiết bị điện đơn giản hoặc các phụ tùng cơ khí lạc hậu, nhưng những tân sinh viên vẫn miệt mài lau chùi sạch bóng và đóng gói cẩn thận theo hướng dẫn của phụ trách. Không ai bỏ việc và cũng không ai dám nghỉ, thời đó sinh viên sao mà ngoan vậy! Công việc khắc phục hậu quả lũ lụt thì nhiều, song các tân sinh viên chỉ phải làm việc chừng một tháng. Đầu tháng ll bắt đầu bước vào học tập.

               Khoa Toán Lý có thông lệ kiểm tra lại trình độ sinh viên mới nhập học. Thầy Kim Cương đích thân hỏi thi sinh viên vào các buổi tối. Từng học sinh một phải giải một vài bài toán và trả lời một số câu hỏi của thầy. Thực ra thi cử là chuyện bình thường nhưng kỳ kiểm tra ấy để lại trong chúng tôi thật nhiều ấn tượng.

               K16 duy nhất chỉ có một lớp Toán với số lượng ban đầu là 25 thành viên và cũng tương tự như "Who is Who" trong kỷ yếu 45 năm khoa Toán Ứng dụng. Sinh viên trong lớp cũng được bạn đặt thêm tên như: Bình boong, Bình mổ, Hiện cù, Sơn mobilet, Thanh rô, Thu Xe bò, và có cả tên ngoại nữa như Ôp-xi, Sí la... Nghe những tên ghép và tên ngoại ấy thật vui và đến tận bây giờ chúng tôi vẫn thỉnh thoáng nhắc đến.

               K16 nhỏ bé! Sao lại nói thế nhỉ? Sự thực là quân số của chúng tôi bị giảm sút nghiêm trọng trong mùa xuân năm 1972. Thất bại trên chiến trường, năm 1972 Nich-Xơn điên cuồng ném bom trở lại miền Bắc và đầu năm ấy 14 bạn sinh viên K16 đã lên đường nhập ngũ. Một bạn trước đó đã thôi học vì lý do sức khoẻ. Chúng tôi chỉ còn lại 10 người. Một lớp 10 sinh viên thì phòng học dù nhỏ bao nhiêu đối với chúng tôi cũng là quá rộng. Nhưng không sao, dù nhỏ về số lượng nhưng tập thể ấy vẫn sánh vai với các bạn bè và các anh chị sinh viên trong tất cả các hoạt động, từ phong trào Ðoàn đến Văn nghệ, thể thao. Có một kỷ niệm có thể nói là độc nhất vô nhị khi cả lớp 10 người, trong đó có hai bạn nữ được chia đôi để thi đấu bóng đá mini với nhau. Tất nhiên việc trấn giữ khung thành được giao cho hai bạn nữ còn lại các bạn nam đảm nhận vị trí khác. Cuộc đấu không cân sức vì nửa lớp được phân học ngành Toán Tính quá mạnh nên nửa lớp học ngành Ðiều khiển yếu hơn, bị thua đậm tới 4-0 nhưng tất cả đều rất vui. Ðối với chúng tôi trận đấu giao hữu ấy không có ai thua mà tất cả đều được một kỷ niệm đẹp của thời sinh viên.

               Có một kỷ niệm khác mà chúng tôi cũng không quên được, đó là thi học sinh giỏi toán trong sinh viên năm thứ nhất của trưòng. Có ba giải thì lớp K16 chiếm hai giải Nhất Nhì, chỉ còn giải Ba về khoa Ðiện. Nghe nói những năm về sau cuộc thi học sinh giỏi toán của sinh viên năm thứ nhất nhà trưòng chỉ áp dụng cho những khoa khác, còn sinh viên khoa Toán Lý thì không được tham dự vì họ thuộc đội "ngoại hạng"!

               Nhưng con số của chúng tôi không dừng lại ở 10 sinh viên như K39 sau này mà còn tiếp tục biến động. Tất cả tập trung trong năm 1975, năm trước bước ngoặt lịch sử của đất nước. Chúng tôi vẫn nói vui là chính sự rẽ ngoặt quá mạnh đó làm cho tập thể K16 chúng tôi bị bẻ ngoặt theo. Năm đó, anh Nguyễn Đình Chiến tiếp tục lên đường nhập ngũ làm cho quân số của chúng tôi chỉ còn 9, bù lại anh Lê Quang Trung nguyên sinh viên K13 đi bộ đội về bổ sung vào và anh Lý Trung Nhân từ K17 do thành tích học tập xuất sắc (thi xong trước nhiều môn của chương trình) được chuyển lên đưa số lượng K16 lúc đó lên 11. Anh Nhân cũng lại là trường hợp hi hữu duy nhất: Tụt ca từ K17 xuống K16 chứ không phải tăng ca như nhiều trường hợp ta thường thấy. Cả hai đều về ngành Điều khiển nên đã tạo ra sự chênh lệch lực lượng đáng kể Toán tính 4 và Ðiều khiến 7.

               Về anh Lý Trung Nhân thật có nhiều điều để nói. Học hết lớp 7 anh không được tiếp tục vào học cấp III như mọi người mà phải vừa đi làm kiếm sống vừa tiếp tục học bổ túc văn hoá, song cũng chỉ 3 năm sau anh đã hết lớp 10 bổ túc để thi vào đại học như các bạn.

               Ngay năm thi đầu của mình (1971) anh đã đạt số điểm tuyệt đối nhưng không được gọi đi học vì là người Việt gốc Hoa. Năm sau lại thi và anh cũng đạt điểm tuyệt đối (30/30), anh được Giáo sư Tạ Quang Bửu (khi đó là Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyện nghiệp – Bộ Giáo dục và Ðào tạo ngày nay) bảo lãnh cho học nên mới được gọi vào K17 để rồi sau hai năm học anh chuyển lên K16 với chúng tôi. Trong một buổi xemina toán học về 10 bài toán chưa giải được trong đó có bài toán của Fecma, gồm rất nhiều người danh tiếng như Giáo Sư Hoàng Tụy, Giáo sư Nguyễn Ðình Trĩ, Tạ Văn Đĩnh, Nguyễn Văn Đạo và nhiều tiến sĩ toán học khác cùng các thầy và sinh viên năm cuối của khoa, Giáo sư Tạ Quang Bửu nói: "Chúng ta, những người ngồi đây, trong khi nhiều người còn chưa biết hoặc biết rất ít về 10 bài toán chưa giải được thì cháu Nhân (chỉ Lý Trung Nhân) đã rất hiểu về những bài toán ấy và đang nghiện cúu chúng"! Luận Văn tốt nghiệp của Nhân cũng chỉ là một trong những luận văn ngắn nhất, chỉ vẻn vẹn có 23 trang giấy học sinh viết tay và một sự trùng lặp đến không ngờ chỉ có 23 phút tất cả, luận văn của Nhân được bỏ phiếu 6 điểm 5 trên 6 giám khảo(*). Thời đó còn gian khó lắm, luận văn đều được viết bằng tay thôi chứ làm gì có máy tính để trình bày như bây giờ.

               "Nhỏ bé" về số lượng nhưng thuộc loại bé hạt tiêu đấy vì 100% sinh viên K16 đều tốt nghiệp khá giỏi, trong đó có khá nhiều điểm đạt tuyệt đối 5/5.

               Thời sinh viên, đúng là một thời để nhớ, như các bạn K39 đã nói, K16 với đặc điểm nổi bật là rất gắn bó với nhau, không chỉ lúc học ở trong trường mà cả mấy chục năm công tác sau này vẫn duy trì được truyền thống ấy. Trừ anh Nhân đã định cư ở nước ngoài và anh Trung ở Thành phố Hồ Chí Minh không có liên hệ với lớp (lại là 2 nhân sự bổ sung), còn mọi thành viên thỉnh thoảng vẫn gặp nhau ôn lại tất cả, nhớ về tất cả. Có nhiều buổi gặp còn mở rộng đến cả các bạn cùng nhập học những buổi ban đầu nhưng do đi bộ đội sau đó mà không cùng tốt nghiệp, như các anh Nguyễn Đình Chiến (K19), Thạc Bình Cường, Lê Doãn Phác, Trần Đình Thu, Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Quang Ðạo (K2O),... Song vẫn gọi là cựu sinh viên K16!

               30 năm đã trôi qua, kể từ khi chúng tôi từ giã mái trường Bách khoa thân yêu để hoà mình vào cuộc sống của đất nước, đến nay tất cả các mái đầu của cựu sinh viên K16 đã điểm bạc. Song mái trường Bách khoa vẫn thiết tha, gần gũi và gắn bó với chúng tôi, những cựu sinh viên khoa Toán. K16, một trong những lớp có số lượng nhỏ bé, nhưng những gì mà tập thể ấy đạt được, những tình cảm tập thể ấy tạo dựng được thì không hề nhỏ bé và mãi mãi đáng trân trọng, đáng nhớ.

 
 
 
(*) Bách khoa nhiều năm về trước dùng thang điểm 5 

Chia sẻ:

Bình luận của bạn: