20/05/2016 17:37 1563
Điểm: 3.11/5 (9 đánh giá)
K20 Toán - Một vài gợi nhớ

Đặng Mạnh Phổ

 

   Đã hơn 30 năm trôi qua kể từ lần đầu tiên những sinh viên K20 Toán chúng tôi được bước chân đến giảng đường Đại học Bách khoa Hà Nội. Dường như lịch sử đã dành cho lứa K20 chúng tôi chứng kiến và trực tiếp dự vào những sự kiện quan trọng của đất nước. Nhập học năm 1975 - năm đại thắng mùa xuân, thống nhất đất nước. Tốt nghiệp năm 1980, gần như toàn bộ anh em chúng tôi vào quân ngũ tham gia bảo vệ Tổ quốc ở biên cương phía Bắc, biên giới Tây Nam và khắp mọi miền đất nước theo lệnh tổng động viên cục bộ. Anh em chúng tôi cũng là những người được tham gia góp phần vào công cuộc đổi mới ngay từ những ngày đầu tiên, cũng trải gian khó, cùng phấn khởi trước những thành công, cùng trăn trở khắc phục trở ngại, vượt qua thất bại trong tiến trình đi lên của đất nước… Tháng 10/1976 sinh viên K20 đương nhiên là được chứng kiến và trực tiếp tham dự kỷ niệm 20 năm thành lập Đại học Bách khoa Hà Nội. Và bây giờ thì đã là kỷ niệm 50 năm thành lập trường.

Từ bấy đến này là cả một chặng đường, anh em K20 Toán nhiều người tóc đã bạc, có người đã “lên ông lên bà” - có cháu nội cháu ngoại, đã bôn ba rất nhiều trên con đường sự nghiệp và trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Rất nhiều năm trong chặng đường ấy anh em K20 Toán không thể tụ tập nhau lại - vì người trong quân ngũ, người ngoài dân sự, vì điều kiện công tác và cả vì những lý do đời thường như bận kiếm sống, gia đình... Nhưng có một điều chắc chắn là chúng tôi vẫn nhớ về nhau. Hôm nay, nhân kỷ niệm nửa thế kỷ ngày thành lập trường, một dịp vui may mắn, xin điểm lại một vài kỷ niệm, thoang thoáng thông tin.

   Đầu tiên phải nói đến là các lady, trái với thành kiến “quỷ Bách khoa…" và “vừa khô, vừa khó (tính), vừa khổ (hạnh)”, hạnh phúc thay K20 Toán có bốn nữ “xinh" viên. Các bạn nữ học thì khỏi chê và cũng vô khối anh mê. Này là Kim Dung, Ngọc Cự “Sông Xanh”, Thanh Huyền và Hồng. Kim Dung không hề viết chưởng mà nay là một doanh nhân thành đạt, chỉ có điều “hình như tớ quên hết toán rồi” - như chính lời Dung tâm sự. Quên thế nào được, chẳng qua toán đã thấm vào trong tài kinh doanh của bạn đó thôi. Những năm gần đây Dung đã xung phong nhận làm đầu mối liên lạc kiêm thủ quỹ cho hội lớp cũ Toán K20. Dòng “Sông Xanh" Ngọc Cự đã lôi cuốn không biết bao nhiêu chàng trai trong lớp nhưng cuối cùng lại dìm đắm một anh chàng khoa Hoá và phải cứu rước hắn suốt đời. Thanh Huyền giờ đây đang làm việc ở tận bên Pháp, thỉnh thoảng “meo“ (email) về cho bạn bè. Huyền có nhớ các anh bộ đội về học thường trêu là “bốn anh lính xe tăng và. .. Huyền” (lấy tích từ tên một phim khá nổi tiếng hồi bấy giờ ấy mà)? Bạn Hồng vẫn tươi màu suy nghĩ ở tận thành phố Dệt. Liên hoan lớp hồi ấy đứt khoát là phải có bàn tay nữ công gia chánh của bạn, đúng không?

Lớp trưởng đầu tiên của Toán K20 là Đặng Mạnh Phổ, chính chắn, người viết bài này. Xin được cáo vài thông tin về mình và cũng xin tất cả anh em, các bạn bỏ quá nếu trong bài có gì còn lờ mờ (chẳng là ngày xưa tên Phổ này đã có công trình nghiên cứu sinh viên về lý thuyết tập hợp mờ) hoặc hơi tếu táo. Ngày ấy, với nhiệm vụ (hay là cái cớ) lớp trường hắn đã đến nhà hầu hết anh em ngoại trú, đến giờ còn nhớ rõ như in nhà Kim Dung ở số 4 ngõ Bà Triệu, nhà Thanh Huyền ở số 7 Hàng Dầu. Sau khi phục vụ trong quân đội 5 năm, hắn chuyển về công tác trong ngành ngân hàng và hiện nay là Tổng giám đốc Công ty cổ phần chuyển mạch tài chính quốc gia Việt Nam, một công ty của các ngân hàng chuyên về chuyển mạch kết nối các mạng lưới thanh toán thẻ mà đôi khi bạn bè vẫn gọi đùa là công ty... chập mạch. Các lóp trưởng khác của Toán K20 có anh Lê Doãn Phác và anh Lê Như Hạnh. Anh Phác là người rất tình cảm và quan tâm đến lớp (quan tâm nhất là các lady). Hiện anh Phác phụ trách quan hệ đối ngoại của Viện Vật lý hạt nhân còn anh Hạnh hình như là giảng viên Đại học Hàng hải, Hải Phòng. Cùng anh Hạnh còn có Nguyễn Ngọc Dũng cũng là giảng viên Đại học Hàng hải. Ngọc Dũng ngày ở nội trú được gọi là “ngỗng vàng”, không nhớ là có liên quan gì đến truyện cổ Grim hay không nữa. Bí thư chi đoàn đầu tiên của K20 Toán là anh Đặng Hoàng Duy, một cây ghi ta rất nổi, hiện đang làm chuyên gia IT cho WB ở Washington, Mỹ. Ngày ấy Hoàng Duy còn rất say mê chơi cờ tường (chơi bằng tưởng tượng, không có bàn cờ quân cờ gì hết) và đối thủ ngang cơ của anh lúc đó là Cao Trần Bắc Hà cũng là dân Toán K20. Còn nhớ một vụ thi giải tích hàm, từ sáng đến khoảng 4 giờ chiều cả lớp đã thi gần hết chỉ còn thiếu hai anh. Lớp trưởng Phổ bổ đi tìm tận nhà, thì ra các tướng vẫn đang ngồi chơi cờ tưởng (chơi từ sáng đến lúc đó). Hai anh tá hoả chạy vội đến thi, thế mà vẫn được điểm cao như thường.

   Tốt nghiệp xong, 15/12/1980 một loạt anh em vào quân đội (về sau anh em cũng hay kỷ niệm ngày vào lính này). Tình cờ, Phổ-Quang-Bách-Mạnh-Hạnh, 5 anh em Toán K20 chúng tội cũng về một đơn vị, chia sẻ bao nhiêu ngày quân ngũ. Hiện nay, Quang là cán bộ lãnh đạo của Công ty Tiết kiệm bưu điện, một đơn vị sẽ trở thành Ngân hàng Bưu điện trong thời gian không xa. Hạnh ra khỏi quân đội khoảng năm 1982 và về phục vụ quê hương tại Chi cục Thống kê Thanh Hoá. Nguyễn Đăng Hạnh ngày xưa học khá giỏi và có tài… đi khắp trường trong đêm tối mà vẫn đang ngủ. Bách có lẽ là người học giỏi nhất Toán K20, giờ là “viện sỹ” Viện Toán học Việt Nam. Anh em nội trú chắc sẽ nhớ những dịp nghỉ hè lên Bách chia sẻ những quả vải thiều ngọt lịm của quệ hương Thanh Hà, Hưng Yên. Phùng Đức Mạnh, người đoạt giải chải đầu nhiều nhất trong ngày của phòng nội trú, hiện là cán bộ Liên đoàn Địa chất Khoáng sản (Thanh Xuân - HN). Mạnh là người con của quê hương gốm sứ Bát Tràng và hình như là một chuyên gia luyện thi đại học cừ khôi. Tất nhiên còn nhiều anh em khác vào quân đội. Đến nay vẫn còn đang công tác trong quân đội có Nguyễn Văn Sơn và Vũ Tiến Dũng, đều với rất nhiều sao và vạch trên ve áo. Dũng vẫn nguyên biệt hiệu Dũng “khàn” với chất giọng baritone đặc trưng.

   Lớp Toán K20 có hâu khắp anh em làm IT (bằng tốt nghiệp đại học của chúng tôi lại ghi là “Kỹ sư toán” đấy nhé), chỉ có vài người rời rạc sang lĩnh vực khác. Nghe nói anhTrương Quốc Dũng làm ăn ở Bỉ, từng ứng dụng toán vào việc “vận trù” một restaurant khá to và rất thành công. Đặng Đình Bảo - sinh viên người miền Nam duy nhất của K20 Toán (cựu học sinh trường Nguyễn Vãn Trỗi) thì vận dụng toán vào xây dựng và kinh doanh vật tư. Thời học K20 Bảo đã từng được gọi đi khám tuyển phi công, chỉ trượt ở vòng cuối cùng trong máy ly tâm, chóng mặt không còn biết 2 + 2 bằng mấy nữa. Ngô Thành Trung nghe nói đang làm giáo viên phổ thông trung học ở quê hương Bắc Giang, chắc là dạy môn toán sở trường. Tạ Văn Tự hiện cũng làm ăn ở đâu đó Hungary, không biết có còn hay quan trọng hoá vấn đề như biệt hiệu “ông trầm trọng" ngày trước anh em nội trú đặt cho không? Giang Vũ Thắng hiện làm đại diện trưởng cho một công ty nước ngoài - Công ty Getronics. Thời học K20 Toán, Thắng là cầu nối chân tình ngoại trú - nội trú, nhà Thắng là cơ sở cho những cuộc liên hoan lớp vui ngất trời. Phan Đinh Lợi có công ty riêng - Công ty BITCO) chuyên về tư vấn và tin học. Đinh Lợi nổi tiếng về một mối tình rất sớm (nghe nói từ hồi lớp 1?) lãng mạn, bền và rất có hậu (nghĩa là yêu, lấy và vẫn yêu).

   Gần gũi với khoa, với trường nhất có lẽ là anh Thạc Bình Cường. Đã nhiều năm nay anh liên tục là cán bộ giảng dạy khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Bách khoa Hà Nội, sinh viên của anh có lẽ cũng đến vài nghìn rồi. Thời đi học anh tỏ ra rất tháo vát và hiện nay có lẽ vẫn vậy. Tham gia các vị trí quản lý nhà nước có Đặng Đức Mai - hiện là Cục trường Cục Tin học Thống kê Bộ Tài chính, Nguyễn Văn Xuân - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Tin học Ngân hàng, Trần Đình Thu - cán bộ Bảo hiểm Y tế Hà Nội, Nguyễn Quang Đạo - cán bộ Cục điều tra cơ bản Tổng cục Khí tượng - Thuỷ văn… Anh Xuân thường rất chăm chỉ và tỉ mỉ. Thỉnh thoảng gặp lại, thấy anh Đạo vẫn thế, hiền hậu, chu đáo. Đặng Đức Mai có lẽ sẽ được K23 Toán cũng nhận là người của mình vì đang học K20 năm thứ ba thì Mai đi bộ đội và được quân đội cử về học tiếp ở K23. Tương tự với Mai có Đặng Trần Ký. Hiện Ký là cán bộ Cục Thông tin (E15) Bộ Công an. Bây giờ bạn còn “há mồm ra xuất khẩu thành thơ. . .” nữa không?

   Chắc là không thể kể hết được mọi người, mọi việc của Toán K20 vì chừng ấy người, chừng ấy năm. Chỉ xin điểm qua một vài kỷ niệm và thông tin để gợi nhớ. Xin cảm ơn anh em và các bạn.

 


Chia sẻ:

Bình luận của bạn: