27/03/2016 14:33 1258
Điểm: 3.11/5 (9 đánh giá)

Nguyễn Xuân Hiếu

Bộ Khoa học - Công nghệ (MOST), Hội Tin học Việt Nam (VAIP),

Hội Cựu sinh viên Toán Bách khoa

 

               Xin mượn lời nói thậm xưng của người Tàu để ví von về những tình huống vui sướng điển hình: (mừng như) đang khi hạn hán mà đuợc trời cho mưa xuống, (Vui như) ở nơi đất khách quê người mà được gặp lại người quen cũ, nhất là gặp lại anh/chị/em cựu sinh viên Toán Bách khoa. Tôi là một kẻ lữ hành phiêu lãng, đã may mắn có được khỏang 10 niềm vui như vậy. Nay trong không khí hân hoan mừng Đại Lễ 50 năm thành lập trường ÐH Bách khoa thân yêu của chúng ta, tôi có dịp nhớ lại những cuộc tái ngộ này, như những kỷ niệm đẹp thời “hậu sinh viên”. Xin chép ra đây để chia sẻ những cơn mưa rào đã từng làm tươi mát tình cảm cựu SV ta ở nơi xứ người; Và cũng xin gửi một làn gió mát lành đến nhiều cựu SV đang xa xứ, không có dịp về dự Hội trưòng, Hội khoa dịp 50 năm thành lập:

                        “Thập niên đại hạn phùng cam lộ

                        Lữ thứ ba hương ngộ cổ tri”

                        Từ Bách Khoa ra đi

                        Gập gềnh đường thiên lý

                        Lòng nhẹ vui mỗi khi

                        Gặp đc người chi kỷ

                        Dù rồi lại chia ly

                        Vẫn ngọt chút dư vị...

               1.      Cuộc tái ngộ phương xa đầu tiên của tôi xảy ra đầu 1994, tại một trong những trường ĐH Tổng hợp lâu đời và danh tiếng nhất thế giới - trường ÐHTH Oxford “của” anh Bùi Khánh Hưởng, K16(2) Toán BK. Năm ấy tôi đang theo học sau ĐH tại trường Manchester (MU, nhưng là Manchester University chứ không phải Manchester United). Ngoài bóng đá với “Man đỏ” (MU lừng danh) và “Man xanh” (Manchester City), nơi tôi ở còn nổi tiếng về nhiều mặt khác. Ví như được ghi nhận là TP Công nghiệp hoá đầu tiên trên thế giới, hay là nơi có mật độ sinh viên rất cao, và có số ngày lạnh lẽo và mù sương cũng rất cao,... Ôi, cái thời tiết dễ làm buồn lòng người! Hay nguợc lại, người buồn cảnh có vui đâu bao giờ! Ðang khi tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn, tôi và anh Hưỏng nối sợi dây liên lạc qua email (hồi đó vẫn còn là của hiếm ở nhà); để rồi vào một kỳ nghỉ, tôi bắt xe đò xuống Oxford làm thượng khách của anh. Anh Hưởng đạp xe ra đón tôi tại bến xe liên tỉnh, rồi chở về căn hộ KTX dành cho 3 NCS, gồm 3 phòng ngủ, căn bếp, phòng tắm và hiên, với các trang thiết bị “tiêu chuẩn Châu Âu”. Dịp nghỉ dài nên anh đang độc chiếm cả căn hộ, vì cô Tây (nghe nói rất bốc lửa) và cậu Tây (Cao to, đẹp giai) đã về quê. Hồi chiều, trong khi chở tôi ở bến xe thì anh đã tranh thủ đi chợ, và khi về đến nhà liền đút ngay con gà làm sẵn vào lò nướng, rồi ra ngồi uống bia. Cuộc hàn huyên của 2 anh em phải tạm dừng khi chợt nghe mùi nướng khét; nhưng vì lúc đó đã muộn và lại đang rất đói nên chúng tôi vẫn “gạn cháy, khơi ngon”. Bù lại, những ngày hôm sau tôi được đưa đi khắp College của anh Hưởng và thăm quan những khu chính trong toàn University danh giá, với những ngôi nhà thờ hàng mấy trăm năm tuổi (cũng như Cambrige, Oxford vốn là trường dòng), và thăm cả TP cổ kính, rồi đi dạo bên con sông nhỏ (rất sạch và thơ mộng, tất nhiên, chứ không như 2 đoạn Tô Lịch trong trường ta) chảy thanh bình bên phố và vườn, với những đôi thiên nga cặp kè soi bóng; Con sông này cũng là nơi diễn ra những cuộc đua thuyền hàng năm Oxford vs Cambrige được tổ chức luân phiên tại hai TP,... Tóm lai, đó là rnột Chuyến viếng thàm Oxford rất ấn tượng của một Cựu SV Toán BK là tôi, nhờ vào sự hiếu khách của một Cựu SV Toán BK khác, là anh BK Hưởng.

               2.      Cuộc tái ngộ thứ hai xảy ra ở một khách sạn London: hồi đó qua “Sứ” tình cờ tôi được biết có đoàn Ngân hàng từ trong nước sang, trong danh sách thấy có tên Nguyễn Văn Bình(3). Cùng vào K23. là dân ngoại trú gần nhà, một thời chúng tôi rất thân nhau, nhất là sau này khi Bình mới tốt nghiệp trở về nước. Thời tuổi trẻ ngông cuồng, lại có phần bị mất phương hướng khi “nền kinh tế - xã hội nước ta đang bên bờ vực khủng hoảng”, chúng tôi có nhiều kỷ niệm vui buồn. Vì vậy, khi biết ông bạn cũ đang có mặt tại London, tôi đã tìm gặp. Khi ra mở cửa phòng KS nhiều sao của mình, cán bộ Bình đã ngạc nhiên truớc sự xuất hiện đường đột của một gã Á Đông có bộ dạng đáng ngờ, râu ria lâu ngày không cạo,...

               3.      Còn cuộc gặp sau đích thị là một cuộc tao phùng hạnh ngộ, trên bầu trời Bangkok: Hè năm 1994 tôi khăn gói quả mướp trở về nước sau thời gian du học tại Anh, mang theo cả cái máy tính Compaq đời mới nhất hồi đó (mà chỉ có Cựu SV Toán BK mới quan tâm để mua, còn mấy bạn Việt học cũng là dân kinh tế thường chỉ dùng nhờ, nếu không muốn đạp xe dưới mưa rét để vào Phòng máy của trường). Lúc lên máy bay chặng từ Bangkok về Hà Nội, loay hoay chưa biết cất vào đâu cái túi nặng trĩu cả một màn hình kềnh càng, tôi vừa để tạm nó trên cái ghế trống bên cạnh, thì một người có dáng quan chức tiến đến đòi chỗ. Ô, té ra là Đặng Đức Mai(4). Thật là một cuộc “đụng hàng Cựu SV Toán BK” đầy ấn tượng của 2 người bạn cùng lớp xa cách đã lâu, nay một người đi công tác từ ÚC (bán cầu Nam bay lên), người kia du học ở Anh (phương Bắc bay xuống) lại tái ngộ trên bầu trời Thái Lan.

               4.      Trường ĐH Công nghệ Châu Á  (AIT): Hè 1996 sau ba tháng tập huấn, thăm quan tại Bắc Âu, cũng tức là ba tháng chịu trận đồ ăn Tây khó nuốt, vừa thèm chất Việt dân dã, vừa muốn tìm hiểu thêm về Trường AIT nổi tiếng khu vực, trên đường về nước tôi bèn ghé vào Bangkok, trước là để thăm bạn đồng môn K23 Lê Kim Luật(5), sau là để thăm AIT. Vợ chồng Luật đưa tôi đi ăn các món ăn kiểu Á, rồi hôm sau đưa tôi vào trường. Ở đây tôi gặp lại nhiều người quen biết cũ từ Hà Nội, nhưng không gặp được số khác như Nguyễn Lương Bách - K20, hay Phạm Triều Dương Và Nguyễn Việt Hải – cùng K24,... “Gặp nhau lần nào cũng nhậu”, nhưng vẫn dành thời gian thăm thú cả khu trường nguời, và đêm về vẫn thức để ngồi vào máy, còn tranh thủ copy cac loại chương trình, nén vào mấy cái đĩa mềm mà bây giờ không máy nào còn có ổ đọc. Lang thang một mình trong Campus mênh mộng của AIT, chạnh lòng nhớ về trường ta, nơi phường BK đã vây lấn trường BK, cả khuôn viên rộng lớn thời Ðông Dương Học Xá đã bị băm nát thành ngõ, phố nhôm nhoam. Chợt hồi tưởng lại năm nào nhận trực Tết thay cho tất cả các bạn ngoại trú được phân công, đêm Giao thừa một mình tôi cố thủ ở nhà B13 với chén rượu rẻ tiền, nhấm nháp nỗi cô đơn, lặng nghe tiếng pháo nổ râm ran ngoài phố Bạch Mai vọng vào văng vẳng, xa xăm. Sáng mồng một Tết, trong cả khu trường vắng lặng, vẫn một mình, châm lửa đốt... sông Tô Lịch. Đúng vậy, bên nhánh song nhỏ hẹp nước chở nặng chất hữu cơ, lại gặp phải một đường ống nước chắn ngang nên khí mê-tan / biogas tích tụ đậm đặc, chỉ chờ gặp một mồi lửa là cháy bùng bùng. Lại nhớ, đến tận những năm cuối 70, đầu 80 trong trường vẫn còn rất nhiều khu đất để hoang vắng hoặc trồng chuối, trồng rong giềng,... vẫn được dùng làm bãi tập quân sự. Nay thì các giá trị đã thay đổi hẳn, (đất) làm nhà, mở quán là chính, tập tành là phụ,...

               5.      Mùa Thu 2002 đi công tác ở Malaysia, tôi lại gặp đoàn Ngân hàng Công thương VN, trong đó có chị Đỗ Phương Mai, K15, hiện là Phó GĐ Trung tâm CNTT của NHCTVN. Ngoài cái gốc chung là Toán BK, chúng tôi còn biết nhau trong công việc sau này; và đặc biệt, các cụ sinh ra chúng tôi vốn lại là chỗ đồng môn, đồng nghiệp, đồng đội Quân Y - Dược của nhau từ hồi đầu kháng chiến chống Pháp. Lấn đó, chị Mai và tôi lại có dịp cùng dự tiệc do đối tác chung chiêu đãi trên đỉnh tháp TH Kuala Lumpur; ngắm cảnh người, ngẫm nỗi ta...

               6.      Một lần khác, đi công tác theo Chương trình của Bộ KH&CN, tôi tranh thủ “hội sư” ở Bangkok với đoàn của VAIP8, trong đó có anh Nguyễn Như Thắng, K19(7). Ở đó chúng tôi cùng tham gia một số hoạt động của đoàn như thăm Trung tâm Phần mềm Bangkok, gặp gỡ trao đổi với ông chủ tịch ASSOCIO, v.v... và tất nhiên là phải cùng nhau khám phá Bangkok by Night.

               7.      Đầu năm nay, nhân dịp đi dự CES'O6 ở Las Vegas, Mỹ(8) tôi đã có dịp gặp lại anh Lê Hữu Cát Điền, K16(9), đúng vào ngày Ol/Ol/2006. Ngay truớc Giao thừa Tết Tây, anh Ðiền biết tôi vừa hạ cánh xuống đất Mỹ liền gọi điện, hẹn hôm sau nhất định phải gặp nhau. Sáng mồng một vợ chồng anh Vũ Duy Mẫn (trước là Viện phó Viện CNTT, nay đang làm việc cho LHQ tại New York) đến đón tôi ở KS bên New Jersey, đưa về nhà anh chị ở New Yew. Ở đây tôi được nhậu tưng bừng với những người thân quen cũ, gồm gia đình anh Mẫn - chị Hà, gia đình bạn đồng nghiệp, đồng lứa Quốc Anh – Quế Hương, và tất nhiên là có anh Cát Điền. Ðối với tôi, anh Ðiền là cựu SV đàn anh “kép” vì là người đầu tiên sang học ở Manchester, còn tôi thuộc lứa cán bộ VN thứ ba được cử sang học trường này, trong khuôn khổ của cùng một dự án.

               8.      Gần đây nhất, hồi tháng 03/2006, tôi lại có dịp cùng các anh Ðào Minh Tuấn K23(10), Ðặng Mạnh Phổ K20(11), dự Hội nghị quốc tế FinTech Asia 2006 tại Bangkok. Một lần nữa, tôi lại bay cùng chuyến với Đặng Đức Mai, nhưng theo chiều ngược lại với chuyến bay 12 năm trước khi chúng tôi tình cờ gặp lại nhau như đã kể ở trên. Sang đến Bangkok, cả bốn cựu SV Toán BK chúng tôi đều ngụ tại KS InterContinental, cùng với một số người quen chung khá thân thiết (Chỉ có điều họ “Chưa phải là” cựu SV khoa ta).

               Trên đây là một số cuộc tái ngộ mà chính tôi được can dự vào. Còn có những cuộc gặp gỡ khác, ở nhiều nơi khác, giữa những cựu SV khác với nhau, chắc chắn cũng là những kỷ niệm khó phai mờ đối với những người trong cuộc; Ví như các anh Lê Hồ Khánh K19, Nguyễn Thanh Thủy K22, Hoàng Thế Dũng K23, đã có những lúc cùng ở giữa Mạc-Tư-Khoa nhớ về Bách khoa. Mong sao còn̉ có nhiều dịp gặp các cựu SV BK, đặc biệt là cựu SV Toán, trên những nẻo đuờng đời xa mà gần, trên khắp phương trời “Tây, Ta” bao la!!!

 
  

2 cựu sinh viên Toán BK (Cát Điền – áo thẫm, và NXHiếu – đeo kính) giữa những người bạn (Quốc Anh- từ TT Toán – Máy tính QĐ, và Vũ Duy Mẫn – từ viện CNTT), tại New York, ngày đầu năm mới 2006

 
Thân ái!
Hà Nội, Mùa thi - Mùa World Cup 06 
 
 
 
 
 
1 Bài viết cho Kỷ yếu 50 năm thành lập khoa Toán, ĐH Bách Khoa Hà Nội
2 Hồi còn là sinh viên Toán Điều Khiển, chúng tôi đã nghe chuyện về anh Hưởng như là một giáo viên trẻ và triển vọng của bộ môn Toán Tính: sau này được biết anh sang học tiếp tại AIT; tôi cũng lại gặp lại anh khi anh về làm cho UNDP, trước khi sang Anh với học bổng làm tiến sĩ. Sau này anh Hưởng quyết định không theo đuổi đến cùng việc làm bằng và về lại UNDP, nhưng riêng việc được nhận làm NCS ở Oxford đã là đáng nể lắm rồi.
3 Anh Bình học hết năm thứ nhất Toán Tính K23 thì được chọn để đi Bỉ, nhưng sau này lại phải chuyển sang đi Liên Xô, vì lúc đó Bỉ dừng tiếp nhận SV Việt Nam. Nay Bình là Chánh thanh tra Ngân hàng NN.
4 Anh Mai vốn là SV K20, nhập ngủ rồi lại được quân đội cử quay lại học tiếp K23, sau tốt nghiệp thì vào TT Toán - Máy tinh QĐ, cho đến khi chuyển ngành ra làm Giám đốc TT Tin học của Kho bạc NN Trung ương, nay là Cục trưởng Cục Tin học - Thống kê Tài chính (Bộ tài chính).
5 Anh Luật học Toán Tính K23, sau khi tốt nghiệp thì về Viện Toán, rồi đi học AIT, từ đó sống và làm việc nhiều năm bên Thái. Ở đó, gia đình Luật thường đón tiếp nhiều cựu SV Toán BK, cho đến khi chuyển sang Mỹ từ vài năm gần đây; đầu năm nay chúng tôi cũng được "gặp lại nhau tại Mỹ" qua Email và điện thoại.
6  Anh Thắng, thầy Thái Thanh Sơn và tôi đều là Ủy viên BCH Hội Tin Học Việt Nam (VAIP); trong khi anh Thắng, anh Mai và tôi là VY BCH Hội Tin học - Viễn thông Hà Nội (HanICT).
7 Sau khi tốt nghiệp, anh Thắng có nhập ngũ một thời gian, rồi về công tác tại Tổng cục Khí tượng - Thủy văn, trước khi chuyển ra lãnh đạo các công ty TH và cống hiến cho các Hội nghề nghiệp, các tổ chức phi CP.
8 Sự kiện hàng năm lớn nhất thế giới giới thiệu về các thành tựu điện tử tiêu dùng nói chung, CNTT nói riêng.
9 Anh Điền tốt nghiệp cùng khóa với anh Hưởng, nay đang công tác tại Mỹ. Ngoài tình đồng khoa và quan hệ công tác của tôi và anh Điền, 2 gia đình chúng tôi cũng là chỗ giao hảo từ thế hệ trước.
10 Anh Tuấn hiện là Giám đốc Trung tâm máy tính của ngân hàng Ngoại thương VN (VietcomBank-VCB).
11 Anh Phổ hiện là Tổng giám đốc công ty Chuyển mạch Tài chính QG (BankNet) 
 

Chia sẻ:

Bình luận của bạn: